AnimeNhững Vấn Đề Khác

CYBERPUNK: Định nghĩa, lịch sử và các tác phẩm tiêu biểu

I. Giới thiệu

Cũng như anime, game soul-like hay nhạc pop, cyberpunk giống một thương hiệu hơn là một khái niệm cụ thể: ta có thể nhận ra ngay tác phẩm nào là “cyberpunk” qua vài yếu tố mỹ học hoặc nội dung, tuy nhiên khó lòng đưa ra được một định nghĩa chính xác hay khuôn mẫu chung để áp dụng cho toàn bộ các tác phẩm. Bản thân thể loại này cũng nằm dưới một thể loại lớn hơn là science fiction và từ nó cũng chia ra những nhánh con khác như capepunk, steampunk, biopunk, v..v…Không những thế, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa hay mỗi tác giả khác nhau lại thể hiện các góc nhìn khác nhau, liên tục phát triển, làm mới, phân rã, tái tạo, thậm chí là đả kích khiến bức tranh cyberpunk trở nên phong phú, đa dạng nhưng vẫn có cái tôi rất riêng trong nền văn học, điện ảnh nói chung và thế giới anime nói riêng.

Nhân sự yêu mến (và trống rỗng) sau khi xem xong Cyberpunk 2077: Edgerunner, ALC muốn gửi tới các bạn đọc một bài viết giới thiệu tổng quan về cyberpunk trong văn hóa anime/manga, đa số dựa trên các nguồn tài liệu tìm hiểu được cộng thêm các nhận định chủ quan của người viết (tôi). Hi vọng các bạn sẽ thấy chúng có giá trị. Xin cảm ơn.

II. Định nghĩa

Như đã nói ở trên, khó có thể đưa ra định nghĩa chính xác cho cyberpunk. Tuy nhiên, nếu nhìn vào đa số các tác phẩm nổi tiếng ở thể loại này, ít nhất ta có thể rút ra được một mô tả đủ bao quát mà vẫn ngắn gọn: High tech – Low life (Công nghệ cao – Đời sống thấp). Cyberpunk đặt các nhân vật trong bối cảnh thế giới tương lai, có thể xa từ vài chục cho tới hàng trăm năm so với hiện tại, hoặc trong một vũ trụ khác lạ. Dù là gì đi chăng nữa, điều quan trọng ở bối cảnh nằm trong việc thế giới có công nghệ phát triển vượt bậc, đặc biệt là công nghệ máy tính (Cyber tech), và có sức ảnh hưởng lớn tới văn hóa, tín ngưỡng, trật tự và giai cấp xã hội.

Khác với Space Opera, nơi những con tàu vũ trụ khổng lồ hứa hẹn giúp con người khai phá những miền đất mới, hướng tới tương lai phồn thịnh cho nhân loại, Cyberpunk thể hiện thái độ bi quan với sự phát triển của khoa học. Thế giới nơi đây thường là phản địa đàng (dystopia), hoặc phản địa đàng dưới lớp vỏ địa đàng đẹp đẽ (utopia) được thao túng bởi các tập đoàn tư bản khổng lồ. Thiết bị giám sát 24/7, máy kiểm soát trí não, cơ thể/nội tạng máy, vũ khí phóng xạ, …Thay vì giúp con người có cuộc sống tốt hơn, công nghệ kìm hãm phần lớn, thậm chí là toàn loài người, khiến họ bị phụ thuộc quá mức, trở thành nô lệ, tù nhân hoặc nguồn năng lượng của chúng. Chính điều này sẽ gây ra phần lớn các xung đột và tình tiết dẫn dắt trong câu chuyện, khi mà ai cũng muốn được kiểm soát/khai thác/chống đối/phá hủy/…những công nghệ này. Về mặt nhân vật, họ có thể đến từ bất kỳ tầng lớp, nghề nghiệp thậm chí chủng tộc nào, nhưng ít nhiều phải thể hiện chất punk: “…nổi loạn, thái độ “không tuân thủ, thuận theo văn hóa đại chúng, chống lại chủ nghĩa chuyên chế, chủ nghĩa tư bản nghiệp đoàn, chủ nghĩa tiêu thụ, ủng hộ lối sống độc lập, phóng khoáng, thẳng thắn,..”. Đa số các nhân vật chính thường là những hacker, côn đồ, trộm cướp, kẻ ngoài vòng pháp luật,…hoặc nếu là tầng lớp cao thì cũng là những cảnh sát bất mãn, cựu quân nhân, những đứa con trong sáng sinh ra trong các gia đình quý tộc,…vv..vv…

Đạo đức và các chuẩn mực sống trong cyberpunk luôn bị chất vấn và rất khó có thể áp đặt các lằn ranh, quy tắc của hiện thực vào đây. Bởi lẽ, những câu hỏi như “Liệu máy móc có linh hồn không?” hay “Đến khi nào con người không còn được coi là con người nữa?” vốn không hay hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong thế giới cyberpunk. Ta có thể dễ dàng vứt đi một chiếc điện thoại đã cũ, nhưng liệu ta có thể làm thế với, tôi chẳng biết nữa…một cô hầu gái rô-bốt đã phục vụ ta suốt hàng chục năm chẳng hạn?

Từ những mô tả trên, nếu công thức high tech + low life vẫn hơi mơ hồ, tôi nghĩ rằng dystopia + cybertech + punk attitude sẽ dễ hình dung hơn. Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ hơn về cyberpunk trong anime/manga, hãy cùng tôi bàn qua về lịch sử một chút.

III. Lịch sử

Thuật ngữ cyberpunk được sáng tạo bởi nhà văn Bruce Bethke, người đã viết một tiểu thuyết với tiêu đề cùng tên vào năm 1982. Ông tạo ra thuật ngữ này từ một thuật ngữ khác là cybernetic, ngành khoa học nghiên cứu thay thế các bộ phận con người bằng máy móc, và punk, làn sóng văn hóa, nghệ thuật của giới trẻ nước Mỹ trong và sau giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc của thể loại này thực tế đã tồn tại từ trước đó, vào giai đoạn những năm 60-70 với phong trào New wave.

Như vậy, có thể nói rằng nước Mỹ là nơi khai sinh và phổ biến cyberpunk. Tuy nhiên, không có một nước phương Tây nào khác có thể kế thừa và phát triển, thậm chí còn gây ảnh hưởng ngược lại như đất nước Nhật Bản xa xôi cả. Đến tận bây giờ, hai nền văn hóa này vẫn tiếp tục giao thoa với nhau để nuôi dưỡng và định hình cyberpunk, dấu ấn của nó thể hiện qua các tác phẩm như Bladerunner 2049, Ready Player One, Psycho-Pass hay tất nhiên (và rõ ràng nhất) Cyberpunk 2077. Để nói về các tác phẩm là nguồn cảm hứng cho cyberpunk anime thời kỳ đầu, chắc chắn chúng ta phải nói về tiểu thuyết Neuromancer của William Gibson. Ảnh hưởng nó để lại lên các tác phẩm anime thể hiện cực kỳ rõ rệt qua các sáng tạo về văn hóa hacker, công nghệ thực thế ảo, không gian mạng cyberspace, AI, sự bành trướng đáng sợ của các tập đoàn công nghệ,…đặc biệt hơn cả là thứ aesthetic đô thị bẩn thỉu, u ám, ma trận bê tông đầy rẫy ánh đèn neon mê hoặc biết bao thế hệ cho đến tận bây giờ.

Bản thân Gibson cũng lấy cảm hứng cho câu chuyện của mình từ việc quan sát cuộc sống người dân tại Tokyo những năm 80. Ông từng phát biểu rằng: “Nếu bạn tin, như tôi nghĩ, rằng tất cả sự thay đổi văn hóa về cơ bản là do công nghệ thúc đẩy, hãy chú ý đến Nhật Bản. […] Người Nhật yêu thích những thứ ‘tương lai’ chính vì họ đã sống trong tương lai trong một thời gian rất dài…” và nhận định rằng không phải làn sóng cyberpunk xâm nhập vào Nhật Bản mà Nhật Bản (thập niên 70-80) vốn chính là cyberpunk rồi. Có lẽ vì vậy mà người Nhật dễ dàng yêu thích William Gibson hơn những Arthur C. Clarke hay Philip K. Dick, và rồi từ chính nguồn cảm hứng đó, vào năm 1988, anime chính thức đặt dấu ấn của mình lên lịch sử cyberpunk với tác phẩm Akira do Katsuhiro Otomo làm đạo diễn (dựa trên manga cùng tên của ông).

Nói là đặt dấu ấn thôi thì thực sự là đang xem nhẹ thành công của bộ phim này. Tới tận bây giờ, người ta vẫn không ngớt giấy mực để phân tích các kỹ thuật hoạt họa hay cốt truyện đậm tính triết học bản thể của Akira. Nó đã trở thành một tượng đài cyberpunk vĩ đại, một trong những tác phẩm anime xuất sắc nhất, một kiệt tác nghệ thuật ảnh hưởng tới rất rất nhiều tới thế hệ điện ảnh, âm nhạc, công nghệ, văn hóa,…của Nhật Bản, Mỹ lẫn cả thế giới.

Đứng trước thành công rực rỡ này, không hề ngạc nhiên khi các tác phẩm anime/manga cyberpunk khác liên tiếp nhanh chóng được thực hiện. Toàn bộ thập niên 90 và nửa đầu những năm 2000 có thể nói là thời kỳ huy hoàng của thể loại này, khi mà trước đó dòng sci-fi anime vẫn đang bị áp đảo bởi mecha (vẫn tồn tại khái niệm phái sinh “mechapunk”, nếu xét việc hai thể loại này quá phổ biến mà chưa có sự giao thoa rõ rệt nào thì quả là ngạc nhiên nhỉ?). Tuy nhiên, với trải nghiệm xem và quá trình nghiên cứu tìm hiểu, tôi mạnh dạn chọn ra ba tác phẩm tiêu biểu nhất bao gồm:

– Ghost in the Shell (1995)

– Cowboy Bebop (1998)

– Serial Experiments Lain (1998)

Lý do ba tác phẩm này trở thành ba cột mốc quan trọng, cũng giống như Akira vậy, nằm ở sức ảnh hưởng của nó:

– Ghost in the Shell là một trong những anime kinh điển nhất, kế thừa sâu sắc thứ triết học bản thể từ Akira và là nguồn cảm hứng lớn cho rất nhiều các tác phẩm cyberpunk lẫn sci-fi về sau, đặc biệt là hai kiệt tác The Matrix và Bladerunner. Bản thân tác phẩm sau này cũng được Hollywood chuyển thể thành live action (chất lượng theo tôi là trung bình)

– Cowboy Bebop là hiện tượng văn hóa nổi tiếng tại phương Tây. Kỹ thuật hoạt họa xuất sắc, những bản soundtrack jazz mê đắm và dàn nhân vật độc đáo sẽ là những ấn tượng khiến sê-ri này sẽ còn sống mãi với thời gian. Bản thân tác phẩm sau này cũng được Hollywood chuyển thể thành live action (đừng xem)

– Mặc dù sự ảnh hưởng của Serial Experiments Lain không rõ rệt trong văn hóa đại chúng như hai tác phẩm trên, tác phẩm lại có cộng đồng fan đông đảo trên những ngõ ngách mạng như 4chan hay reddit. Nội dung và thông điệp trong tác phẩm được đánh giá là đi trước thời đại, khai thác những khía cạnh của cyberspace, mối quan hệ người-người hay người-máy trong thời đại vạn vật kết nối và vẫn sẽ tiếp tục tốn giấy mực của các nhà phân tích khi giờ đây giá trị nội dung của nó đã vượt ra khỏi phạm vi điện ảnh rồi.

Ngoài ra, một số các tác phẩm đáng chú ý khác có thể kể đến như:

– Bubblegum Crisis (1987): đúng vậy, nó ra đời trước Akira nhưng đáng tiếc là sức ảnh hưởng không bằng. Vẫn là một classic anime.

– Gunnm (1990): Hay với cái tên Battle Angel Alita, bộ manga hết sức thành công và đã được Hollywood chuyển thể live action (chất lượng trung bình tốt)

– Blame! (1997): Bộ manga có phong cách cực kỳ dị đang ngày càng nhận được sự công nhận nó xứng đáng có.

– Psycho-Pass: Một trong những tác phẩm cyberpunk xuất sắc nhất thế hệ về sau (những năm 2010)

Rực rỡ là vậy, nhưng làn sóng cyberpunk đã thoái trào từ khá lâu trong thị trường anime. Không phải chúng ta không có những tác phẩm hay, nhưng chắc chắn không còn đột phá và cách mạng như trước. Có lẽ vì thứ aesthetic của Neuromancer đã không đúng trong xã hội Nhật Bản ngày nay. Có lẽ vì sáng tạo một tác phẩm cyberpunk khó hơn isekai hay romcom. Có lẽ vì đơn giản là người ta không thích nó nữa . Tôi cũng chẳng biết lý do chính xác là gì nữa. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng cyberpunk sẽ chết. Nó chỉ cần tìm ra hướng thay đổi mới sao cho phù hợp với thời đại mà thôi. Trigger đã làm được như vậy với Cyberpunk Edgerunner, sự thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Họ biết cách giảm bớt cái tone vốn khá nặng nề và kỳ quái của cyberpunk Nhật, thêm nhiều, rất nhiều hành động lẫn fan service trong khi vẫn giữ được các giá trị làm nên thương hiệu cyberpunk.

IV. Recommended list

Tất cả các tác phẩm được đề cập ở phía trên

Jin-Rou (2000)

Metropolis (2001)

Redline (2009)

Ergo Proxy (2006)

Texhnolyze (2003)

Gunslinger Girl (2003)

V. Tài liệu tham khảo

The Cyberpunk Genre in Japanese Anime and Manga by Rufus Montecalvo

Wikipedia

Cyberpunk Anime: A Comprehensive List of Everything by exolymph

Cyberpunk Documentary by Indigo Gaming

How the original ‘Ghost in the Shell’ changed sci-fi and the way we think about the future by Inside

….

-1q84-

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button