Manga

GOODBYE, ERI: CHẤT NGHỆ CỦA FUJIMOTO

Khi nói về sáng tác manga, hay bất cứ phương tiện truyền tải nội dung nào khác như tiểu thuyết và phim ảnh, ta thường bắt gặp hai thể loại tác giả: Pantser và Plotter.

Pantser là các những tác giả làm việc theo kiểu “viết tới đâu nghĩ tới đấy”, không hoặc ít có các dự định trước cho định hướng tương lai của câu chuyện, từ đó cho phép họ tự do phát triển những yếu tố mới lạ, độc đáo và đặc sắc. Ngược lại, Plotter là những người luôn muốn xây dựng một bộ khung chi tiết từ đầu tới cuối tác phẩm, áp dụng các thủ pháp, kỹ thuật sáng tác rất nhuần nhuyễn và hợp lý để khiến chúng trở nên chặt chẽ, sâu sắc, ít plothole và có giá trị phân tích cao.

Vì vậy, dù các mangaka panster thường đem lại cho mình trải nghiệm đọc lần đầu cực kỳ lôi cuốn, các tác giả thuộc trường phái plotter lại được mình đánh giá cao hơn cả. Các tác phẩm của họ rất đáng để đọc lại nhiều lần và luôn đem đến niềm sung sướng khó tả cho các tín đồ nghiện phân tích như mình. Hôm nay, mình xin phép được giới thiệu tới các bạn một mangaka như vậy: Tatsuki Fujimoto và khả năng áp dụng các thủ pháp kể chuyện tài tình của anh trong tác phẩm mới nhất “Vĩnh biệt Eri”.

⚠️Chú ý:

– Bài viết có nội dung spoiler nặng, hãy cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng tới trải nghiệm đọc của các bạn nhé. Xin cảm ơn.

-Trong phạm vi của bài viết, dù rất muốn nhưng mình sẽ không đi sâu vào giá trị nội dung của Vĩnh biệt Eri. “Memento Mori” là sự cô đọng đầy đủ của những gì mình có thể nói. Thời gian gần đây liên tục có những sự việc đáng buồn liên quan tới các vụ t.ự t.ử của giới trẻ và mình hi vọng mỗi người có thể rút ra bài học tích cực sau khi đọc tác phẩm này.

.

Mình đã đọc Vĩnh biệt Eri tới 4 lần rồi. Một tác phẩm one-shot cho thấy phong độ đang bay rất cao của Fujimoto. Dù mình nhận định anh là tác giả thuộc phái Plotter, độ ngẫu hứng và chất ngông của anh vẫn quá nổi bật qua các thử nghiệm về tạo hiệu ứng mờ, góc nhìn đậm chất điện ảnh hay cái cách anh thẳng thừng để những tràng cảnh chỉ toàn màu đen. Tuy nhiên, theo mình, thành công của những sự sáng tạo này có được chính nhờ đặt dưới một cấu trúc trần thuật cực kỳ tỉ mỉ và chặt chẽ, xây dựng bằng cách áp dụng xuất sắc hai thủ pháp framestory và unreliable narrator.

Để có thể phân tích cụ thể hơn, trước hết ta phải làm rõ: “Vĩnh biệt Eri” là một “bộ phim” về Yuta, nhân vật chính. Nội dung của “bộ phim” này nói về quá trình sản xuất một “bộ phim” khác liên quan tới cậu và Eri, một cô bé đang ch.ết dần vì bệnh tật. “Bộ phim” nhỏ hơn này kể về mối quan hệ giữa hai người qua một “bộ phim” khác mà Yuta đã làm, liên quan tới cái ch.ết của mẹ cậu. Tức là, toàn bộ tác phẩm “Vĩnh biệt Eri” vốn dĩ là ba bộ phim lồng vào nhau và lồng vào hiện thực của Yuta.

Chỉ riêng tới đây, mình đã muốn các bạn dành ra chút thời gian để tán dương tài năng của Fujimoto rồi. Các kết cấu ba tầng thực tại này là mình liên tưởng tới khái niệm giấc mơ lồng giấc mơ trong bộ phim Inception của đạo diễn Christopher Nolan. Trong văn học hay điện ảnh, thủ pháp nghệ thuật này được gọi là frame story (truyện lồng trong truyện). Đây là khi ta chứng kiến câu chuyện về một nhân vật trần thuật về một câu chuyện khác dưới điểm nhìn của họ. Ta có thể nắm được cảm xúc, ý kiến và quan điểm của nhân vật này về các yếu tố trong câu chuyện họ kể. Một ví dụ khác sử dụng frame story là tác phẩm Sherlock Holmes, được viết thành các câu chuyện do bác sĩ Waston ghi chép. Khi phân tích thủ pháp này, ta sẽ muốn đặt ra ba câu hỏi:

• Tại sao câu chuyện lại được kể?

Với trường hợp của Sherlock Holmes, câu trả lời được thể hiện rõ ràng qua câu nói của bác sĩ Waston: “…Công lao của anh đáng được mọi người biết đến. Phải đăng một bài báo về vụ này. Nếu anh không viết thì tôi sẽ viết thế anh”. Trong “Vĩnh biệt Eri”, mỗi bộ phim đóng vai trò là plot device cho bộ phim ở tầng cao hơn và bộ phim bao quát nhất là nguyên nhân giải thích cho vụ nổ hoành tráng ở cuối truyện.

Đúng vậy, vụ nổ cuối cùng là là khung cảnh duy nhất thoát ra khỏi ba bộ phim kia!

Nếu Fujimoto chỉ dừng lại ở hai trang truyện phía trên thôi, lúc Yuta nói lời tạm biệt với Eri, người đọc sẽ vĩnh viễn bị mắc kẹt trong fantasy của bộ phim thứ ba và cái đỉnh cao của tác phẩm lúc này sẽ khá khó để phát hiện.

• Câu chuyện có gì hấp dẫn?

Ở bộ phim về mẹ Yuta, câu chuyện làm sững sờ người xem tại vụ nổ cuối cùng. Tại bộ phim về Eri, câu chuyện đem đến cho chúng ta một plot twist đặc sắc và một cái kết cảm động. Cuối cùng, bộ phim thứ ba bổ sung thêm yếu tố kỳ ảo và theo mình quan sát được, nó đã thực sự đã đánh lừa kha khác người đọc luôn. Cả ba bộ phim cần phải được xem cùng nhau và người đọc PHẢI ĐỨNG NGOÀI điểm nhìn trần thuật của chúng để thực sự hiểu hết kiến trúc khung của câu chuyện.

• Câu chuyện nhỏ hơn có liên quan gì tới chủ đề của câu chuyện chính?

Cần phải tinh ý trong trường hợp này. Khi nói tới câu chuyện chính, ý của mình không phải bộ manga mà là sự liên quan với câu chuyện ở tầng ngay trên. Bộ phim về mẹ Yuta liên quan tới bộ phim về Eri ở thông điệp về sự thật, rằng phim ảnh dù chân thực tới đâu cũng mang màu sắc chủ quan của đạo diễn và chỉ cho thấy 1 mặt nhỏ của bức tranh lớn hơn. Bộ phim về Eri liên quan tới bộ phim về Yuta ở thông điệp tích cực, rằng nếu cuộc đời quá đau khổ, phủ lên đó ít phép màu sẽ xoa dịu tâm hồn ta.

Và bộ phim cuối cùng có liên quan với toàn bộ tác phẩm manga ở thông điệp…well…Memento Mori: Chúng ta đều sẽ ch.ết, những người thân của chúng ta đều sẽ chết, nên việc chìm đắm vào ảo giác không phải lựa chọn đúng đắn. Hãy để nỗi đau này nổ tung, tan tành, biến mất và tiếp tục sống trọn vẹn quãng thời gian còn lại của chúng ta.

• Frame story vốn là kỹ thuật rất đặc sắc, nhưng nếu đi kèm với nó là trợ thủ đắc lực: unreliable narrator (người trần thuật không đáng tin) thì tác phẩm sẽ phê cần đừng hỏi.

Unreliable narrator là thủ pháp nghệ thuật đánh lừa người đọc bằng các quan điểm, ý kiến, góc nhìn của nhân vật dẫn dắt. Rất nhiều bộ phim “hack não” sử dụng xuất sắc thủ pháp này, kể đến như Gone Girl, Fight Club, Memento, The Usual Suspects…và đỉnh cao theo mình sẽ là Rashomon của Akira Kurosawa (Trung quốc cũng có bộ phim Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu nổi tiếng Việt Nam một thời).

Quay trở lại Vĩnh biệt Eri, mình sẽ đi luôn vào plot twist gây lú nhất của truyện: phân đoạn Yuta phát hiện ra Eri thực chất chính là ma cà rồng. Đến đây, mình phải nhắc nhẹ rằng nếu các bạn tin Eri thực sự là ma cà rồng thì mình hoàn toàn tôn trọng quan điểm này. Như mình đã nói ở trên, mỗi người sẽ có một bài học tự rút ra sau khi đọc, và đây chỉ là phân tích dựa trên ý kiến của riêng bản thân mình mà thôi.

Với mình:

-Việc Eri thực sự là ma cà rồng không đem lại bất cứ ý nghĩa gì cho tác phẩm, và vụ nổ ở cuối phim sẽ trở nên khó hiểu vô cùng. Nó sẽ khiến cả bộ khung của cốt truyện đổ vỡ và mất giá trị đọc lại trầm trọng.

-Nếu để ý từng cảnh thoại, ta sẽ thấy, không như đầu truyện, khi cả hai nhân vật đối thoại đều xuất hiện trong cùng một khung hình, “máy quay” chỉ lia về phía người nói mà thôi. Điều này cho thấy bộ phim đã bị edit rất nhiều. Theo mình, cảnh của Eri thực ra được quay từ nhiều năm về trước, trước cả khi cô qua đời, và Yuta đã đợi từng đấy năm về sau để diễn nốt những lời đối thoại. Fujimoto đã giúp Yuta lừa chúng ta bằng khung tranh đôi ở gần cuối truyện, tuy nhiên anh cũng cài cắm một số chi tiết như đề cập việc Yuta đã dành rất nhiều thời gian để edit phim, lời giải thích của Eri về việc cô là ma cà rồng không hợp lý lẫn foreshadowing về unreliable narrator ngay từ bộ phim đầu tiên rồi.

Cái hay của unreliable narrator ở chỗ cho không phải false narrator. Nó để chúng ta chưng lửng giữa hiện thực và kì ảo, mở ra muôn vàn giả thiết và khiến câu chuyện thấm rất sâu trong tâm trí người đọc. Đây là thủ pháp khá khó để triển khai và nếu mình không nhầm, đây là lần đầu tiên Fujimoto áp dụng. Tuy nhiên, dù bạn tin Eri là ma cà rồng hay không, hiệu quả của nó vẫn xứng đáng để công nhận và tán dương. Và khi ta đã tư duy theo góc nhìn này, việc quay trở lại xem hai bộ phim đầu tiên sẽ khám phá thêm khá nhiều suy nghĩ mới mẻ, các bạn cứ thử xem.

Ngoài hai thủ pháp nghệ thuật kể trên, tác phẩm vẫn còn áp dụng nhiều phương pháp khác như nghệ thuật đầu cuối tương ứng hay nghệ thuật dẫn chuyện phi tuyến tính, đấy là chưa kể tới các kỹ thuật vẽ đậm chất điện ảnh nhưng vẫn đầy chân thực mà tác giả áp dụng. Mình tin rằng bất cứ fan manga nào cũng nên trao cho tác phẩm này nói riêng lẫn các đầu truyện khác từ Fujimoto nói chung một cơ hội.

Bài viết cũng đã dài, xin cảm ơn các bạn đã đọc hết và ủng hộ A Lonely Comet, nếu các bạn có bất cứ quan điểm gì về tác phẩm, hãy comment ở phía dưới để chia sẻ với mình và mọi người nhé!

-1q84-

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button