Manga

Chất art của Magus of the Library (Toshokan no Daimajutsushi).

Giờ mới biết tại sao Izumi Mitsu lại tạm dừng 7th Garden mà chủ lực vẽ bộ này. Đọc cuốn quá! Cuối cùng mình cũng bắt kịp chương mới nhất. Vừa đọc xong nên tiện tay viết thêm chút nữa, dù đã có 1 post về bộ này rồi.

Nội dung cốt truyện:” Trong một thế giới giả tưởng cổ xưa lấy cảm hứng từ truyền thuyết các câu chuyện đêm Ả Rập, có một cậu nhóc mang dòng máu lai giữa người – elf được một người chị nhận nuôi, hai người họ sống trong khu ổ chuột.

Một ngày nọ, cậu gặp Sedona, một thủ thư chu du từ thư viện lớn nhất lục địa, cuộc gặp gỡ định mệnh sẽ làm xoay chuyển vận mệnh cả hai”.

Sedona là một “Kafna”, người thuộc tổ chức có nhiệm vụ gìn giữ những “con chữ”. Và những con chữ là yếu tố chính tạo nên sách vở, là phương tiện dùng để ghi chép, bảo toàn văn hóa, dẫn đến sự phát triển và đi lên của loài người. Nên khỏi phải nói, Magus of the Library có sự liên kết rất hay và sâu sắc đến các đề tài chính trị – xã hội, thậm chí rất nhiều chi tiết/sự việc có sự liên tưởng mạnh và lấy cảm hứng từ những câu chuyện đã diễn ra trong lịch sử, lẫn thế giới hiện nay.

Tổ chức này không hẳn là tốt, và họ cũng không tự nhận là tốt, nhưng vị thế của họ lại đóng vai trò chính yếu trong việc bảo vệ hòa bình trên lục địa. Lấy vd, họ “tịch thu” và “lưu giữ” những phiến đá hiện vật được khắc lên những lời răn, để ngăn không cho những thế lực khác sử dụng chúng như thứ vũ khí, động cơ gây chiến tranh tôn giáo. Với người này thì việc làm của họ như đấng cứu thế, lực lượng gìn giữ hòa bình. Nhưng với kẻ khác, hành động của tổ chức không khác gì những tên bạo chúa đang chà đạp và ngăn cản tôn giáo phát triển.

Tác phẩm có nhiều nút thắt xử lý vừa khéo mà cũng tinh tế, càng đọc càng ngấm vì chứa nhiều đề tài bao quát rất nhiều thứ về tình hình chính trị, xã hội. Nhưng điều mình đánh giá cao nhất vẫn là câu chuyện vĩ mô xoay quanh cuộc hành trình của “Theo” (arc đầu là cậu bé, sang arc 2 đã trưởng thành). “Theo” tuy thuộc motif protag tốt bụng, nhưng mọi hành động của cậu đều có suy nghĩ, logic giải thích rõ ràng, cậu luôn nhìn ra khuyết điểm của bản thân, chấp nhận người khác bất kể lý lịch như thế nào (vì chính cậu cũng đã trải qua một quá khứ không mấy dễ chịu). Các nhân vật phụ cũng tạo nhiều điểm ấn riêng, họ có động cơ rõ ràng, góp phần xây dựng các mối quan hệ đa chiều và chân thật, lẫn tạo thiện cảm với người xem khi tác phẩm tiết lộ hoàn cảnh của họ.

Phải đến 4-5 lần mình dừng đọc vì cay cay sống mũi, nghỉ một tí để “chuẩn bị tinh thần” rồi tiếp tục đọc. Chương nào cũng dài, nhưng sự cầu kì chi li về chi tiết hình ảnh chưa bao giờ làm mình hết choáng ngộp. Tác phẩm sau 24 chương vẫn giữ được cái nét hấp dẫn “ma thuật” vốn có, mà lại ngấm ngầm xây dựng và đan xen các tình tiết nhỏ, ta cảm nhận được có thứ gì đó to lớn hơn đang được tác giả kì công chuẩn bị.

Quá hay! Mình rec mạnh! (Đánh giá chủ quan: 9.0/10).

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button