AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Chủ Đề Phổ Biến Trong Anime: Thể Xác I – Cơ Thể Hậu Nhân Loại.

Nhiều người, đặc biệt là tại phương Tây, sợ sự biến đổi của thể xác.

Cứ thử để ý về những tác phẩm phim ảnh lẫn tiểu thuyết về zombie hay ma cà rồng xem (biến đổi cơ thể con người thành thứ khác), hoặc cyborg chẳng hạn (cơ thể con người kết hợp với máy móc)? Biết bao lần Kẻ hủy diệt đã phá hủy Trái Đất? Biết bao bộ phim về zombie đe dọa sự tồn vong của nhân loại?

Các học giả nghiên cứu về văn hóa – xã hội đã rút ra một thuật ngữ để ám chỉ nỗi sợ này: grotesque (sợ sự dị hợm, sợ thứ phi nhân). Grotesque là nỗi sợ về khả năng vượt ra khỏi giới hạn của cơ thể. Chúng ta thường tự cho rằng thể xác là thứ tách biệt bản ngã của ta với thế giới bên ngoài. Thực tế rằng, mọi thứ bên ngoài đều vào và ra khỏi cơ thể ta mỗi ngày: thức ăn, chất thải, mồ hôi, không khí,….khi chứng kiến cơ thể vượt khỏi giới giạn, như nôn mửa hay gãy xương, chúng ta sẽ sợ hãi, sợ vì sự cố đó sẽ làm tan vỡ ý niệm về một cơ thể được kiểm soát. Chính điều này đã được các nhà làm phim và tiểu thuyết gia khai thác triệt để, đẩy cái sự kỳ dị, vặn vẹo và biến đổi xa hơn bằng bệnh dịch (zombie), máy móc (cyborg) hay phi nhân (monster)…

Bất chấp nỗi sợ này ở Phương tây, anime lại ra sức khuyến khích cơ thể trở vào trạng thái “thích nghi”.

Hãy lấy ví dụ về Haku trong Vùng đất Linh hồn, anh chàng có khả năng biến hóa thành rồng. Sự thay đổi của thể xác này không được miêu tả như thứ gì đó đáng sợ mà chính là phép màu. Cơ thể chúng ta, cơ thể con người luôn luôn tiến hóa, luôn luôn “thích nghi” để tồn tại. Chúng ta thay hàng triệu tế bào mới mỗi ngày. Xương, răng, móng tay luôn được tái cố định. Cơ thể sinh ra khác với cơ thể lúc trưởng thành và khác với lúc về già. Tôi thậm chí còn không phải cùng một người với tôi lúc 12 tuổi, nhưng tôi luôn an tâm với ảo tưởng rằng “Tôi” là một thực thể bất biến từ khi sinh ra. Anime không có ảo tưởng này, họ không thấy nỗi sợ, họ chỉ thấy những tiềm năng.

Tại sao? Trong cuốn sách Anime from Akira to Princess Mononoke, Susan Napier lập luận rằng văn hóa Nhật Bản thấy được tiềm năng từ công nghệ, từ việc biến đổi thể xác, và sự kết hợp giữa cả hai sau khi trải qua thảm họa bom nguyên tử. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ? Hai quả bom tại Hiroshima và Nagasaki đáng lẽ phải làm họ khiếp đảm công nghệ và hiểu mối nguy hại mà công nghệ có thể tác động tới cơ thể chứ? Tuy nhiên, sau Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản bị cấm phát triển quân đội. Số tiền chi cho quốc phòng giờ đã được dùng vào việc nghiên cứu các phát minh mới phục vụ xã hội hoặc thiết bị bảo hộ phóng xạ. Điều này vô tình lại làm Nhật Bản trở thành lá cờ đầu của công nghệ tương lai, và chính công nghệ đã được nhìn nhận như thứ bảo vệ họ khỏi mối nguy hiểm, một tấm lá chắn, một tấm khiên cho thứ xác thịt yếu đuối của con người.

Ngoài ra, một yếu tố khác ở văn hóa Nhật cũng ảnh hưởng tới quan điểm này: nền lịch sử lâu đời chứa đựng những câu chuyện về hóa thân. Các hình tượng bí ẩn, huyền bí có thể thay da đổi thịt như trong phim của Miyazaki. Chính những truyền thuyết và văn hóa tâm linh này cùng với sự phát triển của công nghệ đã trở thành công thức sản sinh ra một nền anime tôn vinh việc biến đổi thể xác thay vì sợ hãi: Một tư tưởng hậu nhân loại (posthuman).

Vậy, hậu nhân loại là cái gì?

Theo tư tưởng này: các công nghệ kỹ thuật di truyền, công nghệ thông tin, công nghệ nano, phân tử, và trí tuệ nhân tạo được định hướng để tăng tuổi thọ con người, giảm trừ bệnh tật, loại bỏ đau khổ không cần thiết, và tăng thêm của trí tuệ cũng như năng lực vật chất và năng lực cảm xúc. Đặc biệt, các phương thức siêu nhân (transhumanists) thúc đẩy sự phát triển các tiềm năng khác một cách sâu sắc và có thể làm thay đổi tình trạng của con người mà không bị giới hạn về các tiện ích và y học cũng như xã hội, kinh tế, thiết kế thể chế, văn hóa, tâm lý và kỹ thuật. Các phương thức siêu nhân xem bản chất con người là một chuỗi phát triển được tiến hành theo tiến độ. Nhân loại hiện nay không phải là điểm cuối của quá trình tiến hóa. Các phương thức siêu nhân hy vọng, bằng cách sử dụng có trách nhiệm của khoa học, công nghệ và phương tiện hợp lý khác, cuối cùng, con người trở thành hậu nhân hay sau con người (posthuman).

Như vậy, theo tư tưởng hậu nhân, định nghĩa về con người phải được xem xét lại. Điều gì khiến con người là con người từ thời kỳ đồ đá đã khác hẳn với những gì so với bây giờ. Chúng ta đang dần dần được biến đổi bằng sự phát triển của công nghệ. Lúc này đây, mặc dù không dính chặt vào xác thịt nhưng quần áo, giày dép, điện thoại, máy tính,…là những vật dụng không thể thiếu của con người hiện đại. Không chỉ thế, chính bản thân cơ thể chúng ta cũng bị thay đổi nhờ công nghệ khi bộ não phát triển hơn và cơ bắp dần thái hóa đi. Bộ phim Wall-E đã dự báo rằng trong tương lai, con người sẽ béo tới mức không thể tự đi được mà phải dính chặt vào những chiếc ghế di chuyển. Một tương lai khác có phần khả dĩ hơn là con người trở thành máy móc, hay ít nhất là một vài bộ phận. Điều này thậm chí không phải là viễn tưởng. Ngay lúc này đây các bộ phận như tay chân hoặc thận đều có thể được thay thế bằng máy rồi, vậy điều gì có thể cản sự thay thế hoàn toàn của xác thịt trong tương lai?

Nhân loại thường tự cho mình là “đặc biệt”, đứng trên tất cả các sinh vật khác và là kẻ làm chủ máy móc. Donna Haraway nói trong cuốn When Species Meet rằng sự kiêu ngạo đó đã làm loài người không nhận ra được sự thay đổi của bản thân và càng khiến chúng ta tin vào cái gọi là bản ngã bất biến. Nhưng anime đã giúp phá đi cái nhận định sai lầm đó bằng việc tưởng tượng về những tiềm năng mà cơ thể chúng ta có thể đạt được nếu chịu thay đổi và thích nghi.

Những nghiên cứu về hậu nhân loại thường ít tập trung vào sự kết hợp giữa con người và máy móc qua con mắt của văn hóa đương đại. Thay vào đó, các học giả thường hứng thú với các vấn đề như ai và cái gì được tính là một “cư dân” trong thời đại trí tuệ nhân tạo, công nghệ di truyền, thực tế ảo,…như trong tác phẩm Cyborg Citizen của Chris Hables Gray. Định nghĩa của chúng ta về sự sống và quyền công dân phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với công nghệ.

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là xác định danh tính của con người. Ví dụ, trong tương lai, đàn ông có thể có bầu ngực hay thậm chí mang thai nhờ công nghệ. Tuy nhiên việc xếp loại anh ta vào nhóm nào (Phụ nữ? Đàn ông? Không xác định?) là một điều rất phức tạp, thậm chí sẽ không thể có bất kỳ 1 tiêu chuẩn nào để xác định danh tính của một con người nữa.

Có rất nhiều tác phẩm anime khai thác vấn đề về hậu nhân loại nói riêng và thể xác nói chung, dưới các cách tiếp cận lẫn phương pháp truyền tải vô cùng phong phú và đa dạng, thậm chí là dồi dào hơn hẳn các loại hình khác. Nhưng nhìn chung, một trong góc nhìn lớn và phổ biến nhất là, theo tôi gọi, “Ghost in the Shell” (Linh hồn của máy), dựa theo anime cùng tên lẫn cảm hứng từ toàn bộ tác phẩm dòng mecha. Góc nhìn về hậu nhân loại này cho chúng ta thấy lợi ích của việc từ bỏ cơ thể xác thịt, rằng trong tương lai ý thức con người có thể chuyển vào máy móc, từ đó bác bỏ sự cần thiết của cơ thể gốc và những yếu kém của nó. Ý tưởng này đã quá phổ biến trong văn hóa sci-fi khắp thế giới rồi và thậm chí khơi dậy nhiều nghiên cứu khoa học thực sự.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến phản đối hay bác bỏ viễn cảnh này. Katherine Hayles trong How we became Posthuman đã chỉ ra rằng ý thức vẫn phải phụ thuộc vào thân thể. Cô lập luận rằng nếu ý thức của một cơ thể được đưa sang một cơ thể khác thì bản thân ý thức đó cũng bị thay đổi mạnh mẽ. Hay nói đơn giản, hồn và xác không thể tách rời. Chính cơ thể ta tác động tới cảm xúc, năng lượng, suy nghĩa,…của ta. Cơ thể không phải là ngục tù, không phải là thứ giam giữ linh hồn. Chính chúng tạo ra bản ngã và sự tồn tại của ý thức. Cả hai là một. Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng mình sẽ như thế nào nếu mất đi thể xác. Tôi sẽ không thể là “tôi” nếu không biết cảm nhận nỗi đau, hay biết ngửi mùi hương của một nhành hoa,…Trên thực tế, hậu nhân loại không tìm cách tách rời ý thức với thân thể; nó nghiên cứu về sự thay đổi của ý thức khi ta thay đổi thân xác.

Những cỗ máy mecha cho phép chúng ta làm những việc bình thường không thể làm, như đánh bại những con quái vật khổng lồ. Mecha chủ đề về công nghệ bảo vệ con người, nhưng cũng là về công nghệ hợp nhất với con người. Cơ thể con người lúc này giống như Bóng ma trong Vỏ Mecha (Ghost in the Shell), nhưng không hoàn toàn mất đi thân xác cũ. Vậy khi ở trong cỗ máy chiến đấu khổng lồ, ý thức của con người sẽ thay đổi thế nào? Đó chính là điều mà tư tưởng hậu nhân loại muốn tìm hiểu.

Anime là một nguồn cảm hứng rất lớn để nghiền ngẫm về hậu nhân loại. Một trong những đóng góp có giá trị nhất của nó và cho thấy góc nhìn khác về con người và cơ thể, đưa ra những tiềm năng tuyệt vời mà chúng ta có thể đạt được nếu không còn sợ hãi trước công nghệ. Một khi hiểu rằng chúng ta đã đều là cyborg và cơ thể con người luôn luôn biến đổi để thích nghi, ý thức và thế giới quan của chúng ta đồng thời cũng mở ra những chân trời triết học mới mẻ và có giá trị hơn.

Tham khảo từ SHANA HEINRICY
Viết bởi #1q84

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button