AnimePhân Tích Nhiều Kì

Bạn đã ở đâu khi Ufotable một lần nữa tạo nên lịch sử? – Kimetsu no Yaiba: Yuukaku-hen Tập 10.

Ngày hôm qua Ufotable đã khuấy đảo cộng đồng say mê anime trên khắp thế giới khi cho ra mắt một trong những tập anime hành động ấn tượng nhất trong lịch sử truyền hình, với chất lượng hoạt họa có thể dễ dàng sánh ngang các bộ anime movie bom tấn hành động, không chỉ riêng khán giả phổ thông mà cả những người yêu thích sakuga khó tính nhất cũng phải trầm trồ thán phục.

Có rất rất nhiều điều để nói về “kì tích” mà Ufotable đã thực hiện được trong tập tuần này.

Trước nhất, bàn riêng về quá trình sản xuất, số lượng của “chỉ đạo hoạt họa” (animation director – gọi tắt là AD) trong tập có sự gia tăng đột biến, thậm chí còn hơn cả tập 9 tuần vừa rồi vốn là một tập phụ thuộc vào nhân sự bên ngoài (outsource). Số lượng AD góp mặt nhiều thường mang dấu hiệu không tốt, phản ánh các vấn đề phát sinh trong khâu sản xuất hoạt họa (vd như các bảng vẽ cần được chỉnh sửa nhiều vì trình độ hoạt họa sĩ được thuê không đồng đều).

Tuy nhiên, đối với tập tuần này thì lại khác! Một trường hợp hiếm hoi phản ánh “tham vọng” của đội ngũ Ufotable. Tập 10 của Kimetsu no Yaiba chằng chịt những phân đoạn hành động mà số lượng và chất lượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoạt họa! Với khối lượng công việc khổng lồ thì đây cũng là chuyện dễ hiểu khi họ cần “xé nhỏ” phần việc để tránh quá tải cho các AD. Trong tập tuần này, đội ngũ hoạt họa mạnh nhất của studio đã quay trở lại để phô diễn uy lực của mình, họ thuộc thành phần xuất sắc nhất của Ufotable – những tài năng dày dặn kinh nghiệm đã từng chinh chiến qua hàng loạt siêu phẩm hành động, chính đôi tay của họ đã tạo dựng và làm nên nên thương hiệu cho chiếc “dĩa bay” không một fan anime nào là chưa nghe qua tiếng tăm!

Chưa dừng ở đó, tập 10 còn có sự xuất hiện của nhiều vị khách mời, vốn là những tên tuổi lẫy lừng khác trong ngành CN hoạt họa, vd như Kazuhiro Miwa – ông là một lão làng của Shaft và hiện đang làm tại David Production, đảm nhận trưởng chỉ đạo hoạt họa cho tác phẩm Fire Force, lẫn từng tham gia qua Fullmetal Alchemist: Brotherhood của studio Bones, ta còn có Shinichi Kurita – một hoạt họa sĩ chủ chốt đã tạo dấu ấn qua nhiều series ăn khách như Bleach, FMAB, Naruto, Birdy Mighty Decode, hay danh tài hoạt họa sĩ Akiko Ōtsuka (Evangelion 3:0, Kill la Kill, Mob Psycho II, My Hero Academia) và vv … tất cả cùng tập hợp dưới một mái nhà – nơi Ufotable tọa lạc – để chung tay mang đến một trải nghiệm khó có thể phai mờ, ít nhất là trong hàng chục năm nữa!

.

Tất nhiên, tâm điểm ánh hào quang vẫn đặt trọn lên vai đội ngũ ưu tú nhất của studio, và sự quay trở lại của một cái tên đã trở thành “huyền thoại sống” trong hàng ngũ chỉ đạo ở Ufotable. Tập 10 là tập đánh mạnh vào mặt cảm xúc khán giả, không chỉ vì tính chất bi hùng trong câu chuyện mà còn vì mức độ phức tạp và chằng chịt trong các chi tiết hình ảnh và phân cảnh. Để kết nối tất cả mọi thứ với nhau cho hợp lý và hài hòa, thì bạn phải cần một nền tảng vững chắc – một người có khả năng điều tiết từ nhịp độ cho đến sắp đặt tình tiết, diễn biến, bố cục hành động và vv …

Và không ai hợp hơn trong vị trí chỉ đạo tập ngoài tên tuổi Toshiyuki Shirai.

Shirai đã gắn bó với Ufotable trong hơn 10 năm trời, anh là một con át chủ bài quan trọng của studio mà tài năng khó ai có thể phủ nhận. Lục lại trí nhớ, trước tập 10 tuần này thì tập nào của KnY đã làm bạn ấn tượng nhất, nếu không bàn đến movie Mugen Train? Hẳn 99% số người được hỏi cũng đều trả lời à đấy là tập 19 của season đầu tiên!

Và đây cũng chính là những gì mà Shirai có thể mang lại. Tự đôi bàn tay anh đã đảm nhận bảng vẽ phân cảnh lẫn chỉ đạo chủ chốt cho tập 19 để làm nên tập hấp dẫn nhất của cả franchise KnY. Thế mạnh của anh tiếp tục được phát huy trong tập này, ta có thể thấy khả năng sắp xếp phân cảnh hợp lý, đó là những tiết tấu diễn biến chậm được thiết lập ban đầu nhằm kìm nén khán giả về mặt cảm xúc – như lúc Tanjirou bị Gyutaro chơi đùa giễu cợt, có lẽ khán giả cũng như cậu, đã phải “cúi cái mặt xuống” mà chịu đựng sự xúc phạm về nhân phẩm, mà cái cảm giác kìm nén lẫn ức chế cũng chẳng tồn tại lâu khi ta chứng kiến một Tanjirou vẫn kiêng cường, không bỏ cuộc, trong thời khắc tuyệt vọng vẫn thiết sống và làm mọi thứ để thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo.

Cảm xúc người xem từ chịu đựng nhẫn nhục, bỗng dưng vỡ òa vui sướng trong lòng, như có thứ gì đó bùng nổ, chỉ muốn cổ vũ cho Tanjirou, để rồi lại ghìm chặt người xem trên ghế, khiến họ thấp thỏm lo sợ khi Gyutarou dần thoát khỏi nanh vuốt tử thần, lật ngược ván cờ … Không biết bao lần, cách sắp đặt tình huống phân cảnh hợp lý và tài tình, với tiết tấu nhanh chậm thích hợp của Shirai đã giúp nâng tầm cho nguyên tác, cải thiện trải nghiệm “lên voi xuống chó” của nhân vật nói riêng, và cho cả khán giả nói chung. Qua phân cảnh, lối chỉ đạo của Shirai – người xem như trải nghiệm cùng nhân vật – ta cảm nhận được sự nguy hiểm, trên bờ vực tuyệt vọng, hay vui, buồn, hạnh phúc mà các nhân vật đang trải qua.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến đội ngũ hoạt họa mạnh nhất của Ufo đã tái tạo nên một trải nghiệm hành động có một không hai trong lịch sử hoạt họa Nhật. Đội ngũ ra quân trong tập 10 đã từng đảm nhận những dự án quan trọng như trilogy Fate Heaven’s Feel đình đám, điểm mặt qua là những cái tên quen thuộc trong các dự án lớn của Ufo như Hanazawa, Tsuchiya, Nakazawa, Kimura, Nagamori, Kunihiro, Fujimoto … và đặc biệt là Nozomu Abe (nói chung thì Ufo dồn gần hết cả team chủ lực làm trilogy Fate Heaven’s Feel vào vỏn vẹn 1 tập truyền hình 🤣).

Cảnh Abe đảm nhận trong tập thì … trời ơi luôn! Mình không biết ông có thật sự còn là “người” nữa không. Abe đảm nhận đoạn cảnh hành động cao trào nhất trong tập khi Gyutarou và Uzui đối mặt nhau, ta có thể cảm nhận sự nảy lửa trong từng frame hình, từng cú va chạm của binh khí lên nhau, thể hiện qua hiệu ứng bộc toát và cả sự rung chuyển từ “máy quay” đa góc độ trên nền nhạc hào hùng! Tuy tiết tấu hành động nhanh nhưng không có nghĩa Ufotable làm “ẩu”, nếu “tua chậm” thì bạn sẽ nhận ra từng frame ảnh luôn giữ sự ổn định về chi tiết và đường nét. Điểm yếu của Ufo là việc họ quá lạm dụng các hiệu ứng để “che mắt” đi hoạt họa, nhưng đây là chuyện xưa rồi diễm! Ufotable bây giờ đã đạt được sự giao thoa gần như hoàn hảo giữa CGI tái tạo hiệu ứng và lối hoạt họa 2D truyền thống, một sự dung hợp hài hòa khi CGI được sử dụng như backdrop, làm nền giúp tô điểm và tinh chạm hơn cho kỹ thuật hoạt họa 2D của họ.

Một lần nữa, cặp bài trùng Shirai – Abe đã làm choáng ngộp khán giả trên khắp thế giới với một tập đỉnh của đỉnh. Và đây cũng là dấu ấn của Ufo, của Shirai, Abe trong lịch sử hoạt họa – khi KnY sẽ là cái tên được nhắc đến rất lâu trong những năm tháng tiếp theo khi ta nói về hoạt họa hành động trong anime.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button