AnimePhân Tích & Cảm Nhận

2021 ANIME AWARDS – BEST OF FANTASY ANIME

🏆 vivu đề cử Ousama Ranking.

Việc chọn Ousama Ranking cho Best fantasy là một sự cân nhắc khá nhiều, chủ yếu là vì nó thực sự suất sắc trên nhiều hạng mục. Bộ anime này hội đủ rất nhiều yếu tố đáng giá tạo chiều sâu cảm xúc đặc biệt cho mình.

Nói về hình ảnh, Ousama Ranking có ngôn ngữ hoạt họa quay về phong cách mộc mạc đầy hoài niệm, gợi nhớ đến những chuyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ và những thước phim Ghibli ngày nào. Nét trong sáng và đơn thuần của tạo hình tạo cảm giác “trẻ con” rất quen thuộc, như đường cong và kích thước nhỏ bé thể hiện sự giản đơn và yếu đuối, vuông vức to lớn là biểu tượng của sức mạnh, hay góc nhọn tạo ra cảm giác khá sảo quyệt.

Tuy nhiên, trái ngược với cái nhìn đầu tiên, câu chuyện cuả Ousama Ranking lại khiến người ta đi hết từ ngạc nhiên này sang bất ngờ khác. Sự giản đơn mặt ngoài bao bọc quá hoàn hảo những ngóc ngách góc cạnh cũng như muôn vàn khuôn mặt ở bên trong. Các nhân vật đều tạo ra điểm nhấn bởi sự đa diện trong tính cách. Chỉ vừa tập trước đến tập sau, hai mặt trong một quân bài nhân cách đã bị phơi bày, không ai tốt hoàn toàn, và cũng không ai là kẻ xấu tuyệt đối. Một điểm cộng chất lượng cho cách xây dựng nhân vật này là sự triển khai cốt truyện trôi chảy, liền lạc và gọn gàng của anime. Mỗi tập hầu như chỉ tập trung tạo điểm nhấn cho một nhân vật với những trường đoạn có khác biệt về thời gian như hồi tưởng được chèn thêm vào mạch chuyện chính một cách khá rõ ràng và liên kết. Điều này làm nổi bật giá trị của mỗi cá nhân trong từng tình tiết mà không hề phá vỡ kết cấu chung của cả câu chuyện. Phải nói là cũng lâu rồi mới được xem một bộ anime có cốt truyện chặt chẽ và hấp dẫn đến vậy.

Yếu tố fantasy trong Ousama Ranking cũng đóng một vai trò trọng yếu, khi nó tạo ra những ẩn dụ khá ấn tượng xây đắp thêm cho cốt truyện. Thông qua phép chữa lành của vương phi, tấm gương của hoàng tử hay con mãng xà của Bebin và đặc biệt là nhân vật Kage, đều biểu thị một phép ám chỉ sâu sắc về cá tính của từng cá nhân trong Ousama Ranking. Ấn tượng nhất với mình, đến độ cảm giác nổi da gà và hơi lợm giọng khi xem chính là trường đoạn nghi thức hồi sinh của gương thần, được xây dựng quá sức công phu và nặng nề ẩn dụ đến đáng sợ.

Đặt qua một bên phần nội dung thì điều mình tâm đắc nữa trong Ousama Ranking chính là âm nhạc. Từ trước đến nay mình cực kì đánh giá cao những bộ anime vận dụng được giá trị cảm xúc của âm thanh cũng như giai điệu, và Ousama Ranking cho thấy một cách xử lý âm nhạc vô cùng thông minh : “Khi tiếng nói bất lực, là lúc âm nhạc lên tiếng” . Vì Bojji không nghe được, và điều này làm cậu không nói được, hay còn gọi là câm điếc bẩm sinh, nên cách biểu lộ cảm xúc của cậu hầu đa chỉ có ngôn ngữ cơ thể, và cũng rất hạn chế. Dễ thấy có những trường đoạn khá dài không có tiếng nói, và thậm chí không cả tiếng động, nhưng anime đã khéo léo vận dụng những khoảng lặng nhàm chán ấy để thể hiện được nỗi lòng của Bojji. Sự linh hoạt của nhạc cụ giao hưởng vừa mang tới nét đa dạng trong âm sắc, vừa biến tấu nên nhiều giai điệu có tính gợi cảm cao. Từ âm thanh ríu ran véo von của bộ sáo, sự dịu dàng của piano, đến những âm thanh mang đầy màu sắc âm nhạc trung cổ, và để bộc lộ tâm trạng vui vẻ của Bojji, họ thậm chí còn dùng cả giai điệu của jazz nữa.

Quả thật cảm giác chung của mình về Ousama Ranking cũng không có nhiều khác biệt với sự đón nhận nhiệt tình của cộng đồng. Một tác phẩm tốt luôn hội tụ những yếu tố chung khiến nhiều người cảm thấy hài lòng và đồng cảm. Hai tác phẩm mình chọn còn lại (Re zero 2 và Kobayashi-san chi Maid dragon 2) cũng có yếu tố fantasy mình khá thích, nhưng nếu so sánh với Ousama Ranking thì quả thực vẫn còn kém hơn một chút. Đó cũng là lý do vì sao mình thật sự chờ đợi vào sự chuyển thể trong những tập sau của Wit Studio.

🏆 Suba đề cử Ousama Ranking.

Ousama ranking có thể nói là 1 bộ vừa được trông đợi, vừa đem đến nhiều sự bất ngờ cho tôi. Trông đợi là vì trước khi tác phẩm này được công chiếu đã có một số người tỏ ra phấn khích, chờ đón bộ này bởi vì nó được người ta đồn là “con cưng” của Wit studio trong năm nay, khi mà studio đã dành nhiều nguồn lực để thực hiện dự án này.

Còn sự bất ngờ là vì sau khi xem xong tập 1 ấn tượng của tôi chỉ dừng lại ở mức “okay” và cái artstyle kiểu khá hoài cổ, trẻ con khác biệt với phong cách moe truyền thống của anime làm người xem cũng cảm thấy lạ lạ. Thế nhưng, từ tập 2 trở đi là tôi đã hoàn toàn bị bộ anime này “hớp hồn”, chìm đắm vào nó lúc nào không biết. Vậy thì sự hấp dẫn của Ousama ranking đến từ đâu. Đó là việc xây dựng nhân vật rất là tốt. Khởi đầu khá đơn giản với nhân vật chính “Bojji” là 1 vị hoàng tử bị câm điếc bẩm sinh, hoàn toàn vô dụng thế nhưng cậu ta vẫn có nhiều điểm tốt như tấm lòng nhân hậu và sự nhanh nhẹn không ai sánh bằng và cậu ta có ước mơ được trở thành 1 vị vua vĩ đại nhất.. Chúng ta được giới thiệu bối cảnh giống như 1 câu chuyện cổ tích điển hình cùng với những trope (motif) nhân vật như mụ dì ghẻ độc ác và người anh/em hay ghen ghét đố kị.

Thế nhưng tác phẩm đã thông minh hoàn toàn đảo nghịch mong đợi của khán giả về những kiểu nhân vật trên biến họ thành 1 con người đầy sự đa chiều. Ví dụ như “mụ dì ghẻ độc ác” thực ra lại rất thương mến Bojji, có thể nói là nhân vật dì ghẻ tốt bụng nhất từng thấy :v. Còn người anh em cùng cha khác mẹ thì đúng là có nhiều sự ganh ghét đố kị nhưng mà cậu ta còn nhỏ tuổi, dễ dàng bị giật dây bởi kẻ khác và cậu ta cũng không vì quá ham mê sức mạnh mà lu mờ ý chí, vẫn muốn được tự mình rèn luyện để trở nên mạnh mẽ, đó là 1 một khía cạnh đáng khen ngợi của cậu.

Bên cạnh đó thì bộ anime cũng thiết lập mối quan hệ đầy cảm động giữa 2 nhân vật chính Bojji và Kage bởi vì sự cùng chung cảnh ngộ với nhau như là điểm tựa thiết yếu trong cuộc hành trình, “đi để trưởng thành” của Bojji cũng như chứng tỏ giá trị của cậu là hoàn toàn trái ngược với 1 người vô dụng.

Tôi nghĩ thông điệp của bộ anime là 1 bài học đầy sâu sắc đến những người tàn tật làm thế nào để họ tự tin hơn trong cuộc sống? Như Albert Einstein đã từng nói: “Nếu bạn đánh giá 1 con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”, thì Bojji rõ ràng là có tài năng thế nhưng cậu luôn bị đánh giá theo những tiêu chí bằng sức mạnh mà mình không thể nào theo nổi. Ta thấy rằng 1 hoàng tử bị câm điếc vô dụng như thứ bị bỏ đi và bị người ta cười chê vẫn có thể tìm thấy người đồng cảm, hiểu mình và làm bạn với mình thì tôi nghĩ đó cũng là một niềm động lực cho những người phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ trong cuộc sống tìm được tình thân thương.

Ngoài ra, tôi cũng phải có lời khen dành cho chất lượng sản xuất của Wit studio, studio này phải nói là “quá chất” trong vài năm trở lại đây. Sau tác phẩm Vinland saga, có thể nói là bộ anime không phải phần tiếp theo hay nhất trong năm 2019 và là 1 trong những chuyển thể seinen manga tốt nhất, thì họ lại tiếp tục cho ra những tác phẩm đầy chất lượng như Great pretender và Ousama ranking trong năm nay. Nếu tiếp tục như vậy thì Wit studio có thể trở thành 1 trong những studio yêu thích nhất của tôi, và cũng khiến cho tôi rất mong chờ những tác phẩm trong năm mới 2022 của họ như là Spy x family, The girl from the Other Side và “siêu dự án” Bubble của những cái tên đầy nổi tiếng.

🏅 Các giải danh dự ở hạng mục này: Mushoku Tensei, Tatoeba Last Dungeon.

[Nói về Tatoeba Last Dungeon] Bộ anime này đáng lẽ nên để ở hạng mục Comedy, nhưng mà do tôi không tham gia viết hạng mục đó nên là để tạm ở đây. “Danh sách của tôi thì luật của tôi” vậy. :v

Tác phẩm này nếu mà mô tả thì chỉ cần nói là “One punch man của thể loại fantasy thường thấy” khi mà nó parody vào trope “main bá, tốt bụng” quá đổi quen thuộc với chúng ta. Nhìn chung là 1 bộ hài hước giải trí khá tốt với phần art cũng dễ thương. Thế nhưng mà cũng vướng phải nhân vật phiền toái như là cô nàng yandere trở thành 1 nhân vật buồn chán sau 1 tập. Công bằng 1 nói những kiểu nhân vật 1 chiều như vậy khó để mà khiến joke của họ còn vui được bởi vì sự lặp đi lặp lại.

Cho nên nếu bạn thấy “main bá” buồn chán thì có thể xem bộ này để cười vào mặt họ.

🏆 v4v đề cử Mushoku Tensei.

Đây là hạng mục khó để quyết định vì cả 2 bộ (MT và Ousama) đều hoàn toàn xứng đáng nhận giải đề cử. Nhưng nếu chỉ chọn một thì mình sẽ chọn Mushoku Tensei. Một phần có lẽ do mình hơi thiên vị, đơn giản vì MT là tác phẩm mình đã chờ rất nhiều năm cho một bản chuyển thể chất lượng, và studio Bind đã không làm mình thất vọng. Nếu nói về yếu tố tưởng tượng thì mình cho rằng MT có phần nhỉnh hơn, từ xây dựng thế giới cho đến công sức đội ngũ đổ dồn vào để thực hiện tác phẩm, thậm chí họ còn không ngại “đi thêm bước nữa” để phác họa nên sự muôn màu trong một thế giới giả tưởng.

Mình đánh giá cao phong cách hiện thực trong Mushoku Tensei. “Giả tưởng” mà sao lại cần tính hiện thực? Theo mình, cả 2 bổ trợ tốt cho nhau, nếu Ousama Ranking làm người xem bất ngờ khi một animator học thêm ngôn ngữ ký hiệu tay để có thể hoạt họa những đoạn đối thoại giữa Bojji và các nhân vật khác, thì đội ngũ thực hiện Mushoku Tensei đã sáng chế ra hẳn một hệ thống ngôn ngữ riêng dành cho loài quỷ. Chính cái sự “chân thật” này nó làm cho những gì xuất hiện trong một thế giới giả tưởng “đáng tin” hơn. Nói một cách khác, các yếu tố “chân thật” sẽ dễ giúp người xem chìm đắm hơn vào thế giới giả tưởng được phác họa.

Tất nhiên, chất art với đường nét đơn giản của Ousama Ranking cũng mang những dấu ấn riêng. Nhưng Mushoku Tensei đã luôn làm mình trầm trồ bởi sự đa dạng về gần như mọi mặt xuyên suốt chuyến hành trình của nhóm DE qua các lục địa: đấy là ngôi làng rất im ắng của dân Migurd, khi người dân giao tiếp bằng thần giao cách cảm, hay lối kiến trúc sa mạc Trung Đông chân thật với những tòa nhà bằng phẳng xếp cạnh nhau, cho đến cả một hệ sinh thái màu mỡ ở khu rừng nguyên sinh khổng lồ tọa lạc ngôi nhà của nhóm người thú sinh sống, rồi hình ảnh của những ngôi đền hùng vĩ ở Thánh Quốc, cả những nét dung hợp trong lối kiến trúc mang nét văn hóa từ các nước Đông Nam Á mà bạn có thể nhìn thấy ở vương quốc Shirone.

Thậm chí, bạn có thể dễ dàng nhận ra Mushoku Tensei là số ít các anime không có thước phim OP, studio Bind đã hoàn toàn tận dụng khoảng thời gian đầu mỗi tập chỉ để phác họa thêm về thế giới tác phẩm, có những khung cảnh nền rất hoành tráng, đầy sự sáng tạo mà chỉ xuất hiện có đúng vài giây lướt qua! Chưa kể đến những chi tiết nhỏ nhặt và thú vị xuyên suốt tác phẩm được đội ngũ thực hiện tinh tế lồng ghép vào – như lần đầu khi Rudy đến ngôi làng Migurd, cậu nhìn thấy một chị ôm bụng bầu. 2 năm sau, Roxy quay trở về thì chị này đã ẵm em bé trong tay chẳng hạn. Chính công sức và những nỗ lực để đi thêm bước nữa từ studio Bind, theo mình, đã giúp Mushoku Tensei vượt qua Ousama Ranking trong hạng mục này.

Đây là giải phải nói là rất sít sao, dù gì đi nữa, Ousama Ranking thậm chí còn chưa kết thúc cour đầu, thời lượng ít hơn hẳn Mushoku Tensei đến một nửa mà đã làm mình phải đắn đo suy nghĩ, thì cũng đã thành công lắm rồi!

🏅 Các giải danh dự ở hạng mục này: Ousama Ranking.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button