Shiki – Loài Quỷ & Con Người, Ai Mới Đáng Sợ Hơn?
– Lưu ý có spoilers.
Đạo đức là gì? “Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội” (Sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 10 )
Theo định nghĩa trên ta có thể thấy đạo đức, thế nào là đúng, thế nào là sai là dựa trên chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism). Là thuyết cho rằng hành động tốt nhất là hành động đạt được một cách cao nhất những gì được cho là hữu ích, lợi ích ở mức độ cộng đồng, xã hội. Để có được điều đó, con người có thể hy sinh lợi ích cá nhân để giúp ích cho cộng đồng thì được cho là việc tốt. Ví dụ như nhường ghế xe buýt cho người già. Còn những việc mà vì lợi ích cá nhân mà gây hại cho xã hội thì là việc xấu. Ví dụ như hối lộ, tham nhũng làm mất mát tài sản nhà nước. Khá là dễ dàng nhỉ!
Thế nhưng vào năm 1967, nhà triết học Philippa Foot là người đầu tiên đề xuất ý tưởng và sau đó được Judith Jarvis Thomson phổ biến lên thành “vấn đề Trolley”. Có thể nói là một vấn đề rất phổ biến và được trích dẫn trong nhiều tác phẩm. Bởi vì vấn đề này đã đặt ra nhiều câu hỏi đầy thú vị đối với đạo đức.
Cụ thể vấn đề này như sau: “Có 1 đoàn tàu hỏa đang lao rất nhanh trên đường ray và không có cách nào để dừng nó lại được. Trên đường ray có 5 người bị buộc chặt lại và không thể di chuyển. Bạn đang đứng nhìn từ xa kế bên 1 cái công tắc, chuyển công tắc và đoàn tàu sẽ chuyển qua đường ray khác. Thế nhưng trên đường ray này đang có 1 công nhân đang làm việc. Liệu rằng bạn có chuyển công tắc để hy sinh 1 người mà cứu 5?”. Cái này đúng là 1 quyết định liên quan đến mạng sống đầy khó khăn nhưng mà theo chủ nghĩa vị lợi thì phần lớn cũng sẽ đồng ý chuyển công tắc mà thôi để mà giảm thiểu thiệt hại nhất từ vụ việc. Vậy thì có gì đâu mà thú vị và phức tạp? Không chỉ nhiêu đó không đâu!
Bây giờ tưởng tượng thay vì cái công tắc, ta chỉ có 1 người đàn ông cao to, mập mạp đang đứng trước đường ray. Sức nặng của ông ta có thể đủ để dừng toa tàu trước khi nó tới được 5 người kia. Vậy thì ta có dám đẩy người đàn ông kia đến cái ch.ết để cứu 5 người không? Theo chủ nghĩa vị lợi trường hợp này cũng giống như trên, dùng 1 cứu 5 chẳng có gì khác. Thế nhưng nhiều người khi được hỏi lại không dám làm như vậy. Bởi vì, việc này chẳng khác gì tự tay gi.ết người mặc dù ý đồ có tốt đi chăng nữa.
Vấn đề Trolley là 1 đại diện cho những tranh cãi dai dẳng giữa chủ nghĩa vị lợi và lý thuyết đạo đức của Imamanuel Kant. Bởi vì theo Kant, hành động gi.ết người là sai thì sẽ mãi là sai cho dù có bất kỳ vì lý do tốt nào đi chăng nữa. Bản thân thuyết của Kant cũng có mặt bất cập đã được thể hiện trong 1 số tác phẩm ví dụ như trong bộ Monster bác sĩ Tenma không dám gi.ết Johan bởi vì nó là 1 hành động xấu, nhưng nếu không ngăn chặn hắn ta, sẽ ngày càng có thêm nhiều người vô tội phải liên lụy. Hay là việc Batman không thể gi.ết Joker…
Những ví dụ trên cho ta thấy thế nào là đúng, là sai phức tạp hơn ta tưởng nhiều. Điều này thể hiện trong những tác phẩm “đạo đức xám” trắng đen không phân định rõ ràng đã cho ta cái nhìn đa chiều về lĩnh vực luân lý học. Đặc biệt là ở một tác phẩm về đề tài chiến tranh như là Shiki… “Ơ khoan cái đã, Shiki là 1 bộ anime kinh dị về vampire mà?”
Đó là những điều mà tác giả muốn chúng ta nghĩ đến ở phần đầu của tác phẩm. Shiki có khởi đầu không khác gì so với 1 bộ kinh dị điển hình, bối cảnh ở ngôi làng hẻo lánh Sotoba, miền quê Nhật Bản. Khi mà dân làng đột ngột qua đời từng người một không rõ nguyên nhân, báo hiệu 1 loại dịch bệnh mới lạ xuất hiện. Cùng với đó là gia đình mới chuyển đến Kirishiki đã gây ra sự náo động trong một vùng đất vốn yên tĩnh, bình lặng. Ta cùng theo chân bác sĩ Ozaki, và cậu học sinh Natsuno điều tra manh mối của những cái ch.ết bí ẩn này. Cùng với đó, phần lớn thời lượng của bộ anime cũng dành để tập trung xây dựng nhân vật với dàn char rất lớn có đủ mọi loại người khác nhau. Có những nhân vật đáng quý như bác sĩ Ozaki tận tâm lo cho dân làng cho đến nhân vật Murasako, có thể nói là người khó chịu nhất bộ anime, ai xem rồi cũng ghét thằng này hết.
Tại sao lại dành quá nhiều thời gian vào những nhân vật quần chúng khác nhau và khám phá ra bí ẩn gì mà đến mười mấy tập với pacing chậm rì, trong khi khán giả đã biết trước từ lâu là do vampire gây ra rồi. Tác giả Shiki dường như là đang kiên nhẫn chờ đợi 1 điều gì đó. Thế rồi nó đã đến! Bác sĩ Ozaki là người đã “khai hỏa phát súng đầu tiên” khi mà chính tay thí nghiệm lên cơ thể của vợ mình, lúc này đã biến thành thi quỷ. Ta có thể thấy hành động của Ozaki là tàn nhẫn nhưng hãy nhìn lại tình cảnh của anh lúc này. Dân làng đã ch.ết rất nhiều trong khi anh không thể làm được gì, với tư cách là 1 bác sĩ bảo vệ tín mạng của người dân, anh đã bị đẩy đến đường cùng, sức tàn lực kiệt. Chỉ còn cách duy nhất là hy sinh người vợ của mình thôi, và anh đã cố nghĩ đó chỉ là 1 cái xác ch.ết để bớt đi mặc cảm tội lỗi.
Shiki lúc này mới lộ ra bản chất của mình giống như 1 con bướm chui ra khỏi vỏ sau quá trình ủ kén lâu ngày. Việc tác giả xây dựng nhân vật kỹ càng cũng được thể hiện mục đích đó là khắc họa 1 xã hội thu nhỏ của cả con người và vampire tại ngôi làng Sotoba. Tác phẩm đã quay ngắt 180 độ trở thành cuộc chiến tranh giành giật sự sống 1 mất 1 còn giữa con người và thi quỷ. Giây phút mà dân làng nhận ra cội nguồn của vấn đề, bao nhiêu ấm ức, đau khổ, buồn bã suốt thời gian dài đã chuyển thành 1 làn sóng thù hận đầy mạnh mẽ nhấn chìm tất cả vào biển máu và biển lửa.
Ta thấy sự chuyển dịch đầy nhanh chóng, từ bác sĩ Ozaki là biểu tượng của sự chăm lo, tình thương cho dân làng đã bị thay thế sự lãnh đạo bằng lão Tomio Ookawa, có thân hình to lớn, bặm trợn, chòm râu dài cứ như hình tượng của một lão tướng thời xưa. Sự túc giận đã lên đỉnh điểm, họ bắt đầu đi săn, tìm diệt tất cả vampire và những người đã bị chúng cắn. Cuộc chiến tưởng là gây cấn thì cuối cùng chỉ là thảm sát từ 1 phía. Giờ ta mới hiểu tại sao Sunako mong muốn tiêu diệt con người trước khi họ kịp nhận ra, là bởi vì thi quỷ thật ra sợ con người. Họ hoàn toàn thua kém con người do không thể ra ngoài ban ngày. Điều thú vị ở đây đó là dân làng dùng những biện pháp rất là bình thường để tiêu diệt vampire như đóng giáo vào tim hay dùng ánh sáng thiêu đốt chúng như mấy bộ khác có cùng chủ đề thôi. Nhưng lần này nó khiến khán giả cảm thấy tàn nhẫn, độc ác hơn rất nhiều vì những con vampire đó có cảm xúc, ý nghĩ, biết đau khổ, biết than khóc, hối hận, chẳng khác gì con người và thậm chí mang hình hài của những người thân của họ nữa.
Liệu chúng chỉ là 1 cái xác vô hồn hay thật sự là 1 giống loài con người khác? Lúc này, họ không muốn phải nghĩ nhiều nữa. Shiki đã cho ta thấy những mặt tăm tối nhất, ghê tởm nhất của con người khi bị thù hận dẫn lối, dễ dàng đến thế nào để phi nhân tính hóa kẻ địch, xem họ là ác quỷ mà cũng đang tự loại bỏ nhân đạo và biến chính mình thành ác quỷ luôn.
Tất cả nhân vật trong bộ anime chỉ có 2 lựa chọn duy nhất đó là theo phe thi quỷ hay là phe con người cũng giống như vấn đề trolley. Không những thế, chính khán giả cũng phải như vậy. Chúng ta có thể thấy ở phần comment của bộ này cũng có sự chia phe, người thì lên án con người, tội nghiệp vampire, người thì bảo con người chẳng làm gì sai đấu tranh vì sự sinh tồn của bản thân thôi.
Hmm, tôi tự hỏi không thể có lựa chọn thứ 3 à? Trong tác phẩm hoàn toàn không có chi tiết nào quy định vampire buộc phải gi.ết con người cả. Thậm chí có nhân vật còn đề xuất con người truyền máu cho vampire rồi sau 1 thời gian cơ thể họ sẽ tự sản sinh ra máu mới, khiến cho 2 chủng loài có thể chung sống với nhau. Thế nhưng mọi đề nghị đó đã bị bác bỏ và được cho là chuyện hoang đường bởi vì tất cả thi quỷ đã bị “tẩy não” với tư tưởng của Sunako rằng chỉ 1 loài được phép tồn tại mà thôi. Nhưng mà khi ta thấy được quá khứ của Sunako, thì rốt cuộc cô cũng vì hoàn cảnh của chính mình, thời gian quá lâu dài đấu tranh sinh tồn giữa xã hội loài người bằng cách lén lút gi.ết chóc, xa rời tình thương của cha mẹ bời vì trước khi cô kịp nhận ra thì họ đã ch.ết rồi.
Hay như nhà sư Muroi là con người duy nhất trong làng làm bạn với Sunako và có thể hiểu được những sự hối hận, cảm thấy tội lỗi của phía vampire. Đáng lẽ anh ta có thể thuyết phục Sunako dừng gi.ết chóc hay làm cầu nối với dân làng trước khi mọi việc đi quá xa, thế nhưng cuối cùng anh ta cũng cuốn vào vòng xoáy của bạo lực, phải theo phe vampire mà giúp kẻ gây ra mọi chuyện là Sunako trốn thoát. Để rồi cô ta lại có thể đến ngôi làng khác gây nên những cuộc chiến tranh giống như vậy, thù hận đẻ ra thù hận, chiến tranh đẻ ra chiến tranh không hồi kết.
Cái kết của Shiki là đầy tuyệt vọng, éo le ngang trái thế nhưng theo tôi thì nó lại phù hợp với tính chất của tác phẩm. Bởi vì Shiki chưa bao giờ có hy vọng, điều gì tươi sáng cả, tất cả gắn chặt với khung cảnh ngôi làng nhỏ hiu quạnh và bầu không khí đầy ngột ngạt buồn bã.
Tuy là một tác phẩm không phải dễ xem vì nhiều gore, bạo lực, và sự phức tạp nhưng Shiki đã cho ta bài học đầy thú vị về chiến tranh và chủ nghĩa vị lợi. Bởi vì trong chiến tranh nhiều người sử dụng chủ nghĩa vị lợi, vì lợi ích của đất nước, xã hội để gây chiến nhưng thật ra chỉ để che dấu sự vị kỷ, vì tham vọng của kẻ đứng đầu, vì thù hằn, tư tưởng cực đoan,…mà gây ra tang hoang, đau thương mất mát, thật ra là đã đi ngược lại với sự vị lợi.
Vì tư tưởng phản chiến đầy mạnh mẽ như trên đối với tôi Shiki là 1 tác phẩm phá cách và rất đáng nhớ trong dòng anime kinh dị. Có thể nói là 1 bộ đầy đáng sợ nhưng sự đáng sợ kia không đơn thuần đến từ loài quỷ dữ không đâu.