Chất Tài Hoa của Tatsuki Fujimoto Chỉ Qua 2 Trang Giấy! – Vĩ Mô Trong Vi Mô.
“Makima, trong thế giới siêu tuyệt vời của cô tạo nên, có chỗ nào cho những bộ phim dở tiệc không?
Tôi nghĩ … sẽ thật tuyệt vời nếu không có các bộ phim thiếu hấp dẫn.
Hmm, tôi sẽ phải tiêu diệt cô vậy”.
Hẳn các bạn cũng biết Fujimoto là một người đam mê điện ảnh từ nhỏ, ta có thể thấy khá nhiều “dấu ấn” và cảm hứng của loại hình nghệ thuật thứ 7 trong các tác phẩm anh đã sáng tác, từ Fire Punch cho đến Chainsaw Man … Nói như thế có nghĩa, tuổi thơ và một phần cuộc đời của Fujimoto đã gắn liền với những bộ phim “dở tiệc”. Đoạn hội thoại kể trên giữa Denji và Makima tuy nghe có vẻ hơi … trẻ con, nhưng ẩn chứa là chất tài hoa của Fujimoto trong việc sử dụng cái vi mô để miêu tả điều vĩ mô.
Đấy chỉ đơn giản là đoạn đối thoại về sở thích phim ảnh thôi mà!? Vì cớ gì Fujimoto lại dùng điều này để thúc đẩy cao trào, khiến tình huống đối đầu trở nên căng thẳng hơn? Đến nỗi Denji sẵn sàng lăn xả nhảy vào tiêu diệt Makima?
Mọi chuyện không đơn giản như hình thức bề ngoài! Ngành công nghiệp phim ảnh, và cả anime nói chung chỉ có thể phát triển được nếu như tồn tại song song những tác phẩm “giải trí thị trường” lẫn “nghệ thuật hàn lâm”. Chính những tác phẩm thị trường sẽ tạo nguồn vốn cần thiết để giúp vun đắp và chắp cánh cho những ý tưởng không đụng hàng, mang tính may rủi cao. Thị hiếu khán giả thay đổi theo thời gian, xu hướng và những yếu tố về xã hội khác nhau, nếu dẹp hết “những bộ phim dở tiệc” mà ai cũng có thể tắt não và thưởng thức, thì Makima sẽ lấy đi “phương tiện” mà một nhà làm phim, hay nghệ sĩ có thể sử dụng để đầu tư cho những ý tưởng mang tính may rủi cao của họ. Nếu lấy đi phương tiện, nguồn vốn, thì tiền từ đâu ra để đáp ứng được nhu cầu sáng tạo trong nghệ thuật? Người nghệ sĩ không thể nào sáng tác được với cái bụng đói.
Bên cạnh đó, một ví dụ đơn giản mà ai cũng có thể liên tưởng được. Các giải thưởng Oscar về hoạt họa trong năm 2005 (Wallace & Gromit thắng Howl’s Moving Castle), 2013 (Frozen thắng The Wind Rises), 2014 (Big Hero 6 thắng Tale of the Princess Kaguya) luôn là những năm sôi nổi được bàn tán giữa những người yêu thích hoạt họa Nhật (nhất là người hâm mộ Ghibli) và … phần còn lại của thế giới. Wallace & Gromit có thật sự “xứng đáng” để chiến thắng “Howl’s Moving Castle” (HMC)? Ta có thể nhận xét rằng kỹ thuật đất sét stop-motion là rất kỳ công, mang một vẻ đẹp riêng, nhưng đâu thể nhận định cái sự kỳ công này lại được đề cao hơn sự tỉ mỉ của những hoạt họa sĩ đổ dồn vào từng frame hình trong HMC? Nếu mình nhớ không nhầm thì một cảnh vỏn vẹn chỉ vài giây của HMC đã ngốn của đội ngũ thực hiện đến mấy ngày trời! Bạn có thể lập luận “giải Mỹ thì theo gu Mỹ”, những tác phẩm mang nét văn hóa Nhật sẽ có phần không được “dung ái” bằng, và điều ngược lại cũng đúng!
◆ Đến đây, ta sẽ nhìn ra vấn đề thứ 2 trong câu trả lời của Makima. “Sẽ thật tuyệt vời nếu như không có các bộ phim thiếu hấp dẫn”.
Ngay cả một giải “chính thức” và “hàn lâm” như Oscar cũng không thể sử dụng để làm thước đo tuyệt đối đánh giá chất lượng của một tác phẩm, thì Makima – đang lấy tư cách gì – để quyết định chất lượng của một bộ phim? Đâu là ranh giới giữa “hấp dẫn” và “thiếu hấp dẫn”? Một người nghệ sĩ, một nhà sáng tác, hay một đạo diễn sẽ không có những tác phẩm để đời, sẽ không có những tuyệt tác của riêng họ nếu không học hỏi được từ những kinh nghiệm và thất bại đã trải qua. Con người không ai sinh ra là biết nói, hay chạy, mà phải có giai đoạn chập chững tập bước đi. Nghệ thuật cũng như vậy, một nghệ sĩ, nhà sáng tác sẽ có những giai đoạn trưởng thành và phát triển trong sự nghiệp nghệ thuật của họ, nếu ta lấy cái thước đo “tuyệt đối” để áp đặt giá trị nghệ thuật lên những con người này, thì liệu, nghệ thuật “thật sự” có thể phát triển được không? Khi sẽ có những tài năng chỉ vì thước đo “tuyệt đối” này mà không bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời.
Hajime Isayama – tác giả của series đình đám Attack on Titan – đã nhiều lần bị các NXB lớn từ chối chỉ vì anh vẽ … không được đẹp lắm, hay thậm chí câu chuyện của anh để muốn được xuất bản ở WSJ thì cần phải thay đổi phong cách và nội dung để “phù hợp” hơn cho tạp chí! (tất nhiên Isayama từ chối, cuối cùng cũng được Kodansha chấp thuận và sau vụ để vụt miếng mồi ngon này thì Shueisha cũng đã thoáng hơn trong kiểm soát nội dung với các tác phẩm về sau).
◆ Và vấn đề thứ 3, cũng là nét tài hoa của Fujimoto: vĩ mô trong sự vi mô.
Tạm gác lại các thước đo về chất lượng, hấp dẫn hay thiếu hấp dẫn trong nghệ thuật sáng tạo. Sâu xa hơn, Makima tượng trưng cho “thế lực” đối đầu với chính Denji và cả tác giả Fujimoto. Hãy để ý, khung cảnh diễn ra xung quanh như những ngôi mộ, nấm mồ.
Bút viết, con chữ cũng là thứ vũ khí nguy hiểm không kém gì kiếm cung, hay bom đạn xuyên suốt lịch sử loài người. Tần Thủy Hoàng trong quá khứ đã đốt sách, chôn sống các thi sĩ, học sĩ để đảm bảo sự thống nhất trong văn hóa, vì bản thân ông cũng nhận ra tầm ảnh hưởng của chúng đến những người ông cai trị, thần dân ông. Các bài thơ ca, các câu chuyện, sách vở … đều là những phương tiện thể hiện nên lý tưởng, lẫn tiếng nói “tự do” của con người.
Trong thế giới “tuyệt vời” của Makima, cô là người quyết định những tác phẩm nào sẽ được chấp thuận, sẽ hấp dẫn, chất lượng, thì chẳng khác nào, đây là thế giới mang chế độ “toàn trị” do chính cô tạo ra. Makima áp đặt lối tư tưởng và suy nghĩ của cô lên toàn thể những người cô cai trị, và sẽ “đàn áp” những ai chống lại mình – thể hiện qua hình ảnh nghĩa trang, nấm mồ trong khung cảnh. Việc Denji đối đầu trực diện với Makima, sẵn sàng nhảy vào tiêu diệt, tượng trưng cho sự tự do trong ngôn luận, cho ý chí tự do tuyệt đối và bất diệt của con người khi đối mặt với thế lực toàn trị và đàn áp.
Nhìn chung, chỉ trong đoạn hội thoại tưởng như trẻ con và đơn giản về … phim ảnh, mà Fujimoto đã phần nào lồng ghép được chủ đề của toàn tác phẩm vào 2 câu thoại ngắn ngủi này.
Năm nay CSM được dự kiến lên sóng thì các bạn hãy yên tâm là mình sẽ theo sát tình hình sản xuất của tác phẩm và MAPPA!
Credit: Ý tưởng bài viết từ ảnh share tường của Atom với câu cmt: “Brilliant but underrated scene Fujimoto is quite talent for his young age”.
For what he has managed to accomplish, I do agree.
Một số bài viết về CSM và Fujimoto của page, bạn có thể đọc qua nếu tò mò .
Makima và Chainsaw Man – Phức Tạp Hơn Bạn Nghĩ!
Một cái nhìn về sâu “Look Back”