Bài học rút ra được từ sự thành công bất ngờ của One Piece live action.

Chuyển thể “live action” là 1 chủ đề mà trước nay tôi là người rất ít có sự hứng thú quan tâm để mà có thể viết bài bàn luận về vấn đề gây tranh cãi này cho lắm. Bởi vì tôi nghĩ giữa anime và phim ảnh, 2 loại hình văn hóa, nghệ thuật khác nhau đều có điểm mạnh riêng biệt hoàn toàn có thể tồn tại theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng”, không nhất thiết phải có sự đan xen vào nhau. Ví dụ như đối với phim người đóng thì tôi thường hay xem những bộ về chủ đề tiểu sử của những nhà khoa học, vĩ nhân trong lịch sử cũng như “hard sci-fi” – khoa học viễn tưởng nhưng tuân theo những quy tắc vật lý, những loại chủ đề thường hay thiếu vắng trong anime. Do đó, tôi không nghĩ rằng bất cứ bộ anime nào cũng cần thiết phải chuyển thể thành live action, nhất là những tác phẩm classic, đỉnh cao đã khai thác được triệt để những thế mạnh mà loại hình anime đem lại như là Cowboy bebop, hay là Gh. ost in the shell. Tương tự với việc nếu một cỗ máy đã hoạt động một cách trơn tru hoàn hảo thì làm sao phải cần sửa. Những loại chuyển thể mà tôi nghĩ thực sự cần thiết là những tác phẩm có nhiều tiềm năng về mặt ý tưởng, xây dựng thế giới nhưng đã bị bỏ ngõ, không khai thác hết được, tạo điều kiện cho bản chuyển thể cải thiện những yếu tố thiếu thốn và khiến cho trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh hơn. Ví dụ như những gì mà studio Trigger đã làm được với Cyberpunk Edg.erunner. Tôi có lẽ sẽ hứng thú với Sw.ord Art Online live action hơn bởi vì nếu dàn staff nếu thực hiện tốt có khả năng tạo ra một tác phẩm hay hơn cả bản gốc bằng cách sửa chữa những khuyết điểm về mặt nhân vật và pacing, so với Cowboy bebop, ngay cả nếu có gắng truyền tải những “tinh hoa” của bộ anime thì cũng chỉ trở thành 1 bản sao thua kém hơn mà thôi.
Còn một điều khác nữa, lý do cho sự chán nản của tôi với những bộ live action từ phương Tây như của Netflix đó là sự không tôn trọng tác giả tác phẩm gốc của họ. Nguyên tắc của những hãng lớn như Netflix hay Disney thường là đề cao việc thay đổi, sáng tạo trong bản chuyển thể và rất ít khi cố gắng theo hướng 1:1 với tác phẩm gốc. Và tôi cũng đồng tình rằng chuyển thể 1:1 không hề là một việc tốt chút nào. Bởi vì mỗi loại hình có 1 điểm mạnh riêng biệt, và nếu ta cứ “bê y nguyên” điểm mạnh đó vào thì lại trở thành vô dụng với loại hình khác. Ví dụ như với light novels, tiểu thuyết, loại hình có điểm mạnh ở ngôn từ, nên có thể sử dụng thậm chí nhiều trang giấy liên tục chỉ để khắc họa, miêu tả nội tâm nhân vật. Nhưng khi mà chuyển thể thành anime thì nếu lời thoại quá dài dòng chỉ để miêu tả cảm xúc nhân vật thì lại khiến khán giả sẽ cảm thấy vô cùng buồn chán, cho nên lại phải biết cách sử dụng điểm mạnh của anime đó là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh để mà thể hiện trực tiếp ra.
Đúng là không nên chuyển thể 1:1 nhưng mà đồng thời thì, dàn staff thực hiện live action ít ra cũng phải hiểu được những giá trị cốt lõi của tác phẩm gốc. Chứ không phải dùng cái cớ của sự sáng tạo để mà biện hộ cho sự hoàn toàn đi chệch hướng. Và việc đầu tiên cần làm đó là lắng nghe, tiếp thu ý kiến của tác giả để mà hiểu rõ hơn những yếu tố đã tạo nên thành công và giúp bộ anime được mọi người yêu mến, để mà có hướng phát triển nội dung hợp lý sau này. Chứ như vụ live action của Cowboy bebop, để chính cha đ. ẻ của bộ anime – đạo diễn Shinichiro Watanabe, than phiền rằng không thể xem nổi qua cảnh mở đầu, cho rằng đó không phải là Cowboy bebop của ông và những bình luận của ông về kịch bản dường như đã bị bỏ qua, mặc dù có vai trò giám sát sản xuất. Tôi nghĩ là đã thể hiện rõ những vấn đề rất lớn trong khâu sản xuất và cái kết thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Cho nên khi mà lần đầu nghe tin về One piece live action, cảm nghĩ của tôi đó là sao cũng được, không quan tâm cho lắm. Cho đến khi tôi tình cờ xem được những clips mà dàn cast phản ứng với trailers, đến thăm tác giả Oda Eiichiro, và seiyuu của Luffy thì một cách bất ngờ, tôi lại cảm nhận được một thứ gì đó. Không chỉ là những lời mang tính chất quảng cáo cho suông, tôi có thể thấy được những sự nhiệt tình nhất định mà các diễn viên dành cho bộ manga nổi tiếng. Đặc biệt là cậu trai sẽ thủ vai chính Luffy, tôi tin tưởng rằng những tình cảm, sự phấn khích của cậu ta đối với One Piece đều là những cảm xúc chân thành.
Cho nên tôi đã quyết định rằng okay, cứ cho 1 cơ hội, hãy thử xem One Piece live action vì cậu diễn viên kia vậy. Và có vẻ là tôi đã không phải bị thất vọng. Dĩ nhiên là phải có những sự khác biệt nhất định giữa vai diễn và nhân vật hoạt hình về ngoại hình, về giọng nói, cậu ta không thể bắt chước chất giọng của một bà cô đã quá quen thuộc với khán giả qua nhiều năm trời. Thế nhưng, Inaki Godoy vẫn thể hiện được rất tốt bản chất của nhân vật Luffy – một tâm hồn luôn luôn lạc quan, không ngừng tiến lên để phá bỏ mọi định kiến, ràng buộc, một hình tượng của sự tự do, hoài bão và ý chí đã truyền cảm ứng cho biết bao nhiêu thế hiện trẻ tuổi. Ngoài ra, Zoro cũng nhìn ngầu như là anime. Nói chung thì dàn cast, đã không diễn quá lố, cố gắng bắt chước biểu cảm nhân vật anime nhưng vẫn thể hiện được khá tốt về mặt tính cách và điệu bộ, giúp mang những thuyền viên của nhóm “Mũ rơm” trở nên gần gũi hơn với những khán giả, kể cả khi mới xem qua tác phẩm lần đầu tiên.
Vậy là tôi cũng đã xem hết 8 tập của One piece live action và đánh giá ở mức hay, hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là 1 bản chuyển thể gọi là “nâng tầm nguyên tác” hay hơn anime hay manga, như 1 số ý kiến ở trên mạng. Bởi vì rõ ràng ta có thể cảm nhận thấy một sự thay đổi về sắc thái theo hướng nghiêm túc hơn nhiều so với anime. Và sự thay đổi trên đem lại 1 số lợi ích ví dụ như việc làm cho nhân vật phản diện đáng sợ hơn một chút, nhưng mà tôi vẫn nghĩ cái chất hài hước, vui nhộn trong anime có nét hấp dẫn riêng và tương tác giữa các nhân vật trong nhóm của Luffy ở trong anime vẫn thú vị hơn nhiều so với bên live action, đối với tôi.
Dù gì thì bản live action cũng đã đem lại được tính giải trí cao, và tôi cũng chỉ mong đợi có bao nhiêu đó trước khi xem. Hơn nữa điều quan trọng là thông điệp chính mà tác phẩm muốn truyền tải vẫn được giữ nguyên giá trị, mặc cho sự thay đổi về sắc thái rất đáng kể kia. Chứ không như bộ Gh. ost in the shell, yếu tố trung tâm, đáng chú ý nhất của tác phẩm là về mặt ý nghĩa triết lí mà nó đem lại, thế mà họ lại không thể truyền tải được luôn, để bị lạc lối sang những bộ phim có cùng chủ đề cyberpunk khác.
Vì thế, tôi hy vọng rằng sự thành công đầy bất ngờ của One piece live action sẽ giúp cho các hãng phim phương Tây như Netflix có được một bài học kinh nghiệm lớn khi chuyển thể những bộ anime khác sau này. Đó là đầu tiên cần phải xác định được cụ thể những giá trị cốt lõi của tác phẩm gốc là gì và trả lời cậu hỏi rằng tại sao khán giả lại yêu mến bộ anime đó. Và để trả lời cho những câu hỏi trên thì dĩ nhiên là cần phải chân thành lắng nghe những ý kiến đóng góp của tác giả, cha đ. ẻ của tác phẩm đó. Bởi vì một tác phẩm một khi đã được phần đông độc giả, khán giả yêu mến ủng hộ trong nhiều năm trời thì chỉ có tác giả mới là người hiểu rõ nhất sự lôi cuốn, hấp dẫn đó từ đâu ra mà thôi. Một khi dàn staff đã thực sự hiểu rõ được những điều trên thì tôi nghĩ đó mới là lúc mà họ có thể “thêm gia vị, xào nấu lại theo ý mình” được.
Công việc chuyển thể là cả một nghệ thuật của việc dung hợp, hài hòa giữa sự sáng tạo của cá nhân và sự tôn trọng, đề cao tác phẩm gốc. Và tôi nghĩ rằng đây sẽ là 1 minh chứng tuyệt vời rằng làm thế nào để có được một bản live action khác với anime, đem lại những giá trị mới mẻ, giải trí hấp dẫn cho khán giả đồng thời vẫn thể hiện rằng đây chính là One piece mà ta vẫn yêu mến, một tác phẩm của tình bạn, của niềm tin và hy vọng sẽ cho ta động lực để phá bỏ mọi giới hạn, khuôn khổ, để có thể thực hiện những giấc mơ vĩ đại và đi. ên rồ nhất.