Makima và Chainsaw Man – Phức Tạp Hơn Bạn Nghĩ!
[Cảnh báo có Spoilers!]
Lúc đầu tôi định đặt tựa đề của bài viết kiểu như là “Makima là nhân vật phản diện đầy phức tạp”. Nhưng mà chỉ cần đề cập đến cô ta như là 1 nhân vật phản diện thôi cũng đã là 1 spoilers rất lớn rồi. Cho ta thấy rằng việc bàn luận đến nhân vật này là không thể tránh khỏi việc spoil cốt truyện. Nên trong bài viết này đành phải đề cập đến phần lớn nội dung trong tác phẩm nhằm có thể thoải mái hơn khi phân tích nhân vật này và cả bộ manga. Bạn nào chưa đọc qua Chainsaw man thì đã được cảnh báo rồi nhé.
¤ 1. Một nhân vật đa chiều
Thoạt nhìn vào Makima, chúng ta thấy cô ta ăn mặc rất đơn giản có vẻ bề ngoài bình thường nhất trong tất cả dàn nhân vật của tác phẩm này. Cùng với tính cách lạnh lùng, vẻ mặt đầy giả dối của cô ta làm không ít người ghét và cho rằng cô ta là điểm yếu của bộ này. Trái ngược lại cũng có hàng đống simps làm người không thích lại thích làm chó, suốt ngày thả “Gâu gâu” vào fan art hay cosplay của cô nàng này .
Đúng với bản chất phản diện của mình, thì cô ta dĩ nhiên phải gây nhiều sự tranh cãi có người thích, người ghét. Cái đó thì tùy từng người, thế nhưng tôi hoàn toàn không đồng ý với việc cho rằng cô ta là 1 nhân vật phản diện được xây dựng tệ và hời hợt. Tôi hoàn toàn có thể nói Makima là 1 nhân vật đầy phức tạp và là 1 trong những phản diện nữ ấn tượng nhất trong những bộ mà tôi đã từng đọc và xem.
Chính tác phẩm Chainsaw man cũng giống như vậy, trên bề mặt thì có nhiều giá trị mang tính giải trí, với độ edgy, hành động ngầu cho những bạn nào thích sự kỳ dị, mới mẻ hơn so với những bộ Shounen jump khác. Tuy nhiên, ở bên trong nó cũng chứa dựng rất nhiều chi tiết đầy thú vị, dành cho những fan muốn tìm hiểu sâu hơn. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu của 1 tác phẩm đầy giá trị có khả năng đọc đi đọc lại nhiều lần.
• Bản chất quỷ của Makima
Makima chính là quỷ chi phối cho nên cô ta lúc nào cũng muốn điều khiển người khác làm theo mọi ý muốn của mình, làm trái ý với cô ta đồng nghĩa với cái chết. Điều này thể hiện rõ ràng ngay từ những chap đầu rằng cô ta chỉ xem Denji như là một con chó để sai bảo, nhiệm vụ của cậu chỉ là tuân lệnh và cô ta sẽ cho cậu một cuộc sống mà cậu muốn.
Bình thường nếu có 1 cấp trên đáng sợ như vậy bạn sẽ phải “vắt chân lên cổ mà chạy” thế nhưng tại sao không những Denji mà mọi thuộc hạ của cô đều tỏ ra yêu quý và kính trọng cô? Bởi vì cô ta “yêu” con người thực sự.
• Sự “yêu mến” con người của cô
“Yêu” ở đây dĩ nhiên không phải như tình cảm giữa người và người với nhau. Mà là tình cảm giữa người và thú cưng. Điều này thể hiện rõ ở ngoại hình của cô. Loài quỷ càng dị dạng, quái vật thì càng ghét con người nhiều và trái ngược lại Makima hoàn toàn y như 1 con người không có gì khác biệt chứng tỏ cô ta thích con người đến nhường nào.
Thế nhưng vì là quỷ nên cô ta hoàn toàn không hiểu tình cảm giữa con người với nhau là gì nên chỉ biết đối xử với họ như là 1 loài vật nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng cô ta là kẻ đầy giả tạo đối xử tốt với mọi người chỉ để thực hiện kế hoạch của mình. Thế nhưng chi tiết nhà của Makima nuôi chó và cô ta hoàn toàn vui vẻ bên chúng mặc dù những con chó đó chẳng có tác dụng gì trong kế hoạch của cô thể hiện rằng cô thực lòng thích chúng và đối với Makima con người cũng như vậy thôi.
Thế thì tại sao thích con người nhưng Makima lại có thể tàn nhẫn ra tay gi.ết hại nhiều người đến vậy? Đây là 1 hành động khá là cơ bản của những phản diện được xây dựng tốt như Griffith, Bondrewd,… Hy sinh số nhỏ để lợi ích số đông tức là chủ nghĩa vị lợi. Mục đích của cô đó là điều khiển được sức mạnh tối hậu trong người của Denji – Chainsaw man để ăn những con quỷ gây ra khổ đau và nỗi sợ hãi cho con người. Khi những con quỷ đó bị ăn, chúng sẽ hoàn toàn biến mất và đồng thời khái niệm về chúng cũng bị xóa bỏ, con người sẽ sống một cuộc đời ấm no, hạnh phúc mãi mãi mà không hề biết đến những thứ đầy đáng sợ như bệnh dịch, chiến tranh, bom đạn,… kia. Một thế giới hoàn hảo được cô bảo vệ giống như ngôi nhà ấm cúng cùng những chú cún của mình.
Kế hoạch trên nghe có vẻ tốt… Makima trở thành một người tốt à? Ha ha, Không! Cũng giống như Griffith, Bondrewd, Makima chỉ dùng thứ chủ nghĩa vị lợi trên để che giấu sự vị kỷ, mong muốn thực sự của cô ta đó là được trở thành người, có mối quan hệ bình đẳng với con người.
• Mong muốn thực sự của Makima
Điều này chỉ được Pochita tiết lộ ở chap cuối truyện. Nhiều người đọc tới đây nghĩ rằng tác giả tự tạo ra để cho phù hợp cái kết bình yên à? Nhưng mà Fujimoto-sensei đã lồng ghép chi tiết đầy kéo léo để gợi ý cho ta từ những chap trước rồi.
Hãy để ý tới chi tiết Makima và Denji đi xem phim và cả hai cùng khóc nức nở trước cảnh 2 người ôm nhau. Thể hiện cả hai đều giống nhau mong muốn được thương yêu, ôm ấp như là một con người. Mặc dù cả hai có hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Denji ở tận cùng đáy của xã hội, luôn bị xem như 1 công cụ muốn vứt bỏ khi nào cũng được nên luôn bị người ta hạ thấp, xem thường mình, còn Makima thì lúc nào cũng đứng trên mọi người nên cô không thể nào hiểu được việc được đối xử bình đẳng là gì.
Sự giống và cả trái ngược hoàn toàn nhau giữa hai nhân vật này thể hiện khả năng xây dựng nhân vật đầy công phu của tác giả. Trái ngược với những nhận định cho rằng Makima đơn giản thì ta thấy cô có 3 lớp tính cách thể hiện rõ ràng vừa mâu thuẫn vừa là hệ quả của nhau đầy thú vị, không thua kém gì với những phản diện nổi tiếng khác.
Thế thì tại sao tác giả lại xây dựng cô phức tạp đến vậy. Mục đích của nhân vật Makima và cả Chainsaw man là gì?
¤ 2. Makima – một vị chúa thiếu thốn tình thương, chỉ dựa trên lòng thù ghét
Chúng ta đều biết Makima là quỷ chi phối, nhưng mà nó quá chung chung, ai chi phối ai, chi phối về điều gì? Để hiểu về điều này chúng ta hãy xem những con quỷ mà Makima tiết lộ bản thân mình đã chi phối từ đầu truyện đến giờ ở chap 83.
Đó là Seraphim, Beam, Galali, Dominion, Virtue, Princi, Power và Angel. Đầu tiên thì cái tên Angel là tự giải thích luôn rồi không cần phải nói nhiều. Seraphim, Dominion, Virtue, và cả cô nàng Power đều là những cái tên của các thiên sứ dựa trên kinh thánh. Princi là viết tắt của “Principalities” cũng là thiên sứ nhưng ở tầng thứ 3 thấp hơn những cái tên kia. Chỉ có Beam và Galali là không có sự liên hệ rõ ràng với tên của các angels nhưng ta vẫn có thể liên tưởng như “Beam of light” – ánh sáng của Chúa, hay thiên sứ Gabriel… Kể cả 2 cái tên còn lại tác giả có “tự chế” đi chăng nữa thì với 6 cái tên quá rõ ràng kia ta có thể thấy những thuộc hạ của Makima điều tượng trưng cho thiên sứ, vậy thì Makima là Chúa sao?
Dĩ nhiên không phải là Chúa trong kinh thánh thật rồi, mà Makima là 1 vị chúa giả. Hay nói đúng hơn thì cô ta là một con quỷ được tạo nên bởi con người và đang cố gắng đóng giả thành Chúa. Cô ta chính là 1 thực thể tượng trưng cho 1 chế độ, xã hội toàn trị muốn triệt tiêu sự tự do ý chí của con người.
Đối lập với Makima thì sức mạnh ẩn sau Denji – Chainsaw man chính là sự tự do ý chí. Đó là lý do tại sao Makima luôn muốn thống trị Chainsaw man nhằm loại bỏ sự tự do cuối cùng của con người khiến cô ta trở thành Chúa thực sự. Còn những nhân vật chống lại Makima trong suốt bộ truyện như người Kiếm và đồng bọn, Reze, Quan-xi và các sát thủ khắp nơi trên thế giới, ngay cả tổng thống Mỹ triệu hồi quỷ súng tại sao không thể đánh bại cô ta mà còn khiến ả ngày càng mạnh hơn?
Đặc điểm của những xã hội toàn trị đó là chúng sẽ được chi phối bởi sự lo sợ và thù ghét hơn là tình người với nhau. Bởi vì những sự lo sợ, thù ghét trên khiến cho con người mù quáng và mất lý trí để rồi dễ dàng bị điều khiển hơn. Ví dụ trong anime ta có xã hội Marley (AOT) được xây dựng trên sự thù ghét chủng tộc Eldia. Còn trong lịch sử thì ta có ĐQX, cả một chế độ dựa trên nền tảng của phân biệt và thù ghét chủng tộc.
Người kiếm, Reze, Quan-xi,… tượng trưng cho những lực lượng nổi dậy chống lại chính quyền, bọn họ mong muốn có được Chainsaw-man, mong muốn có được sự tự do nhưng mà họ lại dùng vũ lực, gi.ết chóc vô số người để rồi gây nên thù hằn càng thêm sâu đậm, bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực không hồi kết. Và nhờ thế chính quyền toàn trị kia lại càng có cớ để mà đàn áp mạnh tay hơn khiến họ cũng bị những kẻ đứng đầu điều khiển như những quân tốt mà thôi. Chúng ta thấy rõ điều này khi mà Makima có khả năng điều khiển các phương tiện truyền thông sao cho có lợi cho mình và việc tác giả liệt kê chi tiết từng cái tên bị gi.ết bởi quỷ súng như 1 bài báo, 1 bản tin nóng càng cho ta ấn tượng mạnh về sự tàn ác của lực lượng nổi dậy mà thôi.
Cụ thể như nhân vật Reze, cái cách mà cô chiến đấu lao vào ôm kẻ địch và cho nổ bản thân cũng khiến ta liên tưởng đến những lực lượng thích đánh bom liều chết nào rồi. Quá khứ của Reze được đề cập đó là 1 trong những đứa trẻ từng bị thí nghiệm bởi quân đội, số phận, sự sống, cái chết bị định đoạt hoàn toàn bởi người khác nên cô ta mong muốn đấu tranh vì tự do, sự yên bình. Thế nhưng đối với Makima (chính quyền) thì cô ta chỉ là 1 con chuột đã ra khỏi hang và cắn phá làm loạn khắp nơi nên cần phải bị tiêu diệt. Chúng ta thấy thương cảm cho Reze thế nhưng cũng thấy được tội lỗi của cô ta, nếu như buông bỏ thù hận không dùng vũ lực, gi.ết chóc thì có thể cô ta đã có được Denji, có được sự tự do thực sự.
Tương tự như vậy nếu như Aki từ bỏ theo đuổi việc trả thù quỷ súng thì có lẽ anh đã cùng Denji sống một cuộc sống ấm áp như 1 gia đình và họ trở thành anh em một nhà. Nhưng mà đó chỉ là có lẽ, bởi vì một khi thù hằn che mắt, chính anh đã trở thành quỷ súng xả đạn không thương tiếc vào cả dân chúng gây ra một tội lỗi không thể bù đắp được. Nên nhớ cứ mỗi đòn tấn công vào Makima thì sẽ có 1 thường dân vô tội phải hy sinh thế mạng ả ta, vậy thì tại sao mọi người lại phải điên cuồng xả đạn vào cô ta, 1 sự bạo lực không hồi kết, rốt cuộc để làm gì?
Còn chi tiết tổng thống Mỹ ký điều lệnh hy sinh tuổi thọ người dân, giải phóng quỷ súng nhằm tiêu diệt Makima cũng là phản ánh khá thực tế về đạo luật “kiểm soát súng”. Tác giả đã cho rằng việc tự do sử dụng súng đạn chỉ khiến cho tình trạng bạo lực nhiều thêm thôi. Cái gốc gác của vấn đề nằm ở sự phân biệt chủng tộc, con người thù ghét lẫn nhau thì phải sử dụng tình thương yêu, sự thấu hiểu lẫn nhau để chữa lành.
Và đó cũng là lý do cho cái kết đầy ý nghĩa của tác phẩm, cho dù Makima tìm mọi cách như gi.ết cả Power để Denji hận cô ta và rồi sẽ vì sự thù ghét đó mà bị ả điều khiển. Thì Denji, ngược lại, vẫn còn yêu quý cô. Denji không thể tiêu diệt quỷ chi phối bởi vì nếu làm vậy thì xã hội sẽ không có sự điều khiển và sẽ rơi vào trạng thái vô chính phủ loạn lạc. Vì thế anh ta tấn công Makima bằng tình thương của mình và nuốt hết những tội lỗi, những cảm xúc tiêu cực mà cô ta đã gây ra vào bụng mình.
Những trang cuối cùng, cảnh quỷ chi phối và Denji (sự tự do) ôm nhau biểu trưng cho 1 hình tượng xã hội tốt đẹp theo tác giả chính là sự cân bằng giữa sự điều khiển của nhà nước và sự tự do của mỗi cá nhân đồng thời dựa trên tình yêu thương giữa người với người.
Ngoài ra, lời đối thoại của Makima và Denji về phim ảnh không đơn giản chỉ là “phim hay vs phim dở” mà nó còn là sự ám chỉ về vấn đề kiểm duyệt văn hóa phẩm cũng rất thời sự nữa. Ta thấy rằng Chainsaw-man có rất nhiều giá trị thiết thực nếu chúng ta thích để ý đến những chi tiết.
Cả tác phẩm Chainsaw-man đầy máu me, bạo lực và những cuộc trả thù thế nhưng lại truyền tải thông điệp rằng tất cả những điều trên điều là vô ích, khiến cho giá trị của tác phẩm nằm ở tình người đầy ấm áp, và nó thật là 1 điều độc đáo và đẹp đẽ biết bao.