AnimePhân Tích Nhiều Kì

Anime trong năm 2022 (part 3)

3. Chainsaw man

Và đây rồi, bộ anime nhận được nhiều sự chú ý nhất của năm rồi. Tác phẩm mà nhiều fan đặt kỳ vọng sẽ là AOTY hay một trong những bộ shounen anime hay nhất. Khá khó khăn cho Chainsaw man vì năm 2022 là một năm có quá nhiều những tác phẩm hay và đặc sắc và phần 1 của anime chuyển thể chỉ mới ở đoạn giới thiệu nhân vật và bắt đầu triển khai những plot twist. Tôi không nghĩ là CSM đã đạt được tới đoạn đỉnh cao cần thiết để thỏa mãn những yêu cầu quá cao từ fan, cho nên có vẻ chúng ta phải đợi mùa 2 để chuyến tàu lượn cảm xúc mới thực sự lên bánh.
Cùng với sự nổi tiếng và những lời khen nhận được thì CSM cũng nhận phải một số sự tranh cãi. Cá nhân tôi chỉ đồng tình với 1 số sự phê bình mà thôi ví dụ như về CGI, nhìn chung thì chất lượng CGI của MAPPA trong Chainsaw man cũng khá tốt, có sự cải thiện so với AOT thế nhưng vẫn chưa thực sự ổn định, một số đoạn có dùng CGI mà tôi rất thích như đoạn mà Denji đối đầu với q. ủy vô tận, nhưng mà cũng có một số cảnh như trong tập 1 khi mà 3D CGI chưa thực sự hòa trộn tốt với những nét vẽ tay. Hy vọng trong mùa tiếp theo thì vấn đề nhỏ trên sẽ được cải thiện.
Thế còn một số ý kiến cho rằng phong cách đạo diễn “cinematic” của bộ anime là không phù hợp với “bản chất” của tác phẩm làm bị mất chất điên rồ, thô của bản manga? Nếu bạn cho rằng bản chất của Chainsaw man chỉ là sự điên rồ thì tôi nghĩ đó chỉ là phần nổi, bề mặt. Những bộ manga kinh dị, hành động điên rồ không phải là hiếm, nhưng ít có bộ nào chiếm được sự chú ý và cảm tình của tôi như là Chainsaw man. Tôi nghĩ yếu tố thực sự làm nên sự thành công của Chainsaw man chính là nằm ở dàn nhân vật.
Các nhân vật trong tác phẩm tuy đều tưng tửng, “chạm dây” ở đâu đó trong đầu mình nhưng vẫn có những nét riêng để mà khán giả có thể đồng cảm được. Denji nhờ vào việc có backstory, quá khứ được kể lại một cách rõ ràng mà ta hoàn toàn hiểu được tại sao cậu ta lại muốn có bạn gái đến như vậy. Bởi vì cậu ở dưới đáy của xã hội đã quá lâu, chưa từng tiếp xúc với bất kỳ người phụ nữ nào trong đời mình từ lúc nhỏ đến bây giờ, cho nên những mục tiêu, mơ ước của cậu chỉ là được sống như 1 người bình thường, có được một gia đình hạnh phúc. Và tôi nghĩ cái ước mơ giản dị đó thiết thực và tương đồng với rất nhiều người bình thường trong xã hội so với những thứ cao xa hơn như là trở thành người đứng đầu, kẻ mạnh nhất hay là anh hùng bảo vệ mọi người như trong những bộ shounen anime khác.
Một ví dụ khác như là Aki lúc đầu cứ như kiểu nhân vật lạnh lùng tìm kiếm sự trả thù điển hình trong những bộ shounen, nhưng về sau tôi cảm nhận được rằng cậu ta sâu bên trong có một trái tim ấm áp, quan tâm đến những người xung quanh hơn cả bản thân mình. Ngay cả nhân vật bí ẩn, xa cách nhất với khán giả là Makima cũng có 1 câu thoại làm tôi cũng phải thốt lên rằng “Damn, she just like me fr!” :v khi mà cô ấy bảo mấy cái công việc nghiêm túc làm mình chán chường và muốn trở lại giây phút vui vẻ uống bia với cấp dưới của mình.
Các nhân vật của Chainsaw man có nhiều điểm xấu như ích kỷ, sợ sệt, ngu ngốc, dại dột,… nhưng tác giả không ngần ngại để mà thể hiện và châm biếm họ và còn làm ta phải thích họ vì những điểm yếu rất chi là “con người” đó.
Cho nên tôi nghĩ rằng, khi đạo diễn mong muốn tạo ra một tác phẩm thật hơn, chú trọng vào tương tác giữa các nhân vật nhiều hơn là một điều tốt. Ví dụ như những cảnh tương tác giữa Aki và Himeno, tôi nghĩ là còn đau hơn cả manga. Tại sao anh ta lại phải chịu đựng những sự chỉ trích không đáng có, khi mà hiểu được những giá trị sâu bên trong của tác phẩm hơn cả fan cơ chứ?
Tôi cho rằng nếu MAPPA giữ nguyên được dàn staff và phong cách đạo diễn cho phần 2 thì sẽ gây được hiệu quả cao hơn rất nhiều, bởi vì phần 2 sẽ không còn “vui tính” như phần 1 nữa, và phong cách “tả thực” hay “cinematic” gì đó có thể sẽ giúp diễn tả những cảnh drama thêm phần thấm tháp.

2. Mob psycho 100 season 3

Mùa 3 cũng chính là mùa cuối cùng của Mob psycho 100, đánh dấu sự kết thúc của series mà tôi cho là một trong những cái tên nổi bật, ấn tượng nhất của anime trong vài năm trở lại đây.
Ở season này Mob không còn có nhiều những trận chiến hồi hộp căng thẳng với những tên phản diện có siêu năng lực mạnh mẽ mà tập trung vào việc khai thác mối quan hệ giữa Mob với các nhân vật xung quanh cậu. Tuy bị giảm đi độ hyped nhưng mà tôi cho rằng phần này là hoàn toàn quan trọng và cần thiết. Bởi vì giá trị cốt lõi của MP100 chính là câu chuyện “coming of age”, kể về quá trinh trưởng thành của cậu nhân vật chính của chúng ta. Có lẽ phần lớn khán giả đã quên rằng, ý tưởng ban đầu của tác phẩm là về việc Mob muốn chiếm được cảm tình của cô bạn thuở nhỏ Tsubomi cho nên tôi cảm thấy rất hài lòng khi mà chi tiết bị bỏ ngỏ trong khoảng thời gian lâu dài này cuối cùng cũng được giải quyết.
Thông điệp sau cùng mà tác giả ONE muốn gửi gắm cho ta thông qua Mob psycho chính là sự chấp nhận. Mob học được cách chấp nhận cuộc sống xung quanh cậu, chấp nhận rằng cậu không có được sự nổi tiếng, được mọi người tôn sùng vì sức mạnh của mình, chấp nhận rằng cậu có những người bạn biết nói lời thật lòng như “chiếc áo mà cậu mặc trông ngu đần quá”. Ngược lại, những người xung quanh cũng từ đó biết cách chấp nhận cậu, chấp nhận những khuyết điểm và cái sức mạnh ghê gớm đến mức đáng sợ kia.
Mob psycho có thể nói đã cho chúng ta một cái kết vô cùng trọn vẹn, Tsubomi tuy từ chối tình cảm của Mob nhưng mà việc cô bé đứng chờ cậu trong một điều kiện rất nguy hiểm thể hiện sự tôn trọng của cô dành cho sự thành thật đáng quý của cậu. Và Reigen tiếp tục là một hình tượng của người cha, người thầy không thể thay thế được đối với Mob, liên tục “rắc” vào khán giả sự diệu kỳ của anh ta.
Tôi có một ý tưởng thay vì tạo ra mấy cái trào lưu nhảm nhí như kêu gọi làm lại Chainsaw man, chúng ta hãy cùng hưởng ứng lời kiến nghị chính thức đổi tên Reigen thành “người đàn ông tuyệt vời nhất quả đất” đi nào! :v
Bên cạnh đó, dĩ nhiên đối với MP100, ta không thể không kể đến chất lượng animation ngoại hạng mà studio Bones đã dành tặng cho tác phẩm. Tôi không biết rằng tập 6 hay tập 8 là tập mà trên mạng khẳng định có đến 20.000 khung hình vẽ tay hoàn toàn, nhưng mà hai tập trên tiếp tục khẳng định thương hiệu sakuga đình đám của Bones làm người ta nức lòng háo hức. Đặc biệt là sự trở lại của Hakuyu Go, người đã đạo diễn hoạt họa tập 5 của mùa 2 – là tập có sakuga animation tốt nhất trong những năm trở lại đây. Ngay cả khi tập 8 mùa 3 chỉ là một tập slice of life thông thường, thì khán giả vẫn được thưởng thức một “bữa tiệc” của animation và màu sắc đầy thú vị.
Cuối cùng tôi xin được cảm ơn studio Bones đã cho chúng ta một trong những bản chuyển thể anime chất lượng bậc nhất, và hy vọng cái tên Mob psycho 100 tiếp tục sẽ được khán giả nhớ đến trong một thời gian lâu dài.

1. Made in Abyss: The Golden City of the Scorching Sun (S2)

Và AOTY của tôi trong năm 2022 chính là Made in abyss season 2. Không có gì bất ngờ khi mà một gã suốt ngày viết về Made in abyss lại xếp bộ này ở trên đầu phải không nào. :v
Tôi xin được trích dẫn một comment trên red dit (nhại lại từ lời thoại của bộ Chainsaw man): “Những tác giả mà được khán giả sợ là những kẻ có vài phần không được tỉnh táo ở trong đầu. Tất cả mọi tác giả đều mơ việc tạo ra một bộ manga nổi bật. Thế nhưng cách viết truyện của họ quá đơn giản và dễ đoán. Và do đó, khán giả biết chính xác cách để không coi trọng tác phẩm của họ. Thế nhưng không có cách nào để biết được những kẻ điên đang nghĩ gì trong đầu. Và kể cả những khán giả cũng ngại những thứ mà mình chưa biết đến”. Chỉ là một comment đùa vui thôi nhưng mà cũng khá là đúng, mức độ thú vị của một tác phẩm một phần cũng ảnh hưởng bởi việc đi ngược lại với những gì mà khán giả mong đợi để gây ra sự bất ngờ cho họ. Trong những bộ đã từng xem chỉ có 1 số bộ mà tôi nghĩ là đã thực hiện rất thành công việc trên, bên cạnh Chainsaw man thì còn có Made In Abyss. Chúng ta điều biết rằng càng vào sâu hố Abyss thì sẽ càng tối nhưng mà tối theo cách như thế nào mới là đều đáng nói. Sau khi xem xong movie: Dawn of the deep soul chắc hẳn nhiều người đã tự cho rằng “làm thế quái nào mà lão tác giả có thể có thể nghĩ ra thứ nào kinh khủng hơn những chi tiết trong arc này cơ chứ!”. Thế rồi mùa 2 đến và cho ta câu trả lời rằng đối với Abyss, luôn luôn sẽ có thứ tệ hơn. Sau phần này tôi tự thừa nhận rằng mình đã “thua”, bản thân tôi còn quá trong sáng để có thể nghĩ ra một khái niệm nào đen tối hơn thế nữa cho nên chỉ còn tùy theo Tsukushi-sensei với óc sáng tạo của ông ta, tìm ra những chi tiết để mà làm rối loạn cảm xúc của tôi.
Tác giả Tsukushi từng chia sẻ rằng trường ca “Inferno” (một trong 3 phần của Thần khúc (Divina Commedia)) là một nguồn cảm hứng quan trọng trong việc tạo nên thế giới Abyss. Cho nên từ đó tôi cũng có một sự so sánh khá thú vị rằng giá trị lớn nhất của “Inferno” không nằm ở nhân vật hay cốt truyện mà nằm ở sự miêu tả đầy chi tiết về thế giới đị. a ng. ục, những hình ảnh đáng sợ mà trường ca đem lại. Tương tự như vậy, có thể câu trả lời cho những bí ẩn sau cùng của Made In Abyss rằng nguồn gốc hình thành và dưới đáy của vực sâu có gì sẽ không là “sự thật nổ não” mà độc giả vẫn luôn mong chờ, thì vẫn không làm tác phẩm mất đi những giá trị vốn có của nó. Tôi cho rằng chỉ từ việc tác giả tạo ra được một phiên bản của đ. ịa ng. ục đầy độc đáo, kết hợp giữa những câu chuyện cổ tích và kinh dị Lovecraftian đã là một sự thành công lớn rồi, đủ để khiến cho tác phẩm có được chỗ đứng trong những tuyệt tác ấn tượng nhất của dòng anime dark fantasy.
Về mặt hình ảnh thì có nhiều bộ anime được đầu tư hình ảnh rất tốt trong năm nay cho nên khó để lựa chọn, thế nhưng về mặt âm thanh tôi nghĩ Made in abyss làm bản thân hài lòng nhất. Kevin Penkin tiếp tục thể hiện là một trong những nhà soạn nhạc trong anime mà tôi thích nhất. Yếu tố quan trọng trong âm nhạc mà tôi cần là sự đa dạng, kết hợp được nhiều dòng nhạc, nhiều loại giai điệu lại với nhau, và Kevin Penkin đã thể hiện một cách xuất sắc điều trên nhờ vào khả năng điêu luyện phối hợp hai loại “synthetic music” (nhạc cụ điện tử) và “organic music” (nhạc cụ truyền thống có thực). Khả năng trên tạo điều kiện cho sự biến hóa tuyệt vời trong âm nhạc khi cần để phù hợp với tác phẩm. Để tạo ra cảm giác đáng sợ thì Kevin sử dụng những loại âm thanh điện tử kỳ dị còn khi muốn thể hiện sự thanh cao, tươi đẹp thì là lúc dàn nhạc opera lên ngôi. Trong đó bản “Old stories”, “Gravity”, và “Belaf’s Lullaby” là 3 bản mà tôi thích nhất trong bộ OST với giai điệu đẹp đẽ đến mức rùng mình. Bên cạnh đó, về mặt lòng tiếng, tôi cũng phải có lời khen dành tặng seiyuu của Faputa và Irumyuui – Misaki Kuno, cô đã có một trong những vai diễn khó nhất khi phải thể hiện một cách mạnh mẽ tất cả mọi loại cảm xúc khác nhau: tức giận, đau khổ, dễ thương, vui mừng, cô độc hay thậm chí cả việc phải thét trong đau đớn và tuyệt vọng, đến nỗi làm cô bị tắt tiếng tạm thời, trong thời gian ngắn.

Ok, vậy Made in abyss S2 là AOTY, các bạn độc giả nghĩ rằng bài viết đến đây là hết rồi chứ gì. Tôi còn một bất ngờ lớn để ở sau cùng, đó là lần đầu tiên kể từ năm 2017, tôi có đến 2 bộ AOTY, yêu thích nhất trong năm. Vào tháng 12, tôi đã khá chắc chắn rằng sau MIA sẽ không còn có bộ anime nào có thể khiến tôi bị “sang chấn tâm lý” được nữa, thế rồi cái tên Cyberpunk Edgerunner đã đến và “đè nát” vào cảm xúc của tôi như là Adam Smasher.

1. Cyberpunk Edgerunner

Cyberpunk Edgerunner là chuyển thể anime từ tựa game đình đám “Cyberpunk 2077”. Bởi vì Cyberpunk 2077 khi ra mắt bị rất nhiều lỗi game và không đáp ứng được kỳ vọng cho nên đối với bản anime cũng không có nhiều người mong đợi rằng tác phẩm này sẽ làm được điều gì lớn lao. Bản thân tôi khi thấy dàn staff có hai nhân vật “trụ cột” của studio Trigger đó là đạo diễn Hiroyuki Imaishi và đạo diễn hoạt họa You Yoshinari lại khá tự tin rằng họ sẽ tạo ra một bộ anime hay. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả mọi sự mong chờ, Cyberpunk edgerunner đã thành công vượt bậc, thậm chí ảnh hưởng tới số lượng người chơi của tựa game gốc.
Bộ anime làm tôi nhớ đến một chuyển thể cũng tạo nên nhiều danh tiếng cho Netflix trong năm 2018, đó là De. vilman crybaby. Loại hình phân phối trên mạng như Netflix tôi cho rằng đã tạo điều kiện cho các studio thoải mái trong việc khám phá những chi tiết nhạy cảm, cho người trưởng thành nhiều hơn. Và bên cạnh đạo diễn Masaaki Yuasa là người có phong cách phù hợp để thực hiện những tác phẩm ed. gy, go. re, còn một cái tên nữa đó chính là Hiroyuki Imaishi-san. Anh ta đã từng thực hiện K. ill la k. ill và Panty & Stocking, chỉ 2 bộ đó thôi cũng đủ để chứng tỏ là ổng chẳng quan tâm đến bất kỳ thứ quái gì như “quá đà” hay “phản cảm” rồi. :v
Sự thành công đầy bất ngờ của Edgerunner trong năm 2022 hay là Arcane cuối năm 2021 tôi nghĩ là đã mở ra một hướng đi mới cho những dự án chuyển thể game. Arcane cũng nhờ vào việc gameplay của Liên minh chỉ đơn giản là giả lập nói tục, chửi bậy, phần lore cũng ít ai quan tâm nhiều. Còn Cyberpunk edgerunner thì tựa game gốc như đã nói là một nổi thất vọng nên kỳ vọng của cộng đồng không được cao trước khi xem cũng giúp bộ anime được tỏa sáng.
Có một yếu tố quan trọng dễ dàng khai thác nhất trong khi chuyển thể game đó là xây dựng thế giới, bởi vì game là loại hình cần tốn rất nhiều thời gian để sáng tạo nên một thế giới chi tiết. Cho nên Cyberpunk edgerunner đã khai thác được tiềm năng lớn nhất của tác phẩm gốc đó chính là thế giới và bầu không khí và kết hợp một cách hoàn hảo, tuyệt vời với phong cách của riêng studio Trigger, cho ta một câu chuyện mới tràn đầy cảm xúc. Một thành phố “Night city” nhộn nhịp, hiện đại với vô số ánh đèn neon nhiều màu sắc rực rỡ, cho ta một bầu không khí sinh động, ồn ào, mạnh mẽ, nên rất phù hợp với phong cách hoạt họa có độ thô, diễn đạt cao của studio Trigger. Thế nhưng sâu bên trong là một xã hội thối nát đến tận cùng khi con người dần dần vứt bỏ nhân tính để chạy theo danh vọng, tiền tài và sức mạnh, quá lệ thuộc vào vật chất và công nghệ. Những tưởng tình cảm giữa con người với nhau sẽ bị biến mất trước một thế giới b. ạo lực, ch. ết ch. óc đến như vậy thì câu chuyện của nhân vật chính David, của mẹ cậu, của Rebecca, và Maine đã thể hiện giá trị của tuyệt đẹp của tình yêu, tình thân thuần khiết, cho đi và hy sinh mà không cần nhận lại bất cứ gì.
Có nhiều sự đánh giá cho rằng nhịp phim của Cyberpunk edgerunner quá nhanh, chỉ có 10 tập không thể hiện được hết. Như De. vilman crybaby thì tôi đồng ý rằng chuyển thể bộ manga có vẻ có nhiều sự phức tạp bên trong thì khá là rush. Nhưng Edgerunner là một câu chuyện original đơn giản về tình yêu đã được truyền tải một cách trọn vẹn tất cả những gì cần phải truyền tải rồi, cho nên tôi lại nghĩ nhịp phim 10 tập như trên là hoàn toàn hợp lý. Chỉ tiếc một điều là ước gì nhân vật ở tập cuối có giây phút bên nhau nhiều hơn trước khi kết thúc mà thôi.

Made In Abyss Season 2 nổi bật nhờ vào sự phức tạp trong xây dựng thế giới và thể hiện những tình tiết bí ẩn một cách cuốn hút, còn Cyberpunk edgerunner là nhờ vào sự đơn giản nhưng vẫn sâu sắc và hiệu quả trong việc tác động lên cảm xúc của người xem. Cả hai bộ đều để lại một khoảng trống trong tim tôi sau khi xem nên không biết được rằng khoảng trống nào lớn hơn cả.
Thôi thì tóm lại cả hai tác phẩm đều tuyệt vời, 10/10, sẽ không xem lại thêm một lần nào nữa.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button