Anime StudioIndustry

Animator Lương Thấp – Một Góc Nhìn Riêng.

Lạm bàn về chuyện animator có đồng lương thấp! Đây là góc nhìn và cũng là câu trả lời của mình từ nay về sau cho mọi bài viết có chủ đề liên quan đến tình cảnh và đồng lương của họ.

Bạn chỉ cần tốn vài giây để tìm kiếm là đã có rất nhiều kết quả về những bài báo thống kê số liệu, lẫn nêu hiện trạng “đồng lương thấp” của các hoạt họa sĩ ở Nhật, nhất là những người mới vào nghề trong độ tuổi từ 20-30.

Bên cạnh đó, nhiều người trong ngành cũng lên tiếng về vấn đề này.

Tuy nhiên, những điều này có “bình thường” không? Quá là bình thường, như một quy luật “tự nhiên” của thị trường thường thấy ở các ngành công nghiệp khác. Ta có thể giải thích cái chuyện “đồng lương thấp” này bằng những quy luật cung cầu, thị trường tự do, mang tính cạnh tranh cao … và cả vấn đề outsource cũng ảnh hưởng không ít lên đồng lương kiếm được của những con người này ở Nhật.

Nói đến đây, thì chắc bạn cũng hình dung được, “đồng lương họ thấp” không có nghĩa rằng chúng ta phải hô hào “tăng lương trung bình lên đi! Tăng lên đi!” vì đấy là chuyện viễn vông không thể làm ngay được nếu không xét đến góc độ kinh tế. Tăng đồng lương cơ bản sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đau đầu như gia tăng giá thành sản phẩm (vì labor cost tăng), dẫn đến gia tăng chi phí sinh hoạt, hay vấn đề ảnh hưởng trước mắt rõ ràng nhất là chuyện công ty/tập đoàn sẽ phải cắt giảm nguồn lao động của họ để giúp duy trì công việc kinh doanh, hoặc tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu chi phí khác như tự động hóa dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lấy đi việc làm của người lao động, tìm kiếm nguồn lực từ nơi khác rẻ hơn (rồi cũng lặp lại tình trạng lương thấp), nói chung thì chuyện “gia tăng lương cơ bản” cũng chỉ khiến người lao động thiệt thòi hơn nếu như bạn mù quáng cứ đòi tăng.

Bên cạnh đó, những ông chủ tập đoàn “ngồi rung đùi” một tháng kiếm gấp vài nghìn lần một người lao động bình thường. Nhiều người sẽ nghĩ rằng những ông chủ này quá tham lam, kiếm tiền trên công sức lao động của kẻ khác. Vd như trường hợp của Doug McMillon – CEO hiện tại của chuỗi cửa hàng bán lẻ Walmart – kiếm được đến $22 triệu trong năm ngoái (theo google), và số tiền của công nhân ở Walmart chỉ vỏn vẹn $13/h, trung bình một năm họ kiếm được $34k mà thôi. Doug là quá tham lam! Hãy chia hết đồng lương ông ta cho công nhân đi! Bạn có biết? Số nhân viên lao động của Walmart hiện nay là 2.3 triệu người. Hãy làm phép tính đơn giản, ta lấy đồng lương của Doug chia cho số nhân viên Walmart hiện có, 22 triệu / 2.3 triệu, ta sẽ ra $9.5. Chín đô rưỡi! Những người này sẽ được nhận thêm $9.5 mỗi năm trong con số $34k, như ném một hạt gạo vào bịch gạo vậy!

Những “ông chủ” có quá tham lam như chúng ta thường nghĩ?

Nhưng những người chỉ trích Doug, cũng như là những ông chủ, CEO lớn khác, không hình dung được “rủi ro” họ phải gánh chịu. Những người ngồi trên (ta sẽ gọi họ là 1%, có vid trên youtube của Peter Schiff đi 1 vòng Wallstreet để giải thích /bảo vệ capitalism khá vui và hay ho mà bạn có thể xem qua nếu tò mò) cũng cần chất xám lẫn năng lực và chuyên môn cao để hoạch định chiến lược, đầu tư vào nhiều dự án, mà nếu họ thất bại, thì nhóm 1% này – nhà đầu tư – sẽ gánh hết với số tiền thiệt hại không hề nhỏ, còn những công nhân cơ bản thì họ đâu có cần bận tâm! Cùng lắm họ chỉ mất đồng lương của tháng đó, bị sa thải vì cty cần cắt giảm nguồn lực. Nói chung là họ có ít vấn đề để lo và đau đầu hơn. Vậy nên, nếu Walmart gặp rủi ro, thì họ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên công việc lao động của 2.3 triệu nhân viên của họ.

Quay trở lại ngành công nghiệp anime. Ủy ban sản xuất cũng có cùng tình cảnh, họ không thể chi trả nhiều hơn cho một bộ anime, tiền không mọc từ trên cây! Đầu tư vào tác phẩm nào cũng cần phải hoạch định, toan tính chi ly từng bước. Dồn quá nhiều tiền vào một dự án anime, cũng đồng nghĩa với việc những tác phẩm khác sẽ mất cơ hội để được đưa lên màn ảnh, cũng như là việc cần ít animator thực hiện hơn. Và một khi dự án anime này bị thất bại, ít người xem, thì ủy ban sản xuất sẽ là nhóm người lãnh đủ – vì họ là nhà đầu tư – chứ không phải là animator, tất nhiên là điều này cũng sẽ ảnh hưởng không ít đến công việc lâu dài của animator. Đầu tư anime thì cũng chả khác gì chơi cá cược, bạn không thể dồn hết vào một vố vì khi thất bại thì nhà đầu tư sẽ mất cả chì lẫn chài, lí do vì sao có quá nhiều anime được sản xuất – vì đơn giản là họ không thể đảm bảo chắc chắn sự thành công của một tác phẩm bất kì.

Gia tăng kinh phí sản xuất một bộ cũng sẽ dẫn đến chuyện giá thành bản quyền tăng, giá goods, merchandise, đĩa gốc tăng, người tiêu thụ (hay ở đây người ta gọi là thị trường đó) sẽ khó tính hơn trong việc chọn lựa anime để xem và ủng hộ. Tạm gác về chuyện anime đầu tư nhiều có chất lượng hay không, chưa chắc là người xem đã thích bộ anime này. Dù ủy ban sản xuất bỏ nhiều tiền vào anime hơn, nhưng không ai dám khẳng định anime này có cơ hội thành công hơn một bộ được bỏ vào ít hơn.

Do đó, ngành CN sẽ dẫn đến sự thoái trào của các bộ mang đậm tính nghệ thuật “kén” khán giả theo dõi, vì họ sẽ đầu tư mạnh những bộ đánh vào thị hiếu khán giả đại trà. Bên cạnh đó, nhà đầu tư muốn dự án nhiều tiền này nằm trong tay một studio uy tín với dàn nhân sự tài năng hơn. Việc gia tăng chi phí sản xuất sẽ là yếu tố góp phần gây ra tình trạng phân hóa lao động diễn ra càng nhanh hơn, khi những người tài giỏi, lâu năm có cơ hội thăng tiến nhanh hơn nữa, trong khi những hoạt họa sĩ mới vào ngành non kinh nghiệm thì không còn việc để làm (vì ÍT anime được sản xuất hơn), tình trạng thất nghiệp của những người này sẽ gia tăng nhiều hơn, studio nhỏ lẻ đóng cửa nhiều hơn vì dự án đắt tiền bay hết vào tay studio lớn và uy tín.

Hoặc một diễn biến khác là các studio lớn sẽ tận dụng nguồn vốn dồi dào này mà outsource (thuê nhân công) sang các nước có nguồn lao động rẻ hơn, đồng thời nguồn nhân lực giá rẻ họ thuê được cũng cho phép họ đảm nhận nhiều tác phẩm hơn (và đây là điều những studio như J.C Staff, DEEN … đang làm). Trên thực tế, ngành CN anime đã và đang có sự tăng trưởng lẫn tăng lợi nhuận thu về trong 10 năm liên tiếp (2009-2019), nghĩa là ngành CN kiếm được nhiều tiền hơn, giá thành trung bình để sản xuất một bộ (và tập) anime cũng cao hơn so với hồi xưa. Tuy nhiên, tình trạng animator lương thấp – điều kiện làm việc kém vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, thì cốt lõi vấn đề nó vẫn nằm ở đâu đó sâu xa, giải pháp không chỉ đơn giản là “tăng kinh phí dẫn đến tăng mức lương cơ bản”.

Cái thế giới lý tưởng “tăng kinh phí anime-> anime chất lượng hơn-> animator vui vẻ với đồng lương cao hơn-> khán giả ủng hộ nhiều hơn và ngành CN anime phát triển mạnh hơn nữa” nó khác xa với thực tế rất nhiều, vì nếu được như vậy thì ai cũng đã làm rồi và tình trạng mức lương thấp và điều kiện việc làm khổ cực của các animator nó đã không còn là vấn đề nan giải ở thời điểm hiện tại.

TUY NHIÊN, dù “tình cảnh thị trường” – như một quy luật kinh tế chung của bao ngành công nghiệp khác ở khắp mọi nơi trên thế giới – khiến cho đồng lương cơ bản của animator thấp, thì quan điểm của mình ở đây, là ta vẫn không nên “chấp nhận” cái đồng lương thấp này là chuyện “hiển nhiên” và coi nó như điều hết sức “bình thường”, ta không nên thờ ơ phủ nhận sự hiện diện của vấn đề này. Vì khi ta chấp nhận cái sự “bình thường” này như một quy luật chung của thị trường tự do, như một điều hết sức hiển nhiên, thì tại sao ta cần phải sửa, phải cải thiện? – mà ở đây là tình cảnh của các animator với đồng lương thấp và điều kiện làm việc yếu kém.

Nói như thế thì khác nào, ta đang chà đạp lên mọi công sức và nỗ lực của chính phủ (với dự án Anime Mirai, hoặc yêu cầu các studio reform về working practices), của cá nhân hay tổ chức (Anime Dormitory Project), hay thậm chí của cả studio (vd như studio Izukogen của White Fox với mô hình nhà trọ dành cho animator sinh hoạt và rèn luyện, MAPPA với dự án CSM mời gọi animator tâm huyết vào tham gia lâu dài, lẫn trả lương họ còn cao hơn mức lương căn bản của KyoAni) và những người trong ngành về mong muốn cải thiện tình trạng lao động và môi trường làm việc của các animator.

Cá nhân mình tuy rất bias, tuy suốt ngày khen lấy khen để mô hình của Kyoto Animation, nhưng mình chưa hề, và chưa bao giờ, bắt các studio khác phải chạy theo mô hình này – vì đơn giản là nó quá may rủi và cần rất nhiều thời gian, lẫn tiền của và công sức đầu tư trong hàng chục năm, bản thân KyoAni cũng chấp nhận đánh nhiều con bài may rủi và phần nào may mắn đạt được nhiều thành công lớn. Nhất là khi hiện nay các studio lớn như J.C Staffs, Liden Films … đã có mô hình truyền thống thiết lập sẵn, không thể trong một ngày đập vỡ hết mà chạy theo ngay KyoAni luôn được, chưa kể cách làm này còn gây ảnh hưởng dây chuyền lên rất nhiều những studio gia công – hỗ trợ tại Nhật, vốn chiếm phần lớn trong ngành CN anime hiện nay. Thêm vào đó, cái hạn chế lớn nhất của mô hình Kyoto Animation đang phải đối mặt, là họ dành nhiều thời gian để mài giũa một tác phẩm anime, cũng chính vì thế, họ thực hiện rất ít các tác phẩm trong mỗi năm. Những hoạt họa sĩ của họ phải giữ được tầm nhìn chung để theo đuổi các dự án này, nhưng như vậy thì những người ở vị trí thấp sẽ phải phần nào đó “hy sinh” một ít tầm nhìn “riêng” hay sự tự do thể hiện của họ nếu như họ muốn có sự đột phá trong con đường nghệ thuật. Trong quá khứ thì cũng không ít nhân sự của KyoAni rời bỏ studio để theo đuổi điều gì mới mẻ hơn (hay gần đây nhất là Yamada sang Science Saru để thực hiện Heike Monogatari), dù KyoAni đã và đang sở hữu mô hình mà mình cho rằng “lý tưởng nhất” hiện nay.

Mà thôi, không bàn xa nữa, khi bản thân mình nói về “animator với đồng lương thấp”, thì chẳng phải mình đang hô hào đòi hỏi họ phải cần tăng lương hay gì, mà mình chỉ đơn giản là muốn cảnh tỉnh các bạn yêu thích và say mê anime về thực trạng lao động của họ hiện nay (vd như staff của Wonder Egg Priority phải làm đến mức nhập viện, hay nhân sự của Madhouse còn ẩn danh gọi đến cả công đoàn lao động để cầu cứu vì overwork …). Mình – dưới tư cách là một người thích anime – mong muốn các bạn tôn trọng hơn công sức họ bỏ ra, phê bình và chỉ trích một bộ thị trường nào đấy thì cũng nên có chừng mực nhất định thôi. Cũng như là ta nên trân trọng và tán dương các nỗ lực từ chính phủ, cá nhân, tổ chức và tập thể, cũng như là từ các studio trong việc cải thiện tình trạng lao động của các animator, lẫn phê bình những scandal bị phanh phui trong cái ngành CN này – về tình trạng lao động quá giờ, quỵt hay trả lương trễ, etc (đến nỗi chính những người Nhật trong ngành còn lên mxh than phiền dù họ đã quá quen với cái văn hóa việc làm này rồi, nghĩa là có những người còn không thể chịu đựng nổi) – dù những chuyện này nó nhan nhản xảy ra và xuất hiện ở mọi ngóc ngách, mọi nơi trên thế giới, và trong khắp các ngành công nghiệp khác như một điều “bình thường” và hiển nhiên.

Mà tại sao mình lại chỉ “khóc than” (lol) cho các animator thôi? Thế còn những người lao động cơ cực lương thấp trong mọi ngành nghề lao động khác thì sao? Còn những vụ lạm dụng sức lao động trẻ em ở các nhà máy Trung Quốc, hay gì … ?

Thì mình cũng xin nói luôn, đây là trang về ANIME – MANGA chứ không phải là trang đấu tranh về nhân quyền, hay đòi lại công bằng cho tầng lớp lao động, hay là giải thích cho các bạn hiểu cặn kẽ về thị trường kinh tế ra sao, tự do như thế nào, bạn có thể tìm thấy điều này ở các trang hay tổ chức khác, chi tiết hơn. Mình chỉ đơn giản là cảnh tỉnh các bạn về những gì đa phần các animator đang trải qua, đồng lương họ thấp ra sao, họ tâm huyết theo đuổi đến phải hy sinh nhiều điều của bản thân – chứ không phải đơn giản chỉ là kiếm tiền. Có đến 90% animator nghỉ việc trong 3 năm đầu, theo Dorm Project chia sẻ, nhiều người trẻ tuổi thừa biết sự khổ cực khi đến với nghề làm animator nhưng mà họ vẫn cứ đam mê theo đuổi vì không ít trong số họ đã lớn lên với văn hóa otaku, say mê A-M từ nhỏ. Đừng bảo họ không có đam mê khi chuyện cầm bút vẽ được (chưa nói tới vẽ đẹp) không phải là chuyện ai cũng có thể làm trong một sớm một chiều, mà nó còn là cả quá trình khổ luyện nhiều năm trời.

Còn việc bạn nhìn nhận tình trạng này là như thế nào, có “bình thường” và “công bằng” với công sức họ bỏ ra theo các yếu tố kinh tế thị trường, hay bạn trân trọng công sức họ hơn, hoặc cả hai – biết được quy luật chung của thị trường nhưng không thờ ơ và vẫn có thể thông cảm cho họ được – là tùy thuộc ở bạn.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button