Anime StudioIndustry

Tầm quan trọng của studio.

Nếu bạn theo dõi page đã lâu thì hẳn sẽ nắm được tầm quan trọng của bộ phận nhân sự – những người đừng đằng sau thực hiện một tác phẩm. Thế nhưng, còn studio thì sao? Nếu như nhân sự quan trọng, vậy ra studio chỉ là những tòa nhà, công xưởng, là nơi tụ họp mọi người?

Sau đây là một câu hỏi thảo luận mình đã đưa ra trong group.
Theo bạn thì điều gì dưới đây quyết định nên chất lượng một tác phẩm?

1. Nhân sự thực hiện
2. Studio thực hiện
3. Cả hai.

Để làm rõ hơn câu hỏi, thì mình giả tưởng trường hợp này: Thay vì Mappa đảm nhận S2 Vinland Saga với cùng core staff của S1 đã làm ở WIT, thì liệu chất lượng của Vinland Saga S2 có bị ảnh hưởng nếu như được những studio như J.C/Passione/Deen đảm nhận, dù dàn core staff vẫn không đổi?

Đa phần mọi người đều lựa chọn câu trả lời thứ 3 là cả hai, và đây là câu trả lời chính xác. Nhưng một bộ phận không nhỏ lại không đề cao sự quan trọng của studio. Qua bài viết lần này mình hy vọng sẽ giải đáp phần nào thắc mắc về vai trò của studio khi nói về chất lượng sản xuất cũng như nghệ thuật trong một tác phẩm bất kì.

.

Hiện nay, với sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội, đã có một bộ phận những animator, director (và rất nhiều vị trí quan trọng khác) đã chuyển sang làm freelancers để tìm kiếm những cơ hội mới mà không bị trói buộc ở nơi nhất định. Điều này tạo ra sự hiểu lầm không nhỏ ở những bạn mới tìm hiểu về sakuga cũng như ngành CN anime khi đinh ninh “chỉ có nhân sự quyết định nên tất cả” mà đánh mất đi tầm quan trọng của studio nói chung. Nhưng không vì thế mà vai trò của studio thiếu sự quan trọng trong bất kì khâu nào liên quan đến sản xuất hoạt họa, cũng như là chất lượng nghệ thuật của tác phẩm bất kì.

Studio không đơn thuần chỉ là xưởng làm việc, là tòa nhà nơi nhân sự của tác phẩm hội tụ, mà còn là cây cầu nối giữa nhân sự với tác phẩm.

Điều kiện làm việc tại studio trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm (lấy vd như production site của Tezuka Production và I.G Production là hoàn toàn khác nhau). Bên cạnh đó, mỗi studio sẽ có sức quản lý khác nhau, mảng quản lý tốt sẽ giúp một dự án diễn ra trôi chảy và khỏe mạnh hơn. Studio càng uy tín, thì mảng quản lý càng mạnh, từ đó, thu hút nhân tài cũng như giữ chân họ, khiến tổng thể chất lượng những tác phẩm studio đấy đảm nhận đi lên. Không phải không có lí do khi những tác phẩm mà các studio tên tuổi đảm nhận (Clover, I.G, WIT, Bones …) thường sẽ có chất lượng ổn định và cao hơn những studio tầm trung như J.C, Deen, Passione, etc.

Thêm vào đó, từng studio có thế mạnh riêng biệt khác nhau, lấy vd như DogaKobo chuyên hóa sản xuất về moe/cgdct và idol show, những tác phẩm về chủ đề này nếu được họ đảm nhận thường sẽ có chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung, vì lí do đơn giản: họ biết cách mời gọi những staff tài năng nhất có cùng sở thích để thực hiện, cũng như ra sức đấu và ẵm thầu những tác phẩm hợp thế mạnh họ (như Dogakobo nhất quyết phải làm cho bằng được Oshi no Ko).

Điều quan trọng nhất, là mỗi studio đều có những mối quan hệ nhất định đến với lực lượng nhân sự (freelancer/animator/director/etc) riêng biệt, không studio nào giống với studio nào. Lấy vd, Arifumi Imai là một gương mặt không thể tách rời khỏi WIT studio, tất nhiên thi thoảng Imai vẫn nhận số ít cut ngoài WIT (vd vừa rồi là cut nhỏ trong Priconne S2) vì người quen nhờ vả nhưng tâm huyết ông vẫn nằm trọn ở những dự án của WIT mà thôi. Điều này cũng đúng với Yutapon vốn là gương mặt chủ lực của studio Bones, và Abe (hiện nay) ở Ufotable. Sâu xa hơn, mỗi studio sẽ có những producer (NSX) khác nhau, và mối quen biết của họ với “nguồn lực thị trường” sau bao năm xây dựng cũng rất khác nhau, vd như Fukushi – một animation producer ở Madhouse – có mối quan hệ liên hệ gắn bó đến với nhóm animator nhất định, những người sẵn sàng trả lời bất cứ lúc nào Fukushi cần. Điều này cũng đúng với Umehara và Fukushima ở Cloverworks.

Tầm nhìn và sự quản lý của studio mang tính thiết yếu. Những studio lớn thì thường có một bộ phận – đội ngũ inhouse lành nghề, thậm chí, số ít còn đầu tư hẳn trường đào tạo và huấn luyện để bổ sung tài năng, cũng như đảm bảo tính ổn định trong thời gian dài. Điều này rất quan trọng giúp giữ vững hình ảnh của họ trong mắt fan, từ đó xây dựng nên danh tiếng. Và danh tiếng cũng chính là thỏi nam châm thu hút thêm nhiều tài năng mới. Người giỏi tất nhiên sẽ muốn thực hiện các dự án lớn ở studio danh tiếng như Mappa, I.G, WIT, Clover để giúp đánh bóng tên tuổi họ hơn là những studio nhỏ – tầm trung, mang nhiều tính công nghiệp.

Studio quản lý chểnh mảng, yếu kém thì nghiễm nhiên sẽ đánh mất đi nguồn tài năng hiếm có. Vd phần lớn đội ngũ inhouse mạnh mẽ của Shaft đã rời bỏ studio do không tán thành với điều kiện làm việc cũng như cách thức mà studio đối đãi với nhân viên (hình thức đầu tàu chỉ đạo của Shinbo tại Shaft từng một thời xây dựng nên đội ngũ chỉ đạo mạnh mẽ nhất trong ngành CN, bên cạnh Madhouse/Mushi Pro khi xưa, nhưng họ – ban chỉ đạo – không biết cách duy trì và giữ người). Ngược lại, số ít studio đã đạt được mô hình quản lý “hoàn hảo” như KyoAni, Ufotable là do ban lãnh đạo đã giữ vững tầm nhìn và quy chuẩn tổ chức trong thời gian dài, ở họ là sức mạnh của cả một tập thể chung một tầm nhìn sau bao năm làm việc cùng nhau, bên nhau – điều không thể tái lập được dù với bất kì đội ngũ freelancer ưu tú nào.

Nhìn chung, studio cũng rất quan trọng trong việc quyết định chất lượng một tác phẩm bên cạnh dàn nhân sự thực hiện. Studio là chiếc cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi về mảng quản lý, về cơ sở vật chất, môi trường, liên kết, cũng như sở hữu đội ngũ inhouse vững mạnh và vv … để giúp nhân sự thực hiện tác phẩm thăng hoa hơn trong nghệ thuật sáng tạo.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button