Những Nhìn Nhận Sai Lệch Về Studio Ghibli.
Gần đây có bài về studio Ghibli được chia sẻ từ một page lớn mà mình tình cờ đọc được, trong đó có nhiều nhìn nhận khá sai lệch về studio, nên bài này sẽ đi sâu vào những góc nhìn sai lệch đó để cung cấp cho các bạn một cái nhìn khách quan hơn (link sẽ để ở phần cmt).
Studio Ghibli không thường sử dụng mô hình ủy ban sản xuất (“Production Committee”) truyền thống phổ biến ở Nhật Bản. Thay vào đó, Ghibli thường tự tài trợ hoặc hợp tác với một số ít đối tác đáng tin cậy để giữ quyền kiểm soát sáng tạo đối với các bộ phim của mình. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của các đối tác bên ngoài, cấu trúc “ủy ban sản xuất” của họ thường được thu hẹp và tập trung hơn. Vậy vì sao Ghibli lại tránh mô hình ủy ban sản xuất này?
1/ Lý do đầu tiên phải nói đến đó chính là về sự kiểm soát sáng tạo.
Ghibli muốn duy trì kiểm soát toàn diện về nội dung cũng như phong cách nghệ thuật xuyên suốt tác phẩm của mình, tránh bị ảnh hưởng hay bị pha trộn giữa nhiều bên liên quan. Lý do thứ hai là họ toàn quyền kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Với một mô hình ủy ban thông thường luôn mang nặng tính áp lực thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng sáng tạo, bạn có thể liên tưởng tới những bộ anime đình đám nhưng bị deadline rush đến nỗi họ phải chấp nhận hi sinh chất lượng để có thể hoàn thành tiến độ đến từ ủy ban. Và lý do cuối cùng đó chính là họ hoàn toàn có thể kiểm soát tài chính một cách độc lập. Các bộ phim của Ghibli thường được tài trợ trực tiếp bởi doanh thu từ các dự án trước hoặc từ các đối tác đáng tin cậy. Điều này có nghĩa là Ghibli hoàn toàn giữ được phần lớn lợi nhuận từ các bộ phim của mình, không chỉ từ việc phát hành mà còn thông qua quyền độc quyền sản xuất và phân phối các sản phẩm liên quan, như ấn phẩm hoặc hàng hóa đi kèm. Cũng nhờ thế mà lương của các nhân viên hoạt họa Ghibli cũng sẽ cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung. Ngoài ra họ vẫn còn nguồn thu đáng kể từ những hoạt động khác có thể kể đến như là Bảo tàng Ghibli, công viên Ghibli, các sự kiện hàng năm, etc.
2/ Về kỹ thuật sản suất và ứng dụng công nghệ của Ghibli
Hẳn ai cũng biết đặc trưng các cảnh phim của Ghibli đó chính là thường chứa nhiều nhân vật với chuyển động phức tạp, thường họ sẽ “không cho phép” nhân vật đứng yên ngay kể cả ở những phân cảnh nhỏ nhất. Vậy việc họ chỉ vẽ được 2 frame 1 ngày có phải là do họ cố tình vẽ chậm lại không? Điều này hoàn toàn không hề chính xác, tuy chỉ 2 frame nhưng có thể khẳng định rằng đó là những frame rất nặng đô, mức độ phức tạp cao, và quan trọng nhất là họ làm trên 1 layer duy nhất là giấy vẽ, khác xa hoàn toàn với cách sản xuất anime hiện nay là thực hiện trên máy. Cho nên nếu để so sánh giữa Ghibli với những studio khác thì khoảng cách vẫn còn rất lớn.
Một quan niệm sai lầm phổ biến là Ghibli không sử dụng công nghệ CGI. Trên thực tế, họ đã tiên phong ứng dụng công nghệ số và CGI từ rất sớm, cụ thể là vào năm 1997 cho bộ phim “Công chúa Mononoke”. Đây là bộ phim đầu tiên của Ghibli tích hợp công nghệ CGI, mặc dù chỉ được sử dụng ở một mức độ hạn chế để bổ sung cho hoạt hình vẽ tay truyền thống. Sau thành công đấy họ đã tiếp tục áp dụng CGI vào “Sen và Chihiro ở thế giới thần bí (2001)”, “Lâu đài bay của pháp sư Howl (2004)”, “Ponyo (2008)”, etc. Tuy nhiên Ghibli rất cẩn trọng khi sử dụng CGI, đảm bảo nó không làm mất đi vẻ đẹp và phong cách đặc trưng của hoạt hình vẽ tay và cũng theo Miyazaki Hayao đã từng nói, CGI là một công cụ hỗ trợ, chứ không phải yếu tố chính trong sáng tạo hình ảnh.
3/ Về vấn đề deadline
Nếu ai bảo Ghibli không có deadline mà hoàn toàn để họa sĩ tự do thì là điêu nhé. Dù Ghibli nổi tiếng với cách làm phim chú trọng chất lượng và có thể kéo dài thời gian sản xuất, điều này không đồng nghĩa với việc họ không có deadline. Trên thực tế, từng giai đoạn sản xuất của Ghibli đều có những mốc thời gian cụ thể:
– Tiền sản xuất (thiết kế nhân vật, storyboard, thiết kế bối cảnh, soạn nhạc, v.v.): khoảng 2 năm.
– Quá trình sản xuất chính: kéo dài từ 3-4 năm.
– Hậu kỳ: ít nhất nửa năm cho đến 1 năm.
Nhìn chung, thời gian sản xuất của Ghibli không vượt quá nhiều so với thời gian trung bình của các bộ phim hoạt hình chiếu rạp hiện nay (khoảng 2-3 năm). Vậy khoảng thời gian 10 năm mà các page khác đang nói đến là như nào?
10 năm ở đây là trường hợp đặc biệt được áp dụng với Hayao Miyazaki. Cái đầu tiên có thể nói đến đó là vị thế đặc biệt của Hayao Miyazaki ở Ghibli là rất cao, đi kèm đó là tính biểu tượng văn hóa. Điều thứ hai có thể nói cũng là nguyên nhân chính đó chính là sức khỏe, tuổi tác của ông đã cao, tốc độ làm việc chậm hơn trước của ông, cũng như yêu cầu cá nhân của Hayao để tiếp tục sáng tác sau nhiều lần tuyên bố nghỉ hưu.
4/ Vậy các đạo diễn khác có được nhận sự ưu tiên như này không?
Câu trả lời là không. Không có studio nào có sự ưu tiên này cả. Deadline luôn là một cột mốc để thúc đẩy họa sĩ làm việc, để có mục tiêu trong công việc mình làm. Có thể bạn không biết nhưng Yoshifumi Kondou – vị đạo diễn của bộ phim “Lời thì thầm của trái tim (1995)”, là một nhân tố quan trọng thuộc Ghibli đã qua đời ở tuổi 47 do phình động mạch chủ. Có thể nói rằng áp lực công việc tại Studio Ghibli là một yếu tố góp phần vào tình trạng sức khỏe của ông. Kondou làm việc trong môi trường với khối lượng công việc lớn và yêu cầu cao, đặc biệt khi ông là một trong những người kế thừa mà Miyazaki và Takahata kỳ vọng.
5/ Đính chính lại thông tin bài viết
Về câu kết, tác giả bài viết có nói là “Vì chả mấy ai dành 1/10 cuộc đời của họ chỉ để làm phim cả”. Đối với bản thân mình là một animator thì đây là một câu nói chưa chính xác. Nếu tuổi nghề trung bình của một animator Nhật Bản kéo dài từ 20-70 tuổi (hoặc hơn, như trường hợp của Hayao Miyazaki), thì thời gian 10 năm chỉ là giai đoạn đủ để một họa sĩ mới trở thành chuyên nghiệp. Nhiều animator dành cả đời để làm phim, không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới.
Tác giả: Cú Mèo Bụng Bự
Tổng hợp: Yuuta (鈴華勇太)
Link bài viết phân tích: https://www.facebook.com/share/19maaMEXdz/?mibextid=wwXIfr (page Ổ Phim).
Cảm ơn Yuuta & Cú Mèo đã chia sẻ góc nhìn cũng như những kiến thức của một animator đến với page cùng bạn đọc. Mình muốn bổ sung thêm chút ít về câu chuyện của Yoshifumi Kondou. Trường hợp của Kondou được tiết lộ qua một bài phỏng vấn của NSX trụ cột Ghibli là Toshio Suzuki, phần nào phác hoạ nên một mặt “ko đẹp lắm” ở Ghibli (Suzuki là bạn lâu năm chí cốt của cả Miyazaki và Isao nên uy tín khỏi phải nói nhé).
Mặt khác, Ghibli hiện nay cũng ko còn đứng vững trên ánh hào quang năm xưa, trong năm vừa rồi Ghibli được NTV “mua lại” (nắm phần lớn cổ phiếu), nên trong tương lai thì cách vận hành cũng sẽ được thay đổi tuỳ vào định hướng của NTV.