AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Fate/Zero – Kiritsugu và KHUYẾT ĐIỂM Của Chủ Nghĩa Vị Lợi (Utilitarianism).

Tuy mình không phải là fan cứng của Fate franchise, nhưng khỏi phải nói Genbutcher luôn là người viết kịch bản hàng đầu trong ngành CN anime với các tựa “kinh điển” hiện đại như Puella Magi Madoka Magica, Fate/Zero và Psycho-Pass (ss1). Dưới ngòi bút của Gen, ông luôn chất vấn khán giả qua lối tư duy “tư tưởng xám” lồng ghép vào các nhân vật, lằn ranh giữa đúng – sai, phải – trái rất mập mờ. Fate/Zero cũng không phải ngoại lệ, mình đặc biệt thích cách Gen xây dựng hình tượng Kiritsugu và chủ nghĩa “vị lợi” anh theo đuổi, tạo thêm chiều sâu cho nhân vật.

Bài viết này mình sẽ phân tích về Kiritsugu và hệ tư tưởng của anh.

¤ 1/ Sự dằn vặt giữa lý tưởng và con tim.

Kiritsugu luôn bị dằn vặt bởi sự xung đột trong tư tưởng đạo đức một con người với chủ nghĩa lý tưởng của bản thân. Kẻ thù lớn nhất của Kiritsugu không phải Kirei, Kayneth, hoặc bất kì master nào … mà chính là bản thân anh. Có nhiều người cho rằng Kiritsugu theo đuổi lý tưởng vị lợi mù quán, một cách máu lạnh, tính toán và công thức. Kiritsugu sẵn sàng hy sinh vợ con, những người “thân thương máu mủ” nhất (theo góc nhìn của khá nhiều người) nếu sự hy sinh sẽ cứu được 100, 1000 người … hoặc toàn thể nhân loại.

Nhưng thật sự có là như vậy? Trong cả quá trình diễn biến Fate/Zero, ta sẽ thấy tác phẩm luôn tạo ra những tình huống chất vấn sự xung đột, chất vấn sự mâu thuẫn giữa lý tưởng và phẩm chất đạo đức trong Kiritsugu.

Trong tập 6, Kiritsugu cho nổ bom ở tòa khách sạn chỉ khi tất cả mọi thường dân đã được sơ tán an toàn. Tại sao vậy? Nếu đó là Kiritsugu máu lạnh, tính toán thì anh đã chẳng ngại lạc đạn giết luôn dân thường – những người vô tội. Anh có thể biện minh cho hành động của mình rằng: sự hy sinh của họ là cần thiết để tiêu diệt gọn một kẻ địch mạnh, nếu phải đối đầu trực tiếp thì nhiều người hơn sẽ phải bỏ mạng! Ta đã có thể thấy sự lung lay trong lý tưởng “hoàn hảo” của Kiritsugu.

Theo chiều tiếp diễn của câu chuyện, sự cao trào trong xung đột trong tư tưởng của Kiritsugu một lần nữa được hé lộ qua đoạn bắn hạ máy bay chứa Natalia. Kiritsugu bị dằn vặt tinh thần, anh không phải là người vô cảm! Anh đã hét lớn, đã hóa điên, đã rơi những giọt nước mắt bất lực. Cho dù có “mù quáng” theo đuổi lý tưởng thì Kiritsugu vẫn là một con người có cảm xúc gắn kết mãnh liệt đối với gia đình của anh. Trong thâm tâm, anh đã biết cái lý tưởng, thứ công lý anh đang theo đuổi là không thể thực thi, là viễn vông. Chính vì thế, anh mong vào điều kỳ diệu của phép màu: chén thánh. Anh mong chén thánh sẽ làm được điều mà anh không thể làm được.

¤ 2/ Câu hỏi của chén thánh.

Nào, nhắc đến chén thánh. Nó đã đưa cho Kiritsugu một câu hỏi … thú vị, giữa 2 chiếc thuyền chứa 300 người và 200 người sắp chìm, Kiritsugu sẽ cứu ai. Tất nhiên, câu trả lời rất rõ ràng: thuyền có 300 người (giả sử trường hợp tất cả mạng người đều “giá trị bằng nhau”). Chén thánh vẫn chưa vừa lòng, tiếp tục đặt nghi vấn: nếu như anh bị thuyền có 200 người bắt giữ và đòi phải cứu thuyền họ, anh sẽ làm gì trước tiên? – Giết hết 200 người vì số đông còn lại, đây là câu trả lời và là hành động của Kiritsugu. Và như để tiếp tục trêu người, chén thánh một lần nữa đẩy Kiritsugu vào bước đường cùng với câu hỏi: giả sử chiếc thuyền 300 (một lần nữa) tách ra thành 2 chiếc thuyền, lần lượt chứa 200 và 100 người với cùng hoàn cảnh tương tự, anh sẽ làm thế nào.

Đến đây, Kiritsugu đã nhận ra được bản chất, chân lý của lý tưởng mà mình tin vào.

Chén thánh không hề đánh lừa Kiritsugu, mà nó phơi bày một sự thật tàn nhẫn dựa trên chính lý tưởng, chính niềm tin Kiritsugu theo đuổi. Phép màu không thể cứu hết mọi người, chén thánh chỉ có thể ban điều ước dựa trên sự thông thái của người chủ nhân.

Kiritsugu mong muốn cứu tất cả mọi người, và chén thánh đã cho anh thấy cách mà nó sẽ “cứu tất cả mọi người” dựa trên hành động của anh. Mỗi khi có một vấn đề xuất hiện, Kiritsugu chỉ nghĩ đến cách giải quyết tức thời là “làm thế nào để có thể cứu được nhiều người nhất” bằng sự hy sinh của thiểu số. Thế nhưng, thời gian sẽ tiếp diễn dẫn đến sự xuất hiện của nhiều vấn đề như vậy, nhưng cùng một cách giải quyết. Rồi sẽ đến một lúc, số người Kiritsugu bị buộc phải giết sẽ nhiều hơn số người mà anh thật sự cứu được. Không lấy đi đâu xa, trong vd ban đầu, giả sử một mạng người bằng nhau (mạng đổi mạng), để cứu 300 người anh buộc phải giết 200, thì thực chất số người anh cứu “lời” được chỉ là 100 người mà thôi, và nó hoàn toàn nhỏ hơn con số 200 anh buộc phải ra tay sát hại.

Câu hỏi của chén thánh là các câu hỏi tu từ, nó không có ý bắt người bị chất vấn phải tìm câu trả lời, mà nó chỉ phơi bày nên sự thật trần trụi và tàn nhẫn qua sự leo thang vấn đề.

Câu hỏi này thực chất được “ẩn dụ” dựa trên một “vụ án” có thật làm chấn động lịch sử mà đến nay vẫn còn gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Trong thế kỷ 19, một vụ đắm tàu xảy ra. Chỉ 4 người sống sót. Sau hơn 19 ngày trôi nổi trên biển(thực phẩm cạn kiệt), người thuyền trưởng cùng hai người còn lại quyết định giết một thủy thủ đoàn chỉ mới 17t. Cậu thủy thủ đoàn này do không nghe lời, quá khát nên đã uống nước biển, dẫn đến chứng mất nước nhanh hơn và thể trạng nguy kịch (đằng nào cũng chết). 3 người sống sót được nhờ vào ăn thịt cậu trước khi được cứu (tất nhiên lịch sử chỉ dừng lại ở câu hỏi: hành động này là đúng hay sai).

Chắc hẳn bạn cũng đã thấy sự liên hệ của vụ án này với câu hỏi chén thánh đã đặt ra. Giả sử ba người họ không được cứu kịp thời, đến một lúc nào đó, 1 trong 3 người sẽ phải bị giết để cứu lấy 2 người còn lại. Và rồi sẽ chỉ còn lại một người. Lí do vì sao chén thánh lại đề ra phương án “giết sạch nhân loại” trừ Kiritsugu và gia đình để tạo ra một thế giới bình yên không có sự xung đột và chiến tranh, một thế giới lý tưởng nhưng viễn vông.

¤ 3/ Khuyết điểm của chủ nghĩa vị lợi.

Khuyết điểm lớn nhất của chủ nghĩa vị lợi là cho rằng con người, niềm vui sướng và hạnh phúc là con số cân đo đong đếm được, chính vì vậy để thỏa mãn hạnh phúc cực đại thì đa số luôn thắng thiểu số, bất kể có vi phạm nhân quyền. Immanuel Kant, một nhà triết học giai đoạn cận đại nổi tiếng ở Đức và là người phản đối thuyết vị lợi đã có nguyên tắc đạo đức:” human beings should be treated as ends rather than as means” (Con người nên được đối xử như là kết quả thay vì lấy làm phương tiện). Vậy nên, giết người để cứu lấy người (mạng sống một con người được sử dụng để làm phương tiện cứu lấy một người khác) về bản chất đã là trái đạo đức.

Tất nhiên, nếu dính đến luật pháp thì đó lại là chuyện khác (giả sử trường hợp kẻ bị giết là tên sát nhân, thì hắn đã vi phạm nhân quyền, là kẻ có tội và phải chịu sự trừng phạt của luật pháp). John Rawls, nhà triết gia đi sau và là người ủng hộ Kant (ông và Kant là hai nhưng quan trọng, trong số những người có công lớn góp phần xây dựng nên bộ luật nhân quyền ngày nay). Rawls bác bỏ chủ nghĩa vị lợi và đã bày tỏ quan điểm: mỗi con người chúng ta ai cũng đều muốn được tôn trọng với những phẩm hạnh nhất định, dù cho chúng ta có nằm trong nhóm người thiểu số.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button