2021 ANIME AWARDS – BEST OF SCI-FI ANIME

vivu đề cử 86.
Tuy thật sự hụt hẫng vì những tập cuối của phần 2 bị trì hoãn quá lâu, nhưng khi bầu chọn, mình tuyệt không nghi ngờ 86 chính là cái tên xứng đáng nhất với danh hiệu Best sci-fi của năm nay.
Xét về từng thành tố, 86 là một tập hợp khá đẳng cấp. Với nguyên tác là LN ăn khách, hoạt họa mang đậm dấu ấn điện ảnh, âm nhạc từ Sawano Hiroyuki không còn gì để bàn, cùng đội ngũ seiyuu chất lượng cao, 86 cho một trải nghiệm thưởng thức thật sự ấn tượng.
Bàn về các yếu tố chuyên môn, ad v4v hẳn là có những phân tích đầy đủ hơn mình, còn dưới cái nhìn của một người xem thuần túy, thứ làm mình đặc biệt ấn tượng với 86 nằm ở một chữ “nhịp điệu”.
Trong âm nhạc, ta có “nhịp điệu/tiết tấu” (Rhythm) và “nhịp độ” (tempo), nói chung dùng để chỉ sự sắp xếp nhanh chậm của các nốt nhạc để tạo ra một giai điệu (melody) nhất định. Vì cảm âm là thứ khá trìu tượng, nên đôi khi theo bản năng, chúng ta chỉ “cảm thấy” giai điệu này “có vẻ” hào hùng, có vẻ dịu dàng, hay có vẻ nghịch ngợm. Tất cả chỉ là cảm giác!
Với 86 cũng có phần tương tự, ngay cả khi không thể cắt nghĩa được hết, âm nhạc của Sawano với những beat được thả xuống đúng lúc đúng chỗ gần như bắt nhịp hoàn hảo với từng khung hình. Mình đã từng tự hỏi vì sao âm nhạc trong 86 lại có khả năng tạo cảm xúc tốt như vậy. Nhất là trong những cảnh chiến đấu, tiết tấu thay đổi rất nhịp nhàng, từ chậm đến nhanh, và chững với những khoảng lặng kì lạ như nghẹt thở, đủ khiến mình hoàn toàn bị cuốn theo dòng cảm xúc phấn khích, hồi hộp nhưng xen lẫn chút kinh sợ đặc thù của 86.
Rồi mình nhận ra câu trả lời không nằm trong âm nhạc. OST tuy ấn tượng nhưng hoàn toàn bị điều khiển bởi một thứ “nhịp” khác trong 86: đó là “nhịp điệu” của hình ảnh.
“Nhịp điệu” hay “tiết tấu” hình ảnh là một khái niệm rất quan trọng trong dựng phim. Quantin Tarantino đã có một sự diễn giải rất thú vị: “Đối với một nhà văn, đó là từ ngữ. Đối với một nhà soạn nhạc hoặc một nhạc sĩ, đó là nốt nhạc. Đối với một nhà dựng phim hoặc một đạo diễn thì đó là frame hình. Bớt đi một frame hình, bị dư hay bị thiếu hai frame hình cũng tạo ra sự khác nhau, giống như giữa một nốt nhạc đúng hay lệch, giữa nốt trầm hay nốt cao. Sự khác nhau ấy giống như giữa một cái gì đó thảm hại, hậu đậu và một nhịp điệu cực khoái”
Chỉ cần sai khác đi đôi chút, sẽ trở thành một giai điệu lạc quẻ, may sao điều này không xảy ra với 86. Xuyên suốt 21 tập phim của 2 phần, bộ anime vẫn giữ nguyên phong độ không hề “đánh rơi nhịp nào”. “Tính nhạc” trong storytelling kết hợp hài hòa những khoảng trầm cá nhân với nhịp điệu dồn dập tăng tiến trong mỗi trường đoạn chiến đấu. Đỉnh cao của nghệ thuật này làm nên nửa cuối đầy cảm xúc của phần 2, kéo dài từ tập 7 đến tập mới nhất là tập 10. Mọi thứ kết nối dần với nhau, các tình tiết tập hợp lại, như một cây cung đang từ từ được lên dây, chỉ đợi đến một điểm tuyệt đối sẽ bật tung sức mạnh.
Kết lại thì, 86 nổi bật nhất với những cảnh máy móc chiến đấu đặc trưng của thể loại này, nhưng thứ làm nên nét cuốn hút cho đó lại là toàn bộ những diễn biến tình tiết và sự phát triển nhân vật xung quanh chúng. Giống như một bản nhạc hay, ngoài phần chorus mạnh mẽ bắt tai, những nốt trầm hay đoạn du dương cũng làm nên một giai điệu hài hòa cho cảm xúc vậy.
v4v đề cử 86.
Mình đã viết khá nhiều bài về 86 trên page rồi nên sẽ dành spotlight đánh giá ở hạng mục này cho bạn ad vivu tham gia cùng. Bài này sẽ là bài mổ xẻ chút đỉnh về một bộ khác trong năm mình thấy rất có tiềm năng, nhưng đã để vụt giải đề cử về tay 86. Và hẳn nhiều bạn cũng đoán ra, đấy là tác phẩm Vivy: Fluorite Eye’s Song của WIT studio. [Spoiler về Vivy]
Cũng cần nói thêm, Vivy là số ít tác phẩm mình yêu thích nhất trong năm, bộ có 3 tập khởi đầu mạnh mẽ và hay nhất năm với đề tài thú vị về du hành thời gian, khi lấy nhân vật Vivy – một robot – làm trọng tâm để thay đổi lịch sử làm loạn của AI.
Trước tiên, đây là dự án ấp ủ từ lâu của Tappei (tác giả Re:0) và Eiji (kịch bản chính của Chaos;Child thuộc 5bp), cả hai cùng bắt tay hợp tác vào cuối 2016, đến giữa 2018 mới hoàn thiện kịch bản (dưới hình thức tiểu thuyết). Và phải đến cuối 2020 mới được WIT bước vào giai đoạn sản xuất. Bạn có thể thấy rõ Vivy là một dự án đồ sộ, ít nhất là ở phần kịch bản, qua từng câu chuyện, từng diễn biến và ý nghĩa hàm chứa. Thậm chí, cả Tappei và Eiji đã phải “xin phép” ủy ban sản xuất cho phép tác phẩm được kéo dài ra 13 tập so với số tập dự tính ban đầu là 12, vì lí do “không thể nào nhét hết mọi thứ vào vỏn vẹn 12 tập”. Nhưng theo mình, 13 tập vẫn chưa phải đủ! Thời lượng hạn chế là điều làm giảm giá trị tác phẩm đi đôi chút.
Có lẽ điều mình tiếc nhất, là toàn thể Vivy như một câu chuyện xẻ nhỏ và rời rạc. Hình thức “episodic” (mỗi một tập là câu chuyện khác nhau) như con dao hai lưỡi. Có những tập tác phẩm “lên đỉnh”, gói gọn ở một câu chuyện độc lập với các nhân vật cực kì ấn tượng. Vd như Estella trong tập 3, cô là một AI và đã xả thân để bảo vệ con người. Thế nhưng những gì về Estella rất ít khi được nhắc lại về sau, và Estella không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều nhân vật khác được xây dựng rất tinh tế, nhưng vai trò của họ trong tác phẩm lại kết thúc quá chóng vánh. Tất nhiên vẫn có số ít chi tiết kết nối trong suốt chuyến hành trình kéo dài 100 năm của Vivy, nhưng đấy chỉ là các chi tiết nhỏ để thúc đẩy chiều tiếp diễn của tác phẩm mà thôi.
Ví dụ rõ nhất, mình cho rằng Vivy có một kết thúc không thật sự thỏa mãn. Bất kể Vivy có giúp đỡ những con người, những AI trong các sự kiện quan trọng trên dòng thời gian, thì “singularity project” vẫn gặp thất bại. Vậy chẳng phải những việc làm của Vivy là hoàn toàn công cốc đó sao? Thậm chí có những nhân vật, những câu chuyện được xây dựng rất cầu kì (như khách sạn trên vũ trụ của Estella, hoặc tập về em idol Ophelia với nút thắt bất ngờ, kết thúc được xử lý khéo), mà sự ảnh hưởng của họ lại không thật sự rõ ràng trong bức tranh toàn thể, chỉ vì cốt truyện không đề cao vai trò của họ.
Những gì xảy ra với những con người, những AI này không hẳn là hoàn toàn vô nghĩa nếu vẫn gây được sự ảnh hưởng nhất định lên con người bản thân Vivy. Và đấy là vấn đề thứ 2 của mình trong tác phẩm: những chuyển biến trong tâm lý Vivy không thật sự rõ ràng, thậm chí, những pha time-skip (nhảy cóc thời gian) càng tô đậm hơn cái sự rời rạc và ngắt quãng trong quá trình phát triển của cô. Trong khi đó, tình tiết các tập cuối lại diễn ra quá lẹ, mang kết thúc chóng vánh. Ta sẽ khó tập trung hơn vào bản thân Vivy nếu tình tiết bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài như trận chiến sống còn của loài người y như ngày tận thế lấy cảm hứng từ bộ phim Terminator.
Vivy: Fluorite Eye’s Song với mình là tác phẩm đáng xem trong năm, nhưng lại không tạo nên dấu ấn mạnh bằng 86. Khá lấy làm tiếc vì nếu tác phẩm được cho nhiều thời lượng hơn nữa để quá trình phát triển của Vivy diễn ra tự nhiên hơn, thì kết quả có lẽ đã khác.
Các giải danh dự ở hạng mục này: Vivy – Fluorite Eye’s Song
(tính nhét thêm Gundam Hathaway vào mà suy nghĩ một hồi thì lại thôi)