AnimeNhững Vấn Đề KhácPhân Tích & Cảm Nhận

Fanservice Có Làm Hỏng Một Bộ Anime ?

Bộ anime “My dress up darling” hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm trong cộng đồng 2D, một phần là vì em “waifu quốc dân” xinh đẹp dễ thương, mới đầu năm thôi là đã thành ứng cử viên cho danh hiệu “best girl” của 2022 rồi. :v Một phần là vì những tranh cãi khi mà bộ này đứng đầu bản xếp hạng Anime trending vượt lên trên cả những tên tuổi của các franchise đình đám như là Attack on Titan và Kimetsu no Yaiba. Bởi vì nhiều người cho rằng “My dress up darling” tệ vì có nhiều fanservice. Vậy thì fanservice có thực sự phá hỏng 1 bộ anime? Trong bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

◆ Định nghĩa Fanservice

Đầu tiên ta hãy đi vào định nghĩa fanservice là gì. Từ này cũng khá đơn giản thôi bởi vì nó được ghép giữa chữ “fan” (người hâm mộ) và “service” (phục vụ). Nên ta có thể dịch là “phục vụ người hâm mộ”. Ở 1 định nghĩa rõ ràng hơn thì fanservice là những chi tiết được đưa vào 1 bộ anime chỉ để phục vụ người hâm mộ, “tặng cho họ thứ chính xác mà họ muốn”, mà không hề có tác động đến nội dung tác phẩm (việc truyền tải chủ đề, ý nghĩa cũng như xây dựng nhân vật).

Chúng ta đã quen với việc đánh đồng những cảnh ecchi, nhân vật nữ hở hang là fanservice bởi vì đúng là những cảnh trên chiếm phẩn lớn trong số những nội dung phục vụ fan. Thế nhưng với sự phân hóa của cộng đồng và số lượng các fan nữ, hủ nam, hủ nữ… ngày càng tăng thì đối với từng loại fan khác nhau, ta cũng sẽ có những cách để phục vụ khác nhau. Như “manservice”, cảnh nhân vật nam hở hang thường thấy trong những bộ sport như Free cũng được xem là fanservice. Cảnh thả hints yaoi, yuri cho hủ. Cảnh robot chiến đấu biến hình “ngầu lòi” cho fan mecha mê để mà mua những merchandise. Hay thậm chí là những cảnh máu me, go.re trong những bộ edgy chỉ để thể hiện độ cool, ngầu cũng có thể quy vào fanservice được…

Nếu dựa trên định nghĩa mở rộng ra như trên thì tôi nghĩ phần lớn anime mà tôi đã xem đều có fanservice. Bởi vì anime nhìn chung vẫn là loại hình phụ thuộc vào các fan trung thành – otaku rất nhiều, nên cần phải có fanservice để đánh vào thị hiếu của họ, tạo sự kích thích để họ bỏ tiền mua hàng merchandise hoặc đĩa bluray.

Một điểm quan trọng trong định nghĩa của fanservice đó là việc mà yếu tố này không hề ảnh hưởng đến phần nội dung chính của tác phẩm. Thế thì nếu như những cảnh ecchi, manservice, yaoi, yuri,… nhưng mà có truyền tải ý nghĩa và đóng góp vào phần xây dựng nhân vật thì chúng sẽ không được xem là fanservice.

Chúng ta hãy cùng đến với 1 bộ rất là kinh điển đó là movie Ghost in the shell (1995), trong movie này nhân vật chính thiếu tá Motoko có 1 số cảnh kh.ỏa th.ân nhưng mà hoàn toàn không phải là fanservice bởi vì những cảnh trên đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải ý nghĩa của tác phẩm. Bởi vì nhân vật chính không hề quan tâm đến cơ thể robot nhân tạo của mình nên không tỏ ra ngượng ngùng gì. Thế nhưng cộng sự của cô – Batou thì trong tình huống đó lại có cử chỉ lấy áo khoác lên cho cô đã chứng tỏ rằng ông ta xem cô như là 1 con người cho dù cơ thể đó không phải là sinh học mà chỉ là máy móc. Là chi tiết nhỏ thôi nhưng mà là 1 trong những cảnh ấn tượng đối với tôi mà đến giờ vẫn còn nhớ sau khi xem qua.

Sao này thì bộ anime Sword Art Online, Alicazation arc cũng có nhân vật Quinella suốt ngày kh.ỏa th.ân bởi vì cô ta biết được thế giới mà mình đang sống chỉ là ảo nên cô ta làm vậy chứng tỏ rằng mình không quan tâm đến 1 cơ thể ảo như thế và muốn thoát ra thế giới đó để đến với thực tại. Có lẽ nhân vật này cũng là do ảnh hưởng từ 1 classic như Ghost in the shell chăng? :v

Một ví dụ khác cũng khá là thú vị đó là bộ “Shimoneta”, nhìn sơ thì chỉ như là 1 bộ ecchi, hài hước, học đường bình thường. Thế nhưng lại là 1 tác phẩm về chủ đề chống lại văn hóa kiểm duyệt. Như tựa đề đã nêu ra “một thế giới buồn chán khi mà khái niệm “dirty jokes” không tồn tại” thì bộ anime đã sử dụng nhân vật Anna như là hình tượng của 1 cô gái hoàn toàn trong sáng ngây thơ không hề biết gì về chuyện đó. Thế nhưng sự ngây thơ của cô lại trở nên vô cùng nguy hiểm khi mà cô hoàn toàn không thể phân biệt được giữa tình yêu và dục vọng. Sự điên cuồng, thú tính bộc phát mà cô chỉ nghĩ đó là tình cảm bình thường đã dẫn đến những cảnh ecchi lố bịch nhất trong anime. Thế nhưng những cảnh trên không phải là fanservice bởi vì chúng đã thể hiện rõ ràng thông điệp mà tác phẩm muốn hướng đến. Biết hay không biết về “seggs” thì tốt hơn là 1 câu hỏi rất quan trọng để mà từ đó mà ta có giáo dục giới tính trong trường học. Vì thế, tác giả cho rằng những trò đùa thô tục lại có thể giúp ích trong việc hạn chế sự thiếu hiểu biết và không nên bị cấm cản quá mức thì sẽ rất là buồn chán.

Bây giờ trở lại với bộ “My dress up darling”, tôi sẽ không bào chữa cho tất cả những cảnh ecchi trong đây bởi vì đúng là phần lớn trong số chúng chỉ là fanservice đơn thuần. Thế nhưng cái cảnh mà em Marin đến nhà nhân vật chính để lấy số đo cơ thể ở tập 2 thì tôi lại nghĩ là 1 cảnh khá là hay. Bởi vì cảnh này đã thể hiện rất rõ ràng sự đam mê cuồng nhiệt của cô với cosplay. Marin tuy là 1 một cô gái nổi tiếng trong trường nhưng lại không có ai để chia sẻ sở thích và giúp đỡ làm trang phục của mình. Sự xuất hiện của Gojou-kun đã tạo nên 1 niềm động lực rất lớn trong cô khiến cho cô bé không khỏi giấu được sự phấn khích của mình. Nên cô đã liền tới nhà của Gojou-kun để háo hức có được bộ trang phục hoàn chỉnh đầu tiên và sự háo hức đó làm cô quên luôn rằng mình đang ở trong 1 tình huống đầy xấu hổ, mặc trang phục bi.ki.ni trong phòng của 1 chàng trai mới quen biết, 1 lúc sau cô mới nhận ra thì ta thấy sự đỏ mặt ngượng ngùng của cô. Cho nên cảnh trên cũng có đóng góp vào việc khắc họa nhân vật Marin cũng không phải là tệ, tôi nghĩ vậy.

◆ Fanservice có làm hỏng anime?

Vậy thì đối với những cảnh fanservice thuần, không có ý nghĩa gì thì chúng có làm 1 bộ anime hay trở nên tệ đi? Tôi biết vấn đề fanservice này có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau người thì suốt ngày chỉ thích xem mấy bộ có fanservice, người thì cực kỳ ghét chỉ nhìn 1 cảnh thôi cũng không chịu nổi. Cho nên trong bài viết này tôi chỉ nêu ra nhận định với góc độ cá nhân là nhiều. Và quan điểm của tôi cho câu trả lời trên đó là “Không”.

Nếu chia ra 2 loại thích fanservice hoặc là ghét chúng thì tôi sẽ quy mình vào nhóm người không thích, tuy nhiên tôi sẽ không quá khắc khe với vấn đề này. Ví dụ như tác phẩm Gurren Lagann có nhân vật nữ Yoko hay mặc bi.ki.ni, nhưng mà vẫn là một trong những bộ anime mà tôi thích nhất bởi vì tương ứng với mỗi cảnh fanservice thì có đến gấp nhiều lần những cảnh hành động kịch tích, cảm xúc dâng trào, giây phút đáng nhớ giúp tạo nên chất lượng cho tác phẩm. Hay là Prison school, 1 bộ khá là ecchi nhưng mà nó quá hề hước, làm tôi cười nghiêng cười ngả thì mình thích thôi.

Nhiều người hay cho rằng fanservice liên quan đến những bộ anime tệ bởi vì những tác giả, studio dựa vào fanservice để 1 tác phẩm tệ có chổ đứng hơn thôi. Cũng giống như cái cách mà nhiều người dựa vào trào lưu isekai để che dấu những khiếm khuyết trong writing và sự thiếu ý tưởng của mình.

Đối với tôi chỉ có 2 yếu tố quan trọng nhất quyết định 1 bộ anime là hay hay tệ đó là “narratives” – cách dẫn dắt thể hiện nội dung câu chuyện (thông qua nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh) và “characters building” – cách thức xây dựng nhân vật. Mọi thứ còn lại chỉ là những “gia vị” nhỏ thêm vào mà thôi.

Đối với “My dress up darling” thì tôi thấy được có những điểm sáng như niềm đam mê của cô bé Marin được thể hiện đầy cuốn hút, và tương tác giữa 2 nhân vật chính cũng có nhiều điểm thú vị. Đối với tôi thì là 1 bộ anime ở mức khá. Tôi nghĩ AOT vẫn hay hơn :v, nhưng mà nhìn lại mùa anime này chỉ có 3 bộ tranh top, không phải là 1 mùa cạnh tranh hấp dẫn lắm, và AOT giờ đã là mùa lần thứ n, đã dành rất nhiều danh hiệu trước đó rồi. Cho nên tôi vẫn OK nếu như “My dress-up darling” giành được AOTS. Nếu như “stacked” như mùa trước (thu 2021) hay là mấy bộ mong đợi nhiều như Chainsaw man, Spy x family, Made in Abyss, Kaguya-sama phần tiếp theo mà chiếu trong mùa này thì tôi có lẽ là 1 trong những người không đồng tình với “My dress-up darling” ở trên top nhưng mà mùa này khá chán nên cũng không quan tâm nhiều đến những bảng xếp hạng. :v

Trở lại với vấn đề fanservice thì làm sao để cho yếu tố này “dễ nuốt” hơn với những người không thích? Tôi nghĩ đầu tiên đó là việc không nên phụ thuộc vào những tropes “tai nạn ngẫu nhiên” quá nhiều, làm sao để fanservice có tính chủ ý hơn. Tiếp theo đó là phản ứng của nhân vật tự nhiên hơn. Tôi không muốn phải xem những “cú ngã thần thánh” phi vật lý sau đó là nhân vật nữ lúc nào cũng dùng bạo lực hét vào mặt MC “baka!” thêm lần nào nữa. Những tropes như vậy đã quá quen thuộc, thấy cả ngàn lần chán chường rồi.

Cuối cùng là sáng tạo hơn trong fanservice, tôi mong muốn chiêm ngưỡng 1 cảnh fanservice độc đáo, đáng nhớ như là cảnh “b.o.o.b matrix” 1 lần nữa. Nhưng mà có lẽ khó để thực hiện vì fanservice chung quy vẫn là những nội dung chất lượng thấp nên chẳng ai đủ rảnh để mà đầu tư công sức nhiều vào.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button