AnimeNhững Vấn Đề Khác

Có nên tiếp nhận mọi loại phê bình? Cách để đối phó với những “drama ảo” trên mạng xã hội.

Vài tuần trước tôi có nghe đến vụ drama đạo diễn Chainsaw man bị một số thành phần fan công kích trên mạng xã hội sau đó anh ta đã phải block họ. Chuyện này cũng chẳng có gì mới lạ, chúng ta đã thấy sự lặp lại giống như hồi mà MAPPA làm Attack on titan phần 4. Và với một tác phẩm có độ nổi tiếng và hyped đầy ấn tượng như Chainsaw man thì việc có một số thành phần fan quá khích như vậy cũng dễ hiểu. Thế nhưng thứ làm tôi muốn đề cập và phân tích sâu hơn ở đây đó chính là ý kiến cho rằng đạo diễn Chainsaw man block những người bình luận bảo mình hãy nghỉ việc là “không tiếp nhận được sự phê bình, chỉ trích”.

Sai lầm của phần lớn người trên mạng xã hội đó là nghĩ rằng mọi loại phê bình đều có giá trị ngang nhau và cứ ném hết chúng vào tác giả, người làm nội dung và yêu cầu họ phải “tiếp nhận”, mà không hề nhìn lại rằng sự phê bình của mình có chất lượng, xác đáng và có tính xây dựng hay chưa.

Tùy từng tình huống mà sự phê bình đánh giá có mức độ đầu tư, và tiêu chuẩn khác nhau. Nếu bạn chỉ bình luận một câu ngẫu nhiên về một tác phẩm gì đó, thì có thể cứ viết bất cứ thứ gì mà bạn muốn, ném những từ rác, siêu phẩm, overrated, underrated ra xung quanh, sẽ chẳng ai quan tâm nhiều. Thế nhưng khi bạn đã cố gắng viết một bài review, phân tích thì bạn không còn chỉ đưa ra ý kiến hời hợt tôi thích/không thích nữa mà phải có nhiệm vụ giải thích quan điểm theo cách rõ ràng, chi tiết và tập trung vào tác phẩm để cho người đọc có thể hiểu rõ được góc nhìn của riêng bạn. Critics hay reviewers không đơn giản chỉ đưa ra ý kiến của họ mà còn phải trình bày nó sao cho có văn hóa.

Một trong những sai lầm mà tôi thấy từ những bài review trên mạng đó là việc vịn cớ vào fans: “fans bộ đó to. xic, gáy ác nên bộ đó tệ”. Khi phê bình một tác phẩm thì ta chỉ nên tập trung vào tác phẩm đó thôi, có thể đề cập đến tác giả nếu như tư tưởng, đời sống cá nhân của họ ảnh hưởng đến nội dung của tác phẩm, còn fans thì chẳng hề liên quan gì hết.

Bên cạnh đó, bài review nên rõ ràng và chi tiết cho dù có đi theo thiên hướng tiêu cực, ngược lại số đông. Bản thân tôi lúc trước viết cho trang anime reviewer cũng đã từng thử nghiệm một vài bài viết theo hướng “chê” nhiều hơn khen. Hiện tại thì tôi không phải né tránh những bài viết dạng vậy, chỉ có điều bộ nào không thích thì tôi thường skip và không quan tâm nữa nên chỉ tập trung vào những tác phẩm yêu thích mà thôi.

Trong đó có bài mà tôi phê bình bộ anime Kimetsu no Yaiba (phần 1) về việc xây dựng những nhân vật phản diện, bọn qu. ỷ có phần hời hợt, không có nhiều giá trị nhân đạo từ chúng để mà cho nhân vật chính Tanjiro cảm thấy tiếc thương. Bài viết của tôi cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng mà tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì thể hiện được quan điểm của mình 1 cách rõ ràng và cụ thể, thay vì ném những ý kiến chung chung như KnY có dàn nhân vật thông thường, hay “nội dung tầm thường”, chưa đủ “dark, deep”… trong một số sự phê bình trên mạng. Và tôi cũng mừng là season 2 đã có cải thiện một phần điểm yếu nói trên.

Sự thành thật cũng là một điểm lớn để mà tôi dành sự tôn trọng của mình đến với một reviewer hay critic cho dù ý kiến có khác biệt. Ví dụ như video mà Pewdiepie giới thiệu bộ manga anh ta yêu thích nhất là “Blame!”, tôi cho là một trong những video phân tích tác phẩm hay nhất mình từng xem, cho dù Felix không phải là người hay làm việc này. Bởi vì bạn có thể cảm nhận được sự thành thật trong từng câu chữ của anh ta. Fellix không cố gắng đề cao tác phẩm lên tầm “siêu phẩm” mà chỉ muốn giới thiệu nó như là một sự yêu thích mang đậm tính cá nhân. Rồi anh ta đề cập những lý do như phần art, bầu không khí và nghệ thuật “show, don’t tell” của tác phẩm một cách đơn giản và dễ hiểu, từ đó truyền được cảm hứng mạnh mẽ đến người xem.

Bản thân tôi từ video đó cũng đã tìm đọc “Blame!”. Có một số ý kiến của Felix mà tôi không đồng ý như tôi nghĩ cốt truyện của Blame khá là rối não, khó hiểu, không hề đơn giản chút nào, và phần art phức tạp làm cho mấy cảnh hành động nhiều lúc không hình dung ra được. Thế nhưng bầu không khí và nghệ thuật “show, don’t tell” vẫn rất ấn tượng và đặc biệt “Blame!” có vũ khí tôi cho là ngầu nhất trong anime, manga đó là chiếc sú. ng trọng trường (Gravitational Beam Emitter) có thể phá hủy tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Cho dù có những khác biệt trong đánh giá về bộ manga, tôi vẫn rất tôn trọng ý kiến của Felix vì sự thành thật của anh ta.

Một điều quan trọng mà tôi nghĩ mà nhiều người chưa thực sự chú trọng đó là phân biệt giữa phê bình có tính đóng góp xây dựng (constructive criticism) và phê bình mang tính phá hoại (destructive criticism).

Phê bình mang tính xây dựng có hết những đặc điểm mà tôi đã nêu ra ở trên: phải rõ ràng, cụ thể, tập trung vào tác phẩm và thành thật. Bên cạnh đó đặc điểm quan trọng nhất của loại phê bình này đó là mục đích của nó muốn cho người tiếp nhận phê bình được tốt hơn, và khiến cho chất lượng tác phẩm được sẽ cải thiện. Không phải là để muốn hạ thấp những tác giả, người làm nội dung, hay phá hủy sự nghiệp của họ.

Sự thật rằng phần lớn comment nhắm vào đạo diễn của Chainsaw man kêu gọi ông nghỉ việc vì lý do đơn giản là họ không thích bộ anime đã đi ngược lại hoàn toàn những tiêu chí của phê bình có tính xây dựng mà tôi đã đề cập. Đây chính là trường hợp của phê bình mang tính phá hoại mà ta không nên tiếp nhận. Hoàn toàn không có bất kỳ lợi ích nào thu được từ loại phê bình phá hoại này, người tiếp nhận chỉ cảm thấy mất đi hoàn toàn sự tự tin và động lực của mình mà thôi.

Cá nhân tôi cho rằng khi tương tác trực tiếp với những tác giả, đạo diễn anime, manga nói chung (một ngữ cảnh nghiêm túc hơn nhiều so với post, bình luận vài câu trên những hội, nhóm ngẫu nhiên), nếu bạn muốn than phiền gì đó thì nên chỉ ra cụ thể chi tiết, yếu tố nào bạn chưa thấy hài lòng và hướng phát triển mà bạn mong muốn, như vậy mới đem lại lợi ích cho tác phẩm, thay vì chỉ tấn công cá nhân với những sự phê bình hoàn toàn không có bất kỳ giá trị gì mà ép buộc người khác phải tiếp thu, và thể hiện mình như 1 kẻ đầy ấu trĩ.

Qua vụ drama này và vô số vụ fan to. xic khác trên mạng xã hội, nhiều người sẽ dễ dàng có ấn tượng trong đầu mình rằng tại sao ai ai trên mạng cũng phản ứng thái quá hết vậy? Có một mình tôi là bình thường à? Cá nhân tôi vẫn luôn tin tưởng rằng cộng đồng anime, manga phần lớn vẫn là người bình thường, chill mà thôi. Bởi vì tôi tin tưởng vào quy luật phân phối chuẩn (normal distribution).

Thế quy luật phân phối chuẩn là gì? Hãy để tôi giải thích. Phân phối chuẩn là một khái niệm rất quan trọng trong xác suất thống kê bởi vì nó có thể dùng để tính xác suất của vô số những hiện tượng tự nhiên trong đời sống. Đặc điểm của phân phối chuẩn chính là biểu đồ hình “chiếc chuông”, phồng lên ở giữa xung quanh điểm trung bình và xẹp xuống ở 2 bên. Biểu đồ trên thể hiện rõ rằng những giá trị gần trung bình sẽ có tần suất xuất hiện lớn nhất, trong khi đó những giá trị lớn nhất hoặc nhỏ nhất trong dãy số liệu sẽ ít xuất hiện nhất.

Nhờ vào quy tắc phân phối chuẩn nêu trên mà tôi đã giải thích được 1 câu hỏi tồn tại trong lòng trong một khoảng thời gian dài. Đó là tại sao người ta không chịu sản xuất những bộ anime hay, xuất sắc nhiều hơn nữa? Đối với những bộ mà tôi đã xem, phần lớn trong số chúng chỉ được tôi đánh giá ở mức trung bình (mid) mà thôi. Liệu tôi có được phép tự gọi mình là người hâm mộ anime, manga khi mà phần lớn trong số những tác phẩm, tôi chỉ cho điểm trung bình 5 và 6? Bây giờ tôi đã nhận ra rằng đó chỉ là 1 điều bình thường, tự nhiên mà thôi. Việc phần lớn những bộ anime, manga đều mid chỉ là phù hợp với quy tắc phân phối chuẩn. Và dựa vào những bộ mà ta đánh giá là mid đó, mà có thể làm mốc tiêu chuẩn để xác định được những bộ hay hay tệ, tuyệt tác hay là thảm họa.

Tương tự như vậy, tôi cũng cho rằng cộng đồng anime, manga đa số thực ra đều là những người bình thường, đứng ở giữa, so với 2 thái cực là fan cuồng và anti-fan thích làm chuyện ấu trĩ như tấn công tác giả, đạo diễn trên mạng xã hội bằng những sự phê bình mang tính phá hoại của họ. Thế thì tại sao hiện nay, ta lại cảm nhận được sự hiện diện áp đảo của những thành phần nằm ở hai thái cực đáng lẽ ra phải là thiểu số?

Tương tác ảo tạo ra một tấm khiên khiến cho con người ta có thể dễ dàng nói lời ác ý với nhau mà không hứng chịu hậu quả ví dụ như là bị tác động vật lý vào mặt, và còn thưởng cho họ bằng những lượt tương tác cao nữa. Ngoài ra những trang tin lúc nào cũng sẽ giật tít để click-bait, chỉ một vài người (có thể có bot, acc clone,..) mà phóng đại bằng những danh từ chung như “cả mạng xã hội”, “người Nhật”, “cộng đồng anime” theo kiểu vơ đũa cả nắm càng làm cái tôi của những kẻ gây tranh cãi kia ngày một lớn hơn, bởi vì bọn họ nghĩ rằng mình là quan trọng, đại diện cho cả một tập thể rất lớn và còn tiếp thêm động lực cho họ hơn nữa.

Đó là lý do hiện nay, tôi chỉ xem những vấn đề như thế này là “drama ảo” được phóng đại lên lên nhờ vào những hệ quả của quá trình tương tác trên mạng. Nên tôi cứ tập trung vào việc lan truyền những tác phẩm hay, có giá trị, giúp dạy tôi những bài học bổ ích trong cuộc sống và phát huy việc phê bình mang tính xây dựng để loại hình văn hóa giải trí mà tôi yêu mến được ngày càng tốt hơn. Còn những kẻ thiểu số ở hai thái cực nêu trên, cứ mặc kệ cho họ điên đảo đảo điên vậy.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button