Anime StudioIndustry

Anime Studio Kiếm Tiền Bằng Cách Nào?

Trước khi trả lời câu hỏi này thì trước nhất, ta cần phải làm rõ hai điều: IP (intellectual property) là gì? Và anime được hình thành như thế nào?

¤ IP là quyền sở hữu trí tuệ, khá đơn giản phải không?

Thế ai là người sở hữu quyền trí tuệ của Attack on Titan? Tác giả? Không phải! Đó là nhà xuất bản mà ở đây là Kodansha, tác giả sẽ được thừa hưởng “phí bản quyền” (royalty) dựa trên số lượng sách đã bán, và tất cả những gì có liên quan đến bản quyền tác phẩm tùy theo thỏa thuận với NXB.

¤ Anime được hình thành như thế nào?

Nhà xuất bản ngỏ ý muốn chuyển thể một tác phẩm bất kì lên anime, họ sẽ thành lập một “ủy ban sản xuất” (production committee) để kêu gọi vốn đầu tư. Những ai góp vốn sẽ có một chỗ trong cái hội đồng này, nếu anime thành công, họ sẽ được chia theo phần trăm. Nếu anime thất bại, tất nhiên là họ sẽ mất nguồn vốn đầu tư. Bài này ngắn gọn thôi nên sẽ không dài dòng về ủy ban sản xuất.

¤ Khi đã nắm rõ được hai điều trên, đây là lúc chúng ta bàn về studio. Vậy họ kiếm tiền bằng cách nào?

Từ xưa đến nay, studio kiếm tiền theo hình thức lao động hợp đồng (contract). Ủy ban sản xuất sẽ cho họ nguồn kinh phí nhất định, và đấy là số tiền họ sử dụng để thực hiện anime, cũng như là để trả công cho dàn nhân sự của mình. Chính vì lẽ đó, bạn sẽ thấy rất nhiều studio lớn thực hiện đến 3-4 anime mỗi mùa, và lịch làm việc của họ đã được “đặt kín” trước đến 1-2 năm trong tương lai (J.C Staff là một ví dụ). Và đây là hình thức kiếm tiền chính của những studio “độc lập” (ta sẽ ko bàn đến những studio có ông lớn chống lưng như Sunrise, A-1).

❗ DVD/BD và sự hiểu lầm.

“Hãy mua DVD/BD để ủng hộ studio”. Có lẽ bạn đã từng nghe câu nói này từ miệng ai đó, nếu bạn tò mò tìm hiểu về ngành công nghiệp hoạt họa.

¤ Vậy điều này đúng hay sai? Hiện nay câu trả lời thật sự rất mập mờ.

Nếu studio sở hữu IP của một bộ anime nhất định (mà ở đây là original works – anime nguyên tác), thì tất nhiên họ sẽ ăn phần trăm nhiều. Tuy nhiên, trường hợp ngược lại, vốn là trường hợp rất thường thấy – studio chỉ là kẻ “được thuê” – thì số phần trăm họ ăn được sẽ từ rất ít đến chẳng có gì, ngoài nguồn “kinh phí” studio đã nhận được ban đầu để triển khai dự án anime. Đa phần lợi nhuận chia được từ doanh thu đĩa bán sẽ được những ông xếp trong ủy ban sản xuất chia chác cho nhau. Nếu studio mang vị thế lớn, thì có khả năng họ sẽ “đặc quyền” nhận được một ít % hoa hồng từ số đĩa bán ra, nhưng với một studio bình thường và không có chỗ trong ủy ban sản xuất, thì bạn hãy cứ cho rằng con số lợi nhuận studio thu về từ tiền đĩa sẽ là quá ít và không đáng là bao.

Đây cũng là lí do vì sao WIT studio tuy đã gắn bó với Attack on Titan qua 3 mùa, cũng phải bỏ của chạy lấy người mà nhường lại dự án anime này cho MAPPA tiếp tục thực hiện. Đâu phải WIT chê tiền! Đơn giản là họ thấy không đáng để tiếp tục thực hiện với lịch làm việc khắc nghiệt do bên ủy ban sản xuất yêu cầu, lẫn quá ít lợi nhuận thu về, vào thời điểm AoT final ra mắt, WIT đang thực hiện Vivy vốn là dự án “con cưng”, một lần nữa đề cao original works so với hàng hợp đồng làm thuê từ phía studio “độc lập”. Một ví dụ khác, Girls und Panzer der Film đạt được thành công lớn ở rạp chiếu nhưng studio lại lỗ vốn vì số tiền thu được từ rạp lại vào hết tay của ủy ban sản xuất, và kinh phí phát sinh trong lúc thực hiện bộ phim lớn hơn số vốn ban đầu studio nhận được.

Chưa dừng lại ở đó, thời điểm hiện nay rất khác với anime ở thập niên 2000. Cho bạn dễ hình dung, thị trường băng đĩa (dvd/BD) vào năm 2008 chiếm 8% tổng doanh thu, thì hiện nay thị trường này chỉ chiếm có 2,2% mà thôi! Nguyên do là sự bùng nổ của các dịch vụ streaming (chiếu trực tuyến), khiến cho thị trường băng đĩa ngày càng thu hẹp dần đều qua từng năm, và ngày càng có ít tiệm đĩa hơn do Internet phát triển. Mặt khác, nếu bán đĩa của một bộ studio hoàn toàn sở hữu IP, thì họ cũng phải trả thêm nhiều khoảng chi phí cho bên thứ 3 (in ấn, vận chuyển, lưu giữ, trưng bày … ). Như trường hợp của studio sản xuất Odd Taxi (original work), họ sẽ không phát hành DVD/BD nếu như không đạt mốc pre-order (đặt trước) nhất định, bởi vì nó quá tốn kém. (Xem fig 1, dưới cmt).

Chính vì thế, nếu tổng hợp tất cả các yếu tố kể trên, thì “mua đĩa để ủng hộ studio” là cách làm kém hiệu quả và không có sự đảm bảo trong bối cảnh hiện nay. Mua đĩa thực chất là bạn đang giúp ủy ban sản xuất bù vào vốn đầu tư, cũng như là để ủng hộ chính tác phẩm – IP đấy, với hy vọng nó ra một season nữa. DVD/BD hiện nay thường kèm với rất nhiều thứ, từ ấn phẩm, drama CD cho đến vé xem ca nhạc (như Love Live) hoặc thậm chí là mã gacha (Umamusu của Cygames), nên vẫn có mục đích như “hàng sưu tầm” dành cho người hâm mộ cuồng nhiệt. Tất nhiên, đây chỉ là một cách trong muôn vàn cách như mua merchs, tham dự sự kiện, panchiko và vv … Studio sẽ không thể sinh lời nếu như họ không có ghế trong ủy ban sản xuất.

Quán cafe của Ufotable – Một mô hình kinh doanh rất hiệu quả để mở rộng nguồn thu cho studio.

¤ Các hướng đi khác cho studio.

Ngoài việc tự thân vận động như Kyoto Animation, hoặc mở quán café như Ufo, thì việc đầu tư cho original works để sở hữu IP có lẽ là khả thi nhất. Với sự bùng nổ của thời đại streaming, rất nhiều những bộ original works bán được “độc quyền chiếu” (exclusive streaming right) với giá hời từ Crunchyroll, Netflix, Amazon … và với cách làm này họ cũng giảm thiểu được nhiều chi phí dành cho bên thứ 3 nếu so với hình thức bán đĩa truyền thống. Trên thực tế, Violet Evergarden của Kyoto Animation không cần bán đĩa để bù vốn, vì ngoài thỏa thuận “độc quyền chiếu” từ Netflix, họ còn được trả thêm một khoảng “đảm bảo tối thiểu” (minimum guarantee), vốn là khoảng bất kì dịch vụ streaming nào cũng cần trả thêm cho bên sở hữu IP. Bên cạnh đó, nếu IP nổi thì họ cũng có thể cộng tác với nhiều bên để sản xuất merchs và chia chác lẫn nhau (như Shaft với siêu IP Madoka). Xét trường hợp Ufotable với Demon Slayer Mugen Train, do có ghế trong ủy ban sản xuất nên họ cũng được hưởng phần trăm không ít từ thành công mang tính lịch sử của bộ phim ở các rạp vé. Crunchyroll cũng cho phép một phần phí thuê bao (subscription fee) được chuyển thẳng đến studio, bất kể họ có sở hữu IP hay không.

Tuy nhiên, đầu tư original cũng như góp mặt vào ủy ban sản xuất vẫn mang tính may rủi khá nhiều. Thế còn cách “an toàn” hơn? Studio Trigger đã tổ chức nhiều buổi live-stream để nhận đóng góp từ fan hâm mộ, nhiều nhân sự cũng có patreon/tài khoản riêng để nhận donation. Hoặc đơn giản hơn, studio có thể mở shop online (như Kyoto Animation) để bán những ấn phẩm do chính họ sản xuất. Còn không thì họ sẽ chỉ đâm vào vòng luẩn quẩn làm thuê theo năm tháng mà khó kiếm được lối thoát.

TL;DR: Hình thức kiếm tiền chính của một studio vẫn là lao động theo hợp đồng, ngoài ra thì họ có thể thử vận may bằng cách đầu tư original works để nắm IP (khi nắm được IP nổi thì sẽ có nhiều cách kiếm tiền), hoặc quyên góp vốn để có ghế trong ủy ban sản xuất.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button