AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Haibane Renmei – Thiên Thần Chuộc Tội.

Sự hối lỗi và chuộc tội – một trong những đức tính đặc trưng nhất của con người là 1 chủ đề thường xuyên được thể hiện trong anime và manga. Chúng ta có những bộ isekai như Mushoku tensei, du hành thời gian như là Steins;gate, nơi mà nhân vật chính được ban cho cơ hội để làm lại, sửa đổi những lỗi lầm trong quá khứ cũng như có được sự phát triển nhân vật để nhận ra và bảo vệ những gì mà mình quý trọng nhất.

Bên cạnh đó còn có Angel beats, 1 bộ anime đã lấy đi bao nhiêu nước mắt người xem về câu chuyện của những cô cậu bé mong muốn được thực hiện những nguyện vọng dang dở đầy hối tiếc của mình lúc còn sống. Với chủ đề có nhiều điểm tương đồng, tác phẩm Haibane Renmei tuy không “tear-jerker” như Angel beats nhưng vẫn là 1 bộ anime rất đặc sắc, có nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm.

(Vì đây là 1 bài phân tích nên sẽ có Spoilers)

Trong thế giới được bao bọc bởi 1 bức tường to lớn, Rakka, 1 cô gái không nhớ được bất cứ điều gì về quá khứ của mình ngoại trừ giấc mơ kỳ lạ đã được tái sinh thành “cánh tro”, 1 chủng tộc có vòng sáng trên đầu và cánh ở sau lưng trông rất giống với hình ảnh thiên sứ mà ta quen thuộc. Tại đây họ được “Liên minh cánh tro” chu cấp và phải hoàn thành những nghĩa vụ được giao trước “ngày rời tổ” – lúc đó thì họ sẽ biến mất thành những tia sáng. Khi mà xem bộ anime ta cũng dễ dàng hình dung ra được “ngày rời tổ” chính là khi mà những “cánh tro” nhận được sự cứu rỗi của chúa khỏi mọi tội lỗi của kiếp trước nếu như họ làm theo những việc tốt đã được định từ trước.

Thế nhưng bộ anime lại không tập trung kể về những “cánh tro tốt” không có nhiều tội lỗi, mà lại về những Haibane đã khiến cho đôi cánh của mình bị vấy bẩn không còn tươi đẹp như là Rakka và Reki.

Thế thì tội lỗi của Rakka và Reki là gì? Chúng ta không có 1 câu trả lời thật sự rõ ràng. Tuy nhiên dựa vào giấc mơ được tiết lộ về sau của 2 cô bé thì người xem cũng mường tượng được là 2 cô bé đã cố gắng t.ự t.ử. Theo đạo thiên chúa thì t.ự t.ử là 1 tội lỗi rõ ràng bởi vì nó đã vi phạm điều răng “Thou shalt not k.ill”, rằng cô bé đã chối bỏ “món quà từ chúa” đó chính là cơ thể, sinh mạng của mình. Thế nhưng đó có phải là 1 tội lỗi không thể gột rửa, tha thứ và nhận được sự cứu rỗi không thì vẫn là 1 vấn đề còn nhiều tranh luận.

Haibane Renmei tuy đề cập đến 1 chủ đề nặng nề như vậy nhưng lại có những tập đầu rất nhẹ nhàng, dễ chịu theo phong cách đời thường, iyashikei quen thuộc, khiến khán giả chỉ cần để tâm đến yếu tố xây dựng nhân vật và sự tương tác, phát triển mối quan hệ của các cô gái với nhau là được rồi. Các chi tiết symbolism, biểu tượng, hình ảnh tôn giáo cũng có thể hiện nhiều xuyên suốt thế nhưng tác phẩm không bao giờ phải ép người xem phải cần hiểu chúng mà chỉ dùng cảm xúc, nội tâm nhân vật như là điểm tựa lớn nhất cho việc dẫn dắt câu chuyện. Điều này làm tôi nhớ đến bộ anime “Girls last tour” tuy nhiều ý nghĩa triết lý nhưng lại dùng tương tác dễ thương của 2 cô bé nhân vật chính như là điểm cuốn hút lớn nhất, nhiều khi chỉ cần xem hai bé đó thôi là đủ rồi. :v

Cách sử dụng nhịp điệu khá chậm chạp ban đầu đã khiến cho tôi quan tâm nhiều đến nhân vật , để mà khi nửa sau drama “tràn về” thì tôi cũng có sự đồng cảm và hiểu rõ họ hơn. Điều trên là hoàn toàn phù hợp bởi vì điểm trọng tâm của Haibane Renmei cũng chính là nằm ở sự cảm thông và thấu hiểu. Cô bé Reki từ khi sinh ra thành 1 cánh tro đã phải chịu sự xa lánh của mọi người vì đôi cánh đen thể hiện tội lỗi của mình, chỉ có người chị Kuramori là tận tình quan tâm, lo lắng cho cô, mặc dù sức khỏe yếu ớt. Thế nhưng sau khi Kuramori đã “rời tổ” thì Reki lại trở về là 1 kẻ cô đơn, thích nổi loạn, gây ra những hệ lụy cho những cánh tro khác. Cuối cùng thì sự xuất hiện của Rakka mang lại 1 ý nghĩa rất lớn cho Reki, rằng cô cũng tìm được người giống mình và là cơ hội cho cô có được sự giải thoát.

Nhưng mà Rakka thực ra lại ở 1 tình huống khác với Reki. Cô đã được người thân ở kiếp trước (trong hình dạng con quạ) tha thứ hoàn toàn. Còn Reki thì vẫn vô định, không thể tìm được người có thể giúp đỡ mình thoát khỏi những đau đớn giằng vặt trong thâm tâm.

Càng về những tập gần cuối ta càng thấy những xung đột nội tâm của hai cô gái được đẩy lên khiến họ lâm vào 1 vòng lặp lẩn quẩn của sự cô đơn và tự ghét bỏ chính mình. Thế nhưng sau cùng thì tác phẩm vẫn có 1 cái kết ấm lòng, trọn vẹn. Đó là nhờ vào Rakka nhận ra được khi mình ở trong kén, Reki đã tỏ ra hạnh phúc, phấn khích chào đón cô đến thế nào, ngay cả trước khi Reki biết được hoàn cảnh và những tội lỗi của cô. Còn đối với Reki, cô cuối cùng cũng mở lòng mình, chấp nhận sự giúp đỡ của người khác.

Không những Rakka và Reki, những người xung quanh và cả thị trấn “Old home” điều muốn truyền tải thông điệp về lòng vị tha và sự cảm thông.

Ban đầu khi ta thấy nơi ở của các Haibane chỉ được gói gọn trong 1 bức tường lớn đầy ngột ngạt và nhiều luật lệ khác nhau buộc họ phải tuân theo thì cũng tạo ra ấn tượng rằng những kẻ kỳ lạ trong “Liên minh cánh tro” như “người thông ngôn” sẽ rất hà khắc. Thế nhưng khi Rakka và Reki vi phạm những quy định thì họ lại không hề qưở mắng mà còn tận tình giúp đỡ, chỉ dẫn 2 cô bé. Những người trong thị trấn cũng sẵn sàng tặng quà giúp cho Rakka có tinh thần, vui lên. Thành ra ấn tượng sau cùng của tôi về “Old home” vẫn là 1 nơi rất là ấm áp và đầy ấp tình người.

Bởi vì 2 cô bé vẫn là đáng thương hơn là đáng trách, cần sự giúp đỡ hơn là sự phán xét. Đó có lẽ mà điều tác giả mong muốn ở gia đình, xã hội, và tôn giáo,… của chúng ta ngày nay cần có.

Chia sẻ về ý nghĩa của Haibane Renmei, tác giả Yoshitoshi Abe cho rằng: “Sau cùng, đây là 1 câu chuyện của 1 cô gái cánh tro tên là Reki tìm thấy sự cứu rỗi… Tôi muốn viết câu truyện dựa trên thời kỳ từ khi mà tôi phải chịu đựng những đau khổ (trong cuộc sống) cho tới khi tôi tìm thấy sự cứu rỗi”. Qua câu trả lời trên ta cũng nhận thấy tác phẩm này có ý nghĩa quan trọng đến thế nào đối với đời sống cá nhân của tác giả. Bởi vì Yoshitoshi Abe tuy là 1 cái tên khá nổi tiếng trong giới anime, gắn liền với những bộ classic như Serial experiment Lain hay Texhnolyze nhưng mà vai trò của anh ta chủ yếu chỉ là thiết kế nhân vật, về mặt hình ảnh là chính. Haibane remei thực sự là bộ Tv series duy nhất (cho đến hiện tại) mà anh đảm nhiệm phần kịch bản tức là cả nội dung và hình thức. Cho nên tôi cũng biết được đây là 1 bộ anime mà Abe-san đã đổ rất nhiều tâm huyết và cảm xúc của mình vào.

Bên cạnh chủ đề và nội dung sâu sắc thì Haibane renmei cũng có phong cách hình ảnh, thiết kế nhân vật rất đặc trưng của Abe-san. Anh ta thích vẽ những cô gái dễ thương nhưng nhờ vào cách vẽ bằng đầu ngón tay độc đáo đã tạo ra 1 sự “thô ráp” nhất định, cộng với việc sử dụng tông màu sắc buồn bã, cũ kỹ tạo cảm giác hoài niệm không thôi. Điển hình nhất chính là nhân vật Lain, có thể nói là 1 trong những nhân vật có thiết kế đáng nhớ nhất trong anime. Haibane renmei tuy có hình ảnh không tốt bằng Lain nhưng vẫn tạo được cảm giác ấm áp dễ chịu đầy cuốn hút, màu sắc làm tôi nhớ đến game của đạo diễn Fumito Ueda như Là Shadow of the Colossus, Ico. Một điều khá là trùng hợp đó là nhà soạn nhạc cho bộ anime Kow Otani cũng từng soạn nhạc của Shadow of the Colossus. :v

Tụ chung thì Haibane Renmei là một bộ anime rất đáng chú ý của thể loại Slice of life và iyashikei. Dòng Iyashikei 1 lần nữa lại chứng tỏ cho tôi rằng tại sao tôi lại yêu thích nó. Đó là việc truyền tải những chủ đề nặng nề với sự tinh tế và cẩn trọng để sau bao nhiêu chi tiết drama khi xem xong ta vẫn cảm thấy sự yên bình và thư thái trong tâm hồn.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button