AnimeIndustry

Eizouken ni wa Te o Dasu na! .ft Sayaka Kanamori – Góc Nhìn Khác Về “Người Bóc Lột Họa Sĩ”.

Nếu muốn hiểu cách sản xuất anime, tôi luôn khuyên bạn xem Shirobako. Nhưng nếu muốn biết cách sáng tạo ra anime, tôi khuyên bạn: hãy xem Eizouken ni wa Te o Dasu na!

Không có quá nhiều các tác phẩm khai thác về câu chuyện đằng sau các thước phim sống động hay những trang truyện tranh công phu. Đây là một điều đáng tiếc. Sự phức tạp của ngành công nghiệp a-m khổng lồ, văn hóa kín tiếng của người Nhật lẫn rào cản về ngôn ngữ khiến đa số chúng ta khó mà hiểu hết được quá trình hình thành của một bộ anime. Mặc dù vậy, góc fanpage nho nhỏ của chúng tôi nói riêng và cộng đồng a-m nói chung vẫn luôn cố gắng tìm kiếm và chia sẻ kiến thức nhiều nhất có thể dưới góc độ là những “học giả nửa mùa” (cười).

Lại nói, Eizouken ni wa Te wo Dasu na!, một anime độc đáo, là bức thư tình do chính những người trong cuộc viết để tri ân tới loại hình nghệ thuật này. Tác phẩm khiến người xem như được hóa thân thành họa sĩ tài năng, cảm nhận cách họ tìm cảm hứng, rung động, liên tưởng, sáng tạo, dằn vặt, mệt mỏi,…cho đến những giây phút say sưa và thăng hoa nhất trong thế giới nghệ thuật, từ đó càng thêm trân trọng anime lẫn đội ngũ sáng tác hơn.

• Đặc biệt, trong Eizouken có một nhân vật đã gây ấn tượng mạnh mẽ, thậm chí là bất ngờ cho tôi về cách cô ấy được xây dựng và thứ cô ấy đại diện: nhân vật đó chính là Sayaka Kanamori.

Để nói chi tiết, trước hết, hãy cùng tôi chú ý vào các thành viên trong câu lạc bộ “nghiên cứu phim ảnh”, đồng thời cũng là tuyến nhân vật chính của tác phẩm. Mỗi người đều có vai trò riêng trong công việc sản xuất anime, đồng thời cũng đại diện cho 3 yếu tố cần thiết nếu muốn biến ý tưởng thành hiện thực: Đam mê (Midori Asakusa), Tài năng (Tsubame Mizusaki) và Thực tế (Sayaka Kanamori).

Một tác giả cần phải xác định rõ ràng ba yếu tố này, đặc biệt là tư duy thực tế. Ngay cả có đam mê và tài năng đi chăng nữa, nếu ta không thể nắm rõ xu thế thời đại, cách thị trường hoạt động, cách cân bằng chi phí sản xuất lẫn mối quan hệ với những người trong ngành, khả năng tiến xa và gặt hái thành công là rất thấp. Một nhân vật khác cũng có thể được tính là thành viên của câu lạc bộ là Doumeki Parker, và thứ mà cô đại diện chính là Kinh nghiệm. Một ẩn ý tuyệt vời khi tác giả cho cô ấy xuất hiện về nửa sau tác phẩm (Kinh nghiệm không phải thứ có được ngay từ đầu) lẫn cho cô sở hữu bộ sưu tập băng ghi âm đồ sộ (Kiến thức tích lũy càng ngày càng nhiều lên).

• Sayaka Kanamori đóng một vai trò rất quan trọng trong bộ phim, điều đó không khó để nhận ra. Tuy nhiên, ngoài đời, cô là hiện thân cho lớp người bị ghét và hiểu lầm nhất trong đội ngũ sản xuất anime: những doanh nhân.

Người ta vốn coi hạng người này là loại vô cảm, keo kiệt, hám lợi; rằng họ vốn chẳng đoái hoài gì tới chất lượng của tác phẩm mà chỉ mong vắt càng nhiều tiền từ nó càng tốt; rằng họ là nguyên nhân cho thứ anime “thị trường” và bị rũ sạch công lao khi một tác phẩm trở thành “kiệt tác”. Tóm lại, chẳng có gì tốt khi nói về doanh nhân cả.

Há chẳng phải rất bất công sao?

Một trong những bộ phim làm tôi sặc cười khi còn bé chính là “The Producers”, do Mel Brooke đạo diễn vào năm 1967. Đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn hay xem lại. Đây là câu chuyện châm biếm kể về hành trình lừa đảo của nhà sản xuất kịch sân khấu Max Bialystock cùng đồng sự kế toán của hắn, Leo. Sau những tình huống dở khóc dở cười và án phạt ngồi tù, cả hai đã có cái kết viên mãn khi trở thành nhà sản xuất chân chính và gặt hái liên tiếp thành công. Bộ phim đã ảnh hưởng lớn tới góc nhìn của tôi về những con người như thế này. Họ thực sự khao khát được tạo ra một kiệt tác để đời, nhưng không có tài năng để làm việc đó. Chính vì vậy họ gửi gắm, đầu tư và trao cơ hội đó cho những nghệ sĩ, họa sĩ, diễn viên, đạo diễn,…để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Đó là những Bầu Đức, Sheikh Mansour hay Cai Haoyu, Liu Wei lẫn Luo Yuhao. Doanh nhân luôn đặt trọn niềm tin vào thứ mình đầu tư và thật thiển cận nếu bảo họ yêu tiền hơn anime. Tôi nói rằng: người nào chỉ biết đến tiền sẽ không bao giờ làm được kiệt tác gì hết.

• Bởi lẽ, người đời chỉ quan tâm việc họ thu bao nhiêu lãi mà không để ý cách họ chi tiền thế nào.

Nhìn cái cách Kanamori với kinh phí ít ỏi mà vẫn xoay xở đủ trang bị và đồ nghề cho câu lạc bộ làm tôi cực kỳ nể phục. Tài năng của một doanh nhân hơn nhau ở chỗ này. Kanamori, dù vẫn còn non trẻ, đã mang tư tưởng của một doanh nhân có tầm nhìn, đạo đức và khát vọng: Loại “Sỹ phu doanh nhân” của Shibusawa Eiichi, doanh nhân lập quốc vĩ đại nhất Nhật bản.

“Các nhà lãnh đạo kinh doanh sáng tạo (entrepreneurial leaders) thời đầu và giữa Minh Trị là ít ỏi. Họ phải hoạt động trải rộng ra trên nhiều lĩnh vực, để giải quyết những vấn đề cơ bản, nhường lại những vấn đề khác cho những người khác lo. Và một khi khi giải quyết xong, họ đi tìm mục tiêu mới. Shibusawa là nhà lãnh đạo kỳ tài và đa dạng như thế. Ở vị trí này hay vị trí khác, Shibusawa có mối liên hệ với hơn 500 công ty đa dạng loại, phần lớn là những công ty công nghiệp – với tư cách là chủ tịch, giám đốc, tư vấn hay cổ đông. Ông vừa là nhà hoạt động ngân hàng chuyên nghiệp, cũng như là nhà công nghiệp. Sở dĩ như thế là vì tuy ông biết ít về công nghệ, nhưng ông là người giải quyết được những vấn đề then chốt làm tắc nghẽn doanh nghiệp. Rồi ông giao lại cho quản lý. Khi một nhà máy có vấn đề nan giải, ông có thể xông vào để tìm giải pháp. Nói đơn giản, Shibusawa là người “giải quyết vấn đề”, nhà chiến lược và đổi mới sáng tạo của cuộc công nghiệp hóa hiện đại.”

Mọi lời khinh bỉ quá đáng dành cho “người bóc lột họa sĩ” có lẽ sẽ không tồn tại nếu mọi người đều biết về Shibusawa Eiichi và những đóng góp của ông cho nền kinh tế Nhật Bản. Hai tác phẩm “Vũ dạ đàm” và “Luận ngữ và bàn tính” do ông sáng tác hiện đã được xuất bản tại Việt Nam, tôi rất khuyến khích các bạn tìm đọc. Và dù chưa nghiên cứu đủ sâu, tôi vẫn tự tin để khẳng định rằng triết lý kinh doanh và đạo thương nhân của ông là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho sự phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp anime.

Khó để nhận ra chăng? Nếu nghĩ thành công của anime hiện nay là do người họa sĩ, vậy Nhật Bản có tiền đề gì hơn được một nước Mỹ tràn trề sức trẻ, công nghệ và sáng tạo? Một châu Âu từng ở thời kỳ đỉnh cao nghệ thuật nhân loại với phong trào Phục Hưng? Thậm chí là anh bạn hàng xóm Trung Quốc với nền văn hóa đã đóng góp hai phát minh vĩ đại cho ngành hoạt họa là giấy và kỹ thuật in ấn? Họa sĩ tài năng, nước nào cũng có. Nhưng có thể tối đa hóa lợi nhuận trong từng khung hình, từng nét mực thì nước Nhật số hai không ai dám số một mất. Tôi nghĩ đây là sự trân trọng lớn nhất gửi tới công sức của người nghệ sĩ. Cái cách Kanamori xoay xở cũng giống như cái cách các studio thành công định hình mô hình sản xuất/kinh doanh của mình vậy, muôn màu muôn vẻ, đột phá và sáng tạo, y hệt tinh thần Shibusawa Eiichi hằng đề cao.

Thế chẳng phải doanh nhân cũng là nghệ nhân ư?

Kanamori gây áp lực lên hai họa sĩ của mình? Ở mức độ nào đó thì đúng. Nhưng liệu có khiến cô phải nhận danh hiệu “người bóc lột”, “kẻ hám lợi” không? Tôi để mọi người ngẫm về tư tưởng của Kanamori trong khi đọc màn đối thoại từ tập một nhé.

Asakusa (do dự trước ý tưởng làm anime): Tớ không có bất kỳ kinh nghiệm nào, hoặc biết cách làm, hoặc can đảm để-

Kanamori: Tại sao một đôi thiếu niên lại để những điều vô nghĩa như thế ngăn cản họ? Cậu có muốn làm anime hay không? Nếu không thể tham gia câu lạc bộ anime, chúng ta có thể bắt đầu một câu lạc bộ mới của riêng mình. Ta có tuổi trẻ. Điều đó có nghĩa là ta không mất bất cứ thứ gì ở đây. Không có rủi ro liên quan.

VÀ CÓ THỂ TÔI KHÔNG BIẾT BẤT CỨ ĐIỀU GÌ VỀ ANIME, NHƯNG TÔI CÓ THỂ HỖ TRỢ CẬU BẰNG CÁCH KHÁC!

Thương nhân: “Thương” nhân.

Viết bởi #1q84

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button