ALC Anime of the Year 2023 – Sousou no Frieren.

Năm 2023 cũng sắp kết thúc rồi, nên đây sẽ là giải thưởng “ko chính thức” của ALC. Với riêng mình thì Sousou no Frieren là AotY 2023 (dù chưa công chiếu hết).
Không mang những thông điệp lớn lao như Pluto, Vinland Saga S2 … nhưng những gì ở Frieren lại có sự kết nối mãnh liệt với mình. Đôi khi theo dõi một nhân vật học cách tiến lên sau mất mát, trải nghiệm những cảm xúc vui buồn cùng họ trong cuộc sống giản dị thường ngày là điều đã làm mình gắn bó và say mê anime cho đến bây giờ ( tính ra đâu đó cũng 16 năm kể từ lúc mình bắt đầu xem anime, mở đầu với những bộ từ nhà KyoAni hồi 2007 ). Bài viết này sẽ nói lên những đánh giá, nhìn nhận và cảm xúc của mình xoay quanh tác phẩm, cũng như phân tích thêm vì sao mình cảm thấy anime mới là phiên bản “hoàn thiện” của tác phẩm, chứ ko phải nguyên tác manga.
Sousou no Frieren (SnF) trở thành làn sóng bùng nổ trong cộng đồng là điều mình đã dự đoán từ trước ngay khi nhìn vào danh sách nhân sự thực hiện. Tất nhiên, nguyên tác manga đã vốn chất sẵn nhưng trước đó Sousou no Frieren vẫn không phải là tác phẩm có được tầm phủ sóng như hiện giờ do một phần thể loại kén người đọc.
Một trong những chỉ trích thường thấy ở nguyên tác là tác phẩm đi theo lối “episodic”, tập hợp của những câu chuyện nhỏ lẻ mang tiết tấu chậm rãi và rời rạc như những món tráng miệng điểm tâm ở đầu bữa tiệc vậy, đan xen với những chương dài như “món chính” mà mọi người nóng lòng mong chờ. Mặt khác, yếu tố hành động không phải là điểm mạnh của nguyên tác – ngay chính Abe Tsukasa (mangaka – minh hoạ cho bộ truyện) từng thừa nhận rằng anh không giỏi vẽ những cảnh chiến trận. Những điều kể trên tạo ra tình huống “nửa nạc nửa mỡ”, khiến không có mặt nào trong nguyên tác trở nên quá xuất sắc và nổi bật nếu so với những tác phẩm khác có yếu tố riêng nổi trội, mà tất cả đều cần thêm “chút nữa” để bứt phá chạm đến đỉnh cao.
Đến đây ta mới thật sự thấy phép màu mà đội ngũ của Fukushi và Saitou mang lại tại studio Madhouse. Tuy theo sát với nguyên tác, nhưng họ cũng đã thêm thắt vào nhiều thay đổi “nhỏ” mà với mình lại cực kì quan trọng để nâng nguyên tác lên tầm cao đúng với tiềm năng cho phép của tác phẩm.
Trước khi vào phân tích sâu hơn thì mình cần làm rõ một điều, một tác phẩm chuyển thể “tốt” với mình khác với một bản chuyển thể xuất sắc. Chỉ cần theo cấu trúc của manga, chuyển thể theo từng khung, không sót bất kì chi tiết nào thì với mình thì đấy đã là bản chuyển thể tốt. Nhưng nếu chuyển thể y sì khung theo khung thì cần gì phải xem anime khi nguyên tác đã có những gì bạn cần ở tác phẩm?
Bản chuyển thể luôn mang sự gò bó về tính sáng tạo ở những gì đạo diễn có thể làm được trong khuôn khổ cho phép. Để cho “an toàn” thì đa phần thường sẽ bám sát vào tình tiết của nguyên tác (nhất là nguyên tác manga), ít ai dám mạo hiểm thêm thắt vào nét nghệ thuật sáng tạo riêng của họ.
Và đây là sự khác biệt lớn nhất với mình giữa bản chuyển thể “tốt” và xuất sắc. Một bản chuyển thể xuất sắc luôn nên là tác phẩm độc lập, tự đứng được trên đôi chân. Bản chuyển thể không chỉ theo sát mà còn phải được tinh chạm thêm nhiều chi tiết sáng tạo giúp nâng tầm nguyên tác, khiến khán giả có lí do để xem và hóng chờ hàng tuần, kể cả những người đã đọc qua nguyên tác trước đó. Hay nói một cách khác, không chỉ chuyển thể 1:1 mà nên là 1.5:1, 2:1 …
Nhưng sáng tác thêm vào nguyên tác sẵn có một cách vô tội vạ rất dễ tạo hiệu ứng ngược, làm tác phẩm lạc điệu. Những điều thêm vào, từ nội dung cho đến chi tiết, phải cần được tuân thủ nghiêm ngặt những gì mà nguyên tác trước đó đã tạo nên, từ đặc tính logic cho đến sự xây dựng nhân vật. Sáng tạo trong nghệ thuật chuyển thể nhưng vẫn phải đảm bảo sự trung thành tuyệt đối với nguyên tác.
Sousou no Frieren qua bàn tay tinh chạm bậc thầy của Saitou đã thể hiện nên điều này, và là bằng chứng rõ nhất về một tác phẩm chuyển thể xuất sắc độc lập.
Bản chuyển thể anime mang lại nhiều thay đổi nhỏ, không chỉ thêm vào mà còn sửa lại những khuyết điểm vốn có của nguyên tác, giúp tác phẩm “thăng hoa” hơn để trở thành phiên bản hoàn thiện nhất và hay nhất của Sousou no Frieren.
Cấu trúc rời rạc ở những chương nhỏ đã được kết dính. Lấy vd là chi tiết mình cực kì tâm đắc: chiếc nhẫn hoa sen của Frieren, kỷ vật được Himmel trao tặng. Trong nguyên tác manga, chiếc nhẫn chỉ xuất hiện ở chương 30 một cách thình lình, tiết lộ nên ký ức về tình cảm của Himmel. Một vật kỷ vật quan trọng như vậy nhưng chỉ được giới thiệu chóng vánh ngay trong chương tạo nên cảm giác hụt hẫng, người đọc không có bất kì sự kết nối nào đến chiếc nhẫn, họ chỉ quan tâm đến câu chuyện tình cảm của Himmel mà thôi.
Nếu bạn để ý thì ở anime, hình ảnh chiếc nhẫn đã xuất hiện ở các dịp trước đó. Trước tiên là ở tập đầu sau tang lễ của Himmel, ta thấy Frieren cầm chiếc nhẫn ngắm nghía như tưởng nhớ lại về ký ức đã qua rồi cất vào túi áo. Hình ảnh chiếc nhẫn một lần nữa xuất hiện trong tập 12 khi Frieren lục lọi vali tìm món quà sinh nhật cho Stark, ta thấy cô cầm chiếc nhẫn lên, nâng niu rồi cất về chỗ cũ. Chỉ 2 chi tiết tuy nhỏ – không có trong manga – nhưng lại hiệu quả vô cùng để thiết lập sự gắn kết không chỉ của Frieren lên món đồ “vô tri”, mà còn với cả người xem vì chúng ta ai nấy cũng nhận ra đây là kỷ vật rất quan trọng đối với cô. Trên thực tế thì ngay khi xem tập 1 đến đoạn chiếc nhẫn này đây, mình đã biết SnF sẽ là bản chuyển thể rất đặc biệt. Hình ảnh chiếc nhẫn là minh chứng cho việc sáng tạo trong nghệ thuật nhưng vẫn giữ sự tôn trọng và trung thành tuyệt đối đến nguyên tác.
Không dừng ở đó, xuyên suốt anime, bạn sẽ thấy có rất nhiều cut hoán chuyển thực tại với quá khứ dưới góc nhìn của Frieren, khi thì Frieren đi cùng tổ đội anh hùng, rồi cut tiếp theo ta lại thấy cô ở cạnh Stark với Fern. Thực tại và quá khứ quấn bện, đan xen với nhau tạo nên một trải nghiệm độc đáo. Với Frieren thì ký ức và quá khứ như chỉ xảy ra vào ngày hôm qua. Tất cả kết dính lại tạo nên một mạch truyện nhất quán, khán giả dần nhận ra sự thay đổi nhỏ ở Frieren qua từng bước chân cô đi. Một trong những tác phẩm hiếm hoi sử dụng “hồi tưởng” đúng cách qua những phân đoạn chuyển cảnh “mượt như lụa”, cho thấy những gì trong quá khứ cũng quan trọng để xây dựng nên nhân vật ngày hôm nay.
Không chỉ ở những chi tiết kết dính vừa đề cập, mà còn ở trong tình tiết diễn ra. Những chương nhỏ lẻ và rời rạc được vận dụng tối đa để khắc hoạ nên tương tác nhân vật, với tâm điểm không chỉ nằm ở Frieren mà còn lên Fern và Stark. Tập qua tập, ta thấy mối quan hệ giữa họ dần tiến triển, làm điểm sáng để kéo khán giả ở những chương vốn tưởng “không có gì xảy ra”. Cho ta thấy rằng từng sự kiện, từng khoảnh khắc luôn vun đắp cho những mối quan hệ giữa mọi người, không gì là thừa hay thiếu. Thậm chí, sự tương tác nhân vật theo mình là một trong những điểm sáng giá nổi trội ở tác phẩm, vì qua từng hành động, cư xử, một phần về nhân vật như được sáng tỏ hơn. Lấy vd như Fern khi lên anime hết sức được chăm chút, cả về lễ độ lẫn cách hành xử. Bạn có nhớ lúc Fern phúng phính cặp má rồi đá giò Sein? Về sau khi được Sein đưa lời khuyên làm lành với Stark, cô đã khoanh tay cúi đầu và xin lỗi Sein – chi tiết xin lỗi không có trong manga. Chứng tỏ Fern vẫn là người con gái “mẫu mực”, tốt người tốt tính tạo điểm cộng lớn lên người xem.
Và phần hành động thì ôi thôi, đến bây giờ mình vẫn còn mê mẩn pha trình diễn sàn catwalk của Fern, cũng như khi Frieren tiết lộ nên lượng mana tiềm ẩn cô giấu bao lâu nay cho Aura sốc tâm lí.
Anime đã biến “yếu điểm” của bộ truyện thành điểm mạnh và độc đáo. Tác phẩm là bản chuyển thể của tất cả những gì tinh hoa nhất từ manga, và nâng tầm chúng lên qua sức mạnh màn ảnh, qua sự sáng tạo trong nghệ thuật. Từ phối cảnh, góc quay, diễn hoạt, cho đến phần âm nhạc được biên soạn tỉ mỉ theo từng khoảnh khắc đã góp phần làm Sousou no Frieren trở thành một tác phẩm xuất sắc. Mà để làm được kì tích này thì đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có tình yêu vô bờ bến dành cho nguyên tác. Người mình khâm phục nhất vẫn là đạo diễn Saitou, chỉ qua chi tiết chiếc nhẫn thôi đã cho thấy mức độ am hiểu bậc thầy về nguyên tác của ông.
Nếu bạn đã đọc qua manga rồi thì hãy để ý đến những chi tiết được Saitou tinh chạm, vì biết đâu bạn sẽ có được trải nghiệm tốt hơn khi xem anime. Chúng luôn bám sát với “tinh thần” nguyên tác nhưng vẫn pha lẫn nhiều nét sáng tạo độc đáo, làm thăng hoa hơn về cảm xúc và giúp tác phẩm phát huy được tối đa tiềm năng để đạt được bước với cuối cùng mà chạm đến vạch đích, không còn thiếu “chút nữa”.
Anime trong năm 2023 vẫn còn hay lắm đối với mình.