AnimeFirst Impression

Fall Anime 2021’s Hidden Gem – Gyakuten Sekai no Denchi Shoujo

Số tập: 12

Studios: Lerche

Nguyên tác: Original

Thể loại: Action, Comedy, Mecha, Sci-Fi

Mùa: Fall 2021

Ban đầu lưỡng lự một hồi, thì thôi mình quyết định viết luôn. Trong Fall Anime 2021, nếu bạn hỏi mình giới thiệu một bộ nào đấy ít nổi, ít người biết đến, là một “hidden gem” của riêng mình, thì đấy sẽ không phải là Sakugan, Tsuki no Laika, Ousama Ranking của WIT, hay thậm chí là Heike Monogatari do Naoko Yamada thực hiện, mà đấy sẽ là Gyakuten Sekai no Denchi Shoujo (tên Eng là Rumble Garanndoll, ngắn gọn thì mình sẽ dùng tên Eng để gọi tác phẩm trong bài này).

Sơ qua về Rumble Garanndoll và nội dung. Đây là dự án original, được thực hiện bởi studio Lerche và một đạo diễn mình rất thích, đó là Masaomi Andou. Một số tác phẩm tâm đắc của mình mà ông đã thực hiện phải kể đến Astra Lost in Space (một bộ du hành không gian với quả twist rất hay mà bạn không thể bỏ qua), White Album 2, Scum’s Wish, School-Live, Hakumei and Mikochi … Trong đa phần những tác phẩm ông đảm nhận chính, nếu đã xem qua thì chắc bạn cũng nhận ra rằng Andou rất thích thực hiện những bộ “nhìn bề ngoài thế này nhưng bên trong lại thế kia”. Và đến với Rumble Garanndoll thì Andou đã có đất để dụng võ, tha hồ bay bổng thể hiện phong cách “sáng tạo” của riêng bản thân.

Rumble Garanndoll lấy bối cảnh tại Nhật, khi một vết nứt không gian hé lộ nên nước Nhật song song vẫn còn trong thời kì “Showa” mang chế độ quân phiệt và công nghệ hiện đại. Cuộc chiến xảy ra, nước Nhật quân phiệt dành chiến thắng, kiểm soát chính phủ và đồng thời cấm hết … văn hóa otaku (manga, anime, idol, etc … ). Nhưng đâu đó vẫn còn một bộ phận đứng lên đấu tranh …

Nghe tóm tắt nội dung, ai cũng sẽ đoán ra đây là một bộ … fanservice. Đúng chứ không sai. Nhìn ảnh bìa thì bạn cũng có thể xác định tác phẩm sẽ có yếu tố mech. Cũng đúng luôn! Nhưng những điều trên chỉ … bán phần thôi. Nó giống như khi nói Konosuba là một bộ isekai trong khi bạn lại không cân nhắc yếu tố “đá đểu” của Konosuba lên thể loại này vậy, hay như nhận xét Neon Genesis Evangelion, Gurren Lagann là một bộ thuần mech, chỉ vì ảnh bìa có đám mech mà quên xét đến những yếu tố “Gainax/Hideaki” còn lại đã làm nên 2 bộ trên.

“Đừng trông mặt mà bắt hình dong” cũng sẽ được áp dụng vào trường hợp này, nhất là khi tác phẩm được Andou thực hiện với phong cách nhìn vẻ ngoài một nẻo nhưng bên trong nẻo kia!

Thế cái bên trong này là gì? Mở đầu tập 1 là xã hội utopia bị kiểm soát nghiêm ngặt bởi chính quyền quân phiệt, rồi tiếp đến, tác phẩm giới thiệu với người xem nam dẫn Hosomichi – một người yêu thích văn hóa otaku nhưng phải giấu nhẹm đi. Khi tháo cặp mắt kính, Hosomichi là một người khác hẳn, vui vẻ, hòa đồng, thân thiện và ga lăng hơn. Nói chung là một nhân cách khác hẳn, một vỏ bọc con người anh tự tạo ra để có thể tồn tại trong xã hội.

Nhìn vẻ bề ngoài, plot liếc có hơi ngớ ngẩn, “ảo ma” và có phần khác lạ với đa phần những bộ mech khác bạn từng xem. Nhưng nếu bạn liên hệ đến thực tế, đến đời sống hiện nay, thì chủ đề tác phẩm sẽ có ý nghĩa rõ ràng hơn!

Thế lực quân phiệt cấm đoán văn hóa otaku tượng trưng cho xã hội Nhật hiện nay. Cộng đồng otaku ở Nhật Bản hiện nay vẫn còn là một cộng đồng bị dè bỉu, vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Thế lực này được phác họa là một thế lực xấu, bảo thủ đến mức cực đoan, muốn cấm tuyệt mọi thứ liên quan đến otaku. Sâu xa hơn, thế lực này (The Truth Army – Quân Đội Sự Thật) cũng tượng trưng cho sự kiểm duyệt cấm đoán của nhiều bộ luật mới tại Nhật trong những năm gần đây.

Về phần Hosomichi, anh tượng trưng cho một thế hệ say mê A-M, lớn lên với văn hóa otaku, nhưng lại phải giấu nhẹm đi sở thích này mà khoác lên bộ mặt giả tạo, chỉ để hòa hợp hơn với cộng đồng mà kiếm miếng ăn qua ngày. Thế giới trong tác phẩm là một thế giới mà những con người yêu thích văn hóa otaku bị chèn ép, áp đặt đủ điều. Quân làm phản, những người dám chống lại thế lực quân phiệt, được gán cho cái tên “escapists” (những kẻ trốn thoát), như hình ảnh đại diện cho sự tự do biểu đạt (freedom of expression) sở thích của họ ra ngoài xã hội. Văn hóa otaku tạo ra niềm vui trong cuộc sống, không có nó thì cuộc đời sẽ buồn tẻ và chán biết bao nhiêu. Hoshomichi bị cuốn vào cuộc chiến, một bên là lề lối bảo thủ, cấm đoán trong suy nghĩ, với một bên là sự tự do của ý chí, của một xã hội không có sự dị nghị hay dèm pha.

Rumble Garanndoll tuy vẻ bề ngoài chỉ trông như một bộ fanservice thuần túy, mà bên trong thì lại ẩn sâu nhiều đề tài xã hội rất thú vị và nóng bỏng hiện nay.

Sẽ là thiếu sót nếu ta bỏ qua yếu tố … fanservice trong tác phẩm. Uhm đúng rồi đấy, Rumble Garanndoll có chủ đề về văn hóa otaku nên tác phẩm sẽ có rất, phải nói là rất nhiều reference và easter eggs vụn vặt về những bộ anime làm mưa làm gió trong cộng đồng khi xưa như Gurren Lagann, Neon Genesis Evangelion … hay những ref về tokusatsu. Ta không thể không nhắc đến sự dễ thương của em Rin trong bộ đồ được lấy cảm hứng thiết kế từ Mega Man, khác với Hosomichi, Rin được phác họa là cô gái mạnh mẽ, có niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa otaku, nhưng lại không tìm được người “tâm đầu ý hợp” để trò chuyện. Mối quan hệ giữa Hosomichi với Rin sẽ là điểm nhấn của tác phẩm khi một anh chàng sống khép mình tình cờ để lộ ra nhạc chuông về bài nhạc anime yêu thích của Rin. Liệu sự năng nổ của Rin có giúp Hosomichi mở lòng mà tự do thể hiện, sống thật hơn với bản thân không? Đạo diễn Andou vốn có tay nghề lão luyện trong xây dựng và phát triển nhân vật (Scum’s Wish, White Album 2 … ) nên tương tác giữa Rin và Hosomichi diễn ra vừa thú vị, mà lại tự nhiên. Tập 2 còn có tình huống “đẩy căng” mối quan hệ này lên một bậc, tạo ra chiều sâu cần thiết.

Nhìn chung, Rumble Garanndoll là tác phẩm mình nghĩ sẽ kén khán giả theo dõi, nếu như bạn chỉ nhìn mặt mà bắt hình dong. Nhưng nếu bạn có sự hứng thú về văn hóa otaku nói chung, kèm với nhiều đề tài xã hội nóng bỏng hiện tại, và muốn tìm kiếm câu trả lời qua góc nhìn của đạo diễn Masaomi Andou, muốn xem ông giải quyết sự xung đột giữa hai quan điểm bảo thủ vs phóng khoáng thế nào, thì chắc chắn đây là một tác phẩm phải xem. Hay đơn giản hơn, bạn cần một bộ tắt não để giải trí, để ngắm độ siêu cute của em Rin, hoặc chỉ đơn thuần là “thử độ nghiện” và đánh giá khả năng biết-nhiều-ít của bạn về A-M mà bạn có thể “đào được” từ những refs/easter eggs xuyên suốt Rumble Garanndoll, thì đây là một bộ dành cho bạn.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button