Heike Monogatari – Một Kiệt Tác Nghệ Thuật.

Bài này chỉ là chút nhận xét ngắn của mình thôi về Heike Monogatari. Bài chi tiết hơn sẽ được ad SUBA gửi đến các bạn trong thời gian không xa.
Quá hay! Heike có một trong những kết thúc đẹp đẽ nhất mà mình được chứng kiến trong những năm gần đây. Một kiệt tác của nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh (visual storytelling). Thậm chí, nếu bạn không quan tâm, hoặc hay biết gì về lịch sử Nhật, về câu chuyện của Heike, thì bạn vẫn hoàn toàn thưởng thức được trọn vẹn những gì tác phẩm muốn truyền tải.
Bạn không cần phải nhớ hết tên những nhân vật quan trọng, hay vai trò của họ trong lịch sử lẫn câu chuyện, lẫn âm mưu chính trị trong tác phẩm phức tạp đến mức độ nào. Không cần thiết, Heike Monogatari dưới bàn tay nữ đạo diễn Naoko Yamada là câu chuyện vi mô về số phận thịnh suy của những con người ở tộc Taira cuối thời Heian lẫy lừng.
Thời kì Heian được xem là giai đoạn rực rỡ nhất của nền văn hóa cổ xưa Nhật khi văn hóa vương triều và cung đình phát triển, cùng với sự xâm nhập của Phật giáo. Chính vì thế, xuyên suốt tác phẩm là sự hiện hữu của triết lý vô thường, thấm đậm nỗi buồn vạn vật “mono no aware” ta đã quá quen thuộc trong văn hóa Nhật Bản.
Điều gì đẹp đẽ thì không bao giờ trường tồn vĩnh cửu, cũng như sự phồn thịnh của tộc Taira vậy. Cái ch.ết được khắc họa như sự luân hồi của vạn vật, vòng tuần hoàn của tự nhiên, không thể chống lại mà hãy học cách chấp nhận. Biwa dù thấy và biết trước được kết cục của những người trong dòng tộc Taira cô thân quen, dù không thể giúp được gì cho họ, nhưng những câu chuyện như sự anh dũng của Shigemori không muốn bất trung lẫn bất hiếu, hiến dâng sinh mạng trước mặt phụ thân, hay câu chuyện của nhiều người khác trong dòng tộc đều sẽ được truyền miệng và sống mãi.
Tác phẩm cũng phản ánh được sự ích kỷ của những người có quyền lực đã bất chấp mọi thứ, kể cả tính mạng của gia tộc, người trong nhà, để thỏa mãn sự kiêu hãnh của bản thân. Như khi Tokiko bế đứa cháu nội – vốn là hoàng thượng trên danh nghĩa lúc bấy giờ – cùng nhau t.ự s.át vì không muốn chấp nhận tất cả đã mất đi. Ta thấy một đứa trẻ, chẳng tội tình gì, không thể tự định đoạt được số phận, phải chịu hy sinh vì sự kiêu hãnh của người đứng đầu dòng tộc.
Sâu xa hơn, tập cuối này, theo mình, mang một ý nghĩa nhất định với những gì Naoko Yamada đã trải qua. Tokuko dù chỉ còn một mình, người cuối cùng (trong tác phẩm) còn sống sót của dòng tộc Taira mà ta thấy được, đã chấp nhận được sự mất mát này. Như hình ảnh 5 sợi chỉ bện quấn vào nhau (goshiki no ito), và cả hình cảnh con bướm đậu trên bàn tay (quân hiệu của tộc Taira là con bướm), chứng minh rằng, họ đã hoàn toàn an nghỉ trong thanh thản.
Biwa cũng như Tokuko, sẽ tiếp tục sống, để kể và lưu giữ những câu chuyện về dòng tộc Taira, về tình người, tình phụ tử, trung với dân, hiếu với cha, về gia đình.
Liên hệ với Yamada, tác phẩm cũng ngụ ý rằng, cô đã chấp nhận mất mát, và sẽ tiếp tục tiến lên phía trước, sẽ tiếp tục sáng tác nên những tác phẩm cảm động đầy tính nhân văn, thấm nhuần tinh thần “Kyoani” còn mãi trong lòng. Cô sẽ làm tròn trách nhiệm và bổn phận của những người ở lại. Như khi Biwa vương đôi tay nắm lấy Tokuto, “đây không phải là kết thúc của chị, tương lai chị sẽ còn tiếp diễn”, cứ như thể, những lời ấy đang nói đến Yamada vậy!
Xin cảm ơn Yamada, và Science Saru đã thực hiện nên một kiệt tác anime! Và mình mong mỏi chờ đợi tác phẩm tiếp theo Yamada sẽ thực hiện.