Anime StudioIndustry

Anime Studio Và Những Hiểu Lầm Thú Vị (P.2)

Tại Nhật, chỉ tính riêng ở Tokyo thì có đến 542 anime studio, chiếm 87.1% tổng số lượng anime studio ở Nhật, và đây là những studio đảm nhận đủ mọi công việc cần thiết bạn có thể nghĩ đến để thực hiện một bộ anime. Từ công việc lên kế hoạch, sản xuất, kịch bản, chỉ đạo cho đến đảm nhận bản vẽ chính, gia công, CG (2d-3d), cảnh nền, kĩ xảo và vv…

Nói như thế thì có nghĩa, không phải anime studio nào cũng có khả năng đảm nhận thực hiện một bộ anime hoàn chỉnh. Trên thực tế thì con số này chỉ chiếm trên dưới 10%, bên cạnh đó, con số anime studio có thể tự lực đảm nhận toàn bộ công đoạn thì lại chiếm một phần rất, rất nhỏ trong con số 10% này. Đa phần các studio còn lại đã “chuyên biệt hóa” vai trò của họ để hỗ trợ sản xuất, tạo thành một hệ sinh thái, là phần không thể tách rời của ngành CN anime – thật sự mà nói thì mình chỉ nghĩ được đến Kyoto Animation là tự đảm nhận được hết mọi công đoạn, ngay cả Ghibli cũng phải cần không ít những studio “chuyên biệt” giúp đỡ, vd như Nakamura Production, Anime Torotoro, Telecom Animation Film là những cái tên studio “hỗ trợ” nổi trội. Tuy vậy, trong những năm gần đây thì các studio khác đang dần chạy theo Kyoto Animation để học tập mô hình “tự lực” này, vd như White Fox thành lập nên Izu Studio (2016), một phân khu trực thuộc có cả nhà trọ cho phép nhân viên sống cùng nhau và nhận được huấn luyện bài bản.

• Bàn về tầm vóc quy mô của các studio và những vấn đề liên quan.

Không phải một anime studio đảm nhận 4-5 bộ mỗi mùa thì nghĩa là họ có quy mô và bề thế “to hơn” một studio khác. Trên thực tế, lấy vd như studio Bones so với Ufotable, con số thành viên chính thức của Bones chỉ bao gồm 80 người (04/2021), so với con số 200 (số liệu lấy từ 07/2016, nếu tính đến hiện nay thì họ đã vượt xa 200 nhân sự rồi). Bạn sẽ thấy Bones ôm sô thực hiện Bokuno Hero Academia Movie + TVs, Vanitas và rất nhiều dự án anime khác trong năm nay, so với con số “khiêm tốn” chỉ duy nhất 1 bộ của Ufo là Kimetsu no Yaiba ss2 trong năm.

• Sự khác biệt là ở mô hình họ lựa chọn theo đuổi.

Ở studio Bones, có đến 5 phân khu (A,B,C,D,E), và những phân khu có người đứng đầu lẫn quản lý riêng để đảm nhận các dự án khác nhau. Trung bình thì 1 phân khu có 16 người, đây là con số quá ít để có thể tự sản xuất bất kì thứ gì, thậm chí, còn ít hơn nữa nếu bạn trừ ra những nhân viên sản xuất – quản lý, lẫn đội ngũ hoạt họa chủ lực, mà ở đây ta có thể hiểu là đội ngũ hoạt họa sĩ của huyền thoại Yutaka Nakamura. Chính vì thế, do sức lực có hạn, Bones sẽ phải “chọn” dự án để đội ngũ chủ lực phát huy thế mạnh, dẫn đến các dự án “ưu tiên thấp” và “ưu tiên cao”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những anime studio “hỗ trợ” trong cả ngành công nghiệp nói chung.

• Và đây không chỉ đơn thuần là tình cảnh riêng của Bones, mà nó còn là tình trạng chung của đa phần các studio lớn và tên tuổi khác như J.C Staff, MAPPA (ah yes), WIT và vv… Sunrise còn đồ sộ hơn với 15 phân khu xẻ nhỏ (dù số thành viên lên tới 293 người).

Kyoto Animation đã hoàn thiện mô hình tự cung – cầu, và Ufotable đang nối bước theo họ. Tuy vậy, mô hình của Ufotable cũng chưa thật sự hoàn chỉnh và vẫn cần phụ thuộc và nguồn lực tự do bên ngoài, lẫn các studio “hỗ trợ” khác. Nhưng nếu bạn kiểm tra credit các tác phẩm Ufo thực hiện gần đây, bạn sẽ thấy đích thân họ góp mặt trong cả những công đoạn gia công (inbetween), lẫn vẽ nền (background art), vốn là những công đoạn rất thường đẩy sang cho những studio hỗ trợ, chứng tỏ Ufotable đang rất cố gắng để theo đuổi mô hình tự cung – cầu này. Bên cạnh đó – cũng như KyoAni – Ufotable không hề ôm sô (ít nhất là từ thảm họa God Eaters cho đến giờ) đã cho phép đội ngũ chủ lực góp mặt trong đa phần các tác phẩm của họ thực hiện – vd như cái tên lẫy lừng Nozomu Abe góp mặt trong KnY ss1 lẫn Fate HF III, và KnY Mugen Train, lí giải vì sao các tác phẩm Ufo thực hiện luôn có chất lượng khác biệt.

Cho đến hiện nay, ngoài trừ KyoAni đã hoàn thiện mô hình đóng kín, Ufotable đang đi được “nửa đường”, thì những studio khác đang dần nhận ra nhu cầu cấp bách của việc sở hữu dàn nhân sự hoạt họa riêng, lẫn mở rộng đội ngũ chủ lực như P.A Works, MAPPA, White Fox … Thế nhưng, đa phần các studio không ở trong vị thế để có thể hoàn thiện mô hình đóng kín tự cung – cầu này (cùng lắm là sở hữu / mở rộng đội ngũ chủ lực), vì rất nhiều yếu tố đau đầu. Cả KyoAni lẫn Ufo đều ít nhiều đã gặp may mắn trong giai đoạn khởi nghiệp, họ đều có hit lớn, lẫn người đứng đầu quản lý cực giỏi (Hatta và Kondo), trường hợp riêng biệt như của Shaft vào thập kỉ trước, họ phải đối mặt với sự thất thoát nguồn nhân tài lớn, khá nhiều người đã rời bỏ studio …

Số còn lại, thì đã quá “yên phận” với công việc họ làm – ví như J.C Staff, hay LIDENSFILMS, tại sao phải thay đổi, phải chấp nhận rủi ro khi họ vẫn sống tốt? Vẫn mỗi mùa được giao cho thực hiện đến 2-3 bộ? Dù chất lượng trung bình đi chăng nữa, nhưng cũng vì quá trung bình nên chả ai thèm … chửi =)).

Tóm lại, tuy mình khen mô hình của Kyoto Animation, nhưng cũng phải công nhận rằng mô hình của họ là quá may rủi, lẫn cần sự đầu tư trường kì, trong điều kiện “bồng bềnh” của thị trường hiện nay thì đấy là việc bất khả thi. Rất hiếm studio nào ở vị thế của KyoAni để theo đuổi được (có lẽ là chỉ có Ufo hiện nay mà thôi), trong tương lai thì có thể là MAPPA? Để xem dàn nhân sự “nhà” sau khi thực hiện xong Chainsaw Man sẽ có hướng phát triển tiếp ra sao.

Như thường lệ, nếu có bất kì câu hỏi gì liên quan đến studio, bạn hãy hỏi ở phần cmt, mình sẽ giải đáp – tất nhiên là trong khả năng thôi.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button