AnimePhân Tích Nhiều Kì

Phân Tích & Bình Luận: Sousou no Frieren – Bản Chuyển Thể Vượt Xa Kì Vọng.

Mình đã đặt rất nhiều kỳ vọng lên bản chuyển thể của Frieren lần này, đặc biệt là khi biết qua studio cũng như đội ngũ sẽ đảm nhận thực hiện. Những tưởng mức kỳ vọng của mình đặt ra đã ở mức quá vô lý, nhưng không, họ – dàn nhân sự thực hiện – đã hoàn toàn phá tan hoài nghi mình đặt ra và nâng nó lên một tầm cao mới! Đây không phải là bản chuyển thể 1:1, mà là 1.5:1, 2:1 … Ta có thể thấy sự tận tuỵ và cống hiến của từng cá nhân tham gia, thể hiện qua mức độ đầu tư tỉ mỉ trong từng frame hình, với cùng mục đích muốn tạo ra một tác phẩm khó quên.

Đôi nét về quá trình sản xuất của Frieren. Vào giữa 2022, qua lời giới thiệu từ Fukushi, NSX từ TOHO đã gặp mặt với Saitou để mời ông về chỉ đạo cho Frieren. Đây là lúc dự án Bocchi the Rock vẫn còn dang dở, chưa lên sóng truyền hình. Sau thành công ngoạn mục của Bocchi, Saitou đã cho thấy khả năng chuyển thể bậc thầy, thổi hồn vào từng khung truyện, biến tấu tình tiết sáng tạo, mang lại sức sống mạnh mẽ cho tác phẩm. Điều này cũng phần nào chứng minh khả năng nhìn người cũng như mạng lưới quen biết mà Fukushi nắm giữ ở Madhouse là có một không hai trong ngành CN!

Dù lịch làm việc đè nặng trên vai Saitou do Frieren trùng lập với Bocchi trong giai đoạn đầu, nhưng nội lực của Madhouse dưới trướng của Fukushi vẫn là rất mạnh để giữ vững tính nghệ thuật xuyên suốt của Saitou – hay ít nhất là qua những gì đã thể hiện. Điều này đồng thời cho dự án Frieren thêm thời gian thực hiện và mài giũa. Trên thực tế, chỉ có storyboard tập đầu là do Saitou đích thân đảm nhận, 2-4 được chuyền tay cho staff nhà của Madhouse, nhưng bạn hoàn toàn có thể thấy rõ, dưới sự giám sát của Saitou thì tất cả đều rất thống nhất với nhau qua các góc độ nghệ thuật, từ không khí, bối cảnh cho đến cảm xúc thể hiện và truyền tải.

Mình sẽ sơ lược qua số ít chi tiết khiến mình cực kì ấn tượng trong tập đầu (chuyển thể hết 8 chương đầu, trung bình 2 chương/ 1 tập), đến nỗi phải thốt lên “đây là bản chuyển thể trên mức hoàn hảo”, và là tất cả những gì mà mình có thể mong đợi được ở bản chuyển thể Frieren. Vậy điều gì đã tạo ra sự khác biệt giữa anime và nguyên tác manga?

Nếu bạn đã đọc qua manga thì sẽ nhận ra trong anime có rất nhiều chi tiết được thêm thắt vào mà không hề xuất hiện trong manga. Đây là những chi tiết mở rộng, góp phần vun đắp thêm cho cái hồn của tác phẩm, nhưng vẫn giữ sự tôn trọng bậc nhất đến nguyên tác.

Lấy vd, chỉ ngay trong đoạn cảnh mở đầu, ta đã thấy sự đặc biệt này qua bàn tay nhào nặn của Saitou. Trong manga nguyên tác, đoạn cảnh mở đầu chỉ vỏn vẹn dài 1 trang, bao gồm 6 khung truyện. Lên màn ảnh, trích đoạn mở đầu đã được biến tấu thêm với thời gian 1 phút 30 giây. Điều làm mình ấn tượng ở đây hoàn toàn không phải độ dài, mà là cách thể hiện!

Trong manga, ta thấy sự tập trung là vào những khung thoại, là câu chuyện mà nhóm anh hùng đang bàn tán. Khó có thể nhận ra điều gì thêm ngoài trừ những gì được phác hoạ chỉ vỏn vẹn ở 6 khung hình!

Trong anime, mở đầu là hình ảnh về bản đồ châu lục của tác phẩm, có sự phân chia giữa 3 miền, và dòng chú thích nhỏ bên góc phải:” người của thế giới này gọi Aureole là thiên đàng, nơi linh hồn an nghỉ …”. Hình ảnh này xuất hiện, du dương trên nền nhạc rất đỗi “cổ trang” và “dân dã” của nhà soạn nhạc Evan đã phần nào khắc hoạ nên cái nét “vĩ mô” của thế giới trong tác phẩm: đây là một thế giới rộng lớn với những vùng miền, địa danh có thật! Tuy chỉ là một nét tinh chạm nhỏ nhặt nhưng mang lại hiệu quả không tưởng, giúp người xem chìm đắm hơn vào tác phẩm.

Chưa dừng ở đó, cut tiếp theo là hình ảnh bầu trời xanh mướt, với ngọn gió nhẹ nhàng thoáng qua, camera dần dần di chuyển, với hình ảnh cỗ xe ngựa được hé lộ ở giữa màn ảnh. Một lần nữa – nếu theo như nguyên tác manga thì bây giờ chúng ta đã ở giữa cuộc trò chuyện của nhóm anh hùng rồi! Tại sao lại phải khổ sở chia nhỏ nhiều cut ra đến như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, vì đội ngũ thực hiện muốn “đi thêm bước nữa” để khắc hoạ nên cái chất tinh tuý nhất của nguyên tác. Hình ảnh bầu trời, ngọn gió trên nền nhạc du dương dịu dàng thiết lập nên một bầu không khí thanh bình bao trùm cả tác phẩm!

Kế tiếp là thay đổi – tuy nhỏ – nhưng lại là chi tiết khiến mình cực kì tâm đắc. Đó là cut cận mặt Frieren (bán phần thôi vì bị quyển sách che đi), khi nghe giọng Himmel, cô dần hạ sách xuống, hé lộ nên khuôn mặt của giống loài elf.

Trong manga, panel đầu tiên đập vào mắt người đọc là tất cả nhân vật của hội anh hùng đồng loạt xuất hiện, và ta cũng không rõ ai là người đã mở đầu cuộc trò chuyện.

Thế nhưng trong anime, Frieren là nhân vật xuất hiện đầu tiên chứ không phải bất kì ai khác, nhấn mạnh rằng cô là nhân vật “trung tâm” mà câu chuyện muốn xoay quanh. Thêm vào đó, Himmel chính là người phá tan đi sự im lặng của hội anh hùng khi trầm ấm gọi tên Frieren, để nhắc rằng cả nhóm đã gần đến đích. Đến đây, ta thấy rằng Himmel có một vai trò rất quan trọng trong nhóm: là người tinh tế quan sát cũng như để ý đến tất cả thành viên, và điều này cũng phần nào khắc hoạ rằng, giữa Himmel và Frieren có một mối quan hệ rất đặc biệt – Himmel mới là người gọi tên Frieren, làm cô sực tỉnh chứ ko phải Heiter hoặc Eisen, góp phần đặt nền tảng cho diễn biến về sau (việc lựa chọn seiyuu cho vai Himmel không thể hợp hơn được với chất giọng đầm ấm, rằng bản chất anh luôn tâm lo lắng đến người khác).

Chỉ trong vỏn vẹn dưới 2 phút mà trọng tâm câu chuyện cũng như bối cảnh, bầu không khí, mối quan hệ nhân vật và vv … đã hoàn toàn được thiết lập, cũng như phơi bày ra với khán giả theo dõi! Thế mới thấy cái tài của người chỉ đạo, cũng như tầm nhìn nghệ thuật và xu hướng điện ảnh của người đạo diễn tài năng có sức ảnh hưởng lớn lên một tác phẩm chuyển thể ở mức độ nào!

Phải nói là còn rất, rất nhiều những chi tiết nhỏ nhặt xuyên suốt cả 4 tập mình không thể kể hết, nhưng không khó để tìm ra nếu bạn tinh ý, mà tất cả cùng nhau vun đắp giúp nâng cao trải nghiệm dành cho tác phẩm.

Thậm chí, sau đoạn giới thiệu ban đầu đến lúc diễu hành, chỉ xem qua các nhân vật làm nền, làm cảnh đều được hoạt hoạ bằng 2d cũng đã cho thấy mức độ đầu tư khủng khiếp của đội ngũ thực hiện!

Sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua phần âm nhạc. Theo mình, OP do Yoasobi trình bày không hợp lắm với không khí tác phẩm do sở hữu khuynh hướng hiện đại (với có phần giựt giựt). Nhưng bù lại, 2 bản ED “Anytime Anywhere” và “Bliss” (đây là special ED) được Milet đảm nhận lại hết sức phù hợp với chất giọng trữ tình, mang âm hưởng luyến tiếc. Và ôi thôi, phần ost của Frieren qua bàn tay Evan Call thì khỏi phải nói, 10/10 không thể chê được điều gì. Những bản nhạc hoà tấu lúc thì dịu nhẹ, thanh tịnh nhưng lúc thì dồn dập, bi hùng do sự phối hợp ăn ý của nhiều loại nhạc cụ khác nhau, mà vẫn không mất đi cái chất “cổ trang” và “thần tiên” của một tác phẩm fantasy. Các bản nhạc xuất hiện đúng thời điểm, hoàn cảnh với giai điệu phù hợp để góp phần nâng thêm mức độ trải nghiệm, giúp khán giả chìm đắm hơn trong thế giới phép màu của tác phẩm.

Có lẽ là còn quá sớm để trao giải AotS nhưng với mình thì Frieren đã là một tác phẩm hết sức đặc biệt khởi đầu cho mùa Fall 2023 cực kì bội thu!

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button