Anime Xưa & Nay Có Sự Khác Biệt Về Chất Lượng?
Chủ đề này đã là một chủ đề mình đã từng bàn tán khá lâu hồi còn ở vns (cách đây khoảng 5 năm), nhưng ngẫm nghĩ lại thì góc nhìn hồi đó với bây giờ cũng … chẳng có sự khác nhau lắm là bao. Và nếu như bạn đã theo dõi page ALC từ lâu, cũng như biết tính mình (v4v), hẳn bạn sẽ đoán ra được câu trả lời của mình rồi nhỉ.
Bài này tuy là bài bàn lại về chủ đề cũ, nhưng 5 năm không phải là khoảng thời gian ngắn, đủ để khẳng định góc nhìn của bản thân mình vẫn không hề thay đổi so với 5 năm trước đó. Và đây là chủ đề vẫn luôn mang một giá trị nhất định bất kể trong giai đoạn nào của ngành CN anime nói chung.
Câu trả lời của mình là: Anime hiện nay không hề kém “chất lượng” hơn so với quá khứ.
▼1. Khoảng thời gian bao lâu, anime mới được xem là “hiện đại” hoặc “cổ xưa”?
Thú thật với các bạn, những tựa như Code Geass, Darker than Black, Gurren Lagann, Spice and Wolf, Baccano, Clannad … đối với mình vẫn còn rất mới mẻ. Một phần có thể vì khi bắt đầu làm quen với late-night anime, mọi thứ mình xem đều mang lại những trải nghiệm thú vị. Nó không giống với những gì mình đã từng biết, chính điều này tạo nên ấn tượng sâu đậm, tạo cảm giác “như chỉ mới xem ở ngày hôm qua”.
Vì lẽ đó, “hiện đại” và “cổ xưa” chỉ có tính chất tương đối phụ thuộc vào khoảng thời gian bạn làm quen và đắm mình vào thế giới A-M. Đối với một người, khoảng thời gian giữa hiện đại và cổ xưa có thể chỉ là 1 năm, 2 năm … hoặc 5 năm, một thập kỷ, thậm chí là cả mốc thời gian đánh dấu sự đổi mới trong anime.
Mình lấy ví dụ, Neon Genesis Evangelion đã mở ra kỷ nguyên cho late-night anime phát triển và định hình lại văn hóa otaku ở Nhật. Bạn có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa những tác phẩm tiền và hậu Evangelion: những bộ được sản xuất để trình chiếu vào khung giờ giữa đêm – rạng sáng mang khuynh hướng phức tạp, thử thách người xem và nhắm vào thị trường otaku là chủ đạo. Đối với nhiều người, Evangelion chính là sự khởi đầu của một kỷ nguyên anime hiện đại, là gương mặt làm mới cho ngành công nghiệp nếu so với những tác phẩm mainstream, kid shows (dành cho gia đình, trẻ em) trước đó vào các thập niên 70, 80.
Mặt khác, Cowboy Bebop đã phần nào thâm nhập thị trường phương Tây, tạo nên làn sóng văn hóa ảnh hưởng lên rất nhiều tác phẩm theo sau (Trigun, Afro Samurai, Gungrave, Samurai Champloo, ..). Cùng gần khoảng thời gian đó, Spirited Away nhận được giải Oscar, là bước đệm rất lớn giúp anime vương ra khắp thế giới. Vậy đây cũng có thể là cột mốc khác đánh dấu sự bắt đầu của anime “hiện đại”!
Anime không ngừng phát triển và luôn tự làm mới. Mỗi thời kì, mỗi thời đại sẽ có các phong cách, ý tưởng rất khác nhau phù hợp với từng thế hệ và đối tượng. Nếu bạn mong muốn anime “hiện nay” phải mang phong cách như các tác phẩm trong giai đoạn bạn thích, thì bạn đã phần nào mong muốn gi.ết đi sự sáng tạo trong anime nói riêng, và cả ngành CN nói chung.
Thêm vào đó, yếu tố “nostalgia” (luyến tiếc với quá khứ) cũng gây ảnh hưởng về mặt cảm xúc và nhìn nhận khi tiêu thụ các loại hình giải trí và nghệ thuật. Các tác phẩm “gate-way”, dẫn dắt bạn vào thế giới anime, hoặc điện ảnh, châm mồi cho tình yêu của bạn đến với các loại hình giải trí – nghệ thuật sẽ luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng người xem. Lấy vd, trilogy Star Wars của George Lucas, hay Back to the Future vẫn là những tác phẩm điện ảnh giả tưởng kinh điển in đậm dấu ấn trong tâm trí mình, nhưng sẽ thật vô nghĩa nếu so sánh chúng với các tác phẩm “hiện đại” như trilogy Lord of the Rings của Peter Jackson, hoặc những kiệt tác như Trilogy Batman, Inception, Interstellar của Christopher Nolan, đơn giản vì mỗi tác phẩm, mỗi thời kì đều có những nét độc đáo và hấp dẫn riêng biệt. Anime cũng không khác là bao!
▼2. Đa phần người xem chỉ nhớ những bộ xuất sắc, trong khi các bộ kém hấp dẫn hơn lại khá dễ quên.
Hãy nhắm mắt và kể lại những tác phẩm xuất sắc ra đời cách đây trước năm 2010, mình sẽ không chần chừ mà kể ngay các bộ: Ghost in the Shell: SAC(2002), Evangelion(1995), Cowboy Bebop(1998), Mushishi(2005), Serial Lain(1998), Legend of the Galatic Heroes (1988) …
Nhưng liệu bạn có nhận ra? Mình cam đoan đa phần những bộ “cũ” mà bạn nhớ đều có thời gian dãn cách khá xa nhau (nghĩa là phải mất ròng rã khá nhiều thời gian để chúng lần lượt xuất hiện). Lại một ví dụ khác, hãy so sánh những bộ ấn tượng trong Xuân 1998 so với Thu 2017.
Trong Xuân 1998, những bộ nổi bật là: Trigun, Cowboy Bebop, Cardcaptor Sakura, Initial D First Stage. Chỉ nhiêu đó thôi, nếu bạn loại trừ đi những tựa mainstream shounen, kid shows và những bộ … dễ quên khác.
Thu 2017 chúng ta có Houseki no Kuni, 3gatsu no Lion, Mahoutsuka, Kekkai Sensen, Girl Last Tour … nếu tính về cả số và chất lượng thì đã có thể sánh bằng (nếu không muốn nói là nhỉnh hơn) một mùa khá đỉnh trong quá khứ.
Và nhảy đến hiện tại, cũng 5 năm rồi chứ nhỉ? Năm 2021 vừa qua có thể xem như là năm “thịnh soạn” đáng phải ăn mừng dành cho những người hâm mộ anime khi ta có rất nhiều, phải nói là rất nhiều những tác phẩm đặc sắc như Vivy, Mushoku Tensei, Odd Taxi, 86, Yuru Camp, Idaten, Kobayashi S và vv …
Giờ đến phiên bạn, hãy làm một bài test đơn giản: liệt kê hết những bộ yêu thích trước năm 2010 mà bạn đã xem, và những bộ sau cột mốc 2010. Mình sẽ để bạn tự trả lời cho kết quả nhận được.
Hiện nay, số lượng late-night anime được sản xuất ra quá nhiều, khiến chúng ta ngập tràn trong những sự lựa chọn. Nhưng về số lượng của những tác phẩm xuất sắc và đáng nhớ thì không hề kém cạnh so với trong quá khứ! Những tác phẩm mới xuất hiện sẽ kéo theo rất nhiều lượt người xem, tuy vậy những bộ nổi, nhiều người xem sẽ được bàn tán và “lấn át” các tác phẩm kén khán giả hơn. Chính vì lẽ đó, những bộ không nằm trong tiêu điểm phải mất chút ít thời gian mới có thể ngoi lên mà tỏa sáng được. Đây là những viên ngọc chưa có thời gian được mài dũa, được nhiều người bàn tán nhắc về. Có thể bạn đã bỏ sót những viên ngọc này ở đâu đó!
Cowboy Bebop lúc công chiếu ở Nhật không được đón nhận lắm, và cũng phải vài năm sau khi công chiếu bên Mỹ (trên Adult Swim), tác phẩm mới dần được cộng đồng bàn tán để tôn vinh lên hàng tuyệt tác như bây giờ. Vd như hiện nay, có bao nhiêu bạn đã từng nghe qua tuyệt phẩm Shouwa Genroku?
Đây là tác phẩm anime ra mắt vào 2016, mình nhận xét là xuất sắc nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, rất thực tế, xã hội học và đầy tính nhân văn lẫn văn hóa về loại hình kịch nói Rakugo ở Nhật. Tính đem Madoka, Steins;Gate vào mà có thể nhiều người cho rằng 2 bộ này khá … cũ kĩ (dù ra mắt cách đây chỉ vỏn vẹn hơn 5 năm chút ít thôi – lúc viết những dòng này thì đấy là thời điểm của năm 2017). Thế còn Psycho-Pass, Shirobako, Death Parade, Fate/Zero, Shinsekai Yori, FMAB? Đối với mình đây là những bộ rất xuất sắc mà mình đã xem chúng ngay khi vừa ra mắt, và tất nhiên vào thời điểm ấy, chúng đã được xem là những tác phẩm “mới” – những tác phẩm góp phần làm nên bộ mặt cho nền anime hiện đại.
Anime vào thập niên 70s, 80s chỉ đang ở trong giai đoạn “thử nghiệm” về mặt ý tưởng, và đã phải mất thời gian rất lâu họ mới có thể thoát khỏi xu hướng space opera, super robots. Và hẳn, thập niên 90s không hề thiếu những bộ “thị trường” như bất kì khoảng thời gian nào khác (vd như Tenchi Muyou với cả tá phần tiếp theo). Anime hiện nay rất đa dạng về hình thức và nội dung, những tác phẩm được chiếu vào khác khung giờ khác nhau sẽ có hướng đối tượng phục rất khác nhau. Các show của Sunrise, vd như Gundam 00 và Code Geass đã được chiếu vào cùng một khung thời gian(xen kẽ nhau ròng rã 2 năm). Mặt khác, nếu như bạn thích ecchi show thì hẳn đã từng xem qua các phiên bản “không che” của một anime nào đó, nếu để ý sẽ thấy logo của đài AT-X bên góc phải màn hình, và tất nhiên hướng đối tượng của đài này là các otaku có sở thích ecchi.
Và rồi còn có khung thời gian Noitamina, vốn là chữ viết ngược của “Animation” được lập ra với mục đích công chiếu phổ biến những tác phẩm không thuần phục vụ otaku. Một vài vd tiêu biểu là Honey & Clover, Eden of the East, Tatami Galaxy, Psycho-Pass … và rất nhiều tác phẩm cực chất lượng khác. Nếu bạn xem một bộ anime mà cảm thấy không thích, thì hãy tự biết rằng tác phẩm đấy không hề dành cho bạn, không phục vụ cho bạn, rất đơn giản phải không?
▼3. Anime luôn không ngừng thay đổi, nhưng bên cạnh đó còn một sự thật đau lòng khác: có rất nhiều tài năng đã ra đi mãi mãi.
Satoshi Kon không phải là tên xa lạ nếu như bạn đã có thời gian làm quen với anime, ông nổi tiếng với phong cách siêu thực qua các tác phẩm Perfect Blue, Paprika. Một đạo diễn đầy tài năng nhưng lại yểu mệnh, đã ra đi khi tuổi còn khá trẻ. Bạn sẽ không thể tìm được phong cách của người nào khác thay thế được ông. Hay như huyền thoại Isao Takahata của Ghibli bên cạnh Miyazaki với những tác phẩm Grave of the Fireflies, Kaguya-hime đã không còn trên cõi đời.
Tuy nhiên, tre già măng mọc, bên cạnh đó vẫn còn có Makoto Shinkai với bàn tay nghệ thuật nhào nặn tình yêu nên thơ, lồng ghép những giá trị cổ xưa – hiện đại, nét văn hóa Nhật Bản vào trong tác phẩm ông, hoặc một Hosoda với các tác phẩm như Summer Wars, Wolf Children lấy đi con tim của biết bao thế hệ khán giả. Đạo diễn huyền thoại Miyazaki vẫn đang thực hiện những bộ phim mới đấy thôi dù tuổi đời ông đã đến chặng xế chiều (chính vì vậy, HÃY TRÂN TRỌNG KHI CÒN CÓ THỂ).
Chưa dừng lại, ta còn có nhà viết kịch bản tài hoa Urobuchi Gen với lối đạo đức xám luôn xóa mờ lằn ranh phải trái trong câu chuyện, làm các tác phẩm trở nên đa chiều hơn trong tư duy (Madoka, Psycho-Pass, Fate/Zero), hay một Masaaki Yuasa với trí tưởng tượng vô bờ, niềm cảm hứng vô tận mang đậm chất nghệ thuật trừu tượng, siêu thực độc đáo (Tatami Galaxy, Ping Pong), một Naoko Yamada với lối nghệ thuật hình ảnh diễn hoạt hết sức tinh tế, đủ sức làm tan chảy, cũng như hớp hồn những con tim yếu ớt của người xem … Đây là những cái tên, những nhà sáng tạo nghệ thuật mà tài năng họ chỉ kết tinh và phát triển mạnh mẽ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây.
Vẫn còn nhiều những đạo diễn, tài năng mới nổi khác như Takayuki Hirao, Hiroyasu Ishida, Toshimasa Ishii, Loundraw … vẫn đang kiên trì và miệt mài để lại dấu ấn của họ trên màn ảnh, đến với tất cả mọi người. Vẫn có rất nhiều cá nhân với tuổi đời còn trẻ, với một khát vọng muốn cống hiến rực cháy vì sự nghiệp nghệ thuật, nhưng ai cũng phải bắt đầu bằng đôi bàn tay trắng, với con số 0 tròn trĩnh.
Nếu chỉ vì những tác phẩm debut không mang lại ấn tượng của họ, hay vì những cú “xẩy chân” nhỏ trên chặng đường sự nghiệp, mà chúng ta – những khán giả – không cho họ cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm, để khám phá và phát triển, để chui rèn thêm tài năng, thì chúng ta hẳn sẽ bỏ lỡ biết bao những tác phẩm đặc sắc chưa có dịp xuất hiện khác! Hajime Isayama – tác giả của series đình đám Attack on Titan – đã nhiều lần bị các NXB lớn từ chối chỉ vì anh vẽ … không được đẹp lắm, hay thậm chí câu chuyện của anh để muốn được xuất bản ở WSJ thì cần phải thay đổi phong cách và nội dung để “phù hợp” hơn cho tạp chí! Có lẽ khán giả chúng ta đã không có dịp thưởng thức một kiệt tác như AoT nếu như những biên tập viên bên Kodansha không trao cho Isayama một cơ hội, cũng như tin vào khả năng “phá cách” của anh.
Anime đối với mình vẫn còn rất hay, rất cuốn hút và thú vị với biết bao điều đáng để mong chờ mỗi khi một mùa kết thúc, rồi mùa mới lại đến. Chính sự mới lạ, thay đổi không ngừng đã giúp giữ lửa cho tình yêu anime của mình cháy mãi không ngừng. Và mình vẫn sẽ tiếp tục theo dõi anime, ít nhất là trong nhiều năm nữa sắp đến của cuộc đời.