AnimePhân Tích Nhiều Kì

Anime trong năm 2022 (phần 2)

8. Summertime render

Được đạo diễn bởi Ayumu Watanabe, một vị đạo diễn rất là underrated với nhiều tác phẩm mà tôi thích (tôi cũng đã có bài viết đề cập đến), Sumertime render có thể nói là một bộ anime đặc sắc trong năm vừa rồi mà chưa được nhiều người biết đến.

Ở những tập đầu, bộ anime làm tôi nhớ đến những bộ kinh dị nổi tiếng từ lâu như Shiki và Higurashi no Naku koro ni với bối cảnh nông thôn, vùng quê hẻo lánh và bầu không khí có nhiều bí ẩn. Đặc biệt là những cái bóng khá giống với Shiki làm tôi 1 phần háo hức 1 phần cũng phải sợ sệt bởi vì cái kết đầy ám ảnh của Shiki đã từng làm tôi “sang chấn tâm lý” và tôi không muốn phải trải nghiệm lại cảm giác giống như vậy nữa.
Về sau, tác phẩm đã làm tôi bất ngờ bởi vì đã rẽ theo 1 hướng hoàn toàn khác so với mong đợi, theo hướng thriller, đấu trí như kiểu “De. ath note” hơn. Nhưng mà quan trọng là bộ anime vẫn giữ được sự hồi hộp, căng thẳng và tính giải trí cao thì vẫn đón nhận tốt mà thôi. Có thể nói, về sau các tình tiết trong “Summertime render” phụ thuộc vào khá nhiều các loại siêu năng lực mà nhân vật chính sở hữu, đến nỗi làm tôi hơi bị lạc lõng với những sự giải thích mà không nắm được hết. Thông thường đối với những bộ khác, việc tận dụng quá nhiều siêu năng lực như vậy sẽ dễ dẫn đến những tình huống “plot device” khi cảm giác như nhân vật tìm ra những cách “thần kỳ” để thoát khỏi tình huống nguy hiểm mà không có sự giải thích thỏa đáng, người ta hay gọi là deus ex machina hay a. s s pull. Đối với Summertime render tác giả đã có một cách xử lý rất đơn giản nhưng mà hiệu quả đó là trao cho phản diện những loại siêu năng lực tương tự với nhân vật chính mà thôi. Nhân vật chính dùng hax? Thì cho phản diện dùng hax lun! :v Chỉ cần chúng ta có một cuộc chiến cảm thấy công bằng cho 2 bên là được.
Một điểm hay nữa ở Summertime render đó chính là nhân vật chính Shinpei có thể nói là một trong những nhân vật thông minh của chủ đề “time reset”. Ví dụ như trong Re:zero, Subaru được xây dựng như là một tên otaku, neet ngốc nghếch bị dịch chuyển đến thế giới khác để bị “ngậm hành” liên tục, tôi hoàn toàn hiểu được quan điểm của tác giả khi tạo ra nhân vật này nhưng mà nhiều lúc cũng phải phát bực với Subaru vì cậu ta chậm hiểu ra vấn đề rằng mình đã rơi vào vòng lặp thời gian ở những tập đầu của season 1 đến như thế nào.
Còn đối với Shinpei thì không thể đổ lỗi cho cậu vì phải đối đầu với những tên không phải chỉ là quái vật không não thông thường mà còn có suy nghĩ, kế hoạch như con người, hay thậm chí hơn cả thế nữa cho nên đôi lúc sự thất bại là không thể tránh khỏi.
Tóm lại thì đây là một tác phẩm có phần cốt truyện tôi không dám nói là logic hoàn hảo nhưng mà vẫn thể hiện được mức độ giải trí cao, đưa khán giả đến một chuyến hành trình độc đáo với những khung bậc cảm xúc khác nhau.

7. Yofukashi no Uta

Yofukashi no Uta là một bộ anime có nội dung khá là đơn giản, kể về việc một cậu trai gặp phải gái vampire và rồi họ đem lòng yêu nhau, tương tự với một số bộ thời xưa của studio Shaft như “Dance in the Vampire Bund” hay “Tsukuyomi: Moon Phase”. Cho nên không có gì là bất ngờ với tôi khi mà hay tin rằng đạo diễn Tomoyuki Itamura xuất thân từ studio Shaft, đã từng làm Monogatari series nổi tiếng sẽ thực hiện dựa án này.
Những đạo diễn có nguồn gốc từ studio Shaft luôn dành được sự đề cao của tôi bởi vì sự quan tâm đặc biệt cao của họ đối với phần hình ảnh, không những chỉ nhìn cho đẹp thôi mà còn giúp truyền tải nội dung một cách hiệu quả nhất. Và điều trên đã được thể hiện rõ ràng trong Yofukashi no Uta với phần background cực đẹp, đã thể hiện được bầu không khí của màn đêm huyền bí và tạo cảm giác thư thái làm hấp dẫn lòng người. Bản thân tôi có sở thích thiên văn học tức là ngắm nhìn, chụp ảnh các vì sao, hành tinh và tinh vân cho nên ban đêm cũng là khoảng thời gian yêu thích trong ngày. Bởi vì tôi được rời xa cuộc sống bộn bề thường nhật và được cảm nhận thiên nhiên xung quanh mình, vẻ đẹp của bầu trời đầy sao, cảm giác mát mẻ dễ chịu, sự vắng vẻ của hoạt động con người, tất cả những điều trên tụ họp lại như là một thứ liều thuốc chữa lành hiệu quả, xóa tan căng thẳng, mệt mỏi của cả ngày.
Tôi rất thích cái cách mà đạo diễn Itamura diễn tả màn đêm tràn đầy màu sắc trong tác phẩm với những phông màu như màu vàng, tím, xanh dương tỏa ra vẻ đẹp vừa rực rỡ vừa dịu nhẹ. Bởi vì khi Mặt trời đã đi ngủ, và những tiếng động ồn ào của con người dần tan biến là lúc mà giác quan của ta được thức tỉnh hơn bao giờ hết, ta cảm nhận được những sắc màu, hương vị, âm thanh mà thường ngày có lẽ chưa cảm nhận được hết hoặc đã bị bỏ qua.
Để dành thời gian mà khen phần hình ảnh trong bộ anime thì sẽ trở nên quá dài dòng, cho nên chúng ta hãy chuyển sang phần nhân vật đi vậy. Mặc dù phần lớn sự chú ý của tôi dành cho tác phẩm này nằm ở khả năng diễn đạt và trải nghiệm bằng hình ảnh cùng với âm thanh, tuy vậy phải nói nhân vật của “Call of the night” cũng khá là thú vị. Tôi cũng cảm thấy sự thích thú được nhìn thấy hai nhân vật chính tương tác với nhau mặc dù yếu tố tình cảm có sự diễn tiến khá là chậm rãi. Không phải là là cặp đôi mà tôi yêu thích nhất trong năm 2022, nhưng mà cả Yamori và cô nàng Nazuma đều chắc hẳn hoàn toàn trái ngược với những nhân vật buồn chán, đặc biệt là cậu Yamori, do đã xem quá nhiều bộ tình cảm, hài hước có nam chính rất nhạt nhẽo nên tôi càng thêm ấn tượng với bộ anime này đã xây dựng được 1 nhân vật ít nhất cũng có những nét độc đáo trong cá tính của riêng mình.

6. Kaguya-sama: Love is War – Ultra Romantic (S3)

Thể loại romcom (tình cảm hài hước) đối với tôi là một thể loại rất dễ dàng tiếp cận nhưng để mà theo dõi lâu, hết cả một mùa thì lại khó khăn. Bởi vì phần lớn trong số những tác phẩm thuộc thể loại này chỉ dựa vào một ý tưởng duy nhất để lôi kéo khán giả. “Ôi trời, cô ấy thật là dễ thương…nhưng mà cô ấy cũng thật là ngầu!”. Xem tập đầu còn thấy có hứng thú chứ qua tập 2 trở đi là đã thấy sự lặp đi lặp lại và chán rồi. Ngoài ra nhiều bộ romcom cũng chỉ dựa dẫm chủ yếu vào việc thể hiện cặp đôi nhân vật chính, các nhân phụ thì cứ như npc điển hình, chẳng ai thèm quan tâm, điều này giới hạn số lượng những jokes – chi tiết hài hước đi nhiều. Cho nên cả yếu tố tình cảm và hài hước đều chưa thể phát huy được thế mạnh của mình bởi vì quá theo đuổi cái ý tưởng ban đầu được đặt ra.
Những điều trên tôi nghĩ là lý do tại sao mà tác phẩm “Kaguya-sama” tạo ra sự khác biệt, có thể khiến tôi xem hết cả 3 mùa anime không có vấn đề gì. Bản thân bộ anime cũng có nhân tố chính để dẫn dắt phần cốt truyện đó là việc 2 nhân vật chính ngại tỏ tình với nhau nên phải tìm đủ mọi cách, chiêu trò để bên còn lại phải tỏ tình trước, tuy nhiên tác phẩm không hề phụ thuộc quá nhiều vào phần nội dung trên mà mỗi tập đều có những sự đa dạng trong các tình tiết gây cười riêng. Bên cạnh đó, những nhân vật phụ của “Kaguya-sama” cũng rất đáng chú ý: Chika, Ishigami, Hayasaka, và Iino Miko đều có được những giây phút tỏa sáng của riêng mình, thậm chí đôi lúc nổi bật hơn cả nhân vật chính, làm cho chúng ta có một dàn nhân vật tràn đầy cá tính và sức sống và điều đó thật là thú vị.
“Kaguya-sama” làm tôi nhớ đến bộ romcom mà bản thân yêu thích nhất, chính là “Karekano” (Kareshi Kanojo no Jijou) cũng có phần nội dung khá giống nhau. Trong Karekano, cặp nhân vật chính đã thành đôi từ khá sớm nhưng tác phẩm vẫn tuyệt vời là nhờ việc diễn tả những khó khăn, sự hiểu lầm trong tình yêu của cặp đôi và giải quyết một cách gọn nhẹ những vấn đề làm cho khán giả cảm thấy hoàn toàn hài lòng, và những cặp nhân vật phụ cũng được xây dựng và thể hiện tốt nữa. Cũng đã từ lâu kể từ Karekano mà tôi được thưởng thức một bộ romcom đem lại cảm giác hài lòng sau khi xem đến như vậy, đặc biệt là ở mùa 3 này khi mà cái nút thắt chính trong cốt truyện đã được tháo dỡ hoàn toàn thì cũng khiến tôi khá tò mò ở những phần sau sự tập trung của tác phẩm sẽ đi theo hướng nào? Nhìn chung là tôi mong chờ để tiếp tục theo dõi những dự án anime của “Kaguya-sama” trong thời gian sắp tới.

5. Spy x family

Tôi đã có nêu ra loại chủ đề mà mình yêu thích trong thời gian gần đây đó chính là về gia đình, trông trẻ cho nên không thể không nhắc đến bộ anime hay nhất năm 2022 về chủ đề này, chính là : Spy x family.
Tại sao Spy x Fam lại trở nên nổi tiếng nhanh chóng đến như vậy, chỉ sau một vài tập đầu? Tôi cũng đã có bài viết giải thích rằng sự hấp dẫn chính của tác phẩm này đến từ bộ 3 nhân vật chính phù hợp với nhau một cách hoàn hảo. Hai tập đầu của SxF có thể nói chính là hai tập đầu hay nhất của toàn thể những bộ anime mà tôi đã xem trong năm 2022. Chúng ta có một Loid thông minh, cool ngầu, một Yor xinh đẹp, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ và đặc biệt là Anya, cô con gái dễ thương nhất trong lịch sử anime! Chúng ta còn có sự hài hước, hành động, ấm lòng đan xen với nhau một cách nhịp nhàng. Có vẻ như bộ anime đã tạo ra một tiêu chuẩn, sự kỳ vọng chất lượng quá cao ở hai tập đầu nên về sau không đáp ứng hết được, nhưng tôi không nghĩ đó là 1 sự thất vọng bởi vì tác phẩm vẫn giữ được mức độ thưởng thức tốt một cách xuyên suốt.
Okay, bây giờ hãy vào vấn đề chính nào. Tại sao Anya lại là “best daughter” và là nhân vật mà chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá? Thông thường ở những bộ anime, phim ảnh về các đứa trẻ sở hữu siêu năng lực ta thường liên tưởng đến những cô cậu bé rất thông minh để có thể lúc nào cũng biết vận dụng năng lực mạnh mẽ của mình. Anya thì hoàn toàn ngược lại, tuy có khả năng đọc ý nghĩ hơn người nhưng cô bé chỉ là một đứa trẻ 4 hay 5 tuổi điển hình. Tôi rất thích cái cách mà tác giả thể hiện sự ngây ngô, ngờ nghệch của Anya. Trong một loại hình mà học sinh cấp 2 thậm chí có thể cầm đầu băng đảng đầu gấu hay nhìn như lực sĩ thể hình chuyên nghiệp như anime thì việc một đứa trẻ 4 tuổi được thể hiện đúng như 1 đứa trẻ 4 tuổi không phải là một việc dễ dàng gì đâu. :v
Tuy như là một “nồi lẩu thập cẩm” vì mạch truyện, nội dung có nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau nhưng Spy x fam tôi nghĩ đã truyền tải một thông điệp quan trọng về giáo dục con cái trong thời hiện đại. Mặc dù vì một nhiệm vụ rất quan trọng là nền hòa bình của cả quốc gia nhưng những người cha, người mẹ như Loid và Yor không hề hạ thấp Anya vì điểm số, thành tích học tập của con bé mà lại tạo điều kiện để cô bé vận dụng khả năng mà chỉ riêng bản thân mình có để chống lại kẻ xấu và giúp ích cho mọi người. Do đó, thay vì chỉ chú trọng vào những khuyết điểm của trẻ em, hãy giúp chúng tìm ra những khả năng đặc biệt của riêng mình để mà phát huy trong tương lai. Giống như việc nếu ta cứ đi trên cỏ, chúng sẽ không thể mọc cao thêm nữa thậm chí bị héo úa, chết khô. Muốn có một thảm có tốt thì phải dày công tưới nước, tỉa tót vậy.

4. Attack on titan S4 – part 2

Cũng không cần phải giới thiệu gì về cái tên Attack on titan, part 2 tôi cho rằng đã có chất lượng tuyệt vời, hay hơn cả part 1. Đoạn đỉnh cao của season 4 – “The rumbling” cuối cùng cũng đã đến và cái plot twist làm lộ rõ bản chất nhân vật của Eren cũng được thể hiện rất tốt. Part này có nhân vật phụ “Floch” tôi cho là có vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện vòng lặp vô tận của thù hằn và b. ạo lực trong tác phẩm.

Tôi từ lâu đã muốn viết một bài phân tích tổng hợp về Attack on titan và hành trình gần 10 năm của tôi với tác phẩm này. Thế nhưng mặc dù MAPPA bảo là “final season”, ngay năm sau họ lại cho ra thêm “part xyz pro max edition” :v cùng với việc cái kết trong bản manga đã gây ra nhiều tranh cãi làm tôi tự hỏi rằng anime có giữ nguyên cái kết đó hay là muốn thay đổi, sửa chữa nó. Những điều trên làm cho tôi quyết định rằng bây giờ chưa phải là lúc cho một bài viết như vậy. Thôi thì xin được hẹn khi mà “mùa cuối cùng” thật sự là cuối cùng đi vậy.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button