AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Dẫn Dắt Bằng CỐT TRUYỆN Vs Dẫn Dắt Bằng NHÂN VẬT – Ta Đánh Giá Anime Như Thế Nào?

Ta đánh giá một tác phẩm anime như thế nào? Nhiều người thường chia thành 4 phần riêng rẽ cốt truyện, nhân vật, hình ảnh và âm thanh và cho điểm riêng từng phần, còn điểm tụ chung lại của tác phẩm là điểm trung bình của 4 phần trên cộng lại.

Cách đánh giá trên khá là dễ dàng để thực hiện, nhưng theo tôi việc tách riêng ra từng phần như vậy thì chúng ta lại hoàn toàn bỏ qua mối liên hệ giữa các phần với nhau. Giống như một bản nhạc hay là nằm ở sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nốt cao và nốt thấp, một món ăn ngon là nằm ở sự hòa quyện giữa các mùi vị. Thì một bộ anime hay cũng là nằm ở việc sử dụng hình ảnh để truyền tải nội dung (cốt truyện+nhân vật) hay còn được gọi là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, sự bổ trợ của âm thanh và âm nhạc làm tăng cường cảm xúc đem lại và cả sự phù hợp giữa cốt truyện và nhân vật qua lại lẫn nhau.

Chúng ta có thể tách riêng từng phần để phân tích nhưng mà cũng nên hiểu rằng tùy từng nội dung sẽ có hình ảnh, âm thanh khác nhau, tùy từng loại cốt truyện sẽ có những lại nhân vật tương ứng sao cho tất cả cùng hướng tới sự hòa hợp tốt nhất cho tác phẩm. Và tính “chủ quan” trong đánh giá là xuất phát từ việc cảm nhận sự hòa hợp đó, không nên có tiêu chuẩn bắt buộc lúc nào cốt truyện hay nhân vật phải có cái này cái kia.

Về sự phối hợp giữa hình ảnh và nội dung (visual storytelling) lúc trước tôi đã từng có loạt bài chi tiết bên blog ar2d, nếu bạn nào muốn tìm hiểu thì link đây:

https://ar2dteam.blogspot.com/…/vs-toi-xem-anime-vi-art…

https://ar2dteam.blogspot.com/…/vs-gia-tri-chu-quan-khi…

Còn về việc âm thanh phù hợp với nội dung để tăng cường cảm xúc đặc biệt là ở yếu tố nhạc nền, thì tôi cũng đã viết:

https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/238001935007200

Bây giờ ta hãy đến với phần nội dung để tìm hiểu xem 2 yếu tố chính đó là cốt truyện và nhân vật có mối liên hệ gì với nhau nhé.

Mọi người thường nghĩ cốt truyện và nhân vật có vai trò ngang nhau tuy nhiên khi viết ra một câu chuyện thì mỗi tác giả lại thường chỉ lấy 1 yếu tố làm chủ đạo còn yếu tố còn lại có vai trò hỗ trợ. Do đó ta có hai kiểu viết truyện đó là dẫn dắt bằng cốt truyện (story driven) lấy yếu tố cốt truyện làm chủ đạo hay dẫn dắt bằng nhân vật (character driven) lấy nhân vật làm chủ đạo.

¤ 1/ Dẫn dắt bằng cốt truyện (story-driven)

Khá dễ nhận ra những tác phẩm được dẫn dắt bởi cốt truyện với phần plot được tác giả tập trung xây dựng sao cho có sự kịch tính, nhiều plot twist, world-building chi tiết, và có những yếu tố hành động để tăng cường tính giải trí. Đó là những bộ shounen hành động khá quen thuộc với chúng ta như AOT, Chainsaw man, One piece, hay những bộ có yếu tố bí ẩn… dùng những nút thắt đầy bất ngờ của câu chuyện để thu hút khán giả như Made In Abyss, Steins;gate,…

Trong một tác phẩm plot-driven thì cốt truyện phải tự tạo ra những hướng đi và nhân vật phản ứng với những twist (các tình tiết bất ngờ), từ đó giúp họ có sự thay đổi theo hướng phù hợp, càng ngày càng trở nên phức tạp và thú vị hơn.

Cái quan trọng nhất khi viết 1 câu chuyện plot-driven đó là tác giả phải hiểu được “cause and effect”, mối quan hệ nhân quả trong từng plot twist được tạo ra. Và nhân vật chính là đối tượng vô cùng quan trọng để giữ mối quan hệ nhân quả được đúng đắn. Cốt truyện có thể phi thực tế thế nhưng quan trọng hơn đó là việc giữ cho “reaction”, sự phản ứng của nhân vật là theo hướng cần thiết.

Vấn đề của nhiều bộ plot-driven đó là khi có twist xảy ra nhưng lại không tác động đến nhân vật hay nhân vật phản ứng theo 1 cách không hề tự nhiên, không thể tin được thì cũng sẽ làm giảm hiệu quả của twist đó 1 cách đáng kể.

Hay còn có 1 loại vấn đề khác nữa đó là việc hời hợt trong xây dựng nhân vật trong phần đầu của tác phẩm, chỉ trong chờ vào các plot twist để thay đổi nhân vật sau này cho trở nên thú vị hơn. Như là ở bộ “Tower of god” có phần ý tưởng khá tốt, world-building sáng tạo, âm nhạc của Kevin Penkin – là 1 nhà soạn nhạc anime mà tối rất thích. Chỉ có 1 điều lấn cấn đó là nhân vật chính của bộ này Bam khá là buồn chán với tôi, tính cách như 1 tờ giấy trắng và cái động lực leo tháp chỉ để tìm Rachel chưa làm tôi ấn tượng cho lắm. Tôi có nghe sau này sau các plot twist thì cậu ta có sự thay đổi trở nên thú vị hơn. Nhưng tôi nghĩ không nên trong chờ quá nhiều vào các bước ngoặc trong truyện.

Đối với những tác phẩm story-driven, các nhân vật phụ có thể không cần quan tâm nhiều lúc đầu, thế nhưng với nhân vật chính, các tác giả cũng nên tạo 1 backstory hay 1 động lực rõ ràng cho nhân vật để độc giả, khán giả có thể cảm thấy hứng thú mà mong chờ những tình tiết tiếp theo hơn. Ví dụ như ở Chain-saw man ta thấy, tác giả đã khắc họa tuổi thơ của Denji cơ cực, đấu tranh từng ngày để sống một cách đầy mạnh mẽ như thế nào, từ đó ta hiểu rõ tại sao cậu ta chỉ mong mỏi 1 cuộc sống bình thường và cũng khiến ta quan tâm đến hành trình nhân vật.

Hay ở Steins;gate, tại sao dành tới 1 nửa bộ chỉ để xây dựng nhân vật và tạo dựng bầu không khí bí ẩn? Bởi vì có hiểu rõ mối quan hệ giữa các nhân vật và thấy họ quý mến nhau thế nào thì chúng ta mới có thể cảm thấy cảm động trước những quyết định hy sinh đánh đổi của họ ở nửa phần sau.

Cho dù chú trọng cốt truyện nhưng dĩ nhiên vẫn phải làm xây dựng nhân vật tốt mới có thể tạo ra 1 tác phẩm tuyệt vời. Điều này cũng giống như 1 bản duet giữa piano và violin, có lúc piano dẫn dắt nhịp điệu, có lúc violin, thế nhưng muốn cho bản nhạc hay thì cả hai người nghệ sĩ đánh đàn piano và violin đều phải trình diễn tốt và có sự phối hợp ăn ý với nhau.

¤ 2/ Dẫn dắt bằng nhân vật (character-driven)

Những tác phẩm char-driven trái ngược với story-driven có cốt truyện đơn giản, ít twist, thay vào đó tác giả sẽ tập trung khắc họa nhân vật 1 cách chi tiết ngay từ đầu. Trong anime thì thể loại “slice of life” là thể loại đặc trưng với phong cách character driven mà ta có thể dễ dàng đưa ra làm ví dụ.

Đặc điểm của những bộ character driven đó là việc bộc lộ nội tâm của nhân vật rất quan trọng và được đặt lên hàng đầu và nhân vật sẽ là yếu tố để điều hướng cho cốt truyện. Phần plot thay vì hướng đến những khúc quanh lớn để thay đổi nhân vật như bên story-driven thì lúc này chỉ để giúp bộc lộ những xung đột bên trong của nhân vật mà thôi, nhằm mục tiêu khiến khán giả để tâm đến nhân vật hết mức có thể.

World-building của những bộ char-driven cũng khá khác biệt, thường lấy những bối cảnh có sẵn như những bộ silce of life học đường được đặt tại Nhật Bản thời hiện đại hoặc nếu có fantasy, sci-fi thì cũng mục đích truyền tải cảm xúc cho nhân vật hơn là được khắc họa đầy chi tiết như bên story-driven. Ví dụ như Cowboy bebop – là 1 bộ dẫn dắt bằng nhân vật nên việc khắc họa thế giới chủ yếu qua nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, thông qua màu sắc u ám hoài niệm, giúp truyền tải cảm giác lạc lõng, cô đơn đến nhân vật, tạo điều kiện thể hiện chủ đề vượt qua quá khứ, vượt qua nỗi buồn đầy sâu sắc của tác phẩm.

Một trong những phê bình thường thấy đối với những bộ char-driven đó việc cho rằng những bộ slice of life mặc định là không có plot hoặc phần plot tệ. Cũng giống như phần trước, đối với story-driven, ta cũng nên xây dựng nhân vật tốt thì ở đây char-driven dĩ nhiên cũng phải có plot tốt mới gọi là 1 tác phẩm hay, đặc sắc được. Tuy nhiên, hiểu lầm của nhiều người là mong đợi phần plot nhiều twist, xung đột và những sự thay đổi lớn từ những bộ char-driven, trong khi cái hay của những bộ này là nằm trong những chi tiết nhỏ, những sự thay đổi nội tâm đầy tinh tế của nhân vật.

Lý do là vì những người này chưa xem xét mối liên hệ giữa cốt truyện và nhân vật, khi cốt truyện có những twist lớn xảy ra thì cũng phải khiến cho nhân vật phải thay đổi. Mà thay đổi nhiều cũng chưa chắc đã là chuyện tốt, nếu ta đã tập trung xây dựng nhân vật từ đầu mà lại thay đổi một nhân vật đã được xây dựng tốt sẵn 1 cách quá mức có thể khiến nhân vật đó trở nên tệ đi.

Do đó, phần plot trong những bộ char-driven tập trung vào việc giúp nhân vật thể hiện xung đột nội tâm, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của họ trong mắt khán giả là đã thể hiện được 1 cốt truyện thành công rồi.

Ví dụ như hai bộ Sangatsu no lion và Rakugo Shinjuu không những xây dựng nhân vật đầy tuyệt vời bằng việc miêu tả nội tâm sinh động và thể hiện những phẩm chất khác nhau hay tính đa chiều của từng nhân vật mà còn có phần cốt truyện tôi cho là đặc sắc nhất không những trong những bộ anime có yếu tố drama nói riêng mà còn là trong tất cả những bộ drama mà tôi từng xem nói chung. Và cái hay của phần cốt truyện trong 2 tác phẩm này đều nằm ở cách bố trí, sắp đặt những chi tiết nhỏ đầy tinh tế và thông minh và việc sử dụng visual storytelling điệu nghệ.

Do đó, tụ chung lại thì story-driven hay char-driven cũng chỉ là hướng đi mà thôi, cả hai điều có đích đến đó là việc thể hiện cả phần cốt truyện và nhân vật sao cho ấn tượng và hòa hợp với nhau. Các tác giả nhiều khi cũng không cần phải lựa chọn chỉ 1 trong 2 mà có thể sử dụng cả 2 phong cách này vào tác phẩm của mình. Ví dụ như bộ Mushoku Tensei thường chia ra 1 arc chỉ là slice of life xây dựng mối liên hệ giữa các nhân vật để lấy tiền đề arc sau theo hướng story-driven khi mà có sự xung đột lớn, độc giả có thể hiểu rõ, và cảm nhận các nhân vật tốt hơn. Thế nhưng để có thể phối hợp giữa hai phong cách viết truyện này thì trước tiên ta phải hiểu về nó, đó là lý do của bài viết này, để nói với các bạn rằng khi đánh giá 1 bộ anime thì ta cũng nên xem xét mối liên hệ giữa các yếu tố chứ không nên chỉ áp đặt tiêu chuẩn của riêng mình như là 1 sự thật khách quan. Bởi vì mọi sự đánh giá đều là chủ quan và cái khách quan đó không hề tồn tại đâu.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button