CÓ BAO NHIÊU FRAME TRONG MỘT TẬP ANIME? PHÂN TÍCH CHI TIẾT TỪ LAYOUT ĐẾN LÊN MÀU
Sản xuất ra một tập phim hoạt hình là một quá trình rất phức tạp và bao gồm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đều đóng vai trò quan trọng trong việc đưa câu chuyện trở nên sinh động hơn trong mắt khán giả. Một tập phim anime được phát sóng sẽ thường rơi vào khoảng 20 – 25 phút, và với nhiêu đây thời gian có thể chứa tới hàng nghìn frame. Tuy nhiên con số chính xác về frame sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào quy trình sản xuất, ví dụ như thể loại anime, cách animator triển khai chúng (1s, 2s, 3s, etc) và chất lượng sản xuất.
Trong bài viết này mình sẽ phân tích từng giai đoạn của quá trình sản xuất anime, từ layout cho đến đổ màu và đồng thời thảo luận về số frame từng giai đoạn có thể sản xuất ra.
1. Lên kịch bản và bảng phân cảnh (Storyboard)
Trước khi bắt tay vào vẽ animation, nhóm đạo diễn sẽ bắt đầu bằng việc phát triển kịch bản cũng như storyboard. Về cơ bản đây là kịch bản trực quan được đạo diễn phác thảo những cảnh quay chính, mô tả các góc quay, vị trí nhân vật trong cảnh, timing sơ bộ cho tập phim. Storyboard đóng vai trò như bản thiết kế của tập phim, giúp các animator dễ dàng hình dung bối cảnh để có thể làm việc trơn tru suốt tập phim.
Mặc dù không liên quan tới số lượng khung hình nhưng storyboard giúp chúng ta ước lượng được số cut cần thiết cho một tập phim. Một tập dài 24 phút trung bình sẽ có khoảng từ 250 ~ 400 cut, bao gồm từ những cảnh tĩnh cho tới những cảnh hành động phức tạp. Và movie sẽ có trung bình từ 1000 cut đổ lên.
2. Layout: Thiết lập nền tảng
Sau khi đã có storyboard, đạo diễn sẽ có một buổi họp cùng với các animator để phổ biến về project cũng như về storyboard. Layout là giai đoạn đầu tiên mà các animator bắt đầu tiến hành triển khai storyboard thành những bức vẽ chi tiết hơn và kèm theo đó là chuyển động. Một bản layout cơ bản là bản phác thảo thô xác định vị trí của nhân vật, bối cảnh và chuyển động của camera.
Về số lượng frame, một cut có thể có rất ít frame hay rất nhiều frame dựa vào độ phức tạp của chuyển động. Ví dụ, trong cảnh các nhân vật đứng yên và nhiều lời thoại, số frame mà animator vẽ ra sẽ thấp, khoảng 2 ~ 10 frame/tờ và ngược lại với những cảnh chuyển động nhiều cùng camera, số lượng frame có thể sẽ gấp 2 gấp 3 lần so với bình thường.
Ở giai đoạn này ước tính sơ bộ sẽ rơi vào khoảng 500~1000 frame cho một tập phim tiêu chuẩn dài 24 phút. Đây chưa phải là những bản vẽ hoàn chỉnh nhưng lại rất cần thiết để quyết định bối cảnh nhân vật, background và bố cục tổng thể.
3. 2nd Key Animation (Genga): Định hình chuyển động
Một khi layout đã được đạo diễn phê duyệt và được các đạo diễn hoạt họa sửa, nó sẽ được chuyển qua bộ phận 2nd Key Animation (hay gọi là Genga). Những animator ở vị trí này sẽ đảm nhiệm vai trò thống nhất lại chuyển động nhân vật từ đạo diễn và đạo diễn hoạt họa cùng với bản layout trước đó để vẽ lại những key animation nhưng ở mức chuẩn xác nhất với settings, giúp ta có cái nhìn rõ hơn về chuyển động và tư thế của nhân vật. Thường stage này sẽ làm việc với line art nhiều nên nếu bạn đi line đẹp là một lợi thế trong ngành.
Khác với phương Tây khi dùng 1s (24 FPS) để diễn họa thì anime Nhật sẽ dùng mix giữa 1s, 2s và 3s (8 FPS, 12 FPS và 24 FPS), nghĩa là cần ít khung hình hơn để chuyển tải hành động. Đối với một tập phim dài 24 phút cơ bản có thể ước tính rơi vào khoảng 3000 ~ 5000 frame (ước tính dựa trên chuyển động 2s và 3s). Tuy nhiên, không phải tất cả các khung hình đều do 2nd Key Animator vẽ mà họ sẽ chỉ tập trung vào những key chính của cut.
Trung bình một 2nd Key Animator sẽ vẽ được khoảng từ 200 ~ 500 frame cho mỗi tập phim (con số có thể thay đổi tùy vào độ phức tạp). Những frame này đóng vai trò rất quan trọng để xác định chuyển động cũng như là nền tảng cho stage tiếp theo.
4. In-between Animation (Douga): Làm mượt chuyển động
Sau khi 2nd Key Animation đã được đạo diễn duyệt công việc sẽ được chuyển qua team inbetween. Nhiệm vụ của In-between Animator là lấp đầy khoảng trống giữa những khung hình chính mà những 2nd Key Animator đã vẽ trước đó, giúp chuyển động trở nên mượt mà hơn.
In-between làm tăng số lượng frame lên rất đáng kể. Ví dụ, 1 key animator vẽ được 100 frame cho 1 scene thì các In-between Animator sẽ có thể phải xen kẽ vào thêm 150~200 frame để có thể làm mượt hơn chuyển động, và tất nhiên nó sẽ còn phụ thuộc vào cách họ vẽ chuyển động (1s, 2s, 3s) và độ phức tạp của chuyển động.
Ví dụ như chuyển động đi bộ này sẽ có khoảng 3 key in-between giữa 2 key animation chính.
Dựa vào ước tính này có thể nói một tập anime có thể sẽ bao gồm khoảng 3,000 ~ 4,000 frame vào thời điển in-between hoàn thành (lưu ý con số này còn có thể thay đổi tùy vào tình hình production và đạo diễn của tập phim), và thường những bộ hành động nhiều kinh phí có thể lên tới hơn 15,000 frame. Có thể nói in-between animator là những người chịu trách nhiệm vẽ lên tới 70~80% số frame của một tập phim.
5. Kiểm tra: Đảm bảo chất lượng và tính nhất quán
Sau khi đã hoàn thành stage in-between, tập phim sẽ bước sang giai đoạn kiểm tra. Giai đoạn này thường sẽ qua nhiều vòng kiểm soát chất lượng, thường là các trưởng đạo diễn hoạt họa và đạo diễn tổng phụ trách để kiểm tra chất lượng nghệ thuật, tính nhất quán của các cut.
Trong quá trình nếu có phát sinh lỗi sai sót gì sẽ được gửi lại cho nhóm animation để retake và sửa lỗi, nhưng thường điều này không dẫn tới việc tăng thêm đáng kể số frame.
6. Background: Thổi hồn vào hoạt ảnh
Tuy nhắc đến hơi trễ nhưng background là stage được làm song song và đôi khi là làm trước 2nd Key Animation. Sau khi Layout đã được duyệt, bản phác thảo BG sẽ được chuyển qua team BG để lên hình. Thường BG là những cảnh tĩnh, bao gồm 1 frame và sẽ tách biệt hoàn toàn với chuyển động của nhân vật.
Mặc dù là tĩnh nhưng vẫn có những trường hợp BG chuyển động do những tác động của nhân vật hoặc effect. Lúc này BG sẽ được chia cel (giống như layer) để các animator vẽ chuyển động cho chúng. Lúc này thì công việc lại là của bên Animation, không phải do BG đảm nhận.
Trung bình ở một tập anime BG có thể chiếm lên tới 300 tới 400 hình, con số còn có thể thay đổi tùy vào số lượng địa điểm và khung cảnh mà đạo diễn chỉ điểm.
7. Tô màu: Đưa mọi thứ trở nên sống động
Sau khi các stage trên được hoàn thiện, stage tô màu sẽ đi vào hoạt động. Tại đây các họa sĩ sẽ thêm màu vào từng khung hình dưới sự giám sát của đạo diễn nghệ thuật. Ngày nay anime thường được lên màu digital, điều này giúp đơn giản hóa quá trình và giúp năng suất tăng lên hiệu quả hơn. Tuy nhiên do với số lượng khung hình cực kì lớn nó lại vô tình khiến những họa sĩ lên màu tốn công sức để có thể giám sát chất lượng đầu ra.
Tô màu không làm thay đổi số lượng khung hình nhưng lại làm tăng thêm nhiều sự phức tạp, vì mỗi khung hình đều cần được chú ý cẩn thận để đảm bảo màu sắc đồng nhất, đổ bóng chính xác và hiệu ứng ánh sáng được áp dụng đúng cách.
8. Compositing: Ghép các mảnh lại với nhau
Cuối cùng, các frame và BG sẽ được ghép lại với nhau bởi team composition. Đây là nơi các hiệu ứng hình ảnh, điều chỉnh ánh sáng và chuyển động của máy ảnh được tích hợp vào sản phẩm cuối cùng.
Trong quá trình ghép, một số frame bổ sung có thể được thêm vào để tạo hiệu ứng đặc biệt, như hiệu ứng hạt, làm mờ chuyển động hoặc đèn phát sáng. Những khung này thường nhỏ nhưng có thể làm tăng tổng số lên một chút, đặc biệt là trong các cảnh đòi hỏi hiệu ứng phức tạp.
9. Con số cuối cùng
Tổng cộng trong một tập phim dài 24 phút có thể có từ 3,000 cho tới 15,000 frame, tùy thuộc vào độ phức tạp của animation, tốc độ khung hình được sử dụng và lượng chi tiết liên quan đến từng cảnh.
Những TV anime cơ bản sẽ thường có khoảng 3,000 ~ 5,000 frame và số ít tập của những TV anime ở mức high-quality hoạc action-heavy sẽ rơi vào khoảng 15,000 ~ 20,000 frame.
Thậm chí các tác phẩm kinh phí đầu tư cao hoặc anime thời lượng dài có xu hướng có số lượng khung hình thậm chí còn cao hơn, thường sử dụng nhiều in-between hơn để đạt được chuyển động mượt mà hơn và hình ảnh động hơn.
Kết
Số lượng frame trong một tập phim hoạt hình phản ánh thời gian, công sức và nguồn lực đầu tư vào từng giai đoạn sản xuất. Từ bố cục đến genga, in-between và tô màu, số lượng khung hình có thể thay đổi rất nhiều tùy theo phong cách của project và nhu cầu của project. Trong khi một tập phim hoạt hình thông thường có thể có từ 3,000 đến 4,000 frame, thì công việc phức tạp đằng sau mỗi tập phim đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng là trải nghiệm xem hoàn thiện và đắm chìm.