Chủ Đề Phổ Biến Trong Anime: Thể Xác II – Cỗ Máy Giết Người Dễ Thương

Từ phần trước, chúng ta đã thấy được cách anime tôn vinh công nghệ và sự tiến hóa của con người nhờ công nghệ. Tuy nhiên, anime vẫn tồn tại những góc nhìn khác bi quan hơn, đề cập tới ý tưởng rằng sự biến đổi của thể xác, thay vì giải phóng con người, lại là thứ giam cầm chúng ta.

Từ thập niên 60, manga và anime đã sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm liên quan đến cyborg (sinh vật nửa người nửa máy) hướng tới đối tượng nam thiếu niên. Từ những bộ truyện đầu tiên như “8 man” của Kazumasa Hirai và Jiro Kuwata hay “Cyborg 009” của Shotaro Ishinomori, các tác phẩm này hay có motip nhân vật chính là con người bình thường nhưng bị ép biến đổi thành cyborg. Kịch bản này thường đẩy họ vào vai nạn nhân, bất chấp việc cơ thể mới mạnh mẽ tới đâu, đồng thời chính cái cảm giác yếu đuối, bất lực khi không giữ được cơ thể cũ sẽ là nền tảng để phát triển tâm lý cho toàn bộ hành trình và quyết định của nhân vật đó sau này.
Đó là về cyborg nam. Mặt khác, sự miêu tả của anime về những cyborg nữ lại nảy sinh những vấn đề hết sức phức tạp, đặc biệt là về giới tính. Nữ cyborg có thể sở hữu sức mạnh đáng sợ kết hợp vào một thân hình nữ tính, gợi cảm, như thiếu tá Motoko Kusanagi trong Ghost in the Shell chẳng hạn. Họ thường vào vai người bảo hộ hoặc người dẫn dắt cho nhân vật nam chính ngây ngô. Kumiki Sato trong bài báo “How Information Technology has changed Feminism and Japanism” đã nhận định rằng: “nữ cyborg và android trong văn hóa anime đã được thuần hóa và tôn sùng như một người bảo hộ gợi tình cho người anh hùng” và vì thế “chức năng của họ được đơn giản hóa thành hoặc là hầu gái hay vị nữ thần phục vụ cho người chủ nhân yêu quý của họ”. Nhận định này vẫn đúng cho đến tận ngày nay với hầu gái mèo hoặc nữ thần say rượu không mặc quần lót.
Tuy nhiên, vẫn phải nhắc lại rằng sự thể hiện của những nữ cyborg nói riêng và các nhân vật nữ lai giống loài khác nói chung không chỉ gói gọn ở đó. Thế giới anime và manga, như đã nói, rất phong phú và đầy tham vọng. Donna Haraway trong “A manifesto of Cyborgs” khẳng định rằng là một sinh vật nửa người, nửa máy, cyborg đã phá vỡ giới hạn của con người; sự biến đổi này bao gồm sự xóa nhòa khác biệt về giới tính giữa nam và nữ. Phân tích rõ hơn, Haraway lập luận rằng những tưởng tượng của chúng ta về cyborg thách thức định kiến thông thường về giới tính, hay nói cách khác, nhờ công nghệ mà phụ nữ có dương vật, đàn ông có kinh nguyệt,…=> sự ra đời của 1 thế giới “hậu giới tính”. Tiềm năng của cyborg là rất lớn, và chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các định kiến cũ, yêu cầu chúng ta phải xem xét lại giới tính là gì. Anime thực sự đề cập tới vấn đề này rất thẳng thắn và dưới nhiều khía cạnh, và việc nghiên cứu chúng phần nào sẽ giúp chúng ta bớt lo lắng hơn về tương lai.
Tất nhiên, vẫn có những tác phẩm đặt ra những viễn cảnh đen tối và dấy lên nỗi sợ hãi về công nghệ. Một trong số chúng, và là anime đại diện cho chủ đề tôi muốn nói hôm nay, chính là “Gunslinger Girl” .

Xuất bản lần đầu vào năm 2002, trên tạp chí Dengeki Daioh, “Gunslinger Girl” là manga do Yu Aida sáng tác và được chuyển thể thành anime bởi đạo diễn Morio Asaka vào năm 2003. Mặc dù cốt truyện của cả anime lẫn manga đều tương tự, phiên bản anime thể hiện rõ ràng và ấn tượng hơn manga ở những vấn đề đạo đức đáng để người xem phải suy ngẫm.
Dành cho những ai chưa xem, Gunslinger Girl là câu chuyện về những thiếu nữ nhỏ tuổi được biến đổi cả về thể xác lẫn tinh thần để trở thành cyborg, những cỗ máy giết người xuất sắc, phục vụ chính phủ Ý trong việc tiêu diệt khủng bố. Xuyên suốt tác phẩm, người xem luôn được nhắc nhở rằng những cô bé dễ thương này đáng sợ đến mức nào. Họ sử dụng thành thạo rất nhiều loại vũ khí từ súng ngắn, tiểu liên, súng trường cho tới vũ khí cận chiến với cơ thể dẻo dai, khả năng phản xạ nhạy bén và tinh thần chiến đấu cực kỳ bình tĩnh. Có lẽ, điều mà tác phẩm gây ấn tượng lớn nhất đối với người xem chính là hình ảnh đầy đối nghịch của một cô bé dễ thương cầm trên tay khẩu súng chết người cao hơn cả người cô. Nó cảnh báo rằng những giới hạn của đạo đức sẽ bị thử thách, thậm chí là phá vỡ khi những người máy không được trao quyền như con người.
Khi công nghệ xóa nhòa ranh giới giữa người và máy, đáng lẽ những thế hệ cyborg đời mới sẽ có khả năng suy nghĩ độc lập và tự do hơn các thế hệ cũ. Mỗi người máy sẽ có những tâm tư riêng, độc nhất vô nhị và chính thứ đặc biệt đó sẽ là điều thúc đầy vô vàn tiềm năng mà cyborg có thể làm được. Tuy nhiên, trong Gunslinger Girl, tiềm năng này đã bị giới hạn, không, chính xác hơn là bị đè nén, khi quá trình tẩy não và vô nhân tính hóa đã kiềm chế khả năng nhận thức và khát vọng được trở thành thứ gì khác của họ.
Ngay cả trước khi trở thành cỗ máy giết người, những cô bé này đã là nạn nhân của bạo hành và tra tấn tinh thần. Angelica bị người bố đâm xe vào người để lấy tiền bảo hiểm; Henrietta bị bạo hành và cưỡng hiếp; Rico bị gia đình bỏ rơi do khuyết tật, dành cả đời trong bệnh viện, không thể tự bước đi. Chính Cơ quan đã cứu tất cả bọn họ khỏi sự hành hạ và đau khổ này.
Tuy nhiên, tổ chức này lại không khiến họ tự chữa lành; thay vào đó các cô bé bị tẩy não, xóa bỏ ký ức và cảm giác sợ hãi, mặc cảm tội lỗi hay bất kỳ điều gì gây bất lợi cho công việc ám sát. Sự tẩy não này còn có mục đích đảm bảo sự tận tụy với tổ chức, khiến họ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chỉ huy hay chiến dịch bởi lẽ sinh mạng của những cô bé này hoàn toàn có thể thay thế. Thậm chí cảm xúc gần như là tình yêu đối với handler (người giám hộ) của các cô gái cũng đến từ yêu cầu trung thành và tuân lệnh tuyệt đối của công việc. Nói cách khác, họ thực sự bị giam cầm trong chính cơ thể mới của mình. Câu slogan quảng cáo trong quyển đầu tiên của manga có lẽ đã tóm lược chính xác và cô đọng số phận của các thiếu nữ này: “Chúng được trao những khẩu súng lớn…và những hạnh phúc nhỏ.”
Đúng vậy, cuộc đời của các cô bé này, ngoài việc giết chóc vô tình ra, chỉ gói gọn quanh cái “hạnh phúc nhỏ” kia thôi. Một thế giới riêng, bí mật và mong manh. Điều này làm ta liên tưởng tới thế hệ thanh thiếu niên trẻ hiện nay, khi thế giới đang ngày càng phát triển, sự riêng tư của mỗi cá nhân đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Càng đọc Gunslinger Girl, chúng ta càng thấy những cô bé này vô cùng đáng thương và thực sự rất yếu đuối, bất chấp việc sở hữu 1 thể xác siêu phàm.
Cuối cùng, đây có lẽ là viễn cảnh không ai muốn xảy ra. Công nghệ phải phục vụ và làm giàu đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Sue Short có viết trong cuốn “Cyborg Cinema and Contemporary Subjectivity” rằng những cyborg, kẻ vừa phải phục tùng mục đích tồn tại vừa có những khát vọng và ham muốn riêng, chính là sự phản ánh của con người ở thời điểm hiện đại. Chúng “không chỉ tóm gọn sự thật siêu hình về sự tồn tại của chúng ta mà còn chất vấn về thứ tự do ta đang có nữa”. Gunslinger Girl đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp, tuy nhiên chính nó cũng giúp chúng ta có được những câu hỏi quan trọng và giá trị về bản chất của thể xác và mối quan hệ của ta với những sinh vật xung quanh.
Tham khảo từ Christie Barber, Mio Bryce & Jason Davis
Viết bởi #1q84