Evangelion: 3.0+1.0 Thrice Upon a Time. – Sự Kết Thúc Của Một Kỷ Nguyên.

Sau 26 năm, 26 tập phim và 5 movies thì cuối cùng, kỷ nguyên Evangelion cũng chính thức khép lại. Evangelion 3.0+1.0 giới thiệu khá nhiều thông tin mới, nhưng nhìn chung thì cái kết cũng không quá tách biệt so với original series + EOE.
Tạm gác lại về những khái niệm mới như Imaginary Eva, anti-universe, Golgothra Object, hay EVA Unit 8+9+10+11+12 (lmao) … Trên thực tế thì có khá ít thông tin được giải thích trong phim, nếu bạn là người đi xem phim tại Nhật thì sẽ được phát cho cuốn sách nhỏ chứa những chi tiết và sự kiện kèm lời nhận xét giải thích của đội ngũ thực hiện, và tất nhiên thì nó cũng sẽ chính xác hơn những suy đoán hiện giờ của fan, đơn giản vì tác phẩm chỉ mới công chiếu, sẽ khó có thể giải mã hết những ký tự và thông điệp Anno đã dồn vào Eva 3.0+1.0 trong suốt 9 năm trời trong vài ngày ngắn ngủi.
Quay lại tác phẩm, điều mình thấy Anno làm tốt trong bản phim cuối là truyền tải thông điệp rõ ràng hơn, mà trước nhất là qua sự phát triển nhân vật. 1/3 thời lượng ban đầu của Eva 4, Anno đã phác họa nên cuộc sống của những người còn sót sau sự kiện trong 3.0 (N3I), bắt đầu từ Rei rồi đến với Shinji. Cái ch.ết của Rei là một cái ch.ết đẹp, Rei biết cô không thể sống ở thế giới bên ngoài, nhưng vẫn lựa chọn theo Asuka, Shinji, làm quen với cuộc sống mới, với mọi người, chấp nhận cuộc đời dù khổ cực nhưng lại đẹp đẽ và vẫn đáng sống. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng lên Shinji, cái ch.ết của Rei, cuộc gặp mặt giữa Kaji (con của Ryoji và Misato), những bạn học từ 14 năm trước … đã phần nào giúp Shinji trấn tỉnh, tìm ra được thứ cậu cần bảo vệ, hay nói đúng hơn là tìm ra được trách nhiệm cậu cần gánh trên vai. Chính tay Shinji đã gây ra N3I, làm mất đi biết bao mạng người, tuy nhiên, 14 năm trước nếu cậu không lái Eva thì có lẽ đã chẳng còn con người nào còn sống nữa rồi.
Cuộc chạm mặt với Gendo – cha Shinji, cũng có nhiều điều để bàn. Ta xác định là N3I đã mở ra vô hạn nhánh thế giới – vũ trụ song song. Có điều thú vị ở đây, tỉ lệ đồng bộ của Shinji với Eva 01 là vô hạn, điều này tượng trưng cho sự đối đầu của Gendo với Shinji trong vô hạn vũ trụ ở anti-universe, thể hiện qua những mảnh ký ức Shinji đã trải qua. Và cuối cùng, Shinji lựa chọn một thế giới không có Eva, một thế giới ai cũng có thể sống hạnh phúc.
Nếu so với EoE, Eva 3.0+1.0 phần nào đó bộc lộ tâm trạng “đã vượt qua được sự trầm cảm” của chính bản thân Anno. Tất nhiên, cái kết trong EoE không hẳn là sầu não hay gì vì một phần “hy vọng” được thể hiện qua sự lựa chọn của Shinji: cậu chối bỏ Instrumentality Project, chấp nhận là con người với những mất mát và khổ đau, vì đơn giản là cuộc sống vẫn đáng sống.
Trong Eva 3.0+1.0, thông điệp này được thể hiện rõ ràng hơn qua bãi biển màu xanh – màu của sự hy vọng – đối lập với màu đỏ thẫm ở cuối EoE. “Một thế giới hạnh phúc không có Eva”, một thế giới con người tiếp tục tiến bước, tiếp tục sống. Mình nghĩ kết thúc này cũng có nét tương đồng mạnh lên “tâm trạng” của Anno vì ông đã quá ám ảnh với Evangelion – magnum opus của bản thân, và đây có thể xem như lời từ biệt hoàn toàn với Evangelion để thoát khỏi sự ám ảnh này, là chìa khóa để mở ra sợi dây xích đã ràng buộc Anno và con đường nghệ thuật của ông trong suốt 26 năm.


Bên cạnh đó, điều này cũng lí giải một phần sự xuất hiện của nhân vật Mari – một nhân vật chỉ có ở riêng bản Rebuild. Hình ảnh Mari chính là hiện thân của Moyoco Anno – vợ Anno. Anno trong quá trình thực hiện Evangelion đã bị trầm cảm nặng, nhưng ông đã gặp Moyoco và hai người đi đến kết hôn vào năm 2002. Bạn có thể thấy Mari đối với Shinji – cũng như Moyoco đối với Anno vậy, Mari tượng trưng cho sự đổi mới trong series Rebuild, vì nếu không có Mari – thì như Anno thừa nhận, Rebuild sẽ đâm vào đường xe cũ của original series. Moyoco đã giúp Anno thoát khỏi căn bệnh trầm cảm, cô bỗng dưng xuất hiện, mạnh mẽ và cá tính, chen ngang vào đời Anno và nắm lấy tay ông. Trong Eva 3.0+1.0 thì hình ảnh Mari cũng có sự tương đương, nhất là ở đoạn kết, Mari đã hoàn toàn thế chỗ Asuka (xác nhận canon luôn là Asuka và Shinji đều thừa nhận họ đã từng có cảm tình với nhau).
Eva 3.0+1.0 về một mặt, cũng có thể xem như lời chuộc tội của Anno. “Human Instrumentality Project” mục đích là để xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thật và tưởng tượng, cũng như là hòa quyện mọi cá thể thành một thể thống nhất, mà cốt lõi là do nỗi sợ đối mặt với thế giới bên ngoài. Anno mang mặc cảm tội lỗi và cho rằng series gốc đã phần nào khiến một bộ phận otaku sống thu mình hơn vào thế giới “tưởng tượng”. Trích đoạn cuối trên bãi biển của 3.0+1.0 phản ánh điều này, đấy là khung cảnh trắng đen như một bản vẽ phân cảnh đơn sơ, thể hiện nên cái thế giới “tưởng tượng” này. Nhưng rồi khi Mari xuất hiện và nhảy xuống chạm mặt nước, cả thế giới trong đoạn cảnh bỗng dưng “có màu”, và cảnh vật cắt sang trạm tàu – là hình ảnh thành phố nơi Anno đã lớn lên, phản ánh sự chối bỏ thế giới tưởng tượng mà lựa chọn cuộc sống ở thực tại, Mari nắm tay Shinji kéo đi, bắt đầu một cuộc sống mới – nơi mà tất cả đều đạt được hạnh phúc.
Nhìn chung thì, mình vẫn thấy EoE gây ấn tượng mạnh hơn, nhất là khoảng đập nhau giữa Eva 02 với Eva series được huyền thoại hoạt họa Mitsuo Iso vẽ tay. Trong 3.0+1.0 thì Anno lạm dụng nhiều CGI quá, nhưng mà thôi, tác phẩm có cái kết tương đối hoàn chỉnh xứng đáng khép lại kỷ nguyên Eva. Và quan trọng nhất, Shinji cuối cùng xứng đáng có được hạnh phúc, cũng như Anno trở nên vui vẻ và yêu đời hơn .
“Chào buổi tối,
Chào buổi sáng,
Cảm ơn,
Và tạm biệt, Evangelion.”