AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Bộ Anime Nào Có Hình Ảnh Đẹp Nhất? (Phần Cuối)

Nếu các bạn bỏ lỡ phần đầu thì có thể đọc lại tại đây: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/336986065108786

6/ Houseki no Kuni

Đặt 1 tác phẩm 3D-CGI hoàn toàn như Houseki no Kuni vào trong danh sách những bộ anime đẹp nhất là 1 ý tưởng khá là kỳ lạ. Bởi vì định kiến của cộng đồng đã được hình thành lâu nay vì những chuyển thể thất bại như trường hợp đầy tai tiếng của bộ anime Berserk 2016. Thế nhưng theo tôi Houseki no Kuni hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu trên vì tác phẩm này không như Berserk, đã được thực hiện bởi 1 studio rất là chất lượng đó là studio Orange.

Với sự thành công từ Beastars và Land of the Lustrous thì studio Orange đã khẳng định mình là một trong những cái tên sáng giá nhất ngành công nghiệp trong lĩnh vực 3D-CGI. Thế nhưng đối với tác phẩm Beastars thì chúng ta vẫn còn có thể đặt câu hỏi rằng nếu như chuyển thể bằng hoạt họa truyền thống 2D vẫn tốt hơn? Còn với Houseki no Kuni thì tôi tự tin cho rằng tác phẩm đã giúp cho kỹ thuật 3D-CGI khai thác được những mặt tiềm năng của mình ở 1 số khía cạnh mà 2D thông thường không thể với tới được.

Đầu tiên đó là về thiết kế nhân vật, các nhân vật trong Land of the Lustrous có ngoại hình rất giống nhau vì đều là bảo thạch không có giới tính nên đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt họ với nhau chính là mái tóc, vì mang màu sắc đặc trưng cho từng loại đá quý. Đối với 2D người ta chỉ có thể thêm thắt 1 vài hiệu ứng lấp lánh như những tia sáng tỏa ra từ tóc. Thế nhưng với 3D-CGI, studio Orange đã làm được hơn thế rất nhiều, họ có thể tạo hiệu ứng trong suốt, mức độ phản chiếu ánh sáng từ mái tóc đá quý, và sự thay đổi của những thông số trên với những góc quay khác nhau. Những điều trên đã khiến cho mái tóc của những nhân vật nhìn giống bảo thạch thật hơn rất nhiều và tỏa sáng vừa rực rỡ vừa tự nhiên như mái tóc cầu vồng tuyệt đẹp của Kim cương (Dia).

Tiếp theo đó là việc vận dụng các cảnh kéo dài có góc quay thay đổi liên tục thì 3D-CGI rõ ràng là có lợi thế vì sự thuận tiện trong việc thay đổi các góc cạnh khác nhau của khung hình. Tuy nhiên các animator phải cẩn thận vì đảo, di chuyển “camera” quá nhiều mà không có chủ ý rõ ràng dễ khiến khán giả khi xem bị rối và mất tập trung vào chi tiết quan trọng. Cho nên đội ngũ thực hiện dự án đã rất cẩn thận thực hiện phác thảo vẽ tay trước trên giấy cho tự nhiên sau đó mới dựa vào những bản phác thảo trên mà thực hiện trên máy tính các cảnh có độ phức tạp cao. Kết quả là ta có những cảnh hành động rất là độc đáo với đầy góc quay sáng tạo mà hoạt họa truyền thống không thể có được, nhưng vẫn giữ được sự tự nhiên, chú trọng đúng điểm để khán giả dễ dàng theo dõi.

Cảnh nền – background của tác phẩm cũng rất tốt, tuy đơn giản nhưng tuyệt đẹp, là nhờ vào những hình vẽ ý tưởng (concept art) của Yohichi Nishikawa – một người chuyên vẽ background đầy tài năng, đã từng kinh qua những bộ anime nổi tiếng như: Summer Wars, Howl’s Moving Castle, Ponyo, Wolf’s children,… Tôi nghĩ phần cảnh nền đã thể hiện rất tốt phong cách lượt giản nhưng ấn tượng, cuốn hút của tác giả manga Haruko Ichikawa.

7. Sangatsu no Lion

Gần đây tôi có xem qua bộ “Honey and Clover” cũng cùng 1 tác giả với tác phẩm “3-gatsu no lion”. Về mặt nội dung thì cũng là phong cách đời thường kết hợp drama, xây dựng nhân vật đầy chi tiết và sâu sắc quen thuộc của Umino Chika-san mà tôi rất yêu thích. Thế nhưng về mặt hình ảnh thì có thể nói là Sangatsu đã hoàn toàn “trên cơ” với “Honey and clover”. Vì sao vậy? Không phải vì J.C Staff tệ, chất lượng chuyển thể của họ cũng tương đối khá, chỉ là studio Shaft quá chất lượng mà thôi!

Sangatsu no Lion chính là 1 “magnum opus” – tuyệt tác hội tụ những gì tinh túy nhất trong cả khả năng viết truyện, xây dựng nhân vật của tác giả Umino Chika và khả năng thể hiện nội dung bằng hình ảnh của studio Shaft. Về mặt kỹ thuật, Sangatsu no Lion không gây ấn tượng đến mức mang tính đột phá cho người xem (cũng có 1 số cảnh đặc biệt đẹp đẽ, cực kỳ nghệ thuật như khi Rei đánh cờ với Shimada-san, những nước cờ của người thầy như những làn sóng xanh đầy chữ muốn cuốn trôi cậu ta).

Thế nhưng, điều mình thích ở tác phẩm này đó là việc studio Shaft không ngừng nghĩ tìm cách làm sao cho phần hình ảnh đem đến sự thú vị cho khán giả. Không những giây phút drama, xung đột nội tâm dữ dội của các nhân vật mà nghệ thuật kể chuyện hình ảnh được vận dụng một cách thuần thục và đầy hiệu quả, mà cả trong những cảnh đời thường nhẹ nhàng thì cũng có rất nhiều hình ảnh minh họa sinh động để khiến cho bầu không khí vui tươi, ấm áp hơn.

Studio Shaft còn dành ra thời gian để tạo 1 MV nhạc mẫu giáo giới thiệu các quân cờ shogi và vai trò của chúng thông qua hình ảnh các chú mèo đầy dễ thương nữa chứ. :v

Xin lỗi nỗ lực của studio chứ sau khi xem xong cả bộ anime tôi vẫn không hiểu shogi chơi ra làm sao nhưng mà nhiêu đó cũng cho ta thấy những người thực hiện tác phẩm này chú tâm vào nó đến thế nào. Họ luôn muốn khán giả lúc nào cũng có những trải nghiệm bằng hình ảnh đáng nhớ. Điều này là hoàn toàn trái ngược với 1 số bộ anime mà tôi đã xem có hình ảnh về mặt kỹ thuật nhìn sơ cũng khá là đẹp đẽ nhưng lại không áp dụng được nhiều, nhân vật khi nói chuyện với nhau những thông tin khô khan không mà có hình ảnh gì thú vị, sinh động để thể hiện cả. “Show, don’t tell”, nếu muốn khán giả hiểu rõ thứ gì thì đầu tiên phải để họ cảm nhận nó trước. Và Sangatsu no lion đã làm chính xác như vậy, đào sâu vào nội tâm, cảm xúc nhân vật để ta có thể cảm nhận nó rõ ràng rồi sau đó giải thích hoàn cảnh bằng 1 góc nhìn đa chiều về những vần đề quan trọng của xã hội hiện đại mà tác giả đã tìm hiểu kỹ càng.

Xem xong bộ anime tôi cũng hiểu tại sao Umino-san lại rất vui mừng khi Sangatsu được chuyển thể bởi studio Shaft là bởi vì studio này luôn có điểm mạnh từ đạo diễn Shinbo Akiyuki truyền lại đó là sự thay đổi linh hoạt, đa dạng trong phong cách nghệ thuật hình ảnh, rất phù hợp với 1 tác phẩm có chủ đề rất rộng, lột tả những mặt khác nhau, cả mặt tốt và mặt trái của xã hội hiện đại và cuộc sống giới trẻ.

8. Made In Abyss

Còn nhớ lúc còn nhỏ tôi đã từng rất hứng thú, say sưa xem những bộ movie của Doraemon khi mà Nobita và bạn bè khám phá các vùng đất khác nhau và cả những bộ phim của Ghibli khắc họa thế giới muôn màu muôn vẻ tuyệt đẹp. Thế nhưng sau đó niềm đam mê của tôi với thể loại anime phiêu lưu, fantasy đã bị suy giảm phần nào do những bộ thiếu sự sáng tạo trong xây dựng thế giới, chỉ khai thác tiềm năng rất nhỏ nhoi mà thể loại này có thể đem lại. Nếu là isekai thì hãy tưởng tượng isekai vào thế giới của “Bloodborne” nơi màn đên tăm tối trong các con hẻm của thành thị thời Victorian đầy ghê rợn, hay isekai vào “Doom”, bật nhạc rock metal lên và chiến đấu chống qu.ỷ dữ, … thay vào đó phần lớn anime isekai chỉ là thế giới rpg căn bản giống như nhau.

May thay vào năm 2017, tác phẩm Made In Abyss đã như làn gió mới, đem niềm hứng thú với thế loại fantasy trở lại với tôi như lúc xưa. Thật ra Made In Abyss không phải là bộ anime hay nhất mà tôi từng xem thế nhưng tôi lại rất thích việc được viết về tác phẩm này, thường xuyên đề cập đến nó trong bất cứ bài viết nào có thể. Bởi vì có rất nhiều thứ để viết về Made In Abyss: xây dựng thế giới, thiết kế nhân vật, cảnh quan, phần âm nhạc, và giá trị, ý nghĩa của nó,…

Tôi không phải là một người hay thích tìm hiểu về phần “lore” của những tác phẩm, phần lớn đều không quan tâm. Thế nhưng đối với MIA, phải thừa nhận là tôi đã “nghiện” thế giới được tạo ra bởi tác giả Akihito Tsukushi, thường hay tò mò, suy nghĩ, và muốn đào bới được càng nhiều thông tin càng tốt.

Tại sao thế giới của Made In Abyss lại hấp dẫn với tôi đến vậy? Đầu tiên phải kể đến đó chính là tác giả Akihito Tsukushi. Ông đã có kinh nghiệm làm việc tại hãng game Konami được 10 năm và nhờ 10 năm chuyên thiết kế nhân vật và giao diện mà ông đã chắt lọc được những gì tinh túy nhất của việc xây dựng thế giới trong game và áp dụng vào manga, cho ta hệ thống tầng phức tạp và sinh động của Abyss. Mỗi tầng đều có cơ chế “lời nguyền” khác nhau, cảnh quan khác nhau, động thực vật khác nhau cho ta một sự phong phú lớn của thiết kế nhân vật và sinh vật. Có một số char design rất tốt, trong đó nhân vật Bondrewd có thể nói là thiết kế nhân vật phản diện ấn tượng nhất mà tôi từng thấy. Điều trên càng khiến tôi mong chờ vào phần 2 sắp phát sóng vào tháng 7 tới đây, vì đã đọc trước manga, tôi bảo đảm sẽ có rất nhiều nhân vật và các sinh vật mới nhìn còn kỳ dị hơn những phần trước cộng lại và tác phẩm sẽ chịu ảnh hưởng trường phái kinh dị “Lovecraftian” ngày càng mạnh mẽ. Nên hãy chuẩn bị tinh thần trước nếu bạn là người chỉ xem anime nhé!

Một điểm nữa gây ấn tượng của vực sâu Abyss đó là tính 2 mặt: đẹp đẽ và khủng khiếp đối lập mạnh mẽ với nhau, thế nhưng vẫn có cách để chúng hòa trộn lại trong tác phẩm mà không trở thành 1 thảm họa. Đó là nhờ vào việc từng mặt kể trên được hiện diện một cách rõ ràng và nhấn mạnh trong bất kỳ nơi nào mà nhân vật chính đi qua.

Trong đó mặt “đẹp đẽ” là nhờ có công của Osamu Masuyama, một người từng tham gia vẽ phần cảnh nền cho những bộ movie của studio Ghibli như Ponyo, Spirited Away, Howl’s Moving Castle sau đó là tác phẩm của đạo diễn nổi tiếng Makoto Shinkai: Your name, Weathering With You. Bất cứ ai xem qua những bộ kể trên đều dễ dàng thấy được phần background đẹp đẽ đến thế nào tôi không cần phải chứng minh gì cả. Masuyama đặc biệt yêu thích vẽ cây cối, phong cảnh thiên nhiên nên Made In Abyss là một tác phẩm rất phù hợp với ông nhờ vào sự đa dạng trong hệ sinh thái, cảnh quang.

Thế còn mặt “khủng khiếp”, chúng ta có thể kể đến Kou Yoshinari – người thiết kế và hoạt họa những con quái vật của Abyss, tạo nên những chuyển động đột ngột, bất thường của chúng để gây sợ hãi cho người xem.

Made In Abyss đã chứng tỏ rằng khi tạo nên một thế giới giả tưởng trước tiên cần sử dụng trải nghiệm hình ảnh, âm thanh chất lượng cao để thu hút khán giả. Với một studio ít có tên tuổi như Kinema Citrus, nhưng nhờ vào đạo diễn đầy kinh nghiệm Masayuki Kojima đã từng đạo diễn cho 1 classic như Monster thì bộ anime đã truyền tải và phát huy tốt những giá trị của tác phẩm gốc, khiến cho Abyss vẫn là một thế giới độc đáo, khác biệt đáng được nhắc tới trong nhiều năm nữa.

9. Cowboy bebop

Việc một bộ anime đã trình chiếu cách đây 27 năm vẫn được nhiều người đánh giá là một trong những tác phẩm đẹp đẽ nhất đã cho ta thấy những giá trị trường tồn của một classic như Cowboy bebop là khó để bàn cãi.

Đó là nhờ vào dàn staff thuộc hàng ấn tượng nhất lịch sử anime, sau này thành lập nên studio Bones là studio nổi tiếng với chất lượng hình ảnh, animation làm bao người phải nao nức với những cảnh hành động“2D sakuga” đầy bùng nổ. Trong đó có Toshihiro Kawamoto tôi cho là một trong những người làm thiết kế nhân vật tốt nhất của cả ngành công nghiệp.

Nhìn vào thiết kế của phần lớn các nhân vật anime ta có thể thấy có 2 kiểu khác nhau. Thứ nhất là kiểu cool, se.xy, hình thể không cân đối ví dụ như vòng 1 quá cỡ,… nhân vật nhìn như là một hình tượng hoàn mĩ đến mức không thực tế giống mấy bộ ecchi, harem mà ta thường thấy như High school DxD, High school of the de.ad,…

Thứ hai là kiểu thực tế nhìn như người thường, ví dụ như Monster, Mushishi,… Kiểu này làm cho nhân vật có sự đa dạng và tính cách riêng được thể hiện qua vẻ ngoài dễ dàng hơn vì không cần phải hướng tới 1 hình mẫu hoàn hảo. Thế nhưng lại chẳng có sự hấp dẫn làm người ta phải mua hàng merchandise như figure, gối ôm,…

Vậy thì chọn kiểu nào đây? Đối với Toshihiro Kawamoto-san thì không cần phải chọn bởi vì ông có cách hòa trộn 2 kiểu trên lại với nhau làm cho nhân vật vừa nhìn thực tế vừa đầy hấp dẫn. Ta thấy trong những nhân vật chính của Cowboy bebop: Spike, Faye, Jet và Edward đều có những nét riêng dễ dàng nhận ra và phân biệt. Với sự cool, ngầu của Spike, Jet và quyến rũ của Faye được thể hiện rõ ràng và ấn tượng. Thế nhưng họ vẫn nhìn như những con người toát ra vẻ trưởng thành phù hợp với độ tuổi của mình.

Với anime thời hiện đại thì ông đã phải thay đổi thiết kế cho phù hợp hơn với phong cách vị thành niên, “moe” của các tác phẩm manga gốc. Thế nhưng những bộ anime Noragami, Kekkai Sensen khi được lên anime đều có được sự nổi tiếng nhất định, một phần là nhờ vào thiết kế cân đối, cân bằng giữa sự hấp dẫn hình thể và tính thực tế của ông từ thời Cowboy bebop còn giữ lại. Như bộ Kekkai Sensen nội dung rất rối, thứ tôi nhớ nhất sau khi xem chính là ngoại hình 1 vài nhân vật (thành thật mà nói xem bộ đó vì phần hình ảnh nhìn cool và animation, sakuga mấy cảnh hành động của studio Bones chứ cũng chẳng biết nó nói về cái gì :v).

Còn phần background được đạo diễn bởi Junichi Higashi là sự kết hợp giữa những hình ảnh sci-fi và quang cảnh thành thị thời 80-90s. Sự kết hợp giữa tương lai và quá khứ mang lại cho Cowboy bebop một bầu không khí buồn bã, hoài niệm. Nếu chưa biết nội dung là gì mà chỉ cần nhìn qua quang cảnh của thế giới trong tác phẩm cũng đã đủ để gợi cho khán giả một cảm giác cô đơn lạc lõng phù hợp với chủ đề hiện sinh cần được truyền tải.

Và trên hết là nhân vật quan trọng nhất, đạo diễn Shinichiro Watanabe, một con người rất yêu mến âm nhạc phương Tây, lúc nào cũng muốn giao thoa cảm xúc giữa hình ảnh và âm nhạc đem lại. Đã có nhiều bộ anime original được ông tạo ra sử dụng đa dạng các thể loại âm nhạc khác nhau: jazz, rap, pop,.. và được cộng đồng đánh giá cao như Samurai Champloo, Kids on the slope,… Thế nhưng theo tôi thì Cowboy bebop vẫn là tác phẩm được đạo diễn tốt nhất của ông, bởi vì có được những khung cảnh mang tính biểu tượng cực cao, sẽ trường tồn với thời gian và làm người xem nhớ mãi.

10. Ngoài ra còn có bộ “Kaijuu no Kodomo” chất lượng hình ảnh quá tốt đến mức không thể tin nổi, có thể nói là bộ anime movie đẹp nhất mà tôi từng xem. Thế nhưng tôi cũng đã có viết về dàn nhân sự trong bài giới thiệu về đạo diễn Ayumu Watanabe rồi nên cảm giác là không cần phải viết lại làm gì nữa: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/248699570604103

Trong loạt bài viết này tôi đã cố gắng lựa chọn những tác phẩm có phong cách khác nhau, trải dài qua các thời kỳ từ những năm 80s trở lại đây, để chứng minh cho các bạn độc giả sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật của anime là vẫn luôn tồn tại. Một số bạn có thể nói rằng anime ngày nay nhìn đẹp hơn xưa hay ngược lại. Thế nhưng đối với tôi, mỗi thời kỳ trong quá trình phát triển của anime đều mang một vẻ đẹp riêng cần được trân trọng.

Nhìn chung, tôi vẫn thấy anime thời nay có nhiều bộ có phần hình ảnh độc đáo, ấn tượng chờ khán giả khám phá. Thế nhưng sự phá cách, khác biệt cũng có nghĩa là nhiều lúc sẽ có ít người chú ý đến. Cho nên nhiệm vụ của một người yêu mến anime như tôi vẫn luôn là muốn giới thiệu đến nhiều người càng tốt những gì mà mình cho là hay nhất. Bởi vì 1 một viên ngọc đẹp đẽ thường hay không hiện hữu ngay trước mắt ta, cũng phải cần phải bỏ công sức ra để tìm kiếm chứ bộ!

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button