86: Eighty Six – Phân Tích & Bình Luận Tập 16 (tập 5 -2nd cour). Một tập rực cháy màn ảnh!

Sau bao nhiêu tuần “tẩm quất” người xem bằng những tập phát triển nhân vật để gắn kết với khán giả, đồng thời xây dựng lên một cuộc tấn công quy mô của lũ Legion, thì cuối cùng ta cũng được chứng kiến một tập mỹ mãn về mọi mặt, từ sự bùng nổ về mặt cảm xúc, cho đến hình ảnh chiến trận tưng bừng khói lửa trên nền nhạc của Sawano và Yamamoto. Cứ như thể mọi sự chờ đợi của người xem đã được đền đáp một cách thỏa mãn.
Sơ qua về nhân sự thực hiện, tập tuần này được chỉ đạo và vẽ phân cảnh bởi Andou Ryou, một cựu binh của A-1 Pictures. Ryou trên thực tế đã từng nắm quyền tổng chỉ đạo Gate: JSDF, tuy đây không phải là tác phẩm mình đánh giá cao nhưng kinh nghiệm của Ryou trong việc xử lý những phân cảnh hoành tráng đã được phát huy tối đa, tất nhiên là vẫn dưới sự giám sát của Ishii và Ryuuta Yanagi (giám sát hành động). Bên cạnh đó, âm nhạc nền là sự hòa quyện giai điệu giữa Sawano và Yamamoto, góp phần phụ họa cho sự hào hùng của bầu không khí rực cháy và quy mô lớn về tầm vóc cuộc chiến.
• Tập tuần này tuy không có gì để bàn nhiều vì mọi thứ đều được phô diễn trước mắt người xem, nhưng có chút ít chi tiết thú vị mình muốn chia sẻ.
Trước nhất là về thân phận “No Face”, nếu bạn dò dàn nhân sự thực hiện của tập thì sẽ thấy No Face có cùng seiyuu với Wurtslav Milizé – bố của Lena. Thậm chí ngay cả LN đến hiện tại cũng chưa tiết lộ thân phận của thủ lĩnh bên Legion, xem ra đây là một cái spoil bự chảng có chủ ý từ A-1 Pictures và ngay cả chính tác giả (Asato giúp giám sát kịch bản anime).
Điều mình đánh giá cao ở 86 là những chi tiết rất tinh tế về mặt hình ảnh mà đội ngũ nhân sự đã dày công lồng ghép vào (hình 1 – trong cmt), chỉ với một bức ảnh tổng quát về thông tin tình hình của đội Reginleif, người xem đã phần nào có khái niệm kết luận rằng nhóm Reginleif dưới sự dẫn dắt của Shinei có hiệu quả và kinh nghiệm trận mạc hơn hẳn những người còn lại, đúng với biệt danh “quái vật” mà liên bang gọi họ.
Lúc Shinei nổi máu điên mà đâm vào tàn sát bất kể sự an toàn của bản thân, điều gì đã khiến Shinei “thức tỉnh” khỏi trạng thái cuồng loạn này? Bạn hãy để ý có một “cut” nhỏ cho thấy một phần ánh sáng từ bầu trời đã bứt phá khỏi mây đen vần vũ, chiếu sáng lên Shinei, sau đó cắt cảnh thoáng qua vết sẹo trên tai – chỗ mà trước đó là thiết bị liên lạc đã gắn kết Shinei với Lena, Shinei lúc này đã “nghe” hoặc “nhận thấy” một điều gì. Ta có thể “ngụ ý” rằng Shinei vẫn còn nhớ đến “Lena”, hay nói một cách khác, chính hình ảnh Lena đã giúp anh thoát khỏi trạng thái điên loạn không đích đến.
Bên cạnh đó, chi tiết còn lại cũng thể hiện sự “phát triển” của con người Shinei, hay ít nhất là báo trước về con đường Shinei sẽ chọn – trái ngược với Kiri. Bạn hãy để ý, hình sơn của gã tử thần đã bị vết đạn làm cho … mất đầu, dự đoán rằng, nhân cách “tử thần” sẽ dần rời bỏ Shinei một khi anh đã nhận ra mục đích tiếp theo của mình.
Cái shot bên cạnh Frederica cũng khá tinh tế (vid ở dưới cmt), phân tích một chút về đoạn cảnh này, ban đầu là hình ảnh cả 2 cùng frame hình, nhưng nếu bạn chú ý đến hình ảnh tương phản của nhân vật trên mặt nước, bạn sẽ chỉ nhận ra hình bóng của riêng Shinei. Nó nhấn mạnh rằng, Shinei với Frederica vẫn chưa thật sự kết nối, sau đấy là những cut riêng lẻ của hai người họ. Dù hai người họ đứng thật gần nhau, khoảng cảnh rất gần nhau, nhưng họ không được đặt vào cùng một frame! Ngay cả khi Frederica nhào đến ôm Shinei, frame hình cũng không cho thấy gương mặt anh. Thế mới nói bố cục cảnh quay quan trọng đến dường nào, chỉ trong một cảnh ngắn, dưới sự phối cảnh tốt, người xem đã có thể nắm được tâm lý nhân vật và dụng ý mà đội ngũ thực hiện muốn truyền tải. Một cảnh thể hiện tinh hoa về mặt hình ảnh nghệ thuật của Ishii.
Hình ảnh người chú cũng được thể hiện khá ấn tượng trong tập, ban đầu hẳn đa phần sẽ có ấn tượng xấu vì “ông chú” này ăn không ngồi rồi, chả làm gì và an phận với số mệnh hẩm hiu sắp sửa kéo đến. Tuy nhiên, chỉ qua một frame hình, khi chứng kiến chiếc giày của ông te tua, vấy bẩn đầy những vết chai sạn (còn trầy trật hơn Lena), ta có thể hình dung Karlsthal đã làm mọi thứ trong khả năng, ông không thể đạt được ý nguyện nên từ bỏ. Liệu bạn có thể trách Karlsthal? Ông đã chứng kiến sự ra đi của người anh em khi theo đuổi cái lý tưởng này lúc ra chiến tuyến (cũng như đứa cháu gái Lena đã suýt mất mạng). Nhưng qua Lena, một lần nữa lý tưởng “hão huyền” năm nào như lại được thắp sáng. Đây có thể xem là một subplot chuộc tội khá thú vị của Karlsthal, nếu ông không thể làm được, thì sẽ hy sinh bản thân, truyền lại ngọn đuốc rực lửa về tay Lena. Giúp Lena thắp sáng nên hy vọng về một nền cộng hòa tốt đẹp. Và đây cũng là lần cuối cùng, cả hai nhìn thấy mặt nhau, lần cuối cùng, Lena gọi Karlsthal là “chú”, không, một “vị chỉ huy” Lena kính trọng.
Và sang đến phần Lena thì thôi, hype quá!! Lena từ một cô tiểu thư mềm yếu, nay đã vững mạnh, thậm chí còn thâu tóm hết quyền chỉ huy của tất cả binh đoàn 86. Tác phẩm kéo người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, sự chờ đợi của khán giả đã được đền đáp, giờ đây mọi kế hoạch Lena đã chuẩn bị từ đó đến giờ, dù chỉ được hé lộ đến người xem từng chút, từng chút một qua mỗi tập, sang phân đoạn cuối của tập 16, đều được thi triển hết lên màn ảnh. Bạn ơi, hãy nói rằng mình không phải là người duy nhất cảm thấy lạnh gáy khi chứng kiến hình ảnh Lena đồng bộ hết với toàn thể binh chủng 86, nói những lời dõng dạc thấp lên nhuệ khí của những người còn lại!! All Hail Our Bloody Regina!!
• Sự thú vị là giờ đây, Lena đã có một “biệt danh” riêng cho bản thân, như những đồng đội cũ của cô.
Thấy có bạn thắc mắc vì sao Lena lại sử dụng biệt danh “Bloody Regina” để xưng hô với binh chủng 86, thay vì chức vụ của cô. Lí do rất đơn giản, bạn sẽ nhận ra “undertaker” là biệt danh của Shinei, cũng như Laughing Fox, Snow Witch, Gunslinger … là những biệt danh tương ứng với từng người trong tiểu đội do anh chỉ huy. Chi tiết này ám chỉ rằng, những biệt danh họ sử dụng mang tính “thân mật” giữa chiến hữu với nhau. Và “Bloody Regina” cũng có ý nghĩa như vậy. Khi Lena kêu gọi binh chủng 86, cô không sử dụng chức vụ để thể hiện bản thân “cao” hơn họ, mà sử dụng “biệt danh” để nói rằng, cô chính là một phần của binh chủng 86, đối với cô, họ là những đồng đội kề vai sát cánh bên nhau, chứ không phải là những con tốt muốn thí mạng lúc nào cũng được.
Bloody Regina – biệt danh của Lena, không chỉ nghe “ngầu”, mà còn có ý nghĩa nhất định với lý tưởng cô theo đuổi, với những con người 86 nơi chiến tuyến.
Có thể nói, tập 16 (hay tập 5 của 2nd-cour) đã chứng minh 86 vẫn là đối thủ nặng ký trong số những anime xuất sắc nhất mùa, một tập khiến người xem (hay ít nhất là mình) choáng ngộp, trầm trồ cho đến thỏa mãn về mặt thị giác lẫn cảm xúc qua những gì tác phẩm thể hiện.