AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Alice to Therese no Maboroshi Koujou – Tác Phẩm Mô Tả Rõ Nhất 200% Tài Năng của Okada Mari.

“Nếu anh thực sự nhìn vào bộ phim này thì nó chính là 200% tôi trong đấy”, Okada Mari đã trả lời với Otsuka Manabu. Bên cạnh đó, trong một buổi phỏng vấn khác với Otsuka Manabu, một animation producer khác là Kenji Horikawa cũng đã mô tả: “Để nói về bộ phim thì cả ý tưởng lẫn chủ đề đều được xen kẽ các yếu tố giúp ta gợi nhớ đến những tác phẩm trước đây của Okada Mari”.

Okada Mari là một nữ biên kịch người Nhật, bắt đầu sự nghiệp viết kịch bản vào năm 1996 và sau 2 năm cô ấy được viết kịch bản cho bộ anime “DT Eightron – 1998”. Kể từ đó cô bắt đầu bước chân vào ngành công nghiệp anime, tính đến nay cũng đã được 26 năm. Nhận được lời mời của Kenji Horikawa – giám đốc của P.A Works, Okada Mari đã có cơ hội được đạo diễn bộ phim hoạt hình đầu tiên của cô “Maquia: When The Promise Flower Blooms” vào năm 2018. Đây cũng là bộ phim mà chính cô ấy viết kịch bản cho nó. Okada Mari cũng đã đề cập trong một bài phỏng vấn rằng Kenji Horikawa đã từng nói với cô ấy: “Tôi hi vọng một ngày nào đó sẽ được thấy một tác phẩm mà toát lên được 100% tài năng mà cô đang có”. Chính điều này đã trở thành động lực để cô cho ra tác phẩm Maquia.

Giống với Kenji Horikawa, giám đốc của Mappa – Otsuka Manabu đã bị ấn tượng sâu sắc sau khi xem “Maquia: When The Promise Flower Blooms” và đã quyết tâm mời nữ biên kịch để có thể tạo ra “một thế giới nơi Okada có thể thỏa sức sáng tạo”. Do đó vào năm 2023, Okada Mari đã đồng ý hợp tác cùng Mappa để sản xuất bộ phim hoạt hình thứ 2 do chính cô đạo diễn – Alice and Therese’s Illusion Factory.

Có thể nói đây là tác phẩm đã thể hiện hoàn hảo được sự sáng tạo của Okada Mari.

Với những chủ đề thời gian, sự thay đổi của con người, về tình mẫu tử đã trở thành một theme sáng tạo đặc trưng của cô. Otsuka Manabu cũng đã nhận xét rằng: “Nếu chúng ta không nhìn tác phẩm Maboroshi là một tác phẩm với 200% năng lực của cô ấy thì thật khó để tiếp cận thế giới của sự sáng tạo lộng lẫy và những thiết lập gần như bị đặt chồng chéo một cách tùy ý”. Để hiểu rõ nhất về các nhân vật trong bộ phim này, người xem cần liên kết với những câu chuyện mà Okada Mari đã viết trong quá khứ như một gợi ý. Chỉ có như vậy chúng ta mới mới hoàn toàn có thể đắm chìm vào những câu chuyện và thế giới mà Okada Mari tạo ra.

Okada Mari luôn mang những yếu tố tự truyện vào các tác phẩm của mình. Cô không bao giờ ngần ngại chia sẻ việc các chủ đề lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của mình đều được lấy cảm hứng từ quá trình trưởng thành và những trải nghiệm của cô. Trong cuốn tự truyện “Từ một kẻ trốn học cho đến một nhà biên kịch anime: Con đường dẫn tới “Anohana” và “The Anthem of the Heart” (From Truant to Anime Screenwriter: My Path to “Anohana” and “The Anthem of the Heart”)” được phát hành vào năm 2017, Okada đã chia sẻ về quá trình trưởng thành của mình. Từ một cô bé luôn bị bắt nạt, phải chứng kiến cảnh cha mẹ mình cãi nhau và dẫn tới ly hôn đã vô tình là một “nhà tù” giam giữ tâm hồn của cô trong khi bản thân cô ấy lại bị “giam” trong chính ngôi nhà của mình vì những suy nghĩ tiêu cực. Việc “giam giữ” này đã dần thôi thúc trong cô một khao khát được thoát ra và được chạm tới thế giới màu nhiệm ngoài kia.

Ở tuổi 19 Okada Mari đã thực sự thực hiện được ước mơ của mình. Cô ấy quyết định theo học ở Tokyo và bắt đầu sự nghiệp biên kịch của mình. Cô ấy không ngần ngại thử sức mình với rất nhiều thể loại, từ những bộ dành cho người lớn tới những bộ dành cho trẻ con. Và cuối cùng vào năm 2011, cô ấy đã có được một cơ hội quý báu để viết “Anohana: The Flower We Saw That Day”. Đây cũng là bộ phim đánh dấu cho phong cách của Okada Mari và cho đến nay, “Maboroshi” vẫn thể hiện rõ được phong cách hoạt hình của cô ấy như 13 năm trước cô ấy đã từng làm.

Ví dụ rõ ràng nhất về chủ đề đặc trưng của cô: sự trì trệ và khép kín (stagnation and closure).

Hai yếu tố này luôn đi cùng nhau – nhân vật chính vì một lý do nào đó mà khép kín bản thân, khiến cuộc sống của họ trở nên trì trệ. Khi nhân vật chính nghĩ mình sẽ mãi bị giam cầm cả cuộc đời mình trong một màu xám xịt như này thì cơ hội thay đổi bản thân sẽ xuất hiện trên bầu trời khiến mọi thứ trở lại bình thường như những gì nó vốn có.

Trong “Anohana” nam chính đã trở thành một người sống ẩn dật sau sự ra đi của người bạn thời thơ ấu, và chỉ khi người ấy xuất hiện trở lại, anh ấy mới được tiếp thêm can đảm để có thể hướng tới tương lai. Trong “The Anthem of the Heart” nữ chính đã cảm thấy tội lỗi vì đã gián tiếp khiến cho gia đình cô đổ vỡ, điều này đã khiến cô ấy tự nguyền rủa mình không thể nói được, cho đến khi cô gặp được nam chính – người đã giúp cô hóa giải lời nguyền ấy. Hay “Her Blue Sky” – kể về những đứa trẻ bị mắc kẹt về thể xác lẫn tinh thần ở Chichibu với những lý do khác nhau. Họ vướng vào tình yêu và giải thoát được bản thân với sự giúp đỡ của một “người bạn” khỏi sự trì trệ của cuộc sống đã giam cầm họ.

Với tác phẩm “Maquia” và “Maboroshi”, sự “trì trệ” được đưa trực tiếp vào bối cảnh, đẩy các nhân vật vào tình huống khó xử và bị động. Trong “Maquia”, gia đình nữ chính là những người bất tử, điều đó có nghĩa là nếu cô ấy hình thành mối quan hệ với những người thuộc dòng tộc khác thì sẽ phải chứng kiến những người thân của mình ra đi, cho nên việc này đã trở thành điều cấm kị. Còn “Maboroshi” thì xưởng sắt thành phố bị một vụ nổ bí ẩn tấn công, khiến toàn bộ thành phố thay đổi, trở nên trì trệ về thể chất, sinh lý và thời gian. Trong tình trạng mà sự “thay đổi” sẽ dẫn tới sự “biến mất”, việc tự khép kín bản thân là điều không thể tránh khỏi bởi việc hình thành mối quan hệ với người khác đồng nghĩa với việc “thay đổi”.

Một chủ đề khác có thể thấy ở Okada Mari đó chính là về tình mẹ, và bạn cũng có thể thấy trong 2 tác phẩm “Maquia” và “Maboroshi”.

Những mô tả về người mẹ trong cả hai tác phẩm như một tấm gương tương phản, một sáng – một tối, một thiện – một ác. Điểm sáng trong “Maquia” nằm ở câu chuyện của nữ chính Maquia – người dù cô đơn và bất lực nhưng đã học được cách nuôi dạy những đứa trẻ bằng tình yêu của mình, và cuối cùng đã học cách trở thành một người mẹ. Câu chuyện tôn vinh sự vĩ đại của tình mẫu tử theo cách mà Mari Okada hiếm khi làm, cho thấy rằng tình yêu vẫn có giá trị ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc phải chịu đựng nỗi đau chia ly. Ngược lại thì “Maboroshi” lại được miêu tả theo hướng “tối”. Câu chuyện kể về Mutsumi – một cô gái với nội tâm khó đoán, hóa ra lại là mẹ của đứa trẻ đang bị giam ở “thực tại” của mình. Mutsumi yêu và ghét đứa con gái của mình với những cảm xúc hỗn loạn. Dù cuối cùng bà cũng nhận ra tình mẫu tử và tình yêu dành cho con gái nhưng lại “cướp đi” tình yêu đầu đời của con như một lời từ biệt, để con bước một bước trưởng thành và rời xa mẹ, giống như tiễn biệt một người con gái. Đây có thể xem là mặt “tối” của “Maboroshi” – một câu chuyện kỳ lạ về sự trưởng thành của người phụ nữ, ở đây là đối với mẹ và con gái.

Thật không khó để có thể hiểu “Maquia” và “Maboroshi” qua lăng kính của chính Okada. Hình ảnh người mẹ có thể được viết một cách tươi sáng và bạo lực, đôi khi cũng có những cú twisted, đồng thời cũng có thể trộn lẫn với thứ được gọi là “tình yêu” – cũng giống như những cảm xúc phức tạp và mâu thuẫn của Okada dành cho chính người mẹ của mình. Thế giới của “Maboroshi” giống như một bức tranh phong cảnh đến từ trái tim của Okada, được chôn vùi dưới những hỗn loạn của cuộc sống, chứa đựng khát khao của Okada được bộc bạch với thế giới ngoài đó, đó cũng chính là ẩn ý sau câu nói “200% của Okada Mari”.

Để kết luận cho bài viết này, hãy cùng đề cập tới những điểm thú vị trong bộ phim “Maboroshi”. Đây là câu chuyện về một thế giới hư cấu, nơi được tương phản với “thực tế” và cũng là nơi khiến cho các “nhân vật” trở nên thiếu sức sống. Một số thay đổi trong thế giới này được cho phép, nhưng nếu sự thay đổi đi chệch khỏi quỹ đạo kiểm soát của các “vị thần”, chúng sẽ được chính tay các “vị thần” xóa bỏ, đưa mọi thứ trở về đúng với những gì nó vốn có. “Hiện thực” trong thế giới của này sống động hơn, tự do hơn và đáng mơ ước hơn “hư cấu”, nhưng trong câu chuyện, chính “hư cấu” cuối cùng đã mang lại sự cứu rỗi cho “hiện thực”.

Qua đây ta cũng có thể đặt bản thân vào câu chuyện và trải nghiệm lăng kính của Okada – đưa bản thân mình vào thế giới hư cấu và tìm lại sự hòa hợp với chính bản thân mình, cũng như hướng giải quyết với những vấn đề xung quanh. Đôi khi nó buồn tẻ, đôi khi nó vô hồn, đôi khi chẳng có gì ngoài ngày tươi sáng lấp ló trong tim. Nhưng chừng nào “hư cấu” vẫn có thể cứu rỗi được “hiện thực” thì sẽ luôn có người cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy ảo ảnh ấy.

Có lẽ đây là một tác phẩm được mọi người cho rằng vô tri, hướng đi không logic, chỉ được animation cứu cốt truyện, etc… thì hi vọng qua bài viết này mọi người có thể hiểu thêm được về đạo diễn Okada Mari cũng như sự ẩn ý của những thước phim cô ấy đã dày công làm ra. Bản thân mình là người được góp một ít công sức vào bộ này và thấy cô Okada thường rất chăm chút cho từng bản vẽ, từ những shading nhỏ nhất cho tới những chi tiết mà ta có thể dễ dàng bỏ qua, đủ để thấy tâm huyết của cô đặt vào ở mức nào.

鈴華 勇太

VN-JP Animator currently working for Pierrot Studio.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button