2021 ANIME AWARDS – MOST DISAPPOINTING ANIME

vivu đề cử Takt Op.Destiny.
Người ta thường nói “hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng sâu”. Đó chính là lý do vì sao Takt Op.Destiny bị mình đưa vào đề cử này. Đơn giản vì tiềm năng ban đầu của nó quá cao, nhưng đã chết yểu ngay từ trong trứng nước do nhiều nguyên nhân, phía sản xuất cũng có, và phía bản thân kịch bản của nó cũng rất có vấn đề.
Nhiều người ý kiến rằng nó quảng bá cho game như vậy là đủ rồi, nhưng ngay cả với một người xem dễ tính và đầy cảm tính như mình cũng không cảm được. Điểm đáng buồn nhất không phải là không có gì, mà là có hàng tốt trong tay nhưng không tận dụng được.
Chẳng phải nói đâu xa, cùng là promote cho game đấy, sao gái ngựa có thể làm đến mức truyền cảm và rực rỡ như vậy!
Hai sự “lãng phí” lớn nhất của Takt Op.Destiny với mình không nằm ở hình ảnh hay kĩ thuật hoạt họa, mà đó là nội dung và âm nhạc.
Điểm đầu tiên là sự non nớt trong xử lý nội dung. Có lẽ chẳng thể kì vọng Takt Op.Destiny có một cấu trúc tinh gọn và hấp dẫn như Ousama Ranking được, nhưng chí ít vẫn còn chấp nhận được nếu mạch lạc và có điểm nhấn. Trong điện ảnh có “nhịp điệu” hình ảnh, trong âm nhạc có “giai điệu” thì trong kịch bản cũng có một thứ là “dòng chảy” câu chuyện. Câu chuyện trong Takt Op.Destiny có thể ví như hành trình của người lái đò sông Đà, hết sức trúc trắc và mất sức. Nhịp độ tình tiết các tập có sự khác biệt rất rõ ràng, và trong chính một tập phim, sự phân phối thời lượng cho các chi tiết nhiều khi không thật sự tốt. Một trường đoạn nào đó cho mình hy vọng sự việc nối tiếp sẽ đẩy lên cao trào, thì kết quả lại chẳng có gì cả. Cảm giác khi xem Takt Op.Destiny cứ như tập nào cũng “đi qua thung lũng” vậy, một kiểu đồ thị hình sin của hy vọng – thất vọng khá là bứt rứt.
Điểm thứ hai, âm nhạc cổ điển rốt cuộc ở vị trí nào trong Takt Op.Destiny vậy? Ở 3 tập đầu tiên, nó được triển khai khá ổn với sự sáng tạo nhất định. Ít ra có cảm giác người ta thật sự biết mình cần gì với nhạc cổ điển. Điểm sáng hiếm hoi là Titan và conductor của mình với những sự vận dụng âm nhạc khá ổn thỏa. Tuy nhiên các nhân vật khác thì không được như vậy. Ngay cả với Unmei, dù có list OST đặc trưng nhưng hình ảnh lại không tận dụng được giá trị của nó, rồi cũng lại nhạt nhòa vào BGM. Sự xuất hiện của Valkyrie không để lại dấu ấn gì quá đặc biệt, một mảnh của vở opera nổi tiếng cũng không. Và đến bộ đôi Tengoku và Jigoku cũng chỉ được giới thiệu khá sơ sài và nhàn nhạt.
Cái khó tiếp nhận nhất đối với mình ở Takt Op.Destiny là một script có vẻ hoàn toàn bị nhấn chìm trong khối lượng tiềm năng của PJ đứng phía sau. Tạo ra rất nhiều chi tiết tiềm năng, nhưng không đảm bảo được tính trọng tâm. Nó dường như phản ánh sự thiếu nhất quán trong khâu sản xuất, với những bất đồng quan điểm khá lớn không đạt được tiếng nói chung, thật sự rất đáng tiếc.
suba đề cử Wonder Egg Priority.
Năm 2021 ta có nhiều bộ anime hay, hoàn toàn truyền tải được tiềm năng của tác phẩm đem lại như Mushoku tensei hay Ousama ranking,…thế nhưng bên cạnh đó cũng có những bộ anime đầy thất vọng như Promised neverland S2, Thám tử đã “ngỏm”. Thế thì làm sao để xác định được “bộ anime gây thất vọng nhất”?
Theo tôi thì bộ anime thất vọng nhất không nhất thiết phải là tác phẩm tệ nhất trong số những cái tên đã không đạt được sự kỳ vọng của khán giả, mà là nằm sự chênh lệch giữa mức độ hype, mong chờ và những gì mà tác phẩm đạt đạt được – ấn tượng sau cùng, sau khi xem.
Wonder Egg Priority không hề tệ như Promised neverland S2 hay bộ Thám tử kia thế nhưng đối với tôi thì tác phẩm này vẫn có sự chênh lệch lớn nhất. Bởi vì đối với Promised neverland S2 thì tôi đã nghe nhiều người đọc manga bị thất vọng trước rồi, và rất nhiều người bảo ngay cả trong manga thì phần đầu đã là arc hay nhất. Và nhìn vào chất lượng chuyển thể art animation mấy tập đầu cũng không có gì ấn tượng nên cũng biết không có sự đầu tư nhiều, chỉ là hơi bất ngờ là nó trở thành 1 thảm họa đến như vậy thôi. Còn thám tử đã chết thì tôi cũng không quan tâm gì. Kể cả bộ Takt op. Destiny thì tôi cũng không có nhiều sự hype như 2 bạn ad kia, mặc dù MAPPA x Mad house cũng ghê đó nhưng mà chủ đề nhạc thính phòng chiến đấu chống quái vật cũng không phải là dạng “hợp gu” bản thân.
Chỉ còn lại Wonder egg là bộ mà tôi thật sự mong chờ từng tập sau những tập đầu quá là thú vị. Tác phẩm này phải nói là có phần hình ảnh tốt nhất trong tất cả bộ anime 2021 mà tôi đã xem. Thiết kế nhân vật cực tốt, cả 4 cô gái đều có ngoại hình rất dễ thương, có những nét riêng giúp bộc lộ rõ ràng tính cách bản thân. Thiết kế những con quái vật đầy sáng tạo, nhiều màu sắc. Animation vô cùng mượt mà và những cảnh hành động có biên đạo rất tốt. Ý tưởng đầy táo bạo về những vấn đề sâu sắc, đen tối trong cuộc sống như nạn bạo lực học đường, sự trầm cảm,… và là 1 chủ đề mà tôi rất quan tâm.
Sau những tập đầu tôi nhớ là đã không thể quyết định được xem giữa bộ này và Mushoku tensei và AOT s4, tác phẩm nào là “AOTS” hay nhất mùa đông 2021. Nếu phát huy hết tiềm năng của mình thì tôi sẵn sàng đề cử bộ này vào mục “best drama”, “best action”, “best mystery”, và cả “anime of the year”. Thứ tôi mong chờ là 1 cuộc hành trình đầy cảm động, đào sâu vào tâm lý nhân vật và phân tích thực trạng xã hội đầy thiết thực, thế nhưng thứ nhận lại là sự khô khan và rối trí. Thành thật mà nói thì nghe bản nhạc Opening còn cảm động hơn là xem cả bộ anime.
Một số người có thể phân tích “symbolism” – những chi tiết ẩn dụ khác nhau rồi đào sâu ý nghĩa tác phẩm theo ý họ để khiến cho nó trở nên hợp lý. Thế nhưng phải thừa nhận rằng dàn staff thực hiện dự án này đã gặp vô số vấn đề , bởi vì không có lý do nào khác mà ta phải có 2 phần recap cho 1 bộ anime chỉ có 13 tập như vậy. Đây có thể là 1 tác phẩm hơi phức tạp nhưng mà người xem không phải não cá vàng để mà xem vài tập rồi quên cần phải “recap” lại.
Tôi nghĩ trường hợp của Wonder egg là khá phổ biến với những bộ original đó là người biên kịch có 1 ý tưởng hay và rồi họ mải mê phát triển ý tưởng của mình ngày một rộng ra thế nhưng lại không đủ kinh phí làm 1 bộ 24+ tập mà chỉ có 12 tập. Thành ra không thể kết thúc mà giải quyết toàn bộ xung đột, cuối cùng để lại nhiều sự bỏ ngỏ. Ví dụ như sau lần recap đầu tiên, người xem đột nhiên được giới thiệu về AI, robot như con người, “Detroit: become human” rồi sau đó là cả thế giới song song, truyền tải linh hồn,… 1 đống “high concept” mà không hề có sự đào sâu khám phá hay phân tích hơn nữa. Làm cho ta cảm giác như biên kịch ném vào mặt khán giả những high concept kia chỉ để giải thích hoa loa cho xong chuyện vậy.
Tôi nghĩ Wonder egg nên tập trung hơn vào bạn của nhân vật chính. Bởi vì tôi sau khi xem những tập đầu bị hấp dẫn bởi những cảnh flashback về quá khứ của Ooto Ai, cuối cùng chỉ để tiết lộ ra là bạn cô t.ự t.ử vì ghen với người mà ông thầy thích, đó là mẹ của cô. Hay là quá trình mà Ai-chan cố gắng hòa nhập lại vào cuộc sống, vượt qua những sự đối xử, phân biệt.
Thật sự khá là buồn vì chúng ta hoàn toàn có thể thấy được những nỗ lực mà dàn staff đã đổ vào để tạo ra 1 tác phẩm đẹp đẽ đến như vậy, để cuối cùng cảm giác nó mang lại lại là sự thất vọng. Dù sao thì vẫn trân trọng những tâm huyết của studio để cố gắng tạo ra 1 bộ anime đầy độc đáo.
v4v đề cử Wonder Egg Priority.
Nỗi thất vọng lớn nhất của năm không gì “xứng đáng” hơn ngoài Wonder Egg Priority. Nếu như một bộ bị gặp trục trặc ngay từ đầu thì sẽ chẳng có gì để nói, nhưng WEP lại giữ vững phong độ cho đến gần sát vạch đích, rồi tất cả bỗng dưng đâm sầm xuống dưới đáy biển.
Hay nói một cách khác, WEP đã tự sụp đổ dưới chính sức nặng của nó, khi nhà viết kịch bản và cả đạo diễn đã quá tham vọng, không kiểm soát được tầm nhìn của họ với lượng tài nguyên hạn hẹp ở trước mặt. Ngay từ quá trình sản xuất thì bạn đã dễ nhận ra WEP đã gặp nhiều vấn đề “trầm trọng”, đạo diễn Wakabayashi đã tự tin đến mức “thái quá” mà “giới hạn” số lượng đội ngũ nhân sự trụ cột tham gia. Đây là nhóm ít người đảm nhận đa phần khối lượng công việc để đảm bảo tầm nhìn và ý đồ của đạo diễn là thống nhất xuyên suốt. WEP đã mang lại những tập đầu cực kì mãn nhãn, thể hiện qua cái chất art đặc trưng và ổn định. Nhưng cái sự “giới hạn” nhân sự này thì lại như con dao hai lưỡi, sức lực có hạn, lịch làm việc thì dồn dập, và điều gì đến cũng đã đến. Đội ngũ thực hiện đã không thể trình chiếu tập 8 đúng thời hạn vì không thực hiện kịp, và tập 8 bị thay bằng một tập recap. Sau “thảm họa” này, thì Wakabayashi mới bắt đầu “kêu cứu”, hàng loạt nhân sự mới toanh đổ về tham gia – ngay giữa quá trình sản xuất.
Tất nhiên, lỗi cũng không hẳn nằm hoàn toàn về phía đạo diễn, mà còn ở nhà viết kịch bản. Kịch bản khá nhiều lần bị trì trệ, lẫn qua nhiều công đoạn chỉnh sửa vì Nojima bất đồng quan điểm sáng tạo với Wakabayashi. Thậm chí, tập special khép lại tác phẩm chỉ “chính thức” bước vào giai đoạn sản xuất ở đầu tháng 6 (đúng 1 tháng trước ngày lên sóng), và dàn nhân sự vẫn còn làm việc cật lực cho đến tận 1 ngày trước lúc … công chiếu, nhiều người phải nhập viện, làm quá giờ … tình trạng hỗn độn này phản ánh lên tập special, với một nửa thời lượng tiếp tục là recap, lẫn có nhiều đoạn cảnh tuy mới nhưng lại siêu hạn chế về hoạt họa chứ không sống động như ban đầu.
Điều làm mình thất vọng nhất, là tập special không những không thắt lại các tình tiết lỏng lẻo, mà còn đặt thêm nhiều câu hỏi hơn cho khán giả theo dõi. Lấy vd, WEP dành hẳn một tập để xây dựng Frill, cô được phác họa là một nhân vật “hữu hình” gây ảnh hưởng tiêu cực lên các cô gái trẻ. Frill là cô gái có nền khá thú vị, nhưng mình cảm thấy kịch bản chưa biết phát triển Frill như thế nào nên biến cô từ một nhân vật “hữu hình” thành thế lực “vô hình” mà những cô gái trong WEP phải chống chọi, tạo nên tính mơ hồ cho vai trò của cô trong tác phẩm. Dù Frill có là nhân tố được Nojima tạo ra để “đánh lạc hướng” người xem, nhưng cách xử lý vai trò của cô trong câu chuyện không thật sự thỏa đáng.
Tập cuối khép lại arc về Momo và Rika, tuy nhiên, mình không thỏa mãn lắm với hướng giải quyết của tác phẩm vì 2 người họ sở hữu arc dẫn dắt và thể hiện quá tuyệt vời, mà chỉ thấy tập special nhắc đến họ hết sức hụt hẫn như để cho có lệ. Với Ai và Neiru thì họ có một kết … mở, Ai quay trở lại Ura-Acca, tiếp tục đập trứng để tìm Neiru, hai người còn lại thì từ bỏ hẳn. Đến đây thì mình hơi tiếc vì sợi dây gắn bó tình cảm của cả 4 người rất khăn khít xuyên suốt tác phẩm, nhưng lại chỉ có mỗi Ai lựa chọn tìm kiếm Neiru. Và tác phẩm chính thức khép lại tại đây, khi mọi thứ vẫn chưa thật sự được giải quyết xong. Có nhiều câu hỏi đặt ra, là những người “được cứu” không thật sự “được cứu”, mà họ là nhân bản trong thế giới khác, vậy chuyện gì sẽ xảy ra với thế giới song song đấy? Vai trò của quả trứng với cơ chế vận hành của “thế giới trong mơ” cũng chẳng được giải thích ngoài trừ sự huyền ảo (ta chỉ biết những quả trứng được Acca, Ura-Acca tạo ra, nhưng họ tạo ra bằng cách nào? Vai trò của họ trong thế giới trứng ra sao? Là chúa? Họ còn có động cơ nào khác không?). Và những con quái vật kì dị đã giết đám thú của các cô gái là ai, có sự liên hệ gì đến với Frill?
Nếu như WEP có một cái kết thỏa mãn hơn, các câu hỏi được giải đáp rõ ràng, nếu các tuyến truyện phụ được khép lại hoàn chỉnh, thì vị thế WEP trong mắt mình sẽ xứng là một trong những tựa “cult classic”, để mình có thể tự hào đặt WEP lên kệ những tác phẩm anime yêu thích của mình. Tiếc là qua cái kết không như kỳ vọng, tác phẩm là một bộ hay và đặc sắc, nhưng lại bị kết thúc kìm hãm, không thể vươn lên hàng kinh điển được.
Giải đề cử “danh dự” ở hạng mục này nghiễm nhiên sẽ thuộc về: Takt Op.Destiny.