Anime StudioIndustry

Studio Shaft – Sắc Xanh Của Niềm Hy Vọng Hồi Xuân & Những Nỗ Lực Vực Dậy.

Nếu như các bạn đã theo dõi page mình một thời gian thì có lẽ đã đọc qua được một post về tình hình nhân sự của Shaft hồi năm ngoái “Chuyện gì đã xảy ra với Shaft?” (Link: facebook.com/alonelycomet/posts/pfbid02r8GBsFnzSqZPkXbuHBvQiUWdk9anHedy69YGJ96YvmHMePotRNUc7FZ4aCENvLE8l )

Tuy thời hoàng kim của Shaft đã qua đi, không có nghĩa họ chịu yên phận để cho hình ảnh đã gầy dựng một thời trôi dạt xuống đáy biển. Trong những năm gần đây Shaft đã có những động thái và chiến lược đáng khích lệ để làm hồi sinh hình ảnh “vang bóng” một thời của họ.

Một trong những nỗ lực mình cực kì đánh giá cao, là việc họ đã hàn gắn lại nhiều mối quan hệ cũ với những cựu nhân sự – những người đã rời bỏ studio – quay trở về.

Vd như Nobuyuki Takeuchi, ông đã từng là thành viên trong đội ngũ chỉ đạo chủ chốt ở Shaft, góp mặt thực hiện Bakemonogatari và đã có pha debut ấn tượng qua tác phẩm Uchiage Hanabi, nhưng đấy cũng là bộ cuối cùng ông thực hiện ở Shaft trước khi rời bỏ studio mà đầu quân cho MAPPA với dự án Sarazanmai. Và chỉ mãi gần đây ta mới thấy ông được ghi danh thực hiện bảng vẽ phân cảnh trong tác phẩm mới nhất của Shaft: RWBY Ice Queendom. Chuyện ông có “thật sự” quay lại để tiếp tục gắn bó lâu dài với studio vốn đã từng là ngôi nhà ươm mầm cho sự nghiệp của ông hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn chỉ thời gian mới trả lời được! Nhưng điều này cũng chứng minh ông đã chấp nhận lời “thỉnh cầu” để hàn gắn mà nối lại tình xưa với Shaft.

Không dừng tại đó, Shaft đã học được bài học kinh nghiệm để giữ chân đội ngũ chủ lực ở lại – những “cột nhà” còn sót lại của họ, không để “thảm cảnh” khi xưa tái lập.

Nhiều tên tuổi tiêu biểu mình có thể kể đến là Toshimasa Suzuki và Kenjirou Okada. Okada thuộc lứa thế hệ đạo diễn mới gia nhập trong lúc tình hình chuyển biến nhân sự tồi tệ đã và đang diễn ra ở Shaft, nhưng ông vẫn giữ sự trung thành mà gắn bó với Shaft xuyên suốt gần một thập kỷ, được tin tưởng giao trọng trách chỉ đạo với tác phẩm debut 3-gatsu no Lion cực kì ấn tượng bên cạnh tên tuổi đại thụ – đầu tàu chỉ đạo của Shaft là Akiyuki Shinbo.

Shaft cũng đã “dành đất diễn” cho những tài năng trẻ và thế hệ trụ cột tỏa sáng.

Ta đã thấy trong giai đoạn từ 2020 cho đến nay, ngay cả bản thân Shinbo cũng rất ít khi nhận ghi danh vào vị trí “chỉ đạo” bên cạnh những học trò của ông – so với trước đó từ lúc Shinbo gia nhập Shaft thì đa phần những tác phẩm studio thực hiện đã có đến 80-90% số lượng tác phẩm Shinbo xuất hiện trong vai trò đồng đạo diễn. Đây là một động thái “nhường lại ánh hào quang” cho các học trò của Shinbo, cũng như là làm dịu bớt sức ảnh hưởng cũng như “tư tưởng” từ “khuôn mẫu” ông đã thiết lập từ trước, tạo cơ hội về tự do trong nghệ thuật sáng tác của lứa thế hệ chỉ đạo mới.

Kenjirou Okada sau màn debut với Shinbo ở 3-gatsu, đã được giao thực hiện tác phẩm riêng như RWBY: Ice Queendom (bạn nào mong 3-gatsu S3 thì chia buồn nhé). Những bộ sau cột móc 2020 như Assault Lily Bouquet, Magia Record, Luminous Witches cũng không có sự góp mặt của Shinbo. Và đặc biệt, ở Shaft đang có những tài năng hoạt họa trẻ kiệt xuất mà một trong số đó là gương mặt mới nổi Hiroto Nagata – đã được tin tưởng giao cho vị trí hoạt họa sĩ chủ chốt (main animator) – để phô diễn hết khả năng thần sầu về hoạt họa của anh, cũng như là góp phần tạo nên thương hiệu hành động mới, một gương mặt đại diện cho thế hệ hoạt họa sĩ mới của Shaft. Nói sơ qua chút ít về main animator vs key animator, chỉ những key animator có sự cống hiến xuất sắc cho một tác phẩm mới được ghi danh thành main animator (đảm nhận các cut quan trọng với số lượng lớn).

Cuối cùng, Shaft vào ngày 10/06/2022 vừa qua đã thông báo mở chi nhánh studio mới tại thành phố Shizuoka với tên gọi “Shaft Aoi”, với mục đích chuyên hóa và tập trung vào mảng hoạt họa 2D cũng như CGI.

Shizuoka là thành phố có mức sống tương đối rẻ hơn nếu so với nơi phồn thịnh như Tokyo (phần lớn các anime studio tọa lạc tại đây), điều này sẽ hấp dẫn những người trẻ tuổi theo đuổi niềm đam mê hoạt họa vì mức lương cơ bản khi mới vào ngành nghề hoạt họa sĩ là rất thấp. Nhưng đây là chiến lược đầu tư mạo hiểm như con dao hai lưỡi vì nếu không có biện pháp “giữ chân” đúng đắn, studio Aoi của Shaft sẽ lâm vào tình trạng thất thoát nguồn lực như P.A Works – studio tọa lạc ở nơi mức sống thấp cũng có nghĩa nơi này sẽ có điều kiện “giải trí” nghèo nàn nếu so với thành phố to lớn như Tokyo, từ đó chính bản thân studio phải cung cấp nguồn “động lực” và mức đền bù “xứng đáng” để giữ chân nhân sự ở lại. Aoi là sắc màu xanh, màu của sự hy vọng, không phải là sự trùng hợp trong việc chọn tên! Sắc xanh là niềm hy vọng giúp Shaft “hồi sinh” cho hình ảnh vang bóng một thời của họ.

Nếu dự án này thành công, thì Shaft sẽ giải quyết phần nào bài toán nan giải họ đã vấp phải bấy lâu: lệ thuộc lớn vào các studio hỗ trợ bên ngoài. Các tác phẩm của Shaft nếu bạn tinh ý sẽ thấy chất lượng rất thiếu sự ổn định xuyên suốt thời lượng công chiếu. Việc sở hữu đội ngũ hoạt họa “nhà trồng” luôn là hướng đi đúng đắn để đem lại sự ổn định cho các tác phẩm về sau và cho tương lai của bất kì studio nào, cũng như mang lại thêm cho Shaft nhiều sự lựa chọn hơn về nguồn lực nhân sự.

Tất nhiên, tương lai là vô định, Shaft gần đây đảm nhận thầu chính cho RWBY cốt để nói với người hâm mộ quốc tế rằng: chúng tôi vẫn còn đây, thu hút không ít ánh nhìn lẫn sự quan tâm từ khắp các cộng đồng trên thế giới. Những dự án một thời từng tạo tên tuổi cho Shaft cũng được vực dậy như Puella Magi Madoka Magica – Walpurgisnacht: Rising dưới ngòi bút quen thuộc của lão “đồ tể” Gen Urobuchi và tái ngộ của “băng nhóm” Magica Quartet lẫy lừng một thời (Gen, Shinbo, Ume, Atsuhiro).

Shaft đang có những hướng đi đúng đắn để “sửa sai”, cũng như cải thiện bộ máy cồng kềnh, cũ kĩ và lỗi thời của họ. Shaft hiện nay vẫn đang thường hay gặp vấn đề về nhân sự và khâu sản xuất, vd như series Magia Record mới gần đây đã ăn không ít lần trì hoãn, thậm chí ngay cả quá trình sản xuất của RWBY cũng gặp không ít khó khăn, và mức sửa sai “hiệu quả” đến đâu ta sẽ không thể biết được trong một sớm một chiều mà chỉ có thể rút ra được kết luận trong nhiều năm nữa sắp đến. Nhưng con đường họ lựa chọn – theo mình – đang là rất “đúng đắn” với tương lai ngập tràn sắc xanh của niềm hy vọng!

Shaft không phải là studio non trẻ mà là một “ông già” đại thụ đang nỗ lực lấy lại sức sống xanh, đang ra sức vẫy vùng để tìm lại tiếng nói một thời. Niềm kiêu hãnh bất diệt của Shaft không cho phép họ “an vị” phó mặc cho số phận đưa đẩy! Để khép lại bài thì có lẽ không còn gì thích hợp hơn bằng câu thơ của Dylan Thomas (trích bản dịch của Câu lạc bộ sách Dostoevsky):

“Do not go gentle into that good night,

Old age should burn and rave at close of day;

Rage, rage against the dying of the light.”

“Đừng nhẹ nhàng thầm lặng chìm vào một đêm sâu,

Tuổi già hãy rực cháy gào ca lúc tàn ngày;

Cuồng lên nộ lên trước ánh sáng đang lịm màu.”

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button