Fan Nhật “chê” Chainsaw man? Làm anime giống như phim ảnh liệu có đúng đắn?

Thời gian gần đây, có một bạn gửi cho page một post bảo rằng có chút vấn đề xung quanh việc đạo diễn của Chainsaw man mong muốn chuyển thể bộ anime theo phong cách của phim điện ảnh và mang tính “thực tế” vào tác phẩm thay vì cường điệu hóa những chi tiết như việc mà một bộ anime vẫn thường hay làm. Bản thân tôi cũng thấy 1 số confession về vấn đề này nên cũng muốn viết 1 bài ngắn nêu suy nghĩ cá nhân bởi vì tôi nghĩ tiêu đề gây tranh cãi “fan Nhật không thích CSM” chỉ là sự phóng đại quá mức của 1 số bộ phận mà thôi.
Thứ nhất, làm anime giống phim điện ảnh liệu có phải là việc gì hiếm có, mới lạ? Câu trả lời của tôi là không. Trong suốt lịch sử của ngành công nghiệp anime hơn 60 năm, đã không ít lần có những tác phẩm chịu ảnh hưởng của văn hóa đại chúng phương tây trong đó có phim ảnh, cinema. Như bộ anime Cowboy bebop là minh chứng rõ ràng nhất trong việc tận dụng những chất liệu từ phim cao bồi hoang dã và chất điện ảnh và biến tấu nó để trở thành một tác phẩm mang phong cách rất riêng của đạo diễn Shinichiro Watanabe. Chúng ta cũng có cả một thời gian dài đầu những năm 2000s khi mà anime bị “phương tây hóa”, các studio đều dốc sức khai thác thị trường phương Tây đầy tiềm năng sau thành công lớn của những bộ anime 90s như Cowboy bebop trên kênh Toonami và Adult Swim.
Ngoài ra cũng có tác phẩm classic như “Monster” khi tôi xem cảm giác chẳng giống anime bình thường một chút gì cả. Tất cả nhân vật của Monster đều giống như có người đóng trong một bộ phim trinh thám dài tập điển hình, ngoại hình thực tế, lời thoại cử chỉ đều thực. Chẳng có sự tương đồng gì với bộ shounen anime bạn hay xem khi mà nhân vật thường ồn ào, nổi loạn và biểu cảm quá đà, bởi vì đây là 1 tác phẩm hoàn toàn dành cho người lớn.
Thứ hai, tại sao lại chỉ đỗ lỗi cho đạo diễn với quyết định này? Bởi vì trước khi tiến hành sản xuất bản chuyển thể thì đạo diễn bắt buộc phải thảo luận với tác giả về hướng đi chung của bộ anime rồi. Và nếu tác giả hoàn toàn phản đối hướng chuyển thể của đạo diễn thì họ có quyền rời khỏi dự án. Chuyện này không phải là chưa từng xảy ra. Ví dụ như tác giả của bộ manga Kare Kano (Kareshi Kanojo no Jijō) là Masami Tsuda đã từng rời khỏi dự án anime chuyển thể do những xung đột với đạo diễn nổi tiếng Hideaki Anno về hướng đi của tác phẩm. Còn đằng này ta thấy tác giả Tatsuki Fujimoto tỏ ra hài lòng trước chất lượng của studio MAPPA cũng như có thông tin chỉ ra tác giả đã theo dõi sát sao quá trình sản xuất anime rồi. Nên tôi thiết nghĩ việc quyết định hướng đi như vậy đã qua sự đồng thuận của những người đứng đầu dàn staff chứ không phải là chỉ ý kiến, mong muốn riêng chỉ 1 một mình đạo diễn cho dù là bạn có thích hay không thích hướng đi trên đi chăng nữa.
Thứ ba, làm giảm đi “chất giọng anime” liệu có phải là việc quá khó khăn với các seiyuu? Phải nhớ rằng chúng ta đang đề cập đến một trong những ngành công nghiệp lồng tiếng hàng đầu thế giới, tập hợp những con người cực kỳ tài năng, họ không những phải lồng tiếng cho đủ loại anime mà còn có games, pha trò trong những chương trình radio, sự kiện fan thậm chí còn cả ca hát và nhảy múa nửa. Seiyuu của Denji là một cái tên khá mới mẻ chỉ mới 24 tuổi nên vai trò của cậu cũng có nhiều thử thách thế nhưng cậu vẫn là 1 seiyuu chuyên nghiệp được đào tạo qua những trường lớp với tiêu chuẩn cực kỳ cao để có thể đáp ứng được mọi yêu cầu từ đối tác.
Cá nhân tôi cho rằng “lồng tiếng thực tế như phim” không phải là 1 yêu cầu có độ khó cao lắm trong danh sách những yêu cầu mà seiyuu phải đáp ứng. Nếu chọn ra vai diễn khó nhất trong những anime mà tôi từng xem thì tôi phải chọn seiyuu Akira Ishida lồng tiếng cho nhân vật chính Kikuhiko trong bộ anime “Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu”. Hãy thử nghĩ xem sẽ áp lực đến thế nào khi phải đóng vai một nghệ nhân hàng đầu của bộ môn nghệ thuật truyền thống đã hàng trăm năm tuổi. Bạn buộc phải thể hiện được nghệ thuật Rakugo của 1 người tài giỏi nhất đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề trong khi có thể trước đó bạn chưa hề được tiếp xúc với bộ môn đó. Tưởng tượng nó khó đến mức nào, nhưng mà Akira Ishida tôi nghĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tôi cho là một trong những màn lồng tiếng tốt nhất từng xem.
Và cuối cùng “fan Nhật chê Chainsaw man” ở đây là những ai? Trên diễn đàn 4. Chan lúc mới ra tập 1 cũng đã có 1 số sự bàn tán rằng một bộ phận nhỏ fan Nhật trên trang 2ch chê đạo diễn Chainsaw man chịu ảnh hưởng, và dẫn nhiều cảnh từ điện ảnh phương Tây trong bản opening nhưng không làm tốt theo ý họ. “Lão đạo diễn này biết cái quái gì về điện ảnh cinema cơ chứ! Làm gì mà có kiến thức uyên thâm như ta mà cũng đòi dẫn phim ảnh vào!” Kiểu bình luận như vậy, mình đề cập đến đây thì các bạn cũng tự hiểu là chỉ thành phần tỏ ra thượng đẳng “gatekeeping” mà thôi. Nếu như những bộ phim, hoạt hình phương Tây dẫn 1 vài chi tiết anime vào làm 1 số người khó chịu rằng “bọn này làm gì biết nhiều về anime mà dẫn vào, chỉ là bọn đạo nhái kiếm fame từ anime” thì chúng ta cũng tưởng tượng được rằng 1 điều ngược lại hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vì những “wes.taboo” những người cuồng văn hóa phương Tây tại Nhật cũng không phải là ít.
Nếu như năm đầu thập niên 2000s khi mà anime bị “Tây hóa” rồi sau đó bị lâm vào khủng hoảng vì chưa có sự tìm hiểu kỹ về thị hiếu của khán giả, thì ngày nay mọi chuyện đã khác. Hiện tại thị trường quốc tế đã vượt qua nội địa chiếm đa số trong thị phần của ngành công nghiệp nên việc hướng tác phẩm ra khán giả bên ngoài Nhật bản không còn được coi như là 1 việc làm mạo hiểm gì cả. Mới mùa vừa rồi thôi ta đã có bộ Cyberpunk Edgerunner phát sóng trên Netfilx hướng đến thị trường phương Tây, quốc tế đã thu được những thành công lớn về mặt doanh thu cho không những riêng bộ anime mà còn cả tựa game “đầy bug” nữa. Bản thân tôi đánh giá sau 4 tập của Chainsaw man thì ngoài 1 số cảnh CGI hơi lạ ở tập 1, còn lại không có gì đáng để chê cả, và chất lượng art, animation đang ngày càng tốt theo từng tập nên tôi rất mong chờ những cảnh “plot twist” cực căng trong vài tập sau chắc chắn sẽ gây ra chấn động trong cộng đồng anime.