AnimeFirst Impression

Arcane (Tập 1-3) – First impression

Chúng ta chắc hẳn đều biết đến tựa game Liên minh huyền thoại và cái công ty Riot chuyên làm hoạt hình với MV ca nhạc này rồi. Tôi đã từng chơi Liên minh khá nhiều với đám bạn hồi xưa rất là vui nhưng giờ đã bỏ được vài năm. Tôi chắc là sẽ không quan tâm đến LoL nữa nếu mà không theo dõi những giải đấu esport và cả những video cinematic đầy “mát mắt” kia.

Do đó tuy là không chơi cái game “củ chuối” này nữa nhưng tôi vẫn quan tâm đến nó và dĩ nhiên khi dự án animation Arcane lần đầu ra mắt thì cũng như nhiều người khác đó là sự hồi hộp mong chờ, liệu rằng Riot có giữ vững danh hiệu là công ty đầu tư làm phim hơn là làm game không? Và sau khi xem hết 3 tập đầu, tôi có thể nói rằng Arcane hoàn toàn đáp ứng, thỏa mãn sự kỳ vọng của khán giả về 1 dự án phim hoạt hình dài tập đầu tiên của vũ trụ Liên minh mà ta đã chờ đợi từ lâu.

1. Bối cảnh

Đầu tiên ta phải nói đến cách lựa chọn bối cảnh và nhân vật của Riot. Trong thế giới Runeterra rộng lớn có nhiều quốc gia, vùng đất khác nhau cùng với đó là hàng trăm vị tướng với những câu chuyện của riêng mình. Tại sao lại phải chọn Piltover và Zaun cho series phim này? Thứ nhất đó là cái “aesthetic” vẻ đẹp kiểu steampunk của nơi này. Ai mà không thích steampunk cơ chứ? Thứ hai đó là sự đối lập hoàn toàn khác nhau giữa Piltover và Zaun trong cùng 1 thành phố. Ở trên Piltover là vùng đất giàu có, cao sang quyền quý của những tầng lớp thượng lưu, ở bên dưới Zaun là khu ổ chuột hôi hám, đầy khí độc, với những thành phần nghèo hèn, tội phạm, vô tổ chức.

Việc xây dựng thế giới như trên khiến ta dễ dàng hình dung đến xung đột chính của tác phẩm đó chính là sự đấu tranh của người dân ở Zaun chống lại sự áp đặt của Piltover và sự phân biệt của 2 tầng lớp xã hội hoàn toàn khác nhau. Còn việc lựa chọn nhân vật Jinx (Powder) là nhân vật chính thì cũng dễ hiểu vì cô ta có MV “Get Jinxed” là 1 trong những MV nổi tiếng nhất mà Riot từng sản xuất, nhiêu đó thôi cũng thể hiện được độ nổi tiếng của vị tướng này rồi.

Sau 3 tập đầu, tác phẩm cũng đã đi theo hướng mà tôi mong đợi đó là thể hiện sự xung đột giữa 2 xã hội Piltover và Zaun, cùng với đó là lối kể chuyện song song về từng thế giới để cho ta một cái nhìn đa chiều đầy toàn cảnh. Ở Zaun đó là 2 luồng tư tưởng đối nghích, mong muốn gìn giữ hòa bình của Vander và sự hiếu chiến, kiểm soát bằng sức mạnh của gã Silco. Còn ở Piltover ta cũng có câu chuyện của Jayce và Viktor thúc đẩy phát minh khoa học Hextech của mình bất chấp mọi sự cấm đoán, hà khắc của những kẻ đứng đầu học viện.

Từ đó ta thấy được sự đầu tư của Riot vào khoản writing, tạo dựng 1 câu chuyện khá là sâu sắc với nhiều sự xung đột và những tình tiết thú vị.

.

2. Nhân vật

Ở câu chuyện quá khứ của Jinx (lúc nhỏ được gọi là Powder), tôi không ngờ lại có những nhân vật (tạm thời) không xuất hiện trong game lại được xây dựng tốt đến vậy – tiêu biểu là nhân vật phản diện Silco. Ở tập 1 ta nghĩ rằng đây chỉ là 1 nhân vật phản diện độc ác, ham mê sức mạnh điển hình mà thôi, thì ở tập 2 và 3, hắn ta đã thể hiện nhiều mặt thú vị hơn ta tưởng. Đầu tiên đó là lý tưởng của hắn ta không phải chỉ dùng sức mạnh vì bản thân mình và là vì mong muốn xã hội Zaun có thể vùng dậy và lật đổ được Piltover, cũng giống như những cô cậu bé như Vi và Powder mà thôi. Thứ 2 đó là ở mối quan hệ giữa hắn ta và Vander là rất giống với tình cảnh giữa Vi và em gái Powder. Ta cũng hiểu được tại sao gã lại muốn nhận nuôi Powder là vì sự đồng cảm với nhau, thể hiện rằng ông ta cũng có trái tim nhưng đã bị vụn vỡ vì sự thù hằn và việc nghĩ rằng mình bị phản bội và bỏ rơi.

Còn câu chuyện của Jayce tuy không hấp dẫn bằng nhưng vẫn có sự phát triển mối quan hệ khá tốt như tình bạn giữa anh ta và Viktor hay Caitlyn. Do đó, tôi mong chờ những plot twist kịch tính ở phía trước.

Tập 1 và 2 có pacing khá chậm với việc tập trung xây dựng thế giới và mối liên hệ giữa các nhân vật khiến tôi lo lắng rằng tập 3 là phần “climax” của arc 1 nếu làm chưa tới có thể trở thành 1 nổi thất vọng vì những công sức đã bỏ ra. Nhưng khi thấy tập 3 rất hay đã khiến khán giả hoàn toàn hài lòng, thì những sự lo lắng trên đã tan biến hết. Có thể nói Riot và đội ngũ studio thực hiện đã vượt trên cả kỳ vọng.

.

3. Phần hình ảnh

Studio Fortiche của Pháp là hãng phim hoạt hình đã thực hiện dự án này. Studio này đã thể hiện phần art 3D-CGI mà có sự đổ bóng nhìn như 2D animation nhìn rất là đẹp. Ta cũng có studio anime, Orange làm điều tương tự với Beastars bằng cách sử dụng CGI mà vẫn có độ thân thiện với khán giả đã quen với hoạt họa vẽ tay một cách hoàn toàn tự nhiên.

Mình nghĩ đây nên là hướng đi cho ngành công nghiệp anime trong tương lai, thà CGI thì làm CGI hết luôn rồi ta có thể đổ bóng cho nhìn đẹp giống 2D. Còn hơn là việc mà nhân vật này vẽ tay còn nhân vật hay sinh vật kia CGI tương tác với nhau nhìn rất là dị.

Các khung cảnh giữa 2 thế giới Piltover và Zaun đã được thể hiện rất sống động và chân thực với sự bóng bẩy và tồn tàn, đen tối hoàn toàn đối lập lẫn nhau.

Nhìn chung thì chất lượng sản xuất cả animation và âm thanh ta đều thấy sự đầu tư đầy rõ ràng và tâm huyết cho dựa án này.

Với 1 khởi đầu rất hứa hẹn, Arcane chắc chắn là bước khởi đầu để Riot có thể tự tin xây dựng 1 “vũ trụ điện ảnh” của mình trong tương lai. Và tôi cũng hy vọng 1 ngày nào đó ta cũng sẽ có 1 bộ phim hoạt hình về LoL Esport, thứ tôi đã mong mỏi từ lâu, dù có bao lâu tôi cũng sẽ chờ!

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button