AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Sono Bisque Doll wa Koi Suru – Gây Cảm Nhận Trái Chiều Nhưng Không Thể Ngừng Xem.

Đó là câu nhận xét tổng quát nhất mà mình đúc kết được sau 5 tập của series anime chuyển thể này (và không có spoil những tập sau). Bản thân là một người đọc hết manga vì trailer của anime, sau đó vừa xem anime vừa đọc lại, Sono Bisque gây cho mình khá nhiều cảm xúc lẫn lộn.

Xét về hình ảnh và hoạt họa, ad v4v đã có khá nhiều bài phân tích định kì không thể chi tiết hơn rồi. Nhìn chung về mảng này, studio Cloverworks bước đầu đã khẳng định được thành công. Phong độ hoạt họa khá ổn định mặc dù không tránh khỏi tập outsource. Anime thể hiện cố gắng tôn trọng nguyên tác, nhiều cảnh đều bê nguyên từ manga sang. Tuy thế cũng không thể bỏ qua một số sáng tạo đáng hoan nghênh nhằm tận dụng tối đa ưu thế hình ảnh. Mà ngạc nhiên nhất là sự hoàn thiện rất đáng khen của những cảnh fanservice.

Thú thực thì mình rất khắt khe với những cảnh thêm thắt không giúp gì cho cốt truyện như thế này. Không phải vì định kiến cứ có fanservice là xàm, mà chủ yếu là vì xem một bộ phim thiếu tôn trọng thân thể phụ nữ làm mình rất khó chịu. Thế mà chẳng hiểu vì sao, mặc dù vẫn thấy hơi ngợp vì thời lượng fanservice quá nhiều, nhưng cảm giác lại không quá ngấy ngúa như mình lo ngại.

Nguyên nhân có lẽ đến từ sự nghiêm túc và cầu toàn quá đáng của anime, cái mà đã vượt qua cả manga về độ nhiệt huyết, để tạo ra những cảnh fanservice có chất lượng đáng nể. Đó không chỉ là sự khoe mông khoe ngực hay những tư thế dễ gây hiểu nhầm, mà còn là dàn cảnh, lựa chọn góc nhìn, thay đổi chủ thể nhằm nhấn mạnh vào không khí cảm xúc cho từng phân cảnh. Dù là mình vẫn không thích fanservice, nhưng với Sono Bisque thì không thể không công nhận anime đã xử lý tốt. Fanservice nói chung được làm vừa đủ tới và biết tiết chế, thi thoảng cũng tạo ra những cut vô cùng quyến rũ và xinh đẹp.

Hình ảnh thì khá ổn áp, nhưng nội dung lại là phần dễ gây lẫn lộn giữa thích và không thích. Hầu hết được xây dựng rất ổn và thể hiện được trải nghiệm thực tế, nhưng vẫn có những chi tiết xử lý hơi cứng và thiếu kịch tính.

Phải thừa nhận một điều, nội dung ba tập đầu tiên không quá nổi trội so với một cốt truyện rom-com thông thường. Nam chính Gojou Wakana hướng nội, hiền lành, sống khép kín, không có bạn bè, lại mang một bí mật về ước mơ trở thành nghệ nhân làm búp bê Hina. Nếu không tìm hiểu về truyền thống Nhật Bản, đam mê của Gojou chỉ như một chấm phá vô thưởng vô phạt để làm điểm nhấn cho nhân vật mà thôi. Tuy nhiên đây là yếu tố văn hóa hết sức đặc thù, với nghề làm búp bê Hina là một công việc vừa phải giỏi kĩ năng vừa giàu tính nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự rèn luyện nghiêm túc trong rất nhiều năm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận thẩm mỹ và cuộc sống của Gojou.

Còn về nữ chính Kitagawa Marin – một gyaru sành điệu, hoạt bát, lại sống rất thoáng. Cô chẳng ngại gì mà không thừa nhận mình là một otaku và đặc biệt không hề xấu hổ khi nhắc về sở thích 18+ của bản thân. Hướng xây dựng này làm cho Marin có vẻ rất hoàn hảo và phi thực tế. Cô tồn tại như hình mẫu trong mộng mà bất cứ thần dân A/M cũng từng mơ ước. Nhưng do chưa đủ tuổi mà đã chơi ero game làm cho nhân sinh quan của Marin thật sự có chút đảo lộn. Nó giống như trường hợp bác sỹ nam làm ngành sản phụ vậy, đã quá quen nên thấy rất bình thường. Mà trình độ của Marin đã đạt đến cảnh giới bỏ ra hình ảnh để cảm nhận nhân vật như Shizuku thì đủ hiểu đã thượng thừa đến mức nào. Thành ra việc phơi bày thân thể đối với Marin không mang ý nghĩa hấp dẫn giới, mà cô chỉ bắt chước những gì Shizuku có thể sẽ làm (chân lý hai ten không phải là đời nhé). Lậm game là một chuyện nhưng thực tế Marin dường như chẳng có kinh nghiệm gì với người khác giới, trong khi Gojou – như một cậu trai tâm sinh lý khỏe mạnh – khổ sở không thể tả được.

Điểm nhấn cho cốt truyện phải bắt đầu từ tập 4 mới được thể hiện một cách rõ nét. Từ đây cả Gojou và Marin bắt đầu tập làm quen với những vai trò mới, bổ sung thêm một nhánh ý nghĩa sâu hơn ngoài cảm giác đơn thuần của thanh xuân vườn trường.

Sự phát triển nhân vật Gojou tạo rất nhiều cảm xúc và sự đồng cảm ở mình. Đó là những khó khăn rất hiện thực khi bắt đầu nghiêm túc với một công việc nào đó. Trải nghiệm lần đầu làm trang phục của Gojou được dành một thời lượng đến 2/3 tập phim, tập trung tạo tình huống hết sức từ tốn và tôn trọng nguyên tác. Nhờ sự bố trí lại phân cảnh, tăng cường dấu ấn của hoạt họa, trường đoạn này tạo cảm xúc khá tốt. Deadline chỉ có 2 tuần, mà Gojou vẫn phải đảm bảo thời gian cho biến cố gia đình, cho công việc trong xưởng búp bê, cho kì thi trên trường và ti tỉ thứ khác ngốn mất sức lực của cậu. Khi áp lực đẩy lên đến đỉnh điểm, cậu chỉ còn biết nằm khóc một mình trong căn phòng bề bộn, toàn thân kiệt quệ. Thái độ muốn bỏ cuộc của Gojou rất thật, ngay cả quyết tâm để ngồi dậy và bắt đầu cũng cực kì thực tế. Cảnh Gojou ngồi khâu vá trong nước mắt thật sự khiến mình ấn tượng. Nó phản ánh chân thực thế nào gọi là nỗ lực trong tuyệt vọng, nhất định phải hoàn thành, khi thứ duy nhất bạn còn là niềm tin vào chính bản thân mình.

Song song với đó, thái độ nghiêm túc của Marin với cosplay cũng khiến mình yêu thích. Ngay cả Gojou ban đầu cũng chỉ nghĩ cô đang vui đùa mà thôi, chẳng thể ngờ Marin lại thành thật đầu tư nhiều sức lực và tâm huyết như vậy. Tuy tính cách Marin trái ngược hoàn toàn với Shizuku nhưng cô thể hiện rất nhiều cố gắng để biến đổi chính mình. Nó rất chuyên nghiệp ở chỗ không ngừng điều chỉnh và không ngại khó khăn để tạo ra phiên bản hoàn hảo nhất của nhân vật mình yêu thích.

Nhận xét chung về nội dung, tuy thể hiện một câu chuyện vui tươi và giàu sức sống, nhưng đồng thời Sono Bisque lại mang đến cảm giác rất kiên định và đầu tư nghiêm túc của nghệ thuật chuyên nghiệp. Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa lối tư duy thẩm mỹ phương Đông và quan điểm cái đẹp phương Tây, giữa người thợ thủ công và cô búp bê mặc trang phục (dress-up doll) cùng gặp nhau tại một điểm là sự tận hưởng niềm vui khi được làm những điều mình yêu thích.

Như vậy nói tóm lại thì 5 tập đầu tiên của Sono Bisque làm khá tốt, không có nhiều điểm để chê trách. Trải nghiệm tuy hơi lấn cấn về fanservice một chút nhưng vẫn thú vị. Nếu giữ nguyên phong cách chuyển thể chắc chắn và cẩn thận như thế này, những tập tiếp theo của Sono Bisque hứa hẹn cũng sẽ rất đáng kỳ vọng.

~vivu~

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button