AnimeAnime StudioĐạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Kobayashi-san Chi no Maidragon S – Hình Ảnh Hoa Anh Đào & Lời Tri Ân Đến Với Cố Đạo Diễn Yasuhiro Takemoto.

¤ Việc KyoAni lựa chọn không gian đầy hình ảnh hoa anh đào trên phông nền để kết thúc tác phẩm có thể nói là sự lựa chọn không thể nào hợp hơn.

Hình ảnh hoa anh đào luôn gắn liền với đất nước và con người Nhật, đây là loài hoa biểu tượng cho nét văn hóa, cho “Mono no aware” bởi tính chất đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi của chúng. Chỉ trong một tuần chúng lại rơi rụng đi. Khoảnh khắc hoa anh đào rơi, là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất theo quan niệm “mono no aware”, vì khoảnh khắc này phác họa nên vẻ đẹp mỏng manh của từng cánh hoa đào ngả trắng, hồng, một vẻ đẹp đượm chút buồn nhẹ khi bị những cơn gió thoảng qua cuốn đi, làm tan biến, phai dần.

Nhưng cứ mỗi khi Xuân về, hoa anh đào lại nở rộ, trổ bông khoe sắc hồng, báo hiệu sự khởi đầu mới!

Nếu bạn vẫn còn nhớ, đã từng có một tác phẩm KyoAni thực hiện mà kết thúc cũng đầy hình ảnh hoa anh đào thế này! Hẳn không khó để đoán ra bộ mình đang nói chính là Hyouka!

Oreki và Eru cũng cùng nhau, dạo bước trên con đường trải dài những cánh hoa anh đào hồng thắm! Hoa anh đào báo hiệu một mùa Xuân đang đến, một cuộc sống mới chờ đón hai người. Oreki đã không còn phải đón bao cái Xuân một mình, mà cạnh anh giờ đây đã có Eru song hành, nhất là khi hai người họ đã mở lòng với nhau!

Và trong Maidragon S, tác phẩm kết thúc cũng bằng hình ảnh Kobayashi bị cả “gia đình” rượt theo, với nụ cười mỉm trên môi. Đây không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu mới, một mối quan hệ mới, tiến triển mạnh mẽ hơn, sau khi Kobayashi đã tự tin vào bản thân mà chấp nhận thứ tình yêu “nồng nàn” của Tohru dành cho cô, cũng như làm bền chặt hơn mối quan hệ khăn khít với Kanna và Ilulu. Câu chuyện của họ vẫn còn tiếp diễn và tiếp tục, bên cạnh nhau.

¤ Sự tương quan giữa các shot và hoàn cảnh giữa Eru – Oreki / Tohru – Kobayashi cũng tạo nên đôi nét thú vị.

Eru là cô gái bị trách nhiệm dòng tộc đè nặng lên vai, bị trói buộc bởi sự cũ kĩ của lề lối truyền thống, đối lập với hình ảnh Oreki là anh chàng mang trong mình tự do của thế hệ hiện đại đầy sự năng nổ và đổi mới. Nói một cách khác, Oreki chính là chiếc “chìa khóa” để giải thoát Eru. Và có lẽ bạn cũng nhận ra sự tương đồng khi nói về cặp đôi Tohru – Kobayashi.

Tohru đã lang thang trong nhiều thiên niên kỉ, đã quá quen thuộc với xã hội của rồng, của loài người cổ đại đầy toan tính và mưu mô, “sẽ không thể có hòa bình giữa người và giống loài khác” như lối suy nghĩ cũ kĩ xích chặt tâm trí Tohru, cho đến khi cô gặp Kobayashi. Kobayashi là con người của lý trí và logic (cũng như Oreki), tốt bụng và thật thà, Kobayashi đã cho Tohru thấy được hình ảnh của một xã hội hiện đại, không có sự dị nghị giữa giống loài, nơi loài rồng vẫn có thể sinh sống bình thường với mọi người, nơi ai cũng có thể yêu thương và sưởi ấm con tim của nhau. Tohru đã nhiều lần đánh mất niềm tin, hoài nghi bản thân và lạc lối, nhưng Kobayashi luôn ở cạnh bên, làm ngọn hải đăng dẫn dắt Tohru.

Phân cảnh cuối có khá nhiều shot (góc quay) tương đồng, như shot cận cảnh khuôn mặt Eru/Tohru với phông nền là những cánh hoa anh đào bay lơ lửng, như minh chứng rõ nét cho sự xuất hiện của những “nhân tố mới” làm khuấy đảo cuộc sống của cả Oreki và Kobayashi. Cả hai cũng lưỡng lự và ngập ngừng trước màn tấn công của “đối phương”. Oreki chỉ thổ lộ trong tâm tư suy nghĩ, Kobayashi thì hét lên: ”Đồ ngốc!” rồi ôm giò bỏ chạy, nhưng cả hai người họ đều mỉm cười hạnh phúc, đều thỏa mãn và trân trọng với những điều trước mắt. Câu chuyện của họ vẫn sẽ được tiếp tục, đấy chưa phải là hồi kết.

” 生生流転 – Sinh sinh lưu chuyển ” – Cũng là tựa đề của tập cuối.

¤ Hình ảnh hoa anh đào còn tượng trưng cho sự luân hồi của vạn vật trong tự nhiên. Hoa trổ bông, rồi rụng, cũng như cuộc đời một con người, không ai có thể thoát khỏi cái vòng sinh lão bệnh tử.

Nếu như bạn chưa biết, thì Hyouka là tác phẩm được thực hiện bởi cố đạo diễn Yasuhiro Takemoto. Kobayashi-san Chi no Maid Dragon mùa 1 cũng do chính bàn tay ông thực hiện nên. Có thể xem như hình ảnh hoa anh đào được Ishihara sử dụng để khép lại Maidragon S, cũng tương đồng với hình ảnh hoa anh đào Takemoto sử dụng trong kết thúc của Hyouka – đây là lời tri ân cảm kích mà đạo diễn Tatsuya Ishihara đã dành cho người bạn thân thương của mình sau khi ông thay Takemoto tiếp tục đảm nhận tác phẩm này, cũng như là để tiếp nối “tinh thần” KyoAni của “những người ở lại”.

Dù những người bạn thân thương đã mất, đã ra đi, nhưng những ký ức, những kỉ niệm đẹp sẽ sống mãi trong con tim chúng ta. Và cũng đừng buồn vì chúng kết thúc, mà hãy hạnh phúc vì chúng đã tồn tại, là một phần trong con tim và ký ức của những người ở lại.

“遠まわりする雛 – Little birds can remember”

“Những chú chim nhỏ sẽ còn nhớ”

Trên nền đất giá buốt của mùa Đông lạnh lẽo, một mùa Xuân tươi đẹp tràn đầy hơi ấm sẽ luôn quay trở về.

Đến đây thì cũng chính thức chấm dứt luôn loạt bài về Maidragon S của mình. 3 tháng vừa rồi có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà mình đã trải qua (kể từ sau cái ngày định mệnh) khi chứng kiến hình ảnh một KyoAni vững vàng quay trở lại sóng truyền hình với lối hoạt họa tỉ mỉ và kì công đã luôn làm mình yêu thích say đắm. Tác phẩm đồng thời cũng tạo nên một dấu ấn sâu đậm, rất cá nhân và riêng tư, như món quà từ người bạn cũ đã bao năm không gặp.

Câu chuyện của KyoAni vẫn sẽ tiếp tục, hệt như câu chuyện của Kobayashi và Tohru, hay Oreki và Eru vậy. Hẹn gặp lại mọi người vào một ngày không xa!

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button