Manga

“Just Listen to the Song” – Oneshot của Fujimoto & Một Góc Nhìn Khác.

Chờ đợi ad 1q84 viết bài lâu quá nên mình viết một bài chia sẻ về góc nhìn của bản thân mình sau khi đọc xong oneshot mới nhất của Fujimoto luôn vậy 🥲. Có nhiều điều thú vị về oneshot này (Fujimoto đảm nhận nội dung, trợ lý của ông vẽ), đây tuy là oneshot ngắn nhất trong cả 3 oneshot vừa qua (vỏn vẹn 20 trang), nhưng lại là oneshot có nhiều chuyện để bàn nhất.

Vào vấn đề chính luôn. Mình chắc hẳn nhiều bạn đọc xong sẽ đưa ra suy nghĩ: “Fujimoto đang phê phán và châm biếm độc giả và khán giả hiện nay”. Họ chỉ thấy những cái “trước mắt”, chỉ chấp nhận những gì “diễn ra trong đầu họ, theo như quan điểm của họ” là đúng mà bỏ qua giá trị chân thật.

Nếu tác giả miêu tả màu sắc cánh rèm là màu xanh, thì … cánh rèm chỉ mang màu xanh ngẫu nhiên thôi chứ chả có ý gì sâu xa để mà phân tích hay suy luận, và cũng chả có ẩn ý gì hết! Hẳn nhiều bạn đã từng nghe qua “so sánh” về màu sắc cánh rèm đâu đó trong các cuộc tranh luận rồi nhỉ?

Theo mình, có nhiều vấn đề với hướng suy luận như vậy. Ta biết là Fujimoto rất thích lồng ghép yếu tố cá nhân vào những tác phẩm của bản thân, oneshot mới nhất không chỉ phác họa góc nhìn của độc giả, mà còn chia sẻ chút ít phương diện từ tác giả – những điều mà Fujimoto cảm thấy qua hình ảnh chàng trai si tình trong câu chuyện oneshot.

Bàn sơ qua về góc nhìn độc giả (mình tin ad 1q84 sẽ có bài cover đi sâu hơn), để cho dễ so sánh, mình sẽ bắt đầu bàn về … game. Game hiện nay rất đa dạng và nhiều thể loại, mỗi một thể loại như FPS, RPG, Moba, Strategy (trong nhánh này còn phân ra nhiều loại khác nhau như grand strategy với RTS và vv …) đều phục vụ đối tượng người chơi khác nhau, có những người chỉ thích chơi độc nhất một thể loại chính. Và điều này cũng tương tự nếu ta nói đến nghệ thuật. Trong nghệ thuật chẳng có trắng đen hay đúng sai, 10 người thì không phải ai cũng có góc nhìn như nhau, và quan trọng nhất, là cách mà họ thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.

Hãy cứ giả như rằng Fujimoto trong oneshot mới nhất đang phê phán và châm biếm “thói suy diễn” của độc giả, thì khác nào Fujimoto đang tự mỉa mai ngay chính bản thân mình và những tác giả, những nhà sáng tạo nghệ thuật khác?

Nếu như Fujimoto đang mỉa mai những đối tượng độc giả và khán giả từ một điều mà … suy diễn lên tận mây xanh, so với những gì tác phẩm đang phác họa ở phần “nhìn thấy được”, thì chẳng khác nào Fujimoto đồng thời cũng khẳng định sự rỗng tuếch trong những tác phẩm nghệ thuật khác?

Không chỉ độc giả, mà cả tác giả cũng có vô vàn cách thức họ muốn truyền tải những “ẩn ý” của họ đến người xem qua từng trang giấy, từng chi tiết vụn vặt. Không lấy đâu xa, lấy vd về tác phẩm 86 – vốn là bộ mình tâm đắc nhất gần đây – đạo diễn Ishii rất thích lồng ghép nhiều chi tiết hình ảnh để diễn tả nỗi niềm và tình cảnh nhân vật (vd như viền đen dần khép lại như ngục tù cô lập Shinei cho đến khi Lena bước lên, viền đen hóa trắng và tan biến đi), hay ẩn ý về hình ảnh của loài hoa bỉ ngạn, của hoa anh đào và nhiều loài hoa khác trong ngôn ngữ loài hoa (Hanakotoba (花言葉) ) vốn rất thường thấy ở những tác phẩm KyoAni và đạo diễn Yamada thực hiện. Đạo diễn Shinkai rất thích thể hiện sự chia cách trong những tác phẩm ông thực hiện qua bài trí và bố cục cảnh quay, thể hiện bằng hình ảnh toa tàu, thanh sắt, cánh cửa “chia cắt” hai nhân vật, cả hình ảnh của thời tiết tự nhiên là “mưa” cũng được sử dụng rất trữ tình để diễn tả chuyển biến trong tâm trạng giữa Takao và Yukari trong tác phẩm Vườn Ngôn Từ.

Nếu giả như Fujimoto đang phê phán và châm biếm những độc giả và khán giả về việc “đào bới những điều gì sâu xa hơn họ có thể nhìn thấy”, thì chẳng khác nào Fujimoto cho rằng, những tác phẩm mình kể trên chẳng có ẩn ý gì sâu xa hơn với phần hình ảnh được thể hiện? Hoa bỉ ngạn, hay hoa anh đào chỉ được sử dụng vì chúng … trông cho đẹp? Mưa chỉ là … mưa cho mát mẻ thôi? Và thậm chí cũng chẳng có chủ đề phản chiến tranh, bảo vệ môi trường nào trong những tác phẩm của đạo diễn Ghibli – Miyazaki lẫy lừng ngoài chuyện tình cảm phiêu lưu của những cô gái trẻ, và vv …

Thậm chí, chẳng lấy đi đâu xa, trong những oneshot gần đây của Fujimoto đã có những chi tiết và tình tiết lắt léo nhằm “thách thức” độc giả. Lấy vd trong oneshot “Look Back”, tên của 2 nhân vật là Fujino và Kyomoto, không khó để nhận ra Fujimoto đang “chơi chữ”, nếu ghép hai tên nhân vật lại sẽ có được: Fujino + Kyomoto = Fujimoto (đây là oneshot mà ông lồng ghép bản thân mình vào hình ảnh 2 nhân vật, page cũng đã có bài phân tích về oneshot này rồi). Nếu Fujimoto đang phê phán sự nghiền ngẫm và suy luận “xa” của độc giả, thì chẳng khác nào sensei tự thừa nhận tên gọi của họ chẳng có ý nghĩa gì sâu xa? Vì cớ gì mà Fujimoto phải vắt óc đánh lừa người xem bằng những vụ nổ, bằng nhiều tầng, cảnh quay bằng camera qua oneshot “Goodbye, Eri” vừa qua? CSM cũng chỉ là câu chuyện g.o.r.e fest ché.m g.iết cho sướng mắt chứ chả có ẩn ý gì sâu xa?

Mình hoàn toàn không nghĩ là vậy!

Có những tác giả sẽ chọn cách truyền tải thông điệp của họ gián tiếp qua từng khung hình, chi tiết được sắp đặt tinh tế, và cũng có những đối tượng khán giả luôn thích đào bới cũng như tìm kiếm tất cả những ẩn ý tác giả đã gắn sức lồng ghép vào tác phẩm mình. Hay nói một cách khác, những điều trên cũng là một phần trong cách thức tiếp cận nghệ thuật của tác giả, cũng như thưởng thức nghệ thuật của độc giả.

Mà trái lại, thay vì phê phán và mỉa mai độc giả, Fujimoto đã đưa đến một câu hỏi khá thú vị đến với độc giả (hay ít nhất là đến với mình): Một tác phẩm và một tác giả có sự liên hệ như thế nào?

Thông qua một tác phẩm, ta có thể đánh giá lối sống và tín ngưỡng, cũng như những điều liên quan khác về cuộc sống của một tác giả được không? Liệu tác phẩm có thể hiện sự độc lập so với góc nhìn của tác giả? Mình lấy vd, Rurouni Kenshin là một tác phẩm kinh điển, nhưng tác giả đã bị đi tù vì lối sống … không lành mạnh, liệu biết được những gì xảy ra với tác giả có làm bạn căm ghét tác phẩm của họ, hay vẫn chấp nhận được tác phẩm bất kể tác giả là người như thế nào? Và ngược lại.

Cậu học sinh trong tác phẩm bị cộng đồng mạng cáo buộc cho những chuyện cậu thậm chí không làm hay ngờ tới (vd như chỉ trích chí.nh tr.ị, bài trừ súng ống bên Mỹ, là kẻ vô thần … ), bị gây áp lực để phải xóa video của mình đi – đến đây mình thấy Fujimoto đang lên án “cancel culture”, những gì người xem không thích thì sẽ cáo buộc tác giả đến cùng và bắt kết thúc tác phẩm (thời điểm oneshot ra mắt cũng sát với khi CSM p2 ra mắt). Nhưng chỉ cần, dù có một người nghe tiếp nhận được thông điệp từ tấm lòng của cậu, thì cậu cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Và như từ đầu, mình có nói đến chi tiết Fujimoto rất thích lồng ghép hình ảnh bản thân đến tác phẩm, đến đây ta cũng liên hệ được, Fujimoto đã tạo được tiếng vang lớn qua Chainsaw Man, ông ví Chainsaw Man như video đầu tiên của cậu học sinh kể trên, là “one-hit wonder” của đời mình. Có thể sau Chainsaw Man thì mọi người sẽ quên đi Fujimoto là ai, có thể những tác phẩm sau này của Fujimoto sẽ không tạo được hit như CSM đã làm được, nhưng chỉ cần một độc giả/nhóm độc giả gắn bó và tiếp tục đón nhận, thì khi đó Fujimoto vẫn sẽ tiếp tục sáng tác.

Tất nhiên, đây chỉ là góc nhìn của mình thôi, nếu bạn có góc nhìn khác – theo như tác phẩm – là mình đã phân tích quá xa so với những gì “Just Listen to the Song” đã thể hiện, thì cũng được thôi. Chỉ là mình cảm thấy không thỏa mãn lắm với hướng “phê phán và châm biếm thói phân tích xa của độc giả so với phần nhìn thấy của tác phẩm”, vì đơn giản góc nhìn này có nhiều vấn đề gây mâu thuẫn với ngay chính Fujimoto và những tác phẩm trước đó của sensei.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button