Penguin Highway (Xa Lộ Chim Cánh Cụt) – Hãy Trân Trọng Giá Trị Của Thời Gian.
Studio: Studio Colorido
Genres: Fantasy, Sci-fi
Cốt truyện: Cậu nhóc lớp 4 Aoyama cùng người phụ nữ lớn tuổi bí ẩn, cũng là mối tình đầu của cậu tìm cách khám phá lý do tại sao một nhóm chim cánh cụt lại xuất hiện trong khu phố ngoại ô yên tĩnh.
Penguin Highway có nguyên tác là tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tomihiko Morimi. Morimi chắc chắn không phải là cái tên xa lạ với những bạn yêu thích các anime mang đậm tính “nghệ thuật”, ông là tác giả của những bộ như Tatami Galaxy, Uchouten Kazoku và gần đây nhất là Yoru wa Mijikashi Arukeyo Otome (The Night Is Short, Walk on Girl).
Với thời lượng dài gần 2 giờ đồng hồ, tác phẩm không ngại dành nhiều thời gian trong việc xây dựng bối cảnh. Tiết tấu ban đầu tuy chậm, nhưng Penguin Highway không người xem chán bởi cuộc sống xung quanh cậu nhóc Aoyama luôn được phác họa hết sức sinh động. Điều mình đánh giá cao là tác phẩm giới thiệu không ít các nhân vật phụ, bên cạnh “bà chị” bí ẩn, nhưng vẫn dàn trải tốt sự tập trung để thiết lập và phát triển những mối quan hệ này, tạo nên sợi dây gắn kết giữa người xem và Aoyama với bạn bè, gia đình. Vd như chi tiết Aoyama bị một nhóm bạn bắt nạt trả thù vì cậu đã chọc tên “thủ lĩnh” ngày hôm trước, chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng góp phần làm tăng sự năng động cho các mối quan hệ “xã giao” của các nhân vật, tạo nét chân thật cho thế giới và xã hội xung quanh họ sinh sống. Không chỉ vậy, nhóm bạn này – cũng như các nhân vật phụ khác – được dành đủ thời gian để làm quen, nên sự phát triển diễn ra khá tự nhiên và không gượng ép, và nhân vật phụ nào cũng có vai trò riêng ở câu chuyện về sau, không một ai là thiếu, cũng chẳng thừa.
¤ Thoạt nhìn thì Penguin Highway có mặt cốt truyện cũng khá bình thường. Nhưng dưới ngòi bút của Morimi, sự “bình thường” chỉ là bình phong mà thôi. Dần dà về sau, tác phẩm rải vụn bánh mì để khán giả tự liên kết thành bức tranh hoàn chỉnh, với nút thắt giữa phim bạn sẽ dễ dàng đoán ra. Nhưng đấy không phải là điều làm Penguin Highway thú vị, mà là thông điệp ẩn chứa đằng sau.
Aoyama tuy là cậu nhóc học lớp 4, nhưng lại “già” trước tuổi nên mức nhìn nhận của cậu về thế giới quan bên ngoài có chút nét trưởng thành. Tuy vậy, điều cậu thiếu – mà góc nhìn logic của người lớn không thể mang lại cho cậu – đó là kinh nghiệm sống. Hạnh phúc, hay sâu xa hơn – sự mất mát – vẫn còn là những khái niệm một bộ óc thông minh không thể giải đáp, mà chỉ có thể hiểu được qua cả quá trình trải nghiệm. Đến đây, tác phẩm giới thiệu đến với người xem “bà chị”, cô trợ lý nha sĩ trong thị trấn, và cũng là người Aoyama thầm mến. Tất nhiên, nhiều người sẽ xem thứ tình cảm của cậu nhóc Aoyama dành cho cô là mối quan hệ giữa chị gái và em trai, một thứ tình cảm trong sáng và ngây ngô, vì một đứa trẻ thì sao hiểu được tình yêu là gì! Nhưng có chi tiết làm mình suy ngẫm (và cũng làm mình phì cười) là lúc ấy, Aoyama đã “hiểu” được sự khác biệt giữa … bộ ngực bà chị và những người phụ nữ khác, và cậu bị hấp dẫn bởi nó, và đây là giai đoạn nhận thức.
Về phần “bà chị”, cô không có tên, quả là khá bất thường. Và người xem sẽ dễ dàng suy luận được sự liên hệ của bà chị đến với những gì đang diễn ra trong thị trấn. Bà chị có vai trò quan trọng trong cốt truyện, là người có thể đặt dấu chấm hết cho những gì diễn ra. Nhưng cô yêu thị trấn vùng quê, quý trọng thời gian với Aoyama và không muốn nó kết thúc. Khoảng thời gian bà chị cùng Aoyama khám phá các bí ẩn về nhóm chim cánh cụt, về năng lực của bà chị, hay chỉ đơn giản là những giờ phút thoải mái cùng nhau chơi cờ trong tiệm bánh cà phê, là giai đoạn “trải nghiệm”. Cùng nhau, họ đã tìm ra ý nghĩa của sự hạnh phúc – là những ký ức và khoảng thời gian đẹp đẽ bên nhau. Cao trào tác phẩm, là khi Aoyama học cách chấp nhận mất mát, đồng thời ủng hộ quyết định của bà chị để kết thúc đi tất cả.
Dù thật hay giả, nhưng những kỉ niệm đẹp sẽ luôn tồn tại mãi trong con tim theo năm tháng của đời người. Tình cảnh của “bà chị” cũng giúp người xem hình dung được sự hữu hình của thời gian. Đời người có hạn, không niềm vui, hay sự hạnh phúc nào lại tồn tại mãi mãi. Cũng vì vậy, ta nên trân trọng giá trị của những thứ ta đang có, và phải chấp nhận mất mát để tiến bước mà tiếp tục sống. Vì khi ta còn sống, hướng mắt về tương lai, ta vẫn có thể tiếp tục dung dưỡng sự hạnh phúc cho bản thân và những người xung quanh. Hình ảnh con tàu mô hình – mà Aoyama đã ném vào quả cầu “The Sea” – xuất hiện cuối tác phẩm, một lần nữa tượng trưng cho sợi dây gắn kết giữa cậu bé và bà chị, ký ức giữa họ là hoàn toàn có thật, và đấy là điều quan trọng nhất.
Về mặt hình ảnh thì Penguin Highway có lẽ là tác phẩm xuất sắc nhất mà studio Colorido thực hiện, khó có thể tìm được điểm vụn vặt gì để chê. Phần ngoại cảnh được vẽ chân thật, từ những con phố cho đến khu rừng đều có sự tỉ mỉ trong chi tiết hình ảnh. Hoạt họa cũng giữ được sự mượt mà trong chuyển động nhân vật, đặc biệt là những con chim cánh cụt mang hành động rất chính xác với bản chất sinh học, từ dáng trượt, bơi cho đến bước đi lật đật, chứng tỏ đội ngũ thực hiện cũng có sự nghiên cứu kĩ càng ở loài động vật này nhằm gia tăng mức độ chân thật nhất có thể. Cảnh binh đoàn cánh cụt ở cuối phim cũng có sự kết hợp tốt giữa 3D và 2D, tạo nên một đoạn cảnh mãn nhãn khiến mình phải trầm trồ.
Cũng cần phải nói thêm, đây là bộ phim dài đầu tiên của đạo diễn trẻ Hiroyasu Ishida, thế nhưng anh đã làm mình hết sức ngạc nhiên qua tài năng bộc lộ trong chỉ đạo nghệ thuật, chuyển thể tác phẩm của Morimi lên màn ảnh không phải là chuyện ai cũng có thể làm được, nhất là khi tuổi đời anh còn khá trẻ. Trên thực tế thì những câu chuyện của Morimi phải cần đến lão làng như Yoshihara hay Yuasa để chuyển thể thành thứ gì đó xem được. Có thể nói không ngoa thì Penguin Highway chính là bước đệm đầu tiên của Ishida trên con đường trở thành một đạo diễn tên tuổi, và mình nóng lòng chờ xem tương lai anh sẽ đi về đâu.
Nhìn chung, Penguin Highway là câu chuyện trưởng thành nhẹ nhàng với những trải nghiệm trong cuộc sống, lẫn cách đương đầu trước mất mát ai cũng phải trải qua. Một tác phẩm hay mà bạn không nên bỏ qua.