Đạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustry

Cùng Tìm Hiểu Về Đạo Diễn Của Komi-san – Ayumu Watanabe

Bác v4v và tôi một cách khá là trùng hợp lại muốn viết bài về vị đạo diễn này. Trong bài viết của bác v4v đã có đề cập khá là chi tiết về kỹ thuật điện ảnh (cinematography) mà Watanabe-san sử dụng trong bộ Komi-san một cách đầy ấn tượng. Nhưng mà những người đọc bài viết kia chắc sẽ là khá là bỡ ngỡ trước tên tuổi của vị đạo diễn. Ông Watanabe này chắc không phải là Shinichiro Watanabe lừng danh từng đạo diễn Cowboy Bebop hay Samurai Champloo đâu nhỉ? Vậy thì tại sao một cái tên có vẻ khá xa lạ lại khiến cho 2 ad của page này tỏ ra hứng thú đến như vậy?

Do đó, các bạn khỏi lo, mình xin được dùng bài viết này để giải thích sự phấn khích của mình cũng như xin được giới thiệu đến các bạn độc giả một trong những đạo diễn underrated nhất trong giới anime mà mình đã chú ý từ lâu.

Đạo diễn Ayumu Watanabe bắt đầu sự nghiệp của mình một cách khá là lạ lùng bằng cách làm thiết kế nhân vật và sau đó là đạo diễn những bộ movies của franchise gắn liền với tuổi thơ của chúng ta đó là Doraemon. Tôi thật sự bất ngờ khi khám phá ra điều này bởi vì lần đầu tôi được biết đến tên của vị đạo diễn này là qua bộ “After the rain”. Ai mà ngờ đạo diễn của 1 bộ seinen dành cho người trưởng thành lại từng làm phim cho trẻ em chứ. Cộng thêm 1 điều nữa là ông không những đạo diễn 1 hay 2 movies của Doraemon mà đến tận … 18 bộ, đó là gần 1 nửa số movies của Doraemon hay 1 nửa tuổi thơ của tôi.

Trong những bộ movies trên, bộ mà tôi ấn tượng nhất còn nhớ là “Nobita và người khổng lồ xanh”, đó là 1 tác phẩm có hình ảnh ấn tượng, và thông điệp bảo vệ môi trường cảm giác giống như phim của đạo diễn Hayao Miyazaki. Tôi không biết rằng Ayumu Watanabe-san lấy cảm hứng, chịu ảnh hưởng từ đạo diễn nào bởi vì có rất ít bài phỏng vấn và tài liệu về ông, thế nhưng nếu là từ Miyazaki-san thì không có gì bất ngờ. Bởi vì những tác phẩm ông sau này rất chú trọng vào vẻ đẹp của nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh và sử dụng kỹ thuật điện ảnh rất thành thục.

Năm 2012, cuối cùng ông cũng thoát khỏi việc đạo diễn Doraemon mà chuyển sang làm một bộ TV-series không dành cho trẻ em, thế nhưng đó lại là 1 bộ mà hai nhân vật chính thích trao đổi và nếm … nước bọt của nhau. Yeah, bạn không đọc lầm đâu. Nazo no kanojo X có thể nói là một trong những bộ romance, học đường lạ lùng nhất. Một số người thậm chí còn cho rằng nó tởm. Tuy nhiên, đừng vì cái ý tưởng như vậy mà bỏ qua tác phẩm này bởi vì đây là một trong những bộ romance dễ thương, wholesome nhất tôi từng xem. Nó thực sự rất hay! Và về bản chất thì hôn nhau cũng không quá khác biệt đâu :v

Sau đó thì ông đạo diễn một bộ ít dị hơn và được đánh giá cao đó là “Space brother” nhưng mà nó đến 99 tập. Tôi đã nghe một số người khen ngợi bộ này nhưng vẫn chưa có thời gian để bắt đầu xem. Nếu mà nhiều năm về trước thì cày cả trăm tập không sao còn giờ thì rất khó. Nhưng mà tôi sẽ cố gắng để xem thử trong tương lai vì chủ đề không gian của bộ này cũng là một thứ mà tôi rất thích.

Rồi, giờ ta đến hai bộ chính mà tôi yêu thích của Watanabe-san đó là “Koi wa Ameagari no You ni” và “Kaijuu no kodomo”.

“Koi wa Ameagari” cũng giống như bộ Kanojo X có chủ đề có thể làm một số người bảo tởm vì tình cảm chênh lệch tuổi tác giữa 2 nhân vật chính cách nhau đến hơn “hai con giáp”. Thế nhưng nó lại vượt qua chủ đề đó một cách tuyệt vời và trở thành một trong những bộ anime tình cảm hay nhất tôi từng xem. Bởi vì những suy nghĩ đầy chính chắn và thấu đáo của các nhân vật. Và cách mà tác phẩm không những miêu tả mối quan hệ của hai người mà còn sử dụng tình cảm đó để giúp cho nhân vật trưởng thành và có niềm tin vào cuộc sống hơn. Đó là thứ mà tôi cần nhất ở một bộ romance, thấy tình yêu tác động đến cuộc sống của cả hai người, theo cách cho đi và nhận lại.

Ở đây thì sự đóng góp của đạo diễn Watanabe-san là rất lớn khi ông đã dùng hình ảnh, kỹ thuật cinematography và âm nhạc làm nâng cao giá trị nội dung của tác phẩm lên rất nhiều cộng với việc thay đổi cái kết cho ý nghĩa hơn cả manga, khiến tôi hoàn toàn tự tin cho rằng đây là 1 chuyển thể rất thành công, hay hơn cả manga. Vậy mà tại sao trên MAL lại cho bộ này có 7 chấm mấy trong khi chất lượng nội dung và nghệ thuật cả 2 lại rất tốt? Nhiều người vẫn còn ngại cái chủ đề à? Mà với tôi chủ đề không quá quan trọng, thứ quan trọng nhất vẫn là cách thể hiện, truyền tải nội dung mà thôi.

Còn ở “Kaijuu no kodomo”, việc chuyển thể bộ manga có “nét vẽ đẹp nhất hiện nay” theo lời của mangaka gạo cội Naoki Urasawa không phải là chuyện dễ dàng gì. Thì Watanabe-san đã tập hợp dàn staff toàn nhân tài, Shinji Kimura là đạo diễn art “huyền thoại” từng vẽ background cho Akira, Kekkai Sensen, Steamboy, Angel egg, My Neighbor Totoro, đạo diễn animation từng là animator từ studio Ghibli và những phim của đạo diễn Satoshi Kon, âm nhạc Joe Hisaishi, một cái tên đã gắn liền với studio Ghibli qua bao năm tháng.

Với dàn staff “khủng bố” như vậy thì đạo diễn Watanabe-san đã cho ta một trong những bộ anime đẹp nhất từng xem, một trải nghiệm hình ảnh và âm thanh đầy tuyệt vời và khó quên không những phát huy những vẻ đẹp từ nét vẽ của mangaka Daisuke Igarashi mà còn nâng tầm bầu không khí bí ẩn, kỳ diệu đầy choáng ngợp.

Tuy nhiên cũng giống như bộ Kanojo X và After the rain thì bộ này cũng gặp vấn đề đó là rush nội dung quá nhiều của một bộ manga đã kén người đọc sẵn khiến nó rất là khó hiểu. Tôi hiểu được nhiều người không hài lòng ở sự lượt bỏ nội dung này thế nhưng nếu suy nghĩ lại thì ta cũng không nên đổ lỗi cho dàn staff cho việc này. Cũng giống như bộ Koe no Katachi đã được đạo diễn Naoko Yamada-san thể hiện tuyệt vời với phong cách đạo diễn và nghệ thuật visual storytelling đỉnh cao. Thì việc quyết định chuyển thể một manga khá dài chỉ gói gọn trong 1 movie là do quyết định của production committee hơn, cho dù có là siêu nhân hay là thánh thần đi nữa cũng không thể nào nén hết nội dung vào một thời lượng hạn chế đến vậy. Nên tôi vẫn nghĩ dàn staff đã thực hiện nhiệm vụ được giao quá tốt, vẫn truyền tải được thứ quan trọng nhất là vẻ đẹp trong artstyle đầy ma mị của tác giả Igarashi.

Như các bạn đã thấy những bộ của đạo diễn Ayumu Watanabe có những vấn đề khiến chúng không được phổ biến và công nhận rộng rãi và cũng khiến tên tuổi của ông ít người biết đến mặc dù tài năng là có thừa. Cho nên tôi thực sự vui mừng vì tác phẩm lần này Komi-san, vốn là 1 bộ đã nổi tiếng sẵn và có lượng fan khá lớn và nhờ vậy mà tôi có thể dựa vào đó để giới thiệu cho mọi người biết đến ông nhiều hơn.

Mặc dù áp lực chuyển thể một tác phẩm nổi tiếng là rất lớn nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng ông với kinh nghiệm của mình sẽ gặt hái nhiều thành công trên con đường sắp tới.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button