AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Góc Nhìn về Cách Đánh Giá Một Tác Phẩm: Công Thức hay Cảm Tính?

Mỗi người chúng ta sẽ có cách xem, thưởng thức và tiếp cận tác phẩm khác nhau nên post này chỉ nhằm mục đích chia sẻ trải nghiệm của riêng mình, chứ ko nhằm áp đặt quy chuẩn hay thước đo bản thân lên nghệ thuật hoặc với bạn đọc. Nếu bạn có góc nhìn khác thì điều này là chuyện rất bình thường và nên như thế, vì sẽ có những tác phẩm phù hợp với bạn, cũng như tạo sự đa dạng trong các kiểu hình và phong cách nghệ thuật ở anime.

Trước nhất là câu hỏi quan trọng: thế nào là một tác phẩm hay?

Với một số người, họ sẽ có các quy chuẩn riêng, cũng như “công thức” để đánh giá một tác phẩm. Lấy vd như nếu là một bộ shounen, hay về vị anh hùng nào đó, thường thì họ sẽ đánh giá lối kể chuyện có theo phương pháp “The Hero’s Journey” hay không, và vv … tác phẩm càng nhiều công thức, kiểu hình đã được thiết lập sẵn, thì càng hấp dẫn – dễ thấy nhất qua những bài khi người viết dành rất nhiều thời gian giải thích thuật ngữ, phương pháp rồi mới đi vào phân tích cảm nhận tác phẩm.

Với một số người khác, thì họ lại đặt nặng “cảm tính” lên trên. Không cần biết tác phẩm đã sử dụng phương pháp, kỹ thuật gì, miễn nó hay với họ là được. Về phần mình, do là người hướng nội cũng như … nhạy cảm, mình thiêng về nhóm người thứ hai hơn.

Khi xem anime, điều mình tìm kiếm chính là sự trải nghiệm – những cảm xúc tác phẩm mang đến mà mình không có dịp (hoặc rất hiếm) trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày, giúp cho đời sống tinh thần của người xem thêm phong phú – cuộc sống và hoàn cảnh của mỗi người cũng phần nào ảnh hưởng đến cách mà bạn tiếp nhận cũng như đánh giá tác phẩm. Mình là người sống xa nhà trong thời gian dài, đơn độc để lập nghiệp nơi xứ người nên anime mang giá trị tinh thần rất lớn với mình. Chính vì lẽ đó, những tác phẩm miêu tả cảm xúc gần gũi, thân quen từ những người thân yêu một cách chân thật (tri kỷ, một nửa, gia đình, bạn bè …) thường sẽ tạo nên những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ hơn, khiến mình dễ đồng cảm hơn đến các nhân vật.

Mình đã cay cay sống mũi khi chứng kiến hình ảnh Tomoya ôm chầm lấy Ushio trên cánh đồng hoa hướng dương trong Clannad After Story, hay khi cô bé Ann cầm trên tay những bức thư từ người mẹ đã khuất trong Violet Evergarden, tuy người mẹ không còn trên cõi đời này nữa nhưng vẫn dõi theo Ann qua những bức thư được gửi đúng vào ngày sinh nhật cho đến 50 năm sau …

Những cảm xúc thể hiện nên sự mãnh liệt của tình mẫu tử, hay giữa cha và con gái, những người thân thương trong gia đình. Những “cảm xúc” cộng hưởng mạnh mẽ với đời sống tình cảm, những gì mình “cần” để lắp đầy con tim. Câu chuyện về miền đất hứa với giấc mơ hoài bão về một thế giới không chiến tranh, khói lửa hận thù của Thorfinn trong Vinland Saga tuy rất hay, giàu ý nghĩa nhân văn nhưng là điều đó khó cộng hưởng được với mình. Đơn giản vì giấc mơ của Thorfinn, cảm xúc của Thorfinn là những thứ xa lạ và vĩ mô quá, những điều mình khó “tưởng tượng”, hay lồng ghép hình ảnh của bản thân vào được.

Đây cũng chính là lí do vì sao, Frieren lại là tác phẩm AotY trong năm 2023 của mình chứ ko phải Vinland S2 (ad Suba thì ngược lại, chắc do đời sống tinh thần vốn đầy đủ rồi nên Vinland mang đến góc nhìn mới mẻ để khám phá 🤣). Tập cuối của Frieren có sự tương đồng với suy nghĩ của mình qua câu chuyện của Wirbel: đánh bại quỷ vương, đánh bại Bose tuy là câu chuyện anh thích hồi nhỏ, nhưng lí do anh có mặt ở cuộc thi là do vị anh hùng Himmel đã đến ngôi làng anh, giúp đỡ những người cần giúp đỡ – những điều có sự liên hệ trực tiếp đến cuộc sống anh trải qua, chứ ko phải những câu chuyện “vĩ đại, ảo mộng” nghe xa vời.

Hướng tiếp cận của mình khi đánh giá tác phẩm là để “con tim dẫn lối cho lý trí”. Sức mạnh của nghệ thuật chính là việc khơi gợi và tác động đến cảm xúc nơi người thưởng thức ở mức độ tiềm thức.

Nếu một tác phẩm, một đoạn cảnh làm mình vỡ oà thích thú, gây xúc cảm mạnh mẽ đến mình, thì hãy cứ tận hưởng bằng cả trái tim trước đã. Rồi sau khi đã ổn định tinh thần lại, mình mới đi tìm tòi những phương thức nghệ thuật, những nguyên tắc, những gì tác phẩm đã áp dụng tài tình để mang đến một cảm xúc như vậy.

Bạn không cần phải biết nấu ăn để thưởng thức một món ăn ngon. Khi đã thưởng thức xong và thoả mãn với món ăn đấy, thì bạn có thể tìm tòi “công thức” cũng như cách thực hiện món ăn ra sao. Tất nhiên nếu biết về công thức, hay mức độ phức tạp về quy trình thực hiện cũng sẽ góp phần nâng tầm trải nghiệm cho người thưởng thức. Lí do vì sao đối với những bộ mình yêu thích sẵn, thì mình rất hay tìm tòi, ngâm cứu, vd như lục lọi phỏng vấn, dò tweet nhân sự, bàn luận với những người yêu thích khác … để giúp mình hiểu rõ hơn về tác phẩm.

Kết lại thì, đây là bài chia sẻ về trải nghiệm cũng như cách đánh giá / phân tích về các tác phẩm mà mình viết trên page. Phần nào cũng diễn giải vì sao các tác phẩm như Frieren, 86, Shinkai movies (5cm/s, Garden of Words, Your Name …) và đặc biệt là những bộ từ Kyoto Animation (Violet, Clannad, Hyouka …) lại có chỗ đứng sâu đậm trong lòng mình :3.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button