Industry

Phần 2: Làm nhiều nhưng ít chất lượng liệu có lời hơn làm ít nhưng chất lượng?

Ở phần 1 mình đã phân tích những điểm bất cập của mô hình “hoàn hảo” từ Kyoto Animation để chứng minh rằng khó có một studio nào hiện nay có đủ những yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hoà và chút ít may mắn để chay theo mô hình này. Tất nhiên, nếu chỉ tái lập một phần thì ta có Ufotable với những tác phẩm tuy ít nhưng chất lượng. Nhưng điều này cũng sẽ nảy sinh ra các vấn đề khác xoay quanh.

Điều thứ nhất, đứng trên phương diện kinh doanh. Một tác phẩm được đầu tư chất lượng chưa chắc đã thu về nhiều hơn những tác phẩm ít chất lượng khác (nhưng mà nhiều).

Không một ai có thể chắc chắn rằng tác phẩm được đầu tư (dù chất lượng) sẽ thu về đủ doanh thu để hoàn vốn, chứ đừng nói đến chuyện sinh lời! So sánh tương đồng nhỏ cho bạn dễ hình dung. Bạn mua ch.ứng kh.oán hay … đánh b.ài, thì chẳng bao giờ bạn đặt hết t.ài sản của bạn vào một cty hoặc một nước đi. Thì đầu tư cho anime cũng tương tự như vậy. Anime vẫn là một loại hàng hoá cần phải “bán”, phải sinh lời. Minh chứng rõ nhất, là ngay cả Kyoto Animation – nơi trứ danh về chất lượng – vẫn có những tác phẩm flop nặng như Phantom World, Nichijou … (thời của Nichijou vẫn còn phụ thuộc một phần vào lượng đĩa tiêu thụ để sinh lời vì hình thức streaming chưa phát triển mạnh như hiện tại), thì không một ai có thể bảo đảm rằng tác phẩm được đầu tư chất lượng sẽ luôn thành công cả. Một ví dụ khác là CSM, tuy tác phẩm thành công về mặt thương mại theo nhìn nhận của CEO – nhưng với bộ phận otaku Nhật nói riêng thì tác phẩm vẫn flop, có số đĩa bán không nhiều.

Vậy nên một tác phẩm dù được đầu tư chất lượng cũng không có cách gì đảm bảo sẽ luôn thành công, vẫn có rủi ro nhiều.

Và đây là lí do hình thức “uỷ ban sản xuất” được áp dụng kể từ lúc anime ra đời. Để giảm thiểu rủi ro, thì một anime sẽ có nhiều thành viên tham gia góp vốn, thành lập nên uỷ ban sản xuất. Người nào đầu tư nhiều sẽ ăn phần trăm hoa hồng nhiều, và ngược lại. Điều này giúp chia sẻ gánh nặng tài chính giả như một tác phẩm có flop. Và với anime thì cũng cùng một khái niệm: thay vì họ dồn tiền đầu tư cho duy nhất một anime, thì tại sao không tách nguồn vốn ra cho 9-10 anime còn lại? Vì chỉ cần một anime thành công (dù ít chất lượng) cũng đủ bù lại vốn cho số lượng đầu tư những anime kể trên.

Trên thực tế, theo chia sẻ từ bài phỏng vấn của một NSX, thì cứ trung bình 10 bộ đầu tư sẽ có 1 bộ thành công và sinh lời để bù vào 9 bộ còn lại, y như lô tô vậy. Với một tác phẩm tên tuổi, thì khả năng thành công tất nhiên sẽ cao hơn nhưng họ cũng hiếm khi dồn hết cả trứng vào một rổ!

Thứ hai, đứng trên góc nhìn nghệ thuật, từ người nghệ sĩ.

Đâu là những tác phẩm đáng được đầu tư? Thế nào là những tác phẩm chất lượng xứng đáng được chọn để đầu tư? Dựa vào đâu để quyết định điều này?

Đây là những câu hỏi mình nghĩ không một ai có thể trả lời được để làm vừa lòng mọi người. Nếu giả sử chỉ chọn một tác phẩm để đầu tư thực hiện trong ròng rã 1 năm, thì đấy phải là tác phẩm cực kì ăn khách, “an toàn” để đầu tư, hay nói một cách khác, tác phẩm đấy phải thoả mãn thị hiếu khán giả và mang tính chất đại trà để giảm thiểu tối đa rủi ro!

Điều này sẽ một phần gi.ết đi sự sáng tạo trong nghệ thuật! Những tác phẩm thử nghiệm, đậm vị, đậm ý tưởng đa phần luôn kén người xem! Mình lấy ví dụ, Shouwa Genroku theo mình là một tuyệt phẩm được chỉ đạo bởi thiên tài đạo diễn Hatakeyama (đạo diễn của Kaguya-sama), nhưng bạn có biết đây là một tác phẩm khá kén người xem về loại hình hài kịch Rakugo, khán giả phổ thông sẽ không thích. Nếu chỉ làm những bộ “ít mà chất lượng” thì tính thương mại phải được đảm bảo, từ đó những tác phẩm như Shouwa Genroku, Death Parade … sẽ không bao giờ có dịp được thực hiện vì không thể sinh nổi lợi nhuận, từ đó giảm đi tính sáng tạo trong ngành vì nhà đầu tư sẽ “sợ” khám phá ý tưởng! Làm anime chứ ko phải làm từ thiện! Rồi sẽ có những tác giả, những animator, director, writer … không có cơ hội phát triển nghề nghiệp vì đơn giản thôi, muốn chất lượng thì phải tuyển thành viên ưu tú. Từ đó sẽ khiến tổng thể cả ngành công nghiệp trì trệ, chậm phát triển do người mới khó có cơ hội cải thiện và thêm kinh nghiệm.

Chính vì số lượng đầu tư nhiều mà những tác phẩm dù ít tính thương mại vẫn được thực hiện – để một phần thoả mãn đam mê, tính sáng tạo của những người trong ngành, của những người tâm huyết theo đuổi nghệ thuật – mà chỉ có thể làm được nhờ … đồng tiền thu được từ những hit theo “thị trường”. Page trước đây cũng cover nội dung “nghệ thuật và thị trường” tương tự vầy. Sự thành công của những tác phẩm đại trà và thị trường sẽ giúp cung nguồn vốn nuôi sống những tác phẩm kén khán giả hơn.

Và quan trọng nhất, nhiều tác phẩm sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho mọi thành phần khán giả! Nếu “làm ít” thì anime sẽ không bao giờ vươn ra được thế giới như hiện nay!

Không phải không có lí do mà hình thức uỷ ban sản xuất với sự phân chia cấp bậc về nguồn vốn được sinh ra, cũng như ngành anime không lựa chọn “ít mà chất lượng” như một lẽ tự nhiên!

Đến đây thì chấm dứt loạt bài 2 phần, lâu rồi mình mới có nhã hứng đi viết phân tích bình luận, cảm ơn các bạn đã đọc đến đây 🤣.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button