Manga

Phân Tích & Bình Luận: Goodbye, Eri – Vụ Nổ, Ý Nghĩa & Kết Thúc.

Mình sẽ đinh ninh là các bạn đã đọc qua oneshot này rồi của Fujimoto, link cho bản dịch eng chính thức (bỏ đi dấu ngoặc): https://mangaplus(.)shueisha.co(.)jp/titles/100188

Lạm bàn chút ít về ý nghĩa của “vụ nổ” và cái kết của oneshot. Bài viết sẽ spoil nặng nội dung, vậy nên nếu bạn chưa đọc qua thì hãy ngừng tại đây để thưởng thức oneshot trọn vẹn hơn. Page trước đó đã có bài phân tích khá đầy đủ của ad 1q84, bạn có thể đọc qua tại đây: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/364129909061068

Bài này là một số phân tích & bình luận theo góc nhìn chủ quan của mình.

Trong tác phẩm có 3 vụ nổ đánh dấu các “tầng” phim, vụ nổ không phải “ngẫu hứng, ngẫu nhiên” mà Fujimoto thích thêm vào thì thêm. Đây là dấu hiệu của Fujimoto để giúp người đọc phân biệt được “à, thì ra đây là điểm kết thúc của bộ phim đang quay”. Tác phẩm có rất nhiều nét tương đồng với Inception của Nolan với khái niệm “mơ trong mơ” (dreams within dreams, mà ở đây là movies trong movies, như ad 1q84 đã phân tích), và Fujimoto là một tín đồ ghiền phim nặng (điều này ai cũng biết) nên cũng không khó để liên kết vai trò của vụ nổ: báo hiệu sự kết thúc của bộ phim – theo các tầng.

Chút ít chuyện bên lề, sơ qua về khái niệm “mơ trong mơ”. Nolan không phải là người nghĩ ra và sử dụng nó đầu tiên. Trước đó thì Satoshi Kon đã hiện thực hóa khái niệm này rất thành công qua tác phẩm anime điện ảnh Paprika (chuyện Nolan có lấy cảm hứng từ Kon hay không vẫn còn là một chủ đề rất tranh cãi mà mình sẽ không bàn trong bài này). Nếu bạn thích lối kể chuyện này thì cũng nên xem qua Paprika một lần cho biết. Tuy nhiên, cấu trúc phân tầng đến 3 lớp, lẫn kết mở (con bông vụ) là thương hiệu mang đậm dấu ấn của Nolan.

Quay trở lại tác phẩm oneshot, theo mình thì vụ nổ còn mang những ý nghĩa khác. 3 vụ nổ diễn ra vào những thời khắc quan trọng ảnh hưởng lên cuộc đời của Yuta.

Vụ nổ thứ nhất diễn ra khi mẹ anh mất.

Hướng suy luận thông thường như sau. Vụ nổ báo hiệu rằng, thước phim về mẹ anh đã kết thúc. Và Yuta đã vượt qua được cú sốc về nỗi mất mát này. Anh quay film về người mẹ, rất cảm động, dù rằng mẹ anh không tốt đẹp như người ta nghĩ, nhưng qua thước phim thì bà trông như thiên thần.

Tuy nhiên, theo mình, cái vụ nổ này nó mang một ẩn ý khác. Bà mẹ Yuta là một NSX film truyền hình (TV Producer), cho đến cuối đời thì bà mẹ vẫn muốn “hình ảnh” của mình trông cho “đẹp” (giả dụ bà có vượt qua được cơn bạo bệnh), lí do có phần ích kỷ, đến mức không ngại chửi thằng con là “vô dụng” cho đến những giây phút cuối đời.

Ở đây, Yuta đã hoàn thành tâm nguyện của bà mẹ, là edit nên một thước phim “méo mó” sự thật, cho thấy cái đẹp không tì vết của một bà mẹ mẫu mực yêu thương gia đình, con cái. Nhưng vụ nổ như sự bất mãn của Yuta, dùng kết thúc bộ phim, như để nói rằng: chỉ một mình mình là biết sự thật về người mẹ, sự thật trông không đẹp như thế. Phần nào cũng thể hiện rằng, nghệ thuật “thực thụ” thuộc về ý chí tự do của mỗi cá nhân, chứ không phải nghệ thuật do người khác bày vẽ ra. Có lẽ, Yuta đã muốn tin vào hình ảnh dịu dàng của người mẹ qua các thước phim cậu đã quay, nhưng đấy là lòng tin mù quáng mà cái chất “chân chính” trong thâm tâm cậu khó có thể chấp nhận được, dẫn đến “vụ nổ” đầu tiên.

Ý nghĩa của vụ nổ thứ 2 có khá nhiều cách liên hệ.

Nó báo hiệu ta đã sang arc cuối. Theo hướng mình suy luận thì đây là vụ nổ để “đánh lừa” người đọc: liệu những gì xảy ra sau vụ nổ này là thật, hay vẫn còn trong phim? Đây là lúc ranh giới giữa thực tại và tưởng tượng (của phim ảnh) đã bị Fujimoto xóa mờ.

Vụ nổ cuối cùng có sự liên hệ mạnh mẽ đến với chủ đề của tác phẩm.

Cho đến những giây phút cuối cùng, ta vẫn đang theo dõi bộ phim về cuộc đời của Yuta, vụ nổ này như tín hiệu giúp người đọc thoát khỏi cái tầng phim cuối cùng để quay trở về thực tại. Bạn có thể hiểu rằng vụ nổ này là minh chứng cho sự chấp nhận với những mất mát của Yuta để tiến về phía trước.

• Tuy nhiên, vụ nổ còn mang một ý nghĩa khác.

Kết của bộ phim đầu, người mẹ qua đời.

Kết của bộ phim thứ hai, Eri mất, gia đình Yuta tan nát.

Chẳng có điều gì nhiệm màu xảy ra. Thế nhưng,

“Nó vẫn còn thiếu chút tưởng tượng, cậu có nghĩ vậy không?” (It’s missing a pinch of fantasy, don’t you think?)

Kết của bộ phim thứ ba, Eri hồi sinh và là ma cà rồng!

Và đây là cái chất FANTASY mà hai bộ phim trước đã thiếu, chỉ đến bây giờ anh mới nhận ra (vụ nổ cuối cùng cũng là lớn và hoành tráng nhất).

Sức mạnh của nghệ thuật, của phim ảnh là khả năng truyền tải những gì đẹp đẽ nhất, qua góc nhìn của người cầm máy, với chút ít sắc màu tưởng tượng mà người nghệ sĩ mong muốn. Cả câu chuyện cũng có thể được ví như lời trần thuật, tự sự của Fujimoto, là tình yêu của anh dành cho nghệ thuật và phim ảnh, là điều nhiệm màu đã giúp anh vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.

Trong bộ phim thứ 3, Eri là ma cà rồng. Cô sẽ sống mãi với những ký ức về Yuta. Và đấy cũng là hình ảnh về Eri mà Yuta muốn “hoàn thiện” và ghi nhớ – lí giải vì sao cậu trước đó đã edit rất nhiều lần các thước phim của Eri mà vẫn không vừa ý, đơn giản vì chúng thiếu đi sự “màu nhiệm” mà cả cậu và Eri đã từng mong muốn.

Đôi khi, trong cuộc đời ta cũng cần chút sắc màu của sự tưởng tượng để có thể an lòng hơn – điều chỉ tìm thấy được qua những thước phim và các tác phẩm nghệ thuật.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button