AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Chủ Đề Phổ Biến Trong Anime: Thể Xác III – Vạn Vật Nhất Thể

(Cảnh báo spoil nhẹ về evangelion 4.0)

“Vì hòa bình”, “vì lợi ích chung”, “Tôi làm điều này để đạt được hòa bình”,…

Điều buồn cười là, mỗi khi tôi nghe một nhân vật nào đó nói những câu như vậy thường là lúc họ đang thực hiện một loạt những tội ác đáng sợ, thậm chí là diệt chủng. Hòa bình hay được dùng làm lá chắn cho kẻ xấu, ít nhất là trong thế giới tưởng tượng của phim ảnh và tiểu thuyết. Với họ, hòa bình là tốt, và hòa bình đồng nghĩa với không có xung đột, và để không có xung đột, ta cần phải loại bỏ những thứ gây xung đột. Đó có thể là bên đối lập hay thậm chí tất cả các phe. Một trong những phản diện tôi thích nhất là Uchiha Madara trong Naruto. Để đạt được thứ gọi là hòa bình vĩnh cửu, hắn đã thực hiện kế hoạch “Nguyệt Nhãn”, thao túng mọi sinh thể sống, chấm dứt mọi mâu thuẫn bằng cách xóa bỏ ý chí của toàn nhân loại, hay nói cách khác là “tất cả hòa làm một”.

Khái niệm về “vạn vật nhất thể” (vạn vật là một) có thể được tìm thấy ở hầu hết các nền văn hóa từ phương đông đến phương tây. Lão Tử, Đạo Đức Kinh nói “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật” tức là nói Đạo là nguồn gốc của vạn vật, như vậy vạn vật xuất phát từ một thể đồng nhất là Đạo. Theo Mach (nhà bác học lỗi lạc người Áo Ernst Mach) mọi điểm vật chất trong vũ trụ đều chịu tác động của toàn bộ vũ trụ, tổng hợp lực của toàn bộ vũ trụ tác động lên một điểm vật chất chính là lực quán tính tác động lên điểm ấy, và lực quán tính làm cho con lắc giữ nguyên mặt phẳng dao động của nó, bất chấp Trái Đất quay.

Hiện tượng con lắc Foucault, do Léon Foucault, một nhà vật lý người Pháp, khám phá ra và ông đã làm thí nghiệm với một con lắc vĩ đại trong điện Panthéon ở Paris để chứng minh Trái Đất quay xung quanh trục. Trong thí nghiệm, con lắc luôn dao động theo tư thế ban đầu của nó, không thay đổi, dù cho ông có xoay sợi dây treo con lắc. Mach nêu ra nguyên lý : bất kể vật chất nào trong vũ trụ cũng phải gắn kết chặt chẽ với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ; không tồn tại bất kỳ một cá thể độc lập nào; sự phân chia vật chất thành những thành phần đối lập loại trừ lẫn nhau là sai lầm, giả tạo, bởi toàn vũ trụ là MỘT!

Anime đề cập tới tư tưởng này rất nhiều, dưới đủ mọi góc nhìn.

Ngoài ví dụ về Naruto ở trên, tôi thực sự ấn tượng về “Evangelion” và cách nó giải quyết câu hỏi: Sẽ thế nào khi tất cả chúng ta từ bỏ thể xác của mình để hòa vào thực thể chung của thế giới, không còn khái niệm về riêng tư, bí mật, lừa dối,…? Liệu lúc đấy chúng ta sẽ có hòa bình, liệu chúng ta sẽ hết…cô đơn?

Sản xuất vào năm 1995, đạo diễn bởi huyền thoại Anno Hideaki, “Shin Seiki Evangerion” hay “Neon Genesis Evangelion” được đánh giá là một trong những anime tiêu biểu và có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử của loại hình nghệ thuật này. Tại phần kết thúc của “End of Evangelion”, nhân vật chính Shinji phải đứng trước hai lựa chọn cực kỳ khó khăn: chấp nhận cái kết của Human Instrumentality, từ bỏ thể xác và hòa làm một với nhân loại hay đấu tranh để giữ lại cái tôi và rào cản giữa con người. Sau khi tự tay giết chết Kaworu, người cậu cực kỳ trân trọng, Shinji đắm chìm trong đau khổ và thèm khát sự quan tâm từ những người khác, như cái cách Kaworu đã trao cho cậu, đến mức mong mỏi Asuka ghét mình chỉ để cảm nhận được sự tồn tại của cậu trong mắt cô. Mong ước được mọi người thấu hiểu và yêu thương của Shinji được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, và ngay lúc này đây, cậu được trao một cơ hội để biến nó thành sự thật.

Quả thật, trong Evangelion, thể xác là thứ ngăn cách con người với con người, là A.T field, là gai nhím, là thứ gây ra khổ đau vì nó khiến chúng ta không thể thấu hiểu nhau, không thể mở lòng với nhau mà không bị tổn thương. Nếu con người không thể yêu thương lẫn nhau, yêu thương cậu, thì tất cả…nên chết hết đi.

Tuy nhiên, đến những phút giây cuối cùng, Shinji nhận ra rằng khát vọng của cậu thật ra đến từ việc né tránh thực tại. Khi bỏ đi ranh giới cá nhân, dù đau khổ sẽ biến mất, cái giá phải trả là sự sống. Đoạn đấu thoại trong tâm trí Shinji dưới đây đã thể hiện hoàn hảo cái chủ đề mà tôi muốn nói trong bài viết này:

“Tôi tưởng đây sẽ là thế giới không có nỗi đau, không có sự bất an?”

“Bởi vì cậu tưởng mọi người có cảm giác giống như cậu.”

“Cô phản bội tôi! Cô phản bội tình cảm của tôi dành cho cô!”

“Cậu đã hiểu lầm tôi ngay từ đầu rồi. Cậu chỉ tin điều cậu muốn tin!”

“Không ai hiểu tôi cả. Mọi người nên chết hết đi!”

“Vậy tay của cậu để làm gì?”

“Không ai quan tâm liệu tôi sống hay chết, và rốt cuộc chẳng có gì thay đổi hết… họ nên chết hết đi.”

“Vậy trái tim của cậu để làm gì?”

“Sẽ tốt hơn nếu tôi cũng chết luôn…”

“Vậy tại sao cậu lại ở đây?”

Shinji luôn được nhắc nhở rằng bàn tay cậu, trái tim cậu, thể xác cậu hay sự tồn tại và ý thức độc lập của cậu là điều kiện quá đủ để tạo dựng mối quan hệ và kiếm tìm hạnh phúc. Bởi lẽ, không ai sống vì Shinji, không ai có nghĩa vụ phải thấu hiểu và yêu thương cậu ngoại trừ chính bản thân cậu. Human Instrumentality không đem tới giải pháp. Bên trong nó không có gì ngoài ảo tưởng và cô độc. Đúng thế, nếu tất cả hòa làm một, thì tất cả sẽ cùng cảm thấy cô đơn mà thôi. Cậu không hiểu, hay cố tình không hiểu tầm quan trọng của ranh giới giữa các cá thể. Shinji cần phải học cách yêu thương bản thân, chấp nhận rằng việc mở lòng có thể đem về những tổn thương, nhưng điều đó là đáng để thử.

Con người sẽ mãi mãi không thể hiểu hết được nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể tạo dựng các mối quan hệ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng nhau vượt qua nỗi cô đơn và tương lai vô định, như cái cách Kaworu quan tâm tới Shinji vậy (Và ở phần movie 4.0 mới đây, ta đã chứng kiến một Shinji cố gắng thấu hiểu và quan tâm tới Gendo đến thế nào).

Trong bài viết này, khác với hai bài viết trước, chúng ta khám phá cách anime khai thác vấn đề về tầm quan trọng của thể xác của mỗi cá nhân. Rất có thể cả vũ trụ này là Một. Từng con người, sự vật, sự kiện đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thậm chí một hành tinh xa xôi ngoài dải ngân hà cũng đang tác động lực hấp dẫn lên chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là bản thân chúng ta không quan trọng. Ngược lại, cũng như những con nhím đang cố ôm lấy nhau, chỉ bằng cách chịu đựng nỗi đau và chấp nhận mở lòng, chúng ta mới có thể cảm nhận được hơi ấm tình người.

Viết bởi #1q84

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button