AnimeNhững Vấn Đề KhácPhân Tích & Cảm Nhận

Tầm Quan Trọng Của Nhạc Nền (OST) Trong Các Tác Phẩm.

Anime là 1 loại hình văn hóa giải trí bên cạnh việc sử dụng hình ảnh để truyền tải nội dung, ý nghĩa (còn được gọi là nghệ thuật visual storytelling) thì ta còn có phần âm thanh giúp tạo thành 1 tác phẩm hoàn chỉnh. Chúng ta có lồng tiếng, hiệu ứng âm thanh và âm nhạc là những yếu tố cần quan tâm nhất trong phần nghe. Trong đó âm nhạc đóng vai trò quan trọng truyền tải và phóng đại cảm xúc đến khán giả. Nếu như những bản nhạc Opening giúp ta hào hứng bước vào 1 tập anime và nhạc Ending tạo cảm giác thư giãn, hoài niệm lưu luyến thì thứ giúp giữ khán giả trong suốt 20 phút còn lại chính là nhạc nền được gọi là background music hay OST.

Theo tôi phần nhạc nền có nhiệm vụ rất quan trọng giống như 1 chiếc “máy amply” giúp phóng đại những cảm xúc mà tác phẩm mang lại cho người xem. Tất cả những gây phút buồn bã, vui sướng, hồi hộp căng thẳng, phấn khích,.. nhất trong anime đều không thể không nhắc đến sự đóng góp của 1 bản hoặc 1 bộ OST chất lượng. Trong bài viết này, tôi xin được giới thiệu cho bạn đọc về những bộ OST mà tôi thích nhất trong anime và cả game đồng thời ta hãy cùng tìm hiểu như thế nào để tạo nên phần nhạc nền tốt.

• 1. Nhạc nền hay là nhạc nền phù hợp

Nhà soạn nhạc nổi tiếng Yuki Kajiura khi được hỏi về thứ gì quan trọng nhất trong việc tạo ra nhạc nền, thì câu trả lời của bà đó là việc làm quen với nội dung của tác phẩm và hiểu được chủ đề muốn truyền tải, dòng chảy cảm xúc của nhân vật, bầu không khí và sắc thái của mỗi cảnh.

Khi soạn 1 bản nhạc bình thường bạn có thể tự do thoải mái với sự sáng tạo của mình thế nhưng điều khác biệt lớn nhất ở OST đó là bắt buộc nó phải bám sát những giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm gốc. Đó là lý do 1 bản nhạc hay chưa chắc gì đã là 1 bản OST hay nếu nó không phù hợp với bộ anime. Chính bản thân Kajiura-san đã phải tự tay vứt bỏ hàng trăm bản nhạc hay thậm chí có bản mà chính bà thích chỉ vì nó không có sự hòa hợp nhất định với những phần khác trong bộ anime.

Do đó, nhà soạn nhạc trước tiên cần phải đọc thật kỹ và hiểu rõ về tác phẩm gốc, và hơn thế nữa cần phải có sự phối hợp tốt giữa composer và đạo diễn để cắt hoặc mix và đặt bản nhạc cho vào cảnh đúng thời gian và địa điểm để mà nó có thể phát huy tối đa vai trò của mình.

Tôi nhận thấy việc đánh giá âm nhạc rất thuộc phàm trù cá nhân vì mỗi người thích những thể loại khác nhau và những nhà soạn nhạc để mà hành nghề của mình thì ít nhất cũng đã được đào tạo trong các học viện dạy âm nhạc rồi, cho nên nghĩ rằng rất khó để chỉ ra 1 bản nhạc nền tệ về mặt kỹ thuật. Nên việc đánh giá OST có lẽ hoàn toàn là ở sự “giao thoa” giữa cảm xúc của âm nhạc và của tác phẩm mang lại để tạo cho ta 1 sự “cộng hưởng” lớn nhất đến người xem.

Ví dự như ở Mushishi OST, cá nhân tôi nhận thấy bộ nhạc nền này thật ra không có gì đặc biệt lắm chỉ sử dụng piano cùng 1 vài loại nhạc cụ dân gian, truyền thống của Nhật Bản, giai điệu khá là đơn giản. Thế nhưng nó lại là 1 trong những bộ OST mà tôi thích nhất! Đó là bởi vì nó quá là phù hợp với tác phẩm, bộ soundtrack mang một cảm giác bình yên, thiền định đã góp phần tạo nên 1 bầu không khí đầy đặc trưng của Mushishi, không thể phai mờ mỗi khi tôi nghĩ về nó. Ở cuối mỗi 1 tập ta sẽ có 1 bản nhạc giúp tóm gọn sắc thái của tập đó, có thể là ấm áp, buồn bã, bi kịch,… thế nhưng sau cùng thì bộ OST vẫn rất ổn định với nhịp điệu chậm chạp, nhẹ nhàng của mình giúp phát huy bản chất của chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) đầy sâu sắc bộ anime.

Hay ở series nổi tiếng Attack on titan, tại sao tôi nghĩ “Vogel im Kafig” (sau này remix lại thành YOUSEEBIGGIRL/T:T) là bản nhạc tốt nhất? Trong cả tác phẩm ta có thể thấy rất nhiều bản nhạc nền hay đầy sôi động với những “Hiroyuki Sawano drop” nghe thật đã tai thế nhưng hiếm có bản nhạc nào có thể chứa đựng tất cả mọi sắc thái, mọi cảm xúc của cả series 1 cách tràn đầy như là “Vogel im kafig”. Chúng ta nghĩ đến AOT với những cảnh hành động đầy máu lửa thế nhưng đằng sau đó là biết bao bi kịch về sự tàn phá của chiến tranh của sự phân biệt chủng tộc, sự sợ hãi, thù ghét lẫn nhau trong 1 vòng xoáy của bạo lực không có hồi kết. Và phần đầu và giữa của bản nhạc đã thể hiện rõ điều đó thông qua giọng hát lúc đầu với những hy vọng nhưng sau đó lại thay đổi thành đầy đau thương buồn bã. Đó là sự tàn nhẫn của chiến tranh đã cướp đi những mạng sống và vùi dập tình người. Thế nhưng đoạn cuối lại đầy giục giã, hào hùng thể hiện ý chí không lùi bước của các nhân vật đấu tranh vì tương lai tự do, không bị xiềng xích hay đàn áp. Đó là lý do tại sao bản nhạc quan trọng này lại đặt vào những cảnh đáng giá nhất trong bộ anime giúp đẩy những giây phút cảm xúc lên dâng trào không phải chỉ vì nó hay hay không là đủ.

• 2. Những bộ OSTs đặc biệt cho những tác phẩm đặc biệt

Nhạc nền đối với 1 số người là khá là theo motif thôi, cảnh buồn thì cho nhạc background buồn, cảnh vui cho âm thanh vui nhộn, cảnh hành động thì nhạc nhịp điệu nhanh cho rock, nhạc điện tử cho thêm “sung”,… Thế nhưng cũng như bất kỳ yếu tố nào khác trong nghệ thuật thì đôi khi ta cũng cần 1 chút sáng tạo, đặc biệt là khi tạo ra 1 tác phẩm khác biệt thì 1 bộ OST “khuôn mẫu” lại có thể làm lãng phí tiềm năng mà nó có thể mang lại.

Đó là lý do cho bộ OST yêu thích tiếp theo của tôi – Made In Abyss. Nhà soạn nhạc Kevin Penkin là 1 cái tên khá mới mẻ trong vài năm trở lại đây của ngành công nghiệp anime. Thế nhưng, tên tuổi của anh lại trở nên nổi tiếng gắn liền với tác phẩm Made in abyss đã nhận được rất nhiều lời khen từ cộng đồng và khiến anh đảm nhận thêm 2 bộ nổi tiếng khác nữa đó là The rising of shield hero và Tower of god.

Sức hút của Made In Abyss OST nằm ở chính sự êm ả, thanh thoát đầy bất ngờ hoàn toàn khác biệt với 1 số chi tiết dark trong bộ anime. Chính Kevin Penkin đã chia sẻ rằng anh từng muốn sử dụng bản “Crucifixion.”, với những âm thanh biến dạng, tiếng máy móc lớn đầy đáng sợ vào 1 khung cảnh rất kinh dị ở tập 13 thế nhưng qua trao đổi với đạo diễn thì anh lại quyết định sử dụng bản nhạc “Forest of the Abyss,” có tone khá là trung tính, du dương.

Hay 1 ví dụ khác là ở Made in abyss movie Dawn of the deep soul, lúc này độ gore, dark càng đẩy cao hơn nữa thì nhà soạn nhạc đành phải dùng đến 1 số giai điệu mạnh mẽ, hung hãn và đáng sợ hơn, thế nhưng ở đoạn cuối của track vẫn là 1 giọng hát đầy thanh thoát của Takeshi Saito thể hiện cho sự hy vọng. Khi nghe bản “Transcendance and Hanezeve” thì 1 cách bất ngờ thay đoạn cuối đầy hy vọng đó lại gắn liền với cảnh có thể nói là 1 trong những cảnh gây khó chịu nhất trong movie.

Nếu là 1 bộ kinh dị thông thường thì ta sẽ liền thấy sự sắp đặt trên là hoàn toàn “trớt quớt” sai lệch. Thế nhưng với Made In Abyss thì lại 1 sự phù hợp đến không tưởng. Bởi vì sau biết bao nhiêu suffering, mất mát gian khổ, sau mỗi arc thì các nhân vật chính Riko, Reg, và Nanachi lại mỉn cười tiến lên phía trước, tiếp tục cuộc hành trình. Một ý chí hiện sinh thật mạnh mẽ. Cho dù hố sâu có tăm tối đến thế nào thì phía cuối con đường vẫn luôn le lói ánh sáng của niềm tin và hy vọng và chính bộ OST khác biệt này đã chứa đựng những giá trị đó 1 cách thật là đẹp đẽ.

• 3. Không chỉ làm nền, mà hoàn toàn có thể dẫn dắt khán giả

Đến đây ta hãy xét đến những tác phẩm không những sử dụng nhạc nền để boost cảm xúc mà còn có thể nâng tầm nó lên thành 1 yếu tố truyền tải nội dung chủ đạo. Đó là những tác phẩm “kiệm lời”, rất ít khi dùng lời thoại để thể hiện chủ đề, ý nghĩa thì ta phải thông qua nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh và cả âm nhạc để hiểu hơn về nó.

Tôi chưa từng xem bộ phim nghệ thuật “Koyaanisqatsi” thế nhưng 1 lần tình cờ xem được video về cảnh cuối cùng cứ khiến tôi có nhiều suy nghĩ về vai trò của âm nhạc:

Nếu ta tắt tiếng đoạn video này thì có thể thấy được 1 tracking shot về chuyển động của tên lửa rời bệ phóng sau đó bị nổ vỡ vụn ra từng mảnh. Trong đầu ta có nhiều sự liên tưởng đến ngữ cảnh ở đây cũng như dụng ý của đạo diễn. Có thể đây là 1 cảnh thể hiện sự nguy hiểm của tên lửa (vũ khí hay ngành công nghiệp vũ trụ) hoặc chỉ là 1 cảnh tượng bùng nổ nhìn đẹp mắt hay là còn ý nghĩa gì khác,… Thế nhưng khi bật nhạc lên nghe thì sắc thái của bản nhạc rõ ràng là buồn trầm lặng nghe như 1 khúc điếu ca với những ca từ “Koyaanisqatsi” lặp đi lặp lại và sau cùng khi ta hiểu được ý nghĩa của từ trên là gì thì thông điệp của bộ phim cũng hiện lên rõ ràng. Đó là sự lo lắng về sự sống, công nghệ phát triển quá nhanh như là 1 tên lửa mà không có sự cân bằng thì dễ dẫn đến lụi tàn.

Tôi nghĩ cảnh này rất ngầu, đáng nhớ và thể hiện rõ ràng rằng chúng ta có thể sử dụng sắc thái của âm nhạc để hướng sự chú ý của khán giả đến với chủ đề cần truyền tải 1 cách thật trực quan và sinh động. Đó cũng là 1 yếu tố đáng chú ý của bộ nhạc nền của tựa game “Shadow of the Colossus” mà tôi đã yêu thích từ lâu.

Trong tác phẩm “Shadow of the Colossus” chỉ có đoạn đầu giới thiệu chỉ 1 vài phút và phần cái kết là có lời thoại. Còn lại phần lớn thời lượng người chơi phải tự khám phá thông qua chỉ dẫn từ thanh kiếm đến với địa điểm tiếp theo mà không nhận được bất cứ lời giải thích nào từ nhân vật. Thế thì làm sao mà ta có thể cảm nhận và hiểu được game này. Đó là nhờ vào kể chuyện bằng hình ảnh thông qua việc sử dụng hình ảnh đối lập giữa ánh sáng và bóng tối cùng với nhạc nền có sắc thái thay đổi giúp thể hiện chân thật cảm xúc nhân vật. Khi nhân vật chính wander bắt đầu gặp các colossus, âm nhạc thường mang giai điệu đậm chất kỳ bí thể hiện sự dò xét, tò mò của cả hai bên. Khi wander leo lên được các colossus và tấn công vào các yếu điểm của chúng thì phần nhạc nền chuyển sang nhịp điệu dồn dập, hùng tráng nhằm tăng cường khí thế chiến đấu và cổ vũ cho sự anh dũng của wander.

Nhưng mà khi kết thúc cuộc chiến, các colossus ngã quỵ xuống thì chỉ có một bản nhạc duy nhất vang lên, đượm màu sắc buồn bã, như một khúc cầu hồn, thể hiện sự thương tiếc khôn nguôi. Thông qua âm nhạc đầy rõ ràng như thế ta dễ dàng nhận ra hành động của Wander là hoàn toàn sai trái giết chết những sinh vật vô tội để hoàn thành ham muốn ngông cuồng hồi sinh người đã chết. Từ đó người chơi hoàn toàn có thể hiểu rõ kết cục của nhân vật ở cuối game.

Có thể nói chính nhờ phần nhạc nền đã khiến “Shadow of the Colossus” vượt lên trên 1 game giải trí thông thường mà trở thành 1 tác phẩm nghệ thuật đầy đặc sắc bởi cách thể hiện đầy giản dị, chân phương nhưng cũng thật hiệu quả.

• 4. Soạn nhạc nền hay phức tạp hơn ta nghĩ

Một yếu tố cũng phải cần kể đến trong mỗi bản nhạc đó là phần lời. Nhạc thông thường sẽ có phần lời khá cụ thể thể hiện 1 ý nghĩa nhất định. Còn đối với nhạc nền cũng có 1 số bản có lời nhưng mà phần lớn vẫn là nhạc không lời hay lời sử dụng 1 ngôn ngữ tự tạo ra hay “chaos language”- không có ý nghĩa gì cả. Thứ mà tôi rất thích ở nhạc nền đó là cách mà những nhà soạn nhạc sáng tạo ra “chaos language” để làm sao từ 1 phần lời không có ý nghĩa lại có thể bổ trợ cho phần nhạc và tăng cường cảm xúc mà nó đem lại.

Phần nhạc nền trong tựa game Nier và Nier: Automata đã có thể được gọi là huyền thoại và được phát trong cả buổi lễ khai mạc Olympic, cho nên tôi không cần phải giới thiệu gì nhiều rồi. Mọi người đã từng nghe qua những bản OSTs này đều phải khâm phục tài năng của nhà soạn nhạc Keiichi Okabe. Thế nhưng 1 người cũng đã có đóng góp quan trọng trong sự thành công của âm nhạc trong Nier cần được nêu ra đó là ca sĩ Emi Evans. Bên cạnh việc làm giọng ca quen thuộc thì chính cô cũng đã soạn nên phần lời cho những ca khúc đầy tuyệt vời. Phần ca từ đầy nhẹ nhàng và đẹp đẽ đã làm tôn lên giọng hát truyền cảm thanh thoát của cô khiến cho những khung cảnh về thế giới hậu tận thế buồn bã nhưng cũng thật thơ mộng và đẹp đẽ biết bao.

Đối với những tác phẩm giả tưởng về 1 thế giới khác thì lúc nào việc làm chúng ta vui thú nhất cũng là khám phá những gì mới lạ mà ta chưa hiểu hết được và việc sử dụng “chaos language” sẽ giúp tạo nên 1 cảm giác thán phục trước vẻ đẹp của thế giới fantasy hoặc scifi xa lạ và có tác dụng đầy hiệu quả để làm nổi bật phần nhạc nền hơn. Thế nhưng việc này cũng đòi hỏi các nhà soạn nhạc phải nghiên cứu nhiều loại ngôn ngữ khác nhau để có thể cho ra loại ngôn ngữ pha trộn phù hợp nhất, chứ không phải chỉ đơn thuần suốt ngày quây quẩn với các loại nhạc cụ khác nhau.

Tóm lại thì tôi không nghĩ nhạc nền (OSTs) là yếu tố có tính quyết định trong 1 tác phẩm. Một bộ anime có nội dung tệ, visual storytelling tệ thì phần nhạc nền có hay đến đâu cũng chẳng thể kéo nổi. Thế nhưng đối với 1 tác phẩm đã hay sẵn, thì nhạc nền sẽ giúp nâng nó lên 1 tầm cao mới, khiến tạo ấn tượng không thể phai mờ trong lòng khán giả. Tôi vẫn hay thường xuyên nghe đi nghe lại những bộ nhạc nền đã được đề cập trong bài viết này: Mushishi, Made In Abyss, Shadow of the Colosssus và Nier Automata. Có thể nói những bộ OSTs trên đã luôn đi liền với tôi ngay cả sau khi trải nghiệm xong tác phẩm trong 1 thời gian dài. Và đôi lúc nó còn vượt qua phạm trù của chính tác phẩm giúp tôi tiếp xúc với những nhạc sĩ mà mình yêu thích ví dụ như Yuki Kajiura. Bây giờ có thể nói tôi nghe chính vì tôi thích nhạc của bà hơn là vì thích bộ anime x, y, z nữa rồi.

Thế thì các bạn độc giả thích những bộ nhạc nền gì hãy để lại bình luận phía dưới nhé.

(P/s: Xin cảm ơn vì đã đọc 1 bài viết khá dài, lúc đầu không tính viết dài vậy đâu mà có nhiều bộ OSTs yêu thích muốn đề cập nên mới như vậy. :v)

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button