AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Bộ Anime Nào Có Hình Ảnh Đẹp Nhất?

Bộ anime nào có hình ảnh đẹp nhất mà bạn từng xem? Câu trả lời của nhiều người sẽ có những tác phẩm của các studio nổi tiếng như Kyoani, Ufotable, Ghibli hay là phim của Makoto shinkai. Đúng là những bộ kể trên đẹp thật nhưng mà thế giới anime rất là rộng lớn với vô vàn những phong cách nghệ thuật khác nhau, trải dài qua các thập niên kể từ khi ngành công nghiệp được hình thành và phát triển từ những năm 60s đến nay.

Nên thật ra việc lựa chọn những bộ anime đẹp nhất khó hơn ta tưởng nhiều. Trong bài viết này tôi sẽ liệt kê ra những tác phẩm có hình ảnh ấn tượng nhất mà bản thân từng có dịp được chiêm ngưỡng. Dĩ nhiên đây sẽ không thể là 1 list hoàn hảo, nên nếu các bạn có những đề cử nào nếu thấy xứng đáng hãy để lại ở phần bình luận nhé! (Danh sách sẽ không có xếp hạng)

1/ Mushishi.

Mở đầu trong danh sách là 1 trong những bộ anime yêu thích nhất của tôi – Mushishi. Tác phẩm được trình chiếu từ năm 2005 mà đến nay sau hơn 1 thập kỷ ta vẫn thấy nó vô cùng đẹp đẽ. Đó là nhờ vào phần background đầy chi tiết với phông màu xanh lá của thiên nhiên làm chủ đạo, tạo cảm giác dễ chịu khi xem. Cùng với đó là sự khắc họa của các “mushi” – sự sống ở mức căn bản nhất, 1 cách rất sinh động và ấn tượng.

Phần backgound art được chỉ đạo bởi Takeshi Waki, người cũng vẽ background cho Samurai Champloo và Legend of the Galactic Heroes. Ông sau này cũng là giám đốc của studio Green, 1 studio chuyên đảm nhiệm gia công vẽ cảnh nền. Có thể ông ấn tượng với background đậm màu xanh lá của Mushishi mà mình từng đảm nhiệm nên đặt tên công ty là “Green”? :v

Đối lập với phần background quá ư chi tiết kỳ công là dàn nhân vật có thiết kế khá là đơn giản. Một phê bình mà tôi hay nghe về Mushishi đó là nhân vật nhìn giống nhau, khó phần biệt được ai với ai.

Tôi thì nghĩ việc thiết kế nhân vật đơn giản, không có điểm nhấn không phải vì bất cứ vấn đề gì trong khâu sản xuất mà là vì 1 giá trị nội dung rất riêng biệt cho tác phẩm. Đó là việc bộ anime muốn ta chú ý đến các mushi và thế giới hơn là nhân vật. Bởi vì khi những mushi tác động đến đời sống con người (thường theo hướng gây hại), thì họ chỉ có cách là chấp nhận nó và bước tiếp. Con người chỉ là 1 phần nhỏ của hệ thống chứ không hề là trung tâm, thế nhưng bằng cách chấp nhận bất cứ thứ gì mà cuộc sống đem đến cho ta mà những nhân vật sẽ bộc lộ ra những phẩm chất đáng quý, giá trị nhân văn của riêng mình. Nhân vật chính Ginko có phong cách ăn mặc hiện đại (áo sơ mi), rất khác với tất cả những nhân vật khác chỉ mặc đồ truyền thống, bởi vì anh ta đóng vai trò như là 1 góc nhìn cho khán giả có thể đặt mình vào. Khởi đầu mỗi tập ta thấy họ chỉ là những con người qua đường bình thường, thế nhưng khi ta được theo dõi, đắm chìm vào câu chuyện của họ, những vẻ đẹp ẩn giấu trong sự giản dị, chân phương đó dần dần hiện ra.

Đó là 1 chút “teaser” cho bài phân tích đầy đủ trong tương lai. :v Còn bây giờ thì tôi chỉ có thể nói, Mushishi là 1 trong những bộ anime có hình ảnh tốt nhất, không những nét vẽ đẹp mà còn là nghệ thuật kể chuyện bằng ảnh đầy hiệu quả.

2/ Angel’s Egg.

Thập niên 80s là 1 thập niên khá điên rồ của ngành công nghiệp anime, với những OVA “bung lụa” hết mức có thể trong khoảng yếu tố 1 8+, cảm giác như thế giới anime trải qua thời kỳ nổi loạn, edgy như mấy bạn thành niên mới lớn vậy. :v

Bên cạnh đó thì phong cách vẽ nhân vật cũng đặc biệt ấn tượng, không moe nhưng vẫn rất xinh đẹp và quyến rũ. Và bộ anime ngắn “Angel’s egg” có thể nói là 1 trong những tác phẩm biểu trưng nhất cho vẻ đẹp của phong cách nghệ thuật trong thập niên này.

Được đạo diễn bởi Mamoru Oshii (Ghost in the shell, Jin-rou), đây là 1 tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm mang đậm tính cá nhân của tác giả. Không hề có những yếu tố hành động hấp dẫn như Ghost in the shell, Angel’s egg có nhịp phim rất chậm với dày đặc những biểu tượng hình ảnh thiên chúa giáo, mà tôi khi xem cũng chẳng thể hiểu nỗi. Thế nhưng vì phần hình ảnh quá ư là đẹp đẽ nên vẫn đủ cuốn hút để mà tôi có thể xem hết.

Sử dụng phông màu tương phản trắng/đen đơn giản pha thêm chút xanh lam, tác phẩm vẫn tạo được bầu không khí bí ẩn, ma mị đầy cuốn hút. Đặc biệt là phần background quá tốt đến nỗi bạn pause 1 khung hình bất kỳ đều nhìn rất đẹp như 1 bức tranh. Bởi vì bên cạnh Mamoru Oshii thì bộ anime còn có những cái tên đầy tài năng khác trong dàn staff: Như thiết kế nhân vật Yoshitaka Amano – người đã từng tham gia thiết kế nhân vật cho dòng game huyền thoại Final fantasy, vẽ background Shinji Kimura, một tên tuổi gạo cội trong làng vẽ background, người đã từng tham gia các bộ anime “classic” như Akira, My Neighbour Totoro cũng như Tekkon Kinkreet, Kekkai Sensen, Dorohedoro – những tác phẩm có phong cách độc lạ. Bên cạnh đó còn có Kobayashi Shichiro, là đạo diễn art của Lupin III: The Castle of Cagliostro và Berserk (bản 1997).

Những điều trên đã khiến cho Angel’s Egg, từ 1 bộ phim ngắn nghệ thuật ít người biết đến giờ vẫn còn được 1 số người ham muốn tìm hiểu để mà phân tích những giá trị nội dung và nghệ thuật đằng sau những hình ảnh có tính biểu tượng cao đầy cuốn hút.

3/ Casshern Sins.

Tiếp theo trong danh sách cũng là 1 bộ anime mà rất ít người biết. Casshern Sins kể về 1 robot bất tử tên là Casshern lang thang phiêu bạt trong vùng đất hậu tận thế chỉ có những con robot đang ngày càng hoen rỉ, ch.ết dần ch.ết mòn vì hiện tượng “The Ruin”. Cậu ta có nhiệm vụ phải tìm ra được Luna, cô gái đã gây ra “The Ruin” và biến cậu thành kẻ bất tử. Thế nhưng trên đường đi Casshern liên tục gặp phải những robot cản đường vì mong muốn chiếm được khả năng bất tử từ cậu.

Casshern Sins là 1 bộ anime khá là buồn bã và đậm triết lý về ý nghĩa của sự sống và cái ch.ết. Thế nhưng thứ làm tôi ấn tượng nhất chính là mặt hình ảnh của tác phẩm này mang một phong cách rất độc đáo mà không giống bất cứ bộ anime nào khác. Thiết kế nhân vật được đảm nhiệm bởi Yoshihiko Umakoshi có lẽ là 1 trong những thiết kế nhìn ấn tượng nhất mà tôi từng thấy, nhân vật được vẽ nét đậm khá đơn giản nhưng mà vẫn toát ra 1 vẻ đẹp của sự “tao nhã, thanh lịch’’. Tôi cũng không biết phải miêu tả sao cho đúng nữa. :v Có lẽ là vì phần background làm rất tốt trong việc thể hiện 1 thế giới lụi tàn, mục nát mà vẻ đẹp của nhân vật được đề cao hơn thông qua nghệ thuật hình ảnh tương phản.

Một điều khá là thú vị ở đây đó là Yoshihiko Umakoshi-san cũng là người thiết kế nhân vật cho Mushishi với sự đối lập rõ ràng giữa nhân vật đơn giản không ấn tượng và cảnh nền rực rỡ, choáng ngợp. Còn ở tác phẩm này là sự đối lập ngược lại giữa nhân vật đẹp đẽ và cảnh quang tận cùng hoang vắng. Và tôi nghĩ những sự đối lập trên càng làm cho phần hình ảnh thêm phần ấn tượng, in dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem.

Ngoài ra thì animation, những cảnh chiến đấu trong Casshaern Sins cũng rất khác biệt nữa. Bởi vì nhân vật Casshern có phong cách chiến đấu như nhảy múa trên không trung nên cũng tạo cho tôi nhiều sự thú vị khi xem . Âm nhạc cũng rất hay, nhìn chung là 1 bộ anime có chất lượng sản xuất ngoại hạng. Có lẽ là vì đây là thời kỳ những năm 2000s đỉnh cao của studio Madhouse khi mà họ sản xuất hàng loạt rất nhiều shows nhưng vẫn đảm bảo toàn hàng chất lượng cao. Một dạng “flex” số lượng nhân tài có thừa trong studio nhờ vào khả năng tuyển dụng của Masao Maruyama-san mà MAPPA ngày nay cũng không thể bì kịp.

Casshaern Sins cũng có 1 số vấn đề về nhịp phim ở giữa bộ khá là chậm, với nhiều tập có nội dung lặp đi lặp lại giống nhau làm tôi hơi chán. Thế nhưng do mặt hình ảnh quá tốt nên tôi vẫn nghĩ đây là 1 bộ rất là underrated, nên có nhiều người biết đến hơn.

4/ Magnetic Rose (trong loạt phim ngắn Memories).

Nếu như nhắc đến những bộ anime movies đẹp nhất thì ta không thể bỏ qua cái tên Satoshi Kon. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm anime gây ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Với việc sử dụng kỹ thuật chuyển cảnh và kỹ thuật điện ảnh đầy tài ba, ông đã tạo nên những kiệt tác nghệ thuật pha trộn hoàn hảo giữa thực và ảo. Những cái tên như Perfect Blue, Paprika hay Millennium Actress hoàn toàn có thể nằm trong danh sách những bộ anime đẹp nhất của tôi. Thế nhưng trong bài viết này tôi muốn giới thiệu bạn độc đến với 1 bộ phim ngắn có sự tham gia của Satoshi Kon mà ít người biết, đó là Magnetic Rose.

Thứ ấn tượng đầu tiên của tôi với tác phẩm này chính là nằm ở dàn staff. Nó có thể đứng top trong danh sách nhưng bộ anime có dàn staff “S+” nhất lịch sử ngành công nghiệp.

Chúng ta có:

– Kịch bản: Satoshi Kon.

-Tác giả: Kasuhiro Otomo, vị đạo diễn huyền thoại của Akira.

– Đạo diễn: Kouji Morimoto, sáng lập viên của studio 4oC.

– Thiết kế nhân vật: Toshiyuki Inoue, người có biệt danh “animator hoàn hảo”, đã tham gia vô số dự án nổi tiếng như Ghost in the shell, Wolf children, Akira, Evangelion, v.v.

– Âm nhạc: Yoko Kanno (Cowboy bebop, Macross,…)

Tôi không hiểu tại sao 1 bộ phim ngắn chỉ có thời lượng 44 phút lại quy tụ dàn staff khủng đến như vậy nhưng mà quan trọng là họ đã tạo ra 1 tuyệt tác nghệ thuật hết sức lộng lẫy và tráng lệ. Với chủ đề “space horror” thì bộ anime đã lột tả được bầu không khí bí ẩn, đáng sợ cùng với đó là nghệ thuật chuyển cảnh quen thuộc của Satoshi Kon làm ta không phân biệt được đâu là thực và đâu là giả càng làm tăng thêm tính rùng rợn về cuối phim. Âm nhạc đậm màu sắc opera thính phòng của Yoko Kanno thì cũng “hết nước chấm” nữa. Bộ anime này chỉ đơn giản là 10/10 đối với tôi, khuyên xem với những bạn nào yêu thích nghệ thuật của Kon-san, với thời lượng khá ngắn và nội dung đơn giản theo kiểu “space horror” điển hình thì tính ra tác phẩm này vẫn còn đỡ “xoắn não” hơn những bộ phim đủ thời lượng của ông.

5/ Mob Psycho 100.

Mob psycho 100 vs One punch man là 2 bộ anime mà người ta thường hay so sánh đến từ cùng 1 tác giả là ONE. Với tôi thì Mob psycho 100 vẫn luôn là bộ đã gây nhiều ấn tượng cho bản thân hơn về mặt hình ảnh. Một phần là do One punch man mùa 2 gây nhiều thất vọng về chất lượng animation nên đã khiến cho ấn tượng chung của cả tác phẩm bị phai mờ đi. Một phần là ngay cả ở mùa 1, OPM có animation tuyệt vời đến thế nào đi chăng nữa, thì những cảnh hành động vẫn nằm trong ấn tượng về 1 cảnh hành động điển hình. Ở Mob psycho 100 thì do chủ đề của bộ anime về những cuộc chiến năng lực tâm linh nên đã tạo tiền đề cho các animator có thể sáng tạo hơn, tạo ra những cảnh hành động đầy độc đáo. Cho nên những điểm cộng dành cho Mob nằm ở sự sáng tạo và chất lượng ổn định.

Nào bây giờ chúng ta hãy bàn về cái tên Yoshimichi Kameda, anh ta là 1 animator khá nổi tiếng trong giới sakuga vì đã làm key animation cho cảnh đánh nhau cuối cùng trong Fullmetal Alchemist Brotherhood và cảnh “trận chiến cân sức trong mơ” của Saitama ở tập 1 bộ One punch man. Đều là những cảnh rất ấn tượng và cảm xúc. Thế nhưng thứ khiến cho anh ta là 1 trong 2 animator mà tôi thích nhất ở studio Bones chính là vai trò thiết kế nhân vật và đạo diễn animation trong Mob psycho 100. Phải nói là anh ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, chuyển những khung manga có phần thô sơ, nguệch ngoạc của ONE thành 1 tác phẩm có vẻ đẹp riêng đầy chất lượng.

Cùng với đó là dàn animator hàng đầu của Bones (dĩ nhiên có luôn “thánh cubes” Yutaka Nakamura) đã cho khán giả “hàng đống” những cảnh hành động sakuga cực đỉnh cao, có thể nói là những kỳ quan của 2d animation trong những năm gần đây.

Thế nhưng gây ấn tượng nhất với tôi vẫn là tập 5 của mùa 2, trận chiến giữa Mob vs Mogami, tập đó phải nói là tập anime đầu tiên làm tôi phải há hốc mồm chỉ vì yếu tố animation. Chắc hẳn các fan của 2d sakuga cũng phải gào rú trong lòng khi cái ngày mà tập đó ra mắt. :v Tôi không thể tưởng tượng được làm sao mà các animator có thể hoạt họa tập đó. Nên xin được cảm ơn chỉ đạo animation của tập 5 s2 Hakuyu Go và các animators đã dốc công sức tạo ra 1 tập có animation “điên rồ” đến như vậy.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button